Từ tìm hiểu ý nghĩa của việc học đến sự cần thiết của ngành tâm lý - giáo dục

Thứ Năm, 14/03/2019, 11:34
Tác giả có ý tưởng viết bài này trong quá trình nghiên cứu “3 ý nghĩa của việc học” và tác động của nó lên đối tượng là sinh viên Việt Nam đi du học.

Công trình dự kiến sẽ được Tạp chí Asia Pacific Education Researcher công bố trong quý tới. Một trong những kết quả thú vị của nghiên cứu này là việc, ý nghĩa thực dụng (giá trị của bằng cấp) không có ảnh hưởng đáng kể lên ý định giới thiệu về trường/nước đang học với bạn bè/người thân để đi du học. 

Điều này, phần nào không phản ánh cảm nhận chung, cho rằng, người Việt luôn đề cao giá trị của bằng cấp, hay đi học chỉ vì tấm bằng.

Khi làm chương trình công nghệ giáo dục, GS. Hồ Ngọc Đại treo một khẩu ngữ rất dễ hiểu và dễ nhớ: “đi học là hạnh phúc”. Với GS Đại, “mỗi ngày đi học” phải là “một ngày vui”. Trẻ đi học không vui thì người thầy được xem là thất bại.

Cách tiếp cận về ý nghĩa việc học kể trên của GS. Đại rõ ràng là không giống với nhiều cách tiếp cận khác ra đời trước và sau công nghệ giáo dục (công nghệ giáo dục ra đời những năm 1980).

Ví dụ, nếu bạn bước chân vào khuôn viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay rất nhiều khuôn viên trường học các cấp trong cả nước, bạn có thể sẽ thấy một tảng đá to, có khắc hàng chữ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. 

Đây chính là câu nói nổi tiếng của Thân Nhân Trung từ thế kỷ 15 (đời nhà Lê), đã truyền qua nhiều thế hệ và vẫn được nhiều nhà giáo dục ngày nay đồng thuận. Câu nói của Thân Nhân Trung cũng phản ánh một quan niệm kinh điển về ý nghĩa của việc học: “học để trở thành quan, làm việc cho quốc gia”. 

Diễn giải ý “học để làm quan” trong bối cảnh ngày nay, có thể xem rằng, ý nghĩa của việc học là để “kiếm việc làm, phục vụ xã hội và cũng đem lại vinh danh cho mình”. Hay nói rộng hơn, với cách tiếp cận này, ta sẽ quan tâm đến ý nghĩa thực dụng của việc học: học để đạt được một cái gì đó.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: “Mỗi ngày đi học” phải là “một ngày vui”.

UNESCO lâu nay lại đưa ra một tuyên bố với cách tiếp cận khác về ý nghĩa của việc học kể trên: “Học để biết, học để làm, học để chung sống với nhau và học để tồn tại”. Với cách tiếp cận này, UNESCO đi thẳng vào các vấn đề kiến thức, kỹ năng, thái độ kỳ vọng mà người học sẽ đạt được, tức là những giá trị trực tiếp.

Trong 3 cách tiếp cận về ý nghĩa của việc học kể trên, đâu là cách tiếp cận phù hợp? Chúng ta nên chọn cách tiếp cận nào? Cách của GS Đại, cách truyền thống hay cách của UNESCO? Đây đều là những câu hỏi kinh điển mà hằng ngày, hằng giờ, hằng phút... hàng triệu bậc phụ huynh ở Việt Nam đang đau đầu khi nghĩ đến việc học của con cái họ.

Quan sát cá nhân của tôi cho thấy, với mỗi bối cảnh khác nhau thì một cách tiếp cận về ý nghĩa của việc học sẽ được ưu tiên hơn 2 cách tiếp cận còn lại.

Ví dụ, với học sinh các lớp cuối cấp (lớp 9, 12), ưu tiên của các bạn này hẳn nhiên là ý nghĩa thực dụng của việc học: học để thi đỗ (tốt nghiệp THPT, vào cấp 3, vào đại học...).

Với một em bé được cha mẹ đưa đến lớp học vẽ hay học đàn vào mùa hè thì rõ ràng, trong trường hợp này, ý nghĩa vui thích, đam mê sẽ được ưu tiên.

Còn với một bạn sinh viên ngành kế toán, tranh thủ buổi tối đi học thêm một lớp nghiệp vụ (kế toán); hay một sinh viên ngành ngoại thương, đi học một lớp về xuất nhập khẩu, thì rõ ràng, ý nghĩa chuyên môn, kỹ năng, kiến thức sẽ được ưu tiên hơn.

Lý thuyết của các nhà tâm lý - giáo dục học

3 cách tiếp cận về ý nghĩa của việc học kể trên thực ra không phải là điều xa lạ với các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực tâm lý - giáo dục học. Ngay từ những năm 1970-1980 đã có rất nhiều nhà nghiên cứu như Albert Bandura, Mary Wingfield hay Jaquelynne Eccles chỉ ra rằng việc người học cảm nhận về ý nghĩa thế nào của việc học có tác động ra sao đến kết quả, thành tích và động lực học tập. 

