Từ đỉnh "ảo" đến vực "thật" & chuyện xây dựng những chuẩn giá trị xã hội

Thứ Hai, 05/08/2019, 17:00
Những chuẩn giá trị của một xã hội được kiến tạo bởi thể chế, chính sách của một xã hội, cái đó rõ rồi. Nhưng chuẩn giá trị của một xã hội còn được tạo nên bởi ý thức và sự giác ngộ của mỗi một cá nhân.


Kính gửi Toà soạn báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng!

Tôi muốn bắt đầu bức thư của mình bằng tiêu đề một bài báo: "Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang rơi vào top có điểm trung bình thấp nhất" trên báo Tuổi trẻ TP HCM, số ra ngày 14-7-2019, sau khi điểm thi THPT quốc gia 2019 được công bố. 

Tiêu đề ấy khiến các anh/chị trong toà soạn nghĩ gì? Tiêu đề ấy khiến tất thảy độc giả nghĩ gì? Đấy là một thắc mắc rất lớn của cá nhân tôi. Và trước khi lý giải thắc mắc này tôi xin được nói ngay suy nghĩ của tôi, một suy nghĩ vụt xuất hiện trong đầu tôi ngay lúc ấy: Vậy là các chân giá trị đã được trở về với đúng vị trí của nó rồi!

Theo thông tin của bài báo này, và sau đó tôi kiểm chứng thấy cũng là thông tin của nhiều bài báo khác thì ở kỳ thi THPT năm nay, Sơn La - Hoà Bình - Hà Giang là 3 địa phương có điểm trung bình các môn Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý ở mức đội sổ. 

Ví dụ như môn Toán, điểm trung bình ở Sơn La chỉ là 3,5 điểm, Hà Giang xếp trên một chút với 3,69 điểm, và xếp trên chút nữa là Hoà Bình với 4,14 điểm. Cả ba mức này thậm chí còn dưới mức trung bình môn Toán toàn quốc là 5,64. 

Còn ở môn Văn, điểm trung bình của ba tỉnh này cũng chỉ dao động trong khoảng 3,65 đến 4,64, trong khi điểm trung bình toàn quốc là 5,49.

Ấy thế mà chỉ ngay ở mùa thi năm ngoái, ba tỉnh này lại lọt top đầu toàn quốc về số lượng thí sinh có điểm thi môn Toán từ 9 trở lên, lại ở trong bối cảnh mà đề thi Toán năm ngoái được đánh giá là khó hơn mọi năm rất nhiều. Cũng trong năm ngoái, rất nhiều thí sinh của 3 tỉnh này đã lọt vào danh sách những thí sinh có tổng điểm cao ngất ngưởng là 26-27 điểm.

Như thế có nghĩa là gì? Như thế có nghĩa là chỉ từ năm trước đến năm nay thì một "đỉnh cao" đã bị thay thế bằng một "vực sâu". Thưa toà soạn, trong cuộc đời đôi khi cũng có những sự biến thiên từ "đỉnh cao" xuống "vực sâu" một cách bất thình lình, khiến người trong cuộc phải chấp nhận, và sau tất cả những biến động đó, người ta vẫn nhìn nhận, đánh giá "đỉnh" và "vực" với đúng các giá trị vốn có, tự thân của nó. 

Nhưng vấn đề ở đây là, ngay sau khi cái "đỉnh cao" ở mùa thi năm ngoái xuất hiện, cơ quan điều tra đã vào cuộc và phát hiện rằng nó là một cái đỉnh ảo - một cái đỉnh dối trá - một cái đỉnh được tiếp tay thực hiện bởi những con người không có lòng tự trọng.

Không biết mọi người nghĩ sao, còn với cá nhân tôi, cái hành trình từ "đỉnh" ảo (năm ngoái) đến "vực" thật (năm nay) là một hành trình trả lại cho cuộc đời những giá trị thật của nó. Và theo tôi câu chuyện này không chỉ là câu chuyện thi cử, cũng không chỉ là câu chuyện của ngành giáo dục, mà cần phải được nhìn nhận như một điển hình cho nhiều biến động khác ở cấp độ xã hội. 

