Từ chuyện ngành Toán đứng đầu Asean, nghĩ về chính sách cho khoa học Việt Nam

Thứ Hai, 04/03/2019, 15:43
Ngày 1-1-2019, nhiều cơ quan truyền thông trong nước đồng loạt thông báo về việc ngành toán Việt Nam đã có 4 năm liên tiếp đứng đầu ASEAN, tính theo số lượng công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI (là danh mục thống kê các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới).

Quả là thông tin đáng phấn khởi, nhất là trong bối cảnh giáo dục - khoa học vừa trải qua một năm với nhiều scandal (từ gian lận thi cử, bạo lực học đường cho đến lạm phát giáo sư...). 

Trong rất nhiều lĩnh vực, chúng ta còn đang phấn đấu để bằng được Thái Lan hay Indonesia đã là khó thì ở ngành toán, ta đã vượt xa tất cả các nước trong khu vực trong nhiều năm, kể cả Singapore (nơi có 2 đại học luôn thuộc top 100 thế giới trong 10 năm vừa qua là NUS và NTU).

Mặc dù vậy, với bản thân người viết bài này nói riêng cũng như cộng đồng nhỏ các nhà khoa học ít nhiều có kinh nghiệm hội nhập quốc tế nói chung thì thông tin ngành toán đứng thứ nhất ASEAN kể trên không có gì mới và bất ngờ. 

Từ vài năm nay, chúng tôi vẫn có nhiều cách theo dõi sự phát triển và mức độ hội nhập quốc tế của các ngành khoa học nói chung, trong đó có ngành toán và đã biết thông tin kể trên. Có điều, các thông số này có thể chỉ được lưu truyền trong cộng đồng học thuật tương đối hẹp, chưa thu hút được sự quan tâm của truyền thông mà thôi. 

Giáo sư Lê Văn Thiêm.

Những thống kê mà chúng tôi ghi nhận được từ nguồn dữ liệu Scopus (là một danh mục các tạp chí uy tín khác, bên cạnh ISI) thì ngay từ năm 1996 (tức là cách đây 23 năm), ngành toán của Việt Nam đã đứng thứ 2 ASEAN (chỉ sau Singapore) về sản lượng công bố.

Còn nếu tính theo tỷ lệ % về sản lượng công bố khoa học của ngành toán Việt Nam trên tất cả các ngành vào năm 1996 thì dữ liệu Scopus cho ra con số là 23%. Điều này nghĩa là trong năm 1996, cứ 4 công bố khoa học từ các địa chỉ Việt Nam, lại có 1 công bố là của ngành toán - một con số hẳn sẽ làm ấn tượng nhiều người.

Tôi đưa ra con số từ cách đây hơn 2 thập niên để cho thấy không phải bây giờ ngành toán mới hội nhập quốc tế mà việc này đã diễn ra từ rất lâu. 

Nói cho đúng hơn, ngành toán thực tế chưa bao giờ không hội nhập quốc tế, bởi ngay từ những năm 1950-1970, các nhà toán học Việt Nam mà tiêu biểu là GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy, ngay trong điều kiện đất nước gặp vô vàn khó khăn đã cố gắng hội nhập và có nhiều công trình công bố quốc tế.

Cũng chính thế hệ của GS Thiêm, GS Tụy lại là những người quan trọng nhất trong việc gây dựng Viện Toán học (thành lập đầu những năm 1970) - một trong những đơn vị có vai trò chính trong việc phát triển nền toán học Việt Nam giai đoạn 1970 đến nay.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến các đơn vị truyền thống khác được thành lập từ trước đó như Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Cũng cần lưu ý, cho đến khi Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (do GS Ngô Bảo Châu làm Giám đốc Khoa học) được Chính phủ thành lập cùng với Chương trình trọng điểm toán học quốc gia năm 2011 thì về cơ bản, các chính sách về đầu tư, ưu tiên cho ngành toán không hề có sự khác biệt đáng kể so với các ngành, lĩnh vực khác.

Nói điều này để thấy, trong thành tựu mà ngành toán đã đạt được suốt mấy chục năm qua, nguồn lực đầu tư hay ưu tiên tài chính không phải là yếu tố quan trọng nhất. 

Quan trọng hơn ở đây chính là yếu tố con người mà cụ thể là các nhà khoa học đầu ngành như GS Thiêm, GS Tụy kể trên và các thế hệ sau như GS Hà Huy Khoái, GS Ngô Việt Trung, GS Nguyễn Tự Cường, GS Lê Tuấn Hoa, GS Nguyễn Hữu Dư và nhiều nhà toán học khác.

Theo quan sát cá nhân, vai trò của các nhà khoa học đầu ngành này có thể tóm tắt trong 3 nội dung chính:

Thứ nhất, các nhà toán học này đã làm gương cho các thế hệ sau trong việc không ngừng làm nghiên cứu ở trình độ cao, công bố trên các tạp chí quốc tế. Xin lấy ví dụ về trường hợp GS Hoàng Tụy, người có công trình quốc tế công bố đầu tiên vào năm 1959, cũng là giai đoạn cuối của thời gian làm nghiên cứu sinh phó tiến sỹ (nay là tiến sỹ) của ông.