Một số công trình tiêu biểu có thể kể đến là: Expectancy–valuetheory of achievement motivation (lý thuyết kỳ vọng - giá trị dựa trên động cơ về kết quả đạt được) hay Motivational Belief, values, and goals (niềm tin, giá trị và mục tiêu dựa trên động cơ).

Trong các nghiên cứu này, các nhà tâm lý - giáo dục sử dụng 3 thuật ngữ là attainment value (tạm dịch là: ý nghĩa thực chất), utility value (ý nghĩa thực dụng) và intrinsic value (ý nghĩa yêu thích) để hàm chỉ 3 ý nghĩa tương ứng đã nêu ở trên:

Hiểu được về 3 cách tiếp cận ý nghĩa này, cũng như các tiền đề tạo ra nó và kết quả, thành tích mà học sinh đạt được có vai trò cực kỳ quan trọng đối với nhà trường và cha mẹ trong việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đúng lúc, kịp thời và phù hợp.

Những năm gần đây, một số nghiên cứu còn đi xa hơn trong việc khảo sát về mối quan hệ của ý nghĩa của việc học với mong muốn ý định tiếp tục học tiếp của người học trên nền tảng cảm nhận về ý nghĩa về việc học. 

Ví dụ, một nghiên cứu của 2 tác giả Đài Loan cho thấy, với sinh viên theo học e-learning, ý nghĩa yêu thích (intrinsic value) có vai trò quan trọng nhất, theo sau đó là ý nghĩa thực dụng (utility value) và ý nghĩa thực chất (attainment value) đối với việc người này quyết định học tiếp hay không. 

Nghiên cứu này được tiến hành vào năm 2008, là thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng với giáo dục Đài Loan, khi mà cùng với sự phát triển của internet, mô hình học e-learning ra đời nhưng vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của người học (mô hình truyền thống vẫn được ưu tiên hơn). 

Những nghiên cứu như thế này rõ ràng đóng vai trò quan trọng, giúp các nhà quản lý điều chỉnh lại chính sách, cách làm để e-learning trở nên hấp dẫn, thu hút được nhiều người học hơn.

PsyHub, một nhóm phần đông là các cựu sinh viên Khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội, đã tổ chức những hội thảo/chuyên đề rất thiết thực.

Sự thiếu vắng các nghiên cứu về chủ đề tâm lý - giáo dục

Xây dựng chính sách cấp vĩ mô (nhà nước) hay vi mô (cấp đơn vị) dựa trên nền tảng của các nghiên cứu khoa học là điều không phải bàn cãi. Trong các nghiên cứu thì các nghiên cứu đạt các chuẩn quốc tế (thuộc danh mục ISI) luôn được đánh giá cao nhất. 

Dữ liệu mà chúng tôi trích xuất được từ ISI cho thấy trong gần 20 năm qua, đóng góp của người Việt cho các nghiên cứu giáo dục đạt chuẩn ISI là cực kỳ khiêm tốn. Tổng cộng từ 1988-2018, số bài báo về giáo dục có ít nhất 1 tác giả đến từ Việt Nam chỉ là 260, chiếm 0.6% tổng số bài của Việt Nam trong cùng giai đoạn.

Và nếu nhìn kỹ hơn vào 260 bài kể trên thì đáng buồn là phần lớn các nghiên cứu tập trung vào các chủ đề quản lý giáo dục, giáo dục đại học, phương pháp dạy và học... Các công bố khai thác các vấn đề tâm lý trong giáo dục chỉ có 11 bài. 

Ngược lại, một tín hiệu vui hơn là nếu nhìn từ thực tiễn, ta lại thấy tâm lý - giáo dục đang ngày càng trở nên quen thuộc. Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay đã yêu cầu tất cả các trường phổ thông đều phải có một bộ phận/phòng tâm lý học đường chuyên trách các vấn đề tâm lý trong việc dạy - học. 

Từ phía xã hội, thị trường, hằng tuần/tháng, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp các chương trình/hội thảo do nhiều nhóm khác nhau, phục vụ nhu cầu của hàng triệu gia đình. 

Tiêu biểu, có thể kể đến là PsyHub, một nhóm phần đông là các cựu sinh viên Khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội, định kỳ đều đặn trong một năm qua tổ chức những hội thảo/chuyên đề với chủ đề rất thiết thực như “Giáo dục không trừng phạt”, “Học tâm lý từ truyện thần thoại” hay “Sự hình thành cấu trúc tâm lý ở trẻ em”.

Năm 2018 vừa qua có thể xem là một năm “hạn” của giáo dục với quá nhiều scandal, vấn đề diễn ra từ lạm phát giáo sư, cho đến gian lận thi cử, hay bạo lực học đường... Đổi mới giáo dục có lẽ là một trong những yêu cầu, mong mỏi lớn nhất của xã hội. 

Trong bối cảnh đó, rõ ràng việc cần thiết có những nghiên cứu bài bản, đặc biệt về chủ đề tâm lý - giáo dục phải được xem là nền tảng không thể thiếu cho tiến trình đổi mới.

Phạm Hiệp
.
.