Tôi vẫn thấy dư luận nói chung chung rằng trong xã hội chúng ta có đầy rẫy những tiến sĩ "ảo", những giáo sư "ảo", thậm chí cho tôi nói thẳng, cả những quan chức "ảo", vậy thì xã hội có thể làm gì để dẹp tan những cái "ảo" rất đáng sợ này, từ đó thiết lập những giá trị căn cơ, chuẩn mực vốn là cái nền tảng đầu tiên, quan trọng nhất cho mọi sự phát triển?

Chỉ sau 2 kỳ thi, ngành giáo dục đã trả "đỉnh" về "vực", vậy sau bao nhiêu lâu thì xã hội mới có thể thực hiện cái điều tương tự này?

Tôi luôn nghĩ rằng phương Đông cũng như phương Tây, quá khứ cũng như hiện tại, một xã hội tử tế là một xã hội mà các chuẩn giá trị phải được đảm bảo. Và tất cả những thành phần tham gia vào guồng quay của một xã hội, không trừ một ai, phải có ý góp tay thực hiện, kiến tạo điều này. 

Còn nếu chỉ vì một chút lợi ích cá nhân, trước mắt nào đó mà chúng ta thờ ơ, dửng dưng hoặc thỏa hiệp thỏa mãn với những điều này thì cái giá mà các thế hệ con cháu chúng ta phải trả là cực lớn.

Đôi dòng tâm sự, nếu có chỗ nào quá lời mong các anh/chị trong toà soạn bỏ qua. Xin chân thành cảm ơn toà soạn!

Nguyễn Dương Nam (Hà Nội).

Kính gửi độc giả Nguyễn Dương Nam

Thật xúc động khi đọc được những dòng tâm sự mà chúng tôi biết là đầy tâm huyết của độc giả. Trước hết xin được trao đổi thêm về câu chuyện "đỉnh cao" - "vực sâu" ở 2 kỳ thi THPT quốc gia trong 2 năm liên tiếp. Chúng tôi đồng tình với nhận định của độc giả, rằng những cái đỉnh "ảo" sẽ gây họa cho xã hội, và là lực cản ghê gớm cho sự phát triển của một quốc gia. 

Thật lòng, khi viết những dòng hồi đáp này chúng tôi vẫn như nguyên cảm giác căm phẫn của mình khi biết được câu chuyện một thủ khoa ở một trường Sư phạm hoá ra lại là người được nâng tới 14,85 điểm. 

Trong một kỳ thi mà chuyện hơn thua nhau dẫu chỉ 0,5 điểm hoàn toàn có thể làm thay đổi số phận của một con người thì việc nâng khống tới 14,85 điểm cho một thí sinh để biến thí sinh này thành "thủ khoa" là điều khiến tất cả chúng ta đều căm phẫn. Thí sinh này đến từ Hoà Bình, và như chúng ta đều biết, còn nhiều thí sinh khác đến từ Sơn La, Hà Giang cũng được nâng khống - phù phép một cách trơ trẽn y như vậy.

Lúc đấy chúng tôi đã nghĩ đến viễn cảnh: nếu câu chuyện không bị phát lộ, những thí sinh này ngạo nghễ trong trường đại học, rồi ngạo nghễ ra trường, rồi bằng một phương thức/một thói quen nào đó lại ngạo nghễ trở thành ông nọ bà kia thì chắc chắn là cái ảo đã được nhân lên thành cái "siêu ảo". Và một xã hội bị những thứ giá trị "siêu ảo" hoành hành và dẫn dắt chắc chắn là một xã hội bất ổn. 

Rất may các cơ quan điều tra đã vào cuộc kịp thời và những cái "siêu ảo" (ít nhất là trong một mùa thi) đã bị dập từ trứng nước. Một khi các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ như thế, dư luận xã hội phản ứng quyết liệt như thế, ngành giáo dục sửa đổi và kiểm soát chặt chẽ như thế, năm nay mọi chuyện đã khác hẳn rồi. 

Nói theo cách của độc giả là ở kỳ thi năm nay đỉnh "ảo" đã hiện nguyên hình thành vực "thật", chúng tôi chỉ muốn bổ sung thêm rằng: một khi đã nhìn rõ đấy là vực thì cần phải có những chính sách hiệu quả để hôm nay nó là vực nhưng ngày mai không còn là vực nữa. Chúng tôi rất mong độc giả cũng chia sẻ với chúng tôi ở góc nhìn này.

Giờ bàn đến những giá trị "ảo" khác trong xã hội, chúng tôi cũng đồng tình là đâu đó có những tiến sĩ ảo, những giáo sư ảo, những quan chức ảo. Nếu độc giả theo dõi sát diễn biến thời sự đất nước trong những năm trở lại đây hẳn sẽ đồng tình với chúng tôi ở một điểm: rất nhiều quan chức "ảo" đã bị hạ bệ. 

Với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã chứng kiến những quan chức mà hôm qua còn đăng đàn nói những điều thanh cao, đạo đức thì hôm nay đã bị bắt giam vì tội ăn hối lộ hoặc có những sai phạm nghiêm trọng, dẫn đến việc làm thất thoát tài sản công. 

Có nghĩa là, bộ máy của chúng ta ở nhiều cấp độ khác nhau, và bằng nhiều cách khác nhau cũng đã và đang làm tất cả để chiến đấu với cái "ảo", từ đó dần dần trả mọi thứ về đúng những giá trị vốn có/và phải có của nó. Tất nhiên, đấy là một hành trình gian nan, không thể làm một cách triệt để, tận cùng chỉ trong ngày một ngày hai.

Thưa độc giả, trong công cuộc chiến đấu với những giá trị ảo và quyết tâm xây dựng những chuẩn mực giá trị đích thực cho xã hội, chúng tôi nghĩ rằng vai trò và ý thức cá nhân là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi xin đặt ra một tình huống đơn giản để tất cả chúng ta thử suy ngẫm: giả như con cái chúng ta đang cần việc làm, và giả như một cơ quan nào đấy sẵn sàng nhận con cái chúng ta vào làm với điều kiện phải chung chi khoảng 100 - 200 triệu đồng thì chúng ta sẽ ứng xử ra sao? 

Thông thường rất nhiều người chúng ta đều lên án hành vi chạy chọt, lo lót, nhưng trong trường hợp cụ thể, liên quan đến tương lai của chính con cái mình, có bao nhiêu người trong chúng ta có thể làm theo đúng những điều mà thông thường chúng ta vẫn nói? 

"Cả làng đều thế/ Nếu mình không thế thì mình thiệt..." - liệu khi đó chúng ta có tự thuyết phục mình (mà thực chất là tự đánh lừa mình) bằng câu nói "cửa miệng" và rất phổ biến ấy hay không? 

Khi chúng ta đứng trước một mong muốn, và có cơ hội giải quyết mong muốn đó bằng tiền, chúng ta có đủ bản lĩnh để... không dùng tiền hay không? 

Cũng như thế, khi chúng ta đứng trước một lợi ích, dù biết đấy là lợi ích không trong sáng, chúng ta có đủ bản lĩnh để từ chối lợi ích hay không? Như đã nói ngay từ đầu, chúng tôi đưa ra tình huống này không phải để chỉ trích hay lên án ai cả. Chúng tôi đưa ra tình huống này chỉ để tất cả cùng thử đặt mình vào một hoàn cảnh có vấn đề và cùng thử suy ngẫm rồi trả lời xem trong cái hoàn cảnh đó, chính mình sẽ hành xử như thế nào đây?

Những chuẩn giá trị của một xã hội được kiến tạo bởi thể chế, chính sách của một xã hội, cái đó rõ rồi. Nhưng chuẩn giá trị của một xã hội còn được tạo nên bởi ý thức và sự giác ngộ của mỗi một cá nhân.

Xin trân trọng cảm ơn độc giả!

Vương Trọng Tín
.
.