Tự sự của một bệnh nhân chạy thận

Thứ Hai, 13/04/2020, 07:59
Vừa bước vào tuổi 20, tôi nhận một “bản án tử hình” căn bệnh quái ác hung hiểm không thể ngờ. Cha mẹ tôi suy sụp: Thằng bé đang khỏe mạnh sao lại bị suy thận? Cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng thì tiền đâu mà chữa trị đây?

Tôi sinh ra tại làng quê nghèo thôn Vu Chu, xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội. Đất nước thống nhất được một năm, năm 1976, sau khi cha ở chiến trường về, mẹ sinh tôi là con trưởng, sau đó sinh thêm 3 người con gồm 2 gái và 1 trai. Năm 20 tuổi, tôi làm công nhân thi công con đường cao tốc Láng - Hòa Lạc giai đoạn 1 thì sau bữa cơm trưa, đột nhiên cơn đau đầu như búa bổ khiến tôi đứng không vững, mắt cũng mờ đi.

Do giai đoạn làm đường đang gấp rút nghiệm thu nên tôi vẫn cố gắng đi làm buổi chiều hôm đấy nhưng bệnh tình trở nặng, huyết áp tăng vọt, đầu đau như bị chích ngàn mũi kim, cha mẹ đưa tôi lên Bệnh viện Bạch Mai. Khi cô y tá lấy máu xét nghiệm xong cũng là lúc tôi lả đi, ngất lịm. Một lúc sau mơ màng tỉnh dậy, tôi thấy một bác sĩ chạy ra nói với cha mẹ tôi: “Các bác ơi, em nó bị nặng đấy, chỉ số quá cao như thế này, uống thuốc không ăn thua, sao gia đình không cho em nó chạy thận sớm?”.

Vừa bước vào tuổi 20, tôi nhận một “bản án tử hình” căn bệnh quái ác hung hiểm không thể ngờ. Cha mẹ tôi suy sụp: Thằng bé đang khỏe mạnh sao lại bị suy thận? Cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng thì tiền đâu mà chữa trị đây? Cha mẹ đưa tôi về nhà, quãng đường ấy sao buồn và tan nát đến vậy! Tôi như người vô hồn. Tương lai của tôi sẽ ra sao? Liệu tôi có chết không? Bao giờ tôi sẽ chết? Những câu hỏi như vậy cứ lởn vởn trong đầu tôi, suốt cả ngày hôm đấy và những ngày tháng sau này.

Giấy khen về thành tích bảo vệ an ninh trật tự khu phố và giấy chứng nhận nhiễm chất độc da cam của anh Mai Anh Tuấn.

Nhưng, cha mẹ tôi đã làm mọi cách để tôi yên tâm chữa bệnh. Khoản tiền nhỏ cha mẹ tôi tích cóp phòng khi trái nắng trở trời, giờ mang hết ra để thuốc thang cho tôi. Chưa đầy 3 tháng sau, số tiền đấy cũng hết, mẹ tôi gom những thứ gì có thể bán được, từ mảnh đất, buồng chuối, con tôm, con tép mà mẹ đã dậy sớm ra ao mò bắt gom góp tiền đưa cho tôi...

Tôi nhập viện, thuê nhà trọ ngay gần bệnh viện cho tiện việc đi lại. Ngày đó, nơi đây dân cư thưa thớt, vắng bóng người qua lại. Lần đầu tiên xa nhà lại là lần đi chữa bệnh, tôi buồn đến nao người.

Nhập viện khoảng 4 tháng thì tôi nhận được một tin dữ. Em trai duy nhất của tôi khi đấy mới 17 tuổi cũng bị cơn đau đầu triệu chứng hệt như tôi. Cha mẹ đưa em tôi xuống bệnh viện khám, bác sĩ kết luận suy thận. Trong một thời gian ngắn, lần lượt hai cậu con trai đang ở tuổi sung sức, khỏe mạnh nhất của cuộc đời vướng vào căn bệnh quái ác, cha mẹ tôi thực sự suy sụp. Không khí gia đình đặc quánh mùi ảm đạm, tang thương.

Khi đấy, gia cảnh bần hàn khó khăn cùng cực, cha mẹ tôi dù có xoay xở thế nào cũng chỉ có đủ tiền chạy thận cho một người con, còn một người chỉ được uống thuốc. Thấy tôi là con trưởng, bệnh tình lại nặng hơn nên cha mẹ đã quyết định dồn toàn bộ tiền để chạy thận cho tôi, còn em trai tôi thì chỉ hằng  tháng lên bệnh viện nhận thuốc về uống.

Lúc ấy hoàn toàn chưa có bảo hiểm y tế. 5 năm sau, năm 2001 mới có chế độ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo. Năm 2002 là năm mới có chính sách đầu tiên rà soát người bị nhiễm chất độc da cam và có chế độ cho các nạn nhân nhiễm chất độc hóa học dioxin. Năm 2002, cả gia đình tôi lần lượt đi giám định. Bác sĩ kết luận cha tôi đi chiến trường bị nhiễm chất độc dioxin và cả hai cậu con trai của ông bị ảnh hưởng chất độc này từ người cha. Gia đình vừa mừng lại vừa lo lắng, mừng vì từ nay sẽ có chế độ của Nhà nước hỗ trợ cho những nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Buồn vì liệu đời con, đời cháu, thậm chí đời chắt còn có ai bị ảnh hưởng bởi chất độc này nữa không?

Những suy nghĩ tiêu cực đó cứ đeo nặng gia đình tôi. Nhưng, chúng tôi phải dẹp suy nghĩ đó sang một bên để tiếp tục lao động và sống. Để có tiền thêm thắt chữa trị, tôi đi làm nhiều nghề từ bán nước vỉa hè, chạy xe ôm, đi nhặt ve chai...

Đã bao nhiêu năm nay, tôi không bao giờ quên được nỗi buồn nhất, ám ảnh trong cuộc đời. Đó là dịp cuối năm Ất Dậu - 2005, cha tôi phải lên Hà Nội cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai vì suy thận. Những ngày giáp tết năm đó buồn thê lương. Cả 3 người đàn ông trong nhà đều bị suy thận. Em tôi dang điều trị nội trú trong Bệnh viện Bạch Mai, bệnh tình trở nặng nhưng chưa điều trị chạy thận qua phương pháp lọc máy.

Ngày 28 tết, tôi giục em trai về quê xem nhà cửa tết nhất thế nào, em tôi nhận thuốc của bệnh viện rồi bắt xe đò về quê. Năm đó, quả là buồn, cha tôi thì nằm ăn tết trong Bệnh viện Bạch Mai cùng em gái tôi cũng bị bệnh viêm cầu thận. Tôi thì cùng vợ và cậu con trai nhỏ ở trong xóm trọ. Em trai tôi về quê, bệnh tình ngày một nặng. Qua đêm giao thừa, đến sáng mồng 1, mẹ tôi vào phòng thấy em trai khó thở, mẹ cho em uống thuốc nhưng bệnh tình chẳng đỡ.

Đợi sang ngày mồng 3 tết, em quá mệt, không đừng được, mẹ đưa em xuống Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ngày nghỉ tết, bệnh viện vắng ngắt. Đợi đến mồng 6 tết, bệnh tình của em tôi ngày càng trở nên trầm trọng. Em tôi đã mệt lắm, thậm chí chẳng đủ sức để nói, hơi thở mong manh tựa như làn khói nhạt. Bác sĩ quyết định chuyển em tôi lên tuyến Trung ương, trên đường đi cấp cứu, em tôi phải thở ôxy.

Xe cấp cứu đưa em tôi đến Bệnh viện Bạch Mai, do bệnh tình quá nặng không còn đủ sức chống chọi, chỉ một tiếng sau, em mất, không kịp trăng trối lại câu nào. Tôi dìu cha và em gái ngậm ngùi nhìn em mất trong sự tang thương của ngày đầu xuân năm mới. 4 năm sau ngày em trai vĩnh viễn ra đi, năm 2010 bố tôi cũng mất vì căn bệnh tai ác này.

Vợ chồng anh Mai Anh Tuấn trong căn nhà nhỏ 15m vuông tại xóm chạy thận.

Vợ tôi là người cùng quê, dù biết bệnh tình của tôi, dù cha mẹ cô ấy ngăn cản nhưng vợ tôi vẫn quyết lấy tôi và sinh cho tôi một cậu con trai. Con trai tôi là niềm động viên lớn để vợ chồng tôi vượt qua mọi khó khăn. Cháu ngoan và học giỏi. Hơn chục năm nay, tôi làm tổ trưởng xóm chạy thận, lại kiêm luôn làm công tác bảo vệ dân phố. Vợ tôi nấu ăn nhì nhằng ở các quán ăn, tuy kinh tế đạm bạc nhưng gia đình hạnh phúc.

Hằng ngày, nếu không phải đi chạy thận, tôi lại bận rộn với công việc tổ trưởng xóm, đại diện tiếp đón các ban ngành, những nhóm thiện nguyện đến thăm mọi người. Tối tối, tôi thăm hỏi, kiểm tra đảm bảo an ninh của xóm, hỏi tình hình bệnh tình của mọi người. Sau tết Nguyên đán năm nay, tai họa không báo trước bỗng dưng ập đến. Bắt đầu từ trung tâm Vũ Hán, Trung Quốc, COVID-19 lan nhanh ra toàn cầu. Tại xóm trọ của những bệnh nhân chạy thận có bao người mất việc làm từ hàng tháng nay. Anh Hoàng Tuấn không còn chạy xe ôm. Bác Trần Văn Tăng và em Vương Thị Xuyến không còn đi bán nước. Nguyễn Văn Hùng không còn ship hàng. Phùng Thị Nhiệu, Mai Thị Như Nguyện không còn đi bán hàng ăn...

Vậy mà, 130 con người trong xóm nhỏ này vẫn phải sống, phải sinh hoạt, phải thuốc men chạy chữa. Nỗi lo lắng đè nặng lên chúng tôi vì bệnh dịch, bởi với những người có bệnh lí nền như chúng tôi, khi nhiễm bệnh thì rất khó  phục hồi... Nỗi lo lắng, phấp phỏng khi Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa. Nhưng, thật may mắn, Chính phủ có quyết sách rất nhân đạo. Ngày 30 tháng 3, có một lối đi riêng để bệnh nhân chạy thận chúng tôi vào Khoa Thận nhân tạo trong bệnh viện. Ở lối đi này, mỗi người chúng tôi giãn cách nhau hơn 1 m. Cùng ngày hôm đấy, hơn 500 bệnh nhân chạy thận nhân tạo được lấy máu xét nghiệm với COVID-19. Thật may, tất cả cho ra kết quả âm tính.

Trong thời gian này, chúng tôi ý thức tối đa việc giữ sức khỏe cho mình và cộng đồng, hạn chế tối đa việc đi lại. Quận Hai Bà Trưng cũng kịp thời hỗ trợ mỗi người 10kg gạo và mỗi gia đình 1 triệu đồng. Quận cũng ký hợp đồng với siêu thị cung cấp hàng hóa thiết yếu 2 ngày một lần cho xóm chạy thận.

Từ đáy lòng, chúng tôi - những bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ và đội ngũ bác sĩ, y sĩ, lực lượng vũ trang, bộ đội, công an, những người không quản ngại thân mình, ngày đêm gìn giữ sự bình yên và sức khỏe của nhân dân nói chung và những người nghèo ở xóm chạy thận này nói riêng.

* Ghi theo lời kể của bệnh nhân chạy thận Mai Anh Tuấn.

Trần Mỹ Hiền
.
.