Công trình mới nhất của ông là vào năm 2017, năm ông đã 90 tuổi - tuổi mà không còn ai ép buộc ông phải làm việc nữa. Với nhiều người ở tuổi này, việc sinh hoạt cá nhân có khi cũng cần sự giúp đỡ của người nhà, chứ đừng nói đến làm khoa học ở trình độ quốc tế như GS Tụy.

Giáo sư Hoàng Tụy.

Giai đoạn 1980-1989 là giai đoạn GS Tụy làm Viện trưởng Viện Toán học, thông thường với người khác, làm viện trưởng sẽ giảm năng suất vì phải san sẻ thời gian cho việc hành chính nhưng GS vẫn công bố đến 33 công trình; tính trung bình mỗi năm 3,3 bài - một sản lượng mà nhiều nhà khoa học trẻ ở độ tuổi sung sức, không vướng bận việc gì khác cũng phải rất cố gắng mới có được.

Công việc thứ hai mà các nhà toán học đầu ngành đã làm được là tìm kiếm các nguồn lực, tạo điều kiện cho các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tiềm năng có cơ hội tiếp cận quốc tế thông qua các chương trình học bổng, trao đổi. 

Ngành toán trong hàng chục năm có thể duy trì được mức độ hội nhập quốc tế cao là bởi các nhà toán học trẻ liên tục có cơ hội cọ xát quốc tế, bên cạnh các học bổng chung theo các chương trình của Nhà nước.

Thứ ba, với tư cách là lãnh đạo của các đơn vị toán học, họ còn tạo ra môi trường làm việc dân chủ, công bằng, thực sự khuyến khích chuyên môn thay vì những yếu tố phi khoa học khác (như tuổi tác, thành phần xuất thân...). Trong khoảng 10 năm gần đây, chúng ta thường xuyên thấy trong ngành toán có những nhà khoa học, tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đã đạt thành tựu và được bổ nhiệm vào các chức danh khoa học rất cao.

Tiêu biểu là trường hợp GS Phạm Hoàng Hiệp, người được công nhận GS trẻ nhất Việt Nam năm 2017 khi mới 36 tuổi - kỷ lục trong lịch sử khoa học Việt Nam (trước đó, năm 2011, anh Hiệp cũng chính là phó GS trẻ nhất ở độ tuổi 29).

Bây giờ, xin được bàn sang phạm vi rộng hơn đối với cả nền khoa học Việt Nam nói chung. Ở thời điểm đầu năm 2019, có thể nói, đã có sự đồng thuận tương đối cao giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đại học - khoa học cũng như giới chuyên môn về hoạt động khoa học, cụ thể như sau:

- Một là, khoa học có vai trò then chốt, làm động lực cho sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội.

- Hai là, hội nhập quốc tế (ví dụ như sử dụng các bảng xếp hạng quốc tế như đối với ngành toán kể trên) là biện pháp cơ bản, giúp khoa học có thể thực hiện được sứ mệnh của mình.

Mặc dù vậy, suốt vài chục năm đổi mới kể trên, dường như chúng ta vẫn loay hoay trong việc tìm ra giải pháp hiệu quả nhất trong việc nâng tầm khoa học Việt Nam. 

Thực vậy, dù xem xét bằng bất kỳ phép đo nào, cũng có thể thấy, khoa học Việt Nam đang ở vị trí khiêm tốn so với thế giới. Dữ liệu thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus cho thấy, khoa học Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 5 ASEAN, thua Malaysia, Singapore, Thái Lan và Indonesia. 

Trong bối cảnh đó, những bài học từ vai trò của các nhà khoa học đầu ngành trong ngành toán như đã phân tích ở trên chắc chắn sẽ đem lại nhiều gợi ý cho toàn lĩnh vực khoa học ở Việt Nam.

Viện Nghiên cứu cao cấp về toán do giáo sư Ngô Bảo Châu làm Giám đốc Khoa học. Ảnh: L.G.

Nói cách khác, nếu muốn khoa học phát triển vượt bậc, theo cá nhân tôi, chúng ta cần một chiến lược đầu tư dài hơi trong đó lấy việc đầu tư cho các nhà khoa học đầu ngành làm trọng tâm. 

Cụ thể hơn, những nhà khoa học đầu ngành - thể hiện qua mức độ hội nhập quốc tế - cần được đầu tư nhiều nguồn lực hơn và được trao nhiều quyền tự quyết hơn trong phạm vi chuyên môn của mình. Đến lượt họ, các nhà khoa học này sẽ phải tự biết và sẽ có trách nhiệm để làm sao để giúp ngành mình phát triển và hội nhập hơn.

Khi ý tưởng của bài viết này được hình thành ngay khi thông tin ngành toán Việt Nam vượt Singapore, đứng đầu ASEAN năm thứ tư liên tiếp bắt đầu lan truyền trên truyền thông, tôi đã thử hỏi ngay một người có trách nhiệm trong ngành toán về cảm nghĩ lúc đó.

Câu trả lời, đúng như tôi dự đoán, đại ý: “Về sản lượng thì ta hơn họ (Singapore) nhưng chúng ta cũng biết sản lượng chỉ là một phần. Chúng ta tự biết chúng ta hơn họ cái gì và vẫn còn kém họ cái gì. Hơn nữa, chúng ta cũng cần tự biết chúng ta sẽ phải tập trung vào cái gì trong tương lai. Điều đó quan trọng hơn vị trí số 1 hay số 2”.

Tiến sĩ Phạm Hiệp
.
.