Trọng án và thông tin nhiễu

Thứ Năm, 23/07/2015, 17:15
Đêm 10/7 vừa qua, hai nghi can chính trong vụ thảm sát 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ ngụ tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã bị bắt giữ. Kẻ chủ mưu là gã thanh niên Nguyễn Hải Dương cùng đồng phạm và Vũ Văn Tiến, đều sinh năm 1991.

Theo khai nhận ban đầu, Nguyễn Hải Dương và con gái lớn của ông Mỹ là Lê Thị Ánh Linh từng yêu nhau suốt nhiều năm, Dương đã từng ăn ở tại nhà ông Mỹ. Thời gian này, gia đình ông Mỹ vì lý do gì đó đã không chấp nhận mối quan hệ này. Bực tức vì bị cấm cản, Dương rủ Vũ Văn Tiến ra tay trả thù với lời hứa “Nhà ông Mỹ có rất nhiều tiền, trả thù xong mày có thể lấy tài sản”. Cả hai đã lên kế hoạch rất chi tiết cho vụ thảm sát này. Cơ quan Điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập đến các tình tiết của vụ thảm sát, chúng tôi chỉ ghi nhận sự nhiệt tình thái quá của một số phóng viên đưa tin vụ việc. Chính từ sự nhiệt tình thái quá này đã khiến thông tin của vụ trọng án bị nhiễu loạn gây hoang mang lo lắng cho cả người thân của các nạn nhân, nhân chứng lẫn dư luận xã hội.

1. Tính đến thời điểm 12 giờ trưa ngày 10/7/2015, tức sau 3 ngày vụ án xảy ra, có ít nhất 4 vụ xô xát giữa người nhà của nạn nhân với các phóng viên tiếp cận hiện trường và 2 vụ cơ quan chức năng phải mời phóng viên làm việc.

Vụ đầu tiên là một phóng viên đã tự tiện leo lên nóc mái nhà xưởng để chụp ảnh. Phóng viên này giải thích lý do trèo lên mái nhà xưởng là để “thu được góc chụp độc đáo, riêng biệt”. Ngay sau khi phát hiện phóng viên này, lực lượng khám nghiệm hiện đã hoảng hốt “mời” anh ta xuống đất ngay lập tức. Có thể anh ta đã vô tình xóa nhòa một dấu vết quan trọng nào đó liên quan đến hung thủ mà cơ quan chức năng chưa kịp phát hiện.

Ở một số quốc gia, hành động của phóng viên nọ có thể dẫn đến 1 vụ nổ súng không báo trước của lực lượng bảo vệ hiện trường mà người nhận viên đạn không ai khác, chính là nhân vật vô tình xóa dấu vết hiện trường. Vì vậy, cảnh sát một số quốc gia gọi sợi dây giăng bao quanh khu vực khám nghiệm hiện trường là “vòng dây sinh tử”, chỉ có lực lượng điều tra vụ án mới được phép đặt chân vào.

Ở nước ta, khái niệm “hiện trường” được sử dụng nhiều nhưng ít ai rõ nhiệm vụ “bảo vệ hiện trường” không chỉ dành riêng cho cơ quan điều tra Công an mà còn dành cho tất cả những ai mong muốn kẻ thủ ác sớm lộ diện trước ánh sáng pháp luật.

Vụ kế tiếp là thân nhân nạn nhân bất ngờ tấn công 2 phóng viên khi phát hiện họ đang phỏng vấn những người đến dự đám tang của những nạn nhân xấu số. Lý do tấn công được nêu là: “Lũ báo chí khốn nạn đã làm nhục những người xấu số bởi những thông tin lá cải”. Lực lượng Công an bảo vệ hiện trường đã nhanh chóng can thiệp và hộ tống an toàn 2 phóng viên rời khỏi khu vực “nhạy cảm”.

Khi bình tâm lại, những người hành hung phóng viên đã cho biết, nhiều báo mạng đã đưa tin sai sự thật. Một số điều tra viên cũng đồng tình nỗi bức xúc này. Họ dẫn chứng, trong khi cả gia đình đang vật vã đau xót trước cái chết oan khốc của 6 nạn nhân thì một tờ báo đã “nhanh nhạy” tập hợp những bức chân dung tươi cười, hạnh phúc của các nạn nhân khi còn sống. Lập tức rất nhiều trang thông tin điện tử copy lại phát tán thành cấp số nhân. Những bức ảnh này đã khiến một thân nhân của các nạn nhân phẫn uất đến ngất xỉu ngay trước đầu những chiếc quan tài tại tang lễ.

Một trang mạng khác còn “tỏ ra nguy hiểm” khi đăng 1 clip với tiêu đề: “Thảm sát Bình Dương: Clip được quay từ camera”. Dù tiêu đề ghi “Bình Dương” nhưng trong clip ai cũng nhận ra đó là hiện trường vụ thảm sát ở Bình Phước. Cái tiêu đề “Clip được quay từ camera” khiến người xem ngộ nhận là hình ảnh được thu từ camera giám sát của gia đình nạn nhân (thực tế là 1 phóng viên nào đó quay từ camera du lịch). Không đầy 1 phút sau, trang mạng này thu hút hàng ngàn lượt truy cập và chia sẻ. Bất ngờ hơn, một số báo mạng chính thống đã vội sao chép về rồi tung tin: “Hình ảnh hung thủ đã được ghi nhận từ camera giám sát của gia đình nạn nhân” (mặc dù suốt clip không hề có hình ảnh hung thủ). Giả sử việc ghi hình này có thật, việc công bố thông tin thiếu kiểm chứng và vô tội vạ kiểu này đã vô tình xua hung thủ lẩn sâu thêm vào bóng tối.

Nghi can Nguyễn Hải Dương từng là người yêu của nạn nhân Lê Thị Ánh Linh.

Một trong số những “nguồn tin riêng của chúng tôi” của các báo, khiến lực lượng phá án đau đầu nhất là thông tin “trước khi sát hại, hung thủ đã ép các nạn nhân gọi điện cho người thân”. “Người thân” mà các báo đề cập là ông Nguyễn Văn Hưng (em ruột bà Ánh Nga), 33 tuổi.

Các bài báo này cho rằng, một nạn nhân đã gọi điện cầu cứu ông Hưng vào đúng thời điểm bị các hung thủ khống chế nhưng ông Hưng không nghe máy. Sau đó, bà Ánh Nga tiếp tục gọi điện thông báo cho ông Hưng biết “không có chuyện gì”. Kết thúc đoạn tường thuật đó, phóng viên nêu: Có thể hung thủ là một trong những người thân, quen của bà Ánh Nga. Dòng kết luận đó đã khiến cho độc giả đặt nghi vấn ông Hưng là kẻ chủ mưu.

Rưng rưng nước mắt, ông Hưng bức xúc: “Họ (các tờ báo đưa tin này) giống như quy kết tôi là một trong những kẻ chủ mưu. Viết như thế có phải khốn nạn cho tôi và gia đình không? Sự thật là, lúc 3h18 ngày 7/7/2015, bé Như, bé Bo (gọi ông Hưng là cậu ruột) có điện thoại cho tôi. Khi đó tôi không bắt máy nhưng sau đó tôi gọi lại thì không thấy hai cháu bắt máy. Tôi gọi cho chị Nga thì thuê bao mất sóng. Tôi định chạy qua nhà chị nhưng nghĩ lại, tôi gọi lần nữa cho bé Như thì nó nói, cậu Hưng ơi (giọng bình thường), rồi tắt máy. Tôi gọi lại cho chị Nga. Lúc đó là 3h25. Chị Nga bắt máy bảo, ngủ đi. Giọng nói của chị nhỏ nhẹ, không có biểu hiện gì bất thường.

Một số báo mạng khác còn đưa tin kiểu lập lờ rằng “hung thủ bị bắt giữ là một trong số những người thân trong gia đình nạn nhân”. Nguy hại hơn, nhằm chứng minh thông tin của mình là chính xác, phóng viên còn nhấn mạnh: “Một điều tra viên cao cấp của Bộ Công an đã xác nhận thông tin”. Dòng tin này đã khiến bộ phận điều tra hiện trường phải họp khẩn cấp để kiểm điểm công tác bảo mật thông tin. Hóa ra, hoàn toàn không có bất cứ một điều tra viên nào bình luận hoặc cung cấp thông tin liên quan đến nghiệp vụ cũng như vụ án.

Từ những lý do trên, trong cơn đau thương tột cùng, thân nhân những nạn nhân trở nên “căm thù” mọi phóng viên có mặt ở hiện trường, dẫn đến việc 2 phóng viên “vô tội” bị hành hung.

2. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một quán cà phê cách hiện trường khoảng 100 mét, có hơn 30 phóng viên nội chính của các báo túc trực ngày đêm để ngóng diễn biến phá án. Có tòa soạn cử hẳn một tổ 5 người bám chặt hiện trường. Ai cũng mong muốn thu được chi tiết mới nhất của hành trình phá án. Các tòa soạn liên tục gọi điện hối thúc phóng viên của mình cập nhật tin mới càng tạo thêm áp lực “đói tin”. Nhiều phóng viên không dám rời xa khu vực đã phải mua hẳn 1 nải chuối ăn thay cơm.

Vì vậy, để có được những chi tiết mới, các phóng viên tìm cách “điều tra dư luận cư dân địa phương”. Những phát ngôn “nghe nói, nghe kể” của người dân được các phóng viên khai thác tối đa để thay thế cho phát ngôn chính thống của cơ quan chức năng.

Và một trong những nguồn tin “nghe nói, nghe kể” đã khiến 7 cựu công nhân đã từng làm việc nhiều năm cho công ty TNHH chế biến gỗ Quