Từ lá đơn từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải đến những dấu hỏi trong công tác cán bộ

Thứ Năm, 13/06/2019, 17:07
Sáng 4-6, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Đoàn Ngọc Hải làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng một thành viên Sài Gòn. 

Theo giải thích của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch TP Hồ Chí Minh, chức vụ này có mức lương tương đương Phó giám đốc Sở. Như vậy, ông Đoàn Ngọc Hải được bổ nhiệm vào vị trí không hề thấp hơn vị trí Phó Chủ tịch Quận 1 mà ông đảm nhiệm trước đó. 

Nhưng nhận quyết định buổi sáng, ngay buổi chiều, ông Hải đã lập tức gửi đơn đến Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh xin từ chức và xin nghỉ hưu sớm 10 năm. Nhìn khuôn mặt buồn thiu, đầy ưu tư của ông khi nhận quyết định, tôi tin lần này nguyện vọng của ông là thành thật và... đúng đắn.

Nói thành thật, bởi trước đó ông Đoàn Ngọc Hải đã từng hơn một lần nộp đơn xin từ chức rồi rút lại. Người ta dễ nghĩ là lần này ông lại... dỗi. Không chừng mai mốt, ông lại xin được làm, nếu Thành ủy chấp nhận cho nghỉ thật. Còn nói đúng đắn là vì ông Hải, với sự nổi  đình nổi đám trên truyền thông, đã chứng tỏ thích hợp với việc chỉ huy đập phá, giải tỏa hơn là lãnh đạo xây dựng. 

Trong đơn xin từ chức, ông Đoàn Ngọc Hải - có chuyên môn tài chính kế toán - trình bày rằng ông nhận thấy bản thân không có trình độ chuyên môn về ngành xây dựng, không phù hợp với năng lực, sở trường chuyên môn được đào tạo. 

"Nếu tôi miễn cưỡng nhận nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết thì có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng do không có chuyên môn, điều đó sẽ làm tổn thương đến uy tín của Đảng, tiền bạc và tài sản của nhân dân nên tôi từ chức".

Lần trước ông từ chức, nhiều người đã khen ông khảng khái, tự trọng. Bởi trước đó, ông đã tuyên bố "nếu không làm được việc sẽ cởi áo từ quan". 

Nhưng là dư luận đã khen nhầm, vì ngay lập tức đơn từ chức đã bị ông... giật lại. Lần này thì có lẽ không nhầm. Thật ra ông Hải cũng chẳng còn lựa chọn khác khả dĩ. Đơn vị mới mà ông được điều về làm phó tổng giám đốc đang ở trong tình trạng không mấy sáng sủa, thậm chí mang không ít vấn đề bị xem là "có nguy cơ". 

Ông Đoàn Ngọc Hải vừa nhận quyết định, dư luận đã nghĩ ngay đến cảnh không lâu nữa tên ông lại có thể thêm một lần nổi đình nổi đám. Lý do tất nhiên sẽ không phải là vì thành tích hay thành công. 

Ông Đoàn Ngọc Hải.

Có lẽ ông Hải tự lượng sẽ không đủ sức giải quyết những tồn đọng cũ ở đơn vị mới, bản thân cũng khó có khả năng tạo ra một cơ hội phát triển sáng sủa hơn cho nó. Đó là chưa kể, có thể ông còn lo lắng bản thân cũng sẽ bị buộc chịu chung với những vấn đề nan giải. Dư luận biết và dường như ông cũng biết...

Từ vụ ông Đoàn Ngọc Hải, có lẽ cần phải suy nghĩ nghiêm túc về việc phân nhiệm, điều chuyển công tác và nhất là chính sách luân chuyển cán bộ hiện nay. Bám vào cái phao "chấp hành sự phân công của tổ chức", chuyện cán bộ các cấp ngồi sai chỗ, nhầm chỗ đã trở thành phổ biến. Nhẹ, hậu quả của nó là rất nhiều công chức có chức vụ nhưng không có việc làm, cũng chẳng có năng lực để làm. 

Công việc chiếu lệ, đình trệ, hiệu quả kém. Nặng, hàng loạt quyết sách sai lầm, trái luật được nóng vội tung ra, không chừng sẽ phá nát đơn vị, cơ sở. Tệ hơn nữa, nếu sự điều chuyển được bắt đầu "có chi phí", cán bộ được điều chuyển sẽ sớm lao vào việc thu hồi "vốn" và tìm "giá trị gia tăng" bằng đủ cách đủ trò. Đó chính là một đầu dây mối nhợ dẫn đến tệ tham ô, tham nhũng.

Chuyện này có quá nhiều dẫn chứng, nhất là trong giai đoạn Đảng và Nhà nước đang cương quyết "đốt lò" chống tham nhũng, chống sai phạm do lạm quyền, lợi dụng chức vụ. 

Nếu bị lộ, phải trả giá, những lời tự bào chữa cuối cùng thường nghe: "Do bản thân yếu kém, không hiểu pháp luật...". Kẻ phạm tội sẽ xin nghiêm túc rút kinh nghiệm, xin khoan hồng trong khi địa phương, cơ sở, xã hội, quốc gia tan nát hết.

Không phải cán bộ công chức nào cũng biết, cũng hiểu điều đó để có thể từ chối, dám từ chối sự điều chuyển theo chiều thăng tiến. Ông Nguyễn Sự Hội An, như tôi biết, là trường hợp khá hiếm. 

Chẵn 20 năm luân phiên làm Chủ tịch rồi Bí thư Hội An, ông Sự hầu như không bị người dân ta thán hay phật ý trong khi lời khen, sự cảm phục thì nhiều. Vậy sao không lên vị trí cao hơn, 4 nhiệm kỳ ở mãi cùng một chỗ?

Ông Sự trả lời: "Tầm của tôi có thể làm tốt ở một địa phương cỡ Hội An, nhưng lên nữa có khi lại ngang... phá hoại. Ở địa phương, tôi vừa làm vừa học, miệng nói nhưng tai lắng nghe, mắt tìm kiếm, có sai thì nhận lỗi mà sửa. Lên tỉnh, chưa kịp sửa, sai lầm đã thành đại họa, biết lấy gì mà sửa. Tôi không được học hành, đào tạo nhiều, hoạt động thực tiễn thì được, đụng chạm tầm lớn hơn, vĩ mô tôi không đủ sức. Tri túc tiện túc, chính tôi phải tự biết, từ chối trước".

Một trong những chính sách lớn, tích cực về công tác tổ chức của Đảng nữa là chính sách luân chuyển cán bộ. Nó tạo điều kiện để cán bộ nguồn có cơ hội cọ xát, nắm bắt thực tiễn, chuẩn bị cho sự trưởng thành về kinh nghiệm lãnh đạo để phục vụ lâu dài. 

Nó tránh tạo ra bè cánh, chống lợi ích nhóm, dễ dẫn đến lộng quyền, cục bộ địa phương nếu đặt cán bộ lãnh đạo ngồi lâu ở một vị trí. Nó cũng tạo ra cơ hội cho sự đổi mới và phát triển, cho cả địa phương, cơ sở lẫn cá nhân được giao phó trách nhiệm.

Tuy nhiên, điểm bất cập cũng không ít. Cán bộ được luân chuyển khó tránh khỏi tâm lý công việc, vị trí được giao chỉ là bộ đệm, là tạm thời. Họ thường làm việc cầm chừng, dĩ hòa vi quý, khó tạo ra bước đột phá đáng kể nào. Luân chuyển thường theo nhiệm kỳ, đến một nơi không gắn bó trước. 

Thời gian đầu nhiệm kỳ, cán bộ chỉ lo chào hỏi, làm quen, học việc, nắm bắt tình hình, thăm dò các khả năng, điều kiện... 1/3 thời gian tiếp theo quá ngắn, không đủ để triển khai một chương trình cải cách phát triển kinh tế, một chính sách xã hội đột phá dài hơi. 

Đã thiếu gắn bó thì nhiệt tình, say mê đóng góp, tạo đột phá cũng không cao. Mà có triển khai, người ta cũng sẽ nghĩ thành quả sẽ chỉ người sau hưởng, bản thân không được gì, lỡ không thành công hay sai lầm thì lãnh đủ, không khéo còn chôn luôn sự nghiệp nơi "vùng đệm". 

Phần cuối thời gian còn lại, cán bộ luân chuyển khó tránh ý thức "thủ thân", hòa bình chủ nghĩa, cốt tử là đừng để phạm bất kỳ sai lầm nào. Cơ hội phát triển của địa phương, cơ sở phần nào bị bỏ lỡ.

Tất nhiên vẫn không ít cán bộ được luân chuyển có tư duy tích cực hơn. Họ sẽ tận dụng cơ hội luân chuyển như dịp để tự thể hiện năng lực, để lại dấu ấn của bản thân. Cán bộ luân chuyển thường được đưa về những nơi mà trước đó đã từng có khủng hoảng lớn trong tổ chức nhân sự, những nơi khó khăn. 

Người đến sau tất nhiên biết rõ điều đó nên có thể sẽ "giương hết cỡ" để mong sớm tạo ra dấu ấn thay đổi, nhất là dấu ấn trong nhân tâm. Họ sẽ mất không ít thời gian, công sức, tâm huyết để khắc phục những tồn tại, yếu kém còn tồn đọng. 

Để tỏ rõ quyết tâm chống lợi ích nhóm, bè cánh, cao hơn nữa là chống nguy cơ tư bản thân hữu, họ sẽ không ngần ngại phất ngọn cờ dân túy mà không chừng, chính bản thân sẽ có lúc phải giãy giụa, ngộp thở trong vũng lầy dân túy mà chính họ từng muốn sớm tạo ra. Nôn nóng cũng dễ dẫn đến sai lầm.

Được phân công, không nhận thì coi chừng sẽ bị xem là yếu kém về ý thức tổ chức. Nhận, nếu không phù hợp năng lực, không đủ khả năng e khó tránh sai lầm. Gặp trường hợp đó, nhận hay không, với một số người hãnh tiến, đường thăng tiến coi như chỉ là một "hàm số bị chặn".

Luân chuyển, bổ nhiệm với người này là vòng nguyệt quế, với người khác có thể là vòng kim cô, nhẹ nhất cũng là mất đất dụng võ, mất cơ hội chứng tỏ năng lực sở trường. Đây có lẽ là lý do chính để Phó giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang Nguyễn Thành Nhơn kiên quyết không nhận quyết định điều động về Hội chữ thập đỏ tỉnh để chờ được bầu làm Phó Chủ tịch Hội. Sự việc cũng vừa mới diễn ra đầu tháng 6, đến hôm nay vẫn chưa ngã ngũ.

Và bây giờ thì đến lượt "người đương thời" Đoàn Ngọc Hải. Rất có thể, ông Hải đã nhìn vị trí phó tổng giám đốc "không phù hợp" ấy một tương lai không sáng sủa gì. Viết đơn xin từ chức và về hưu sớm, ít ra, ông còn tránh được sai lầm, thị phi có thể xảy ra mà không đoán trước được.

Nếu đó là nguyện vọng thành thật, tôi chúc ông sớm toại nguyện.

Nguyễn Hồng Lam
.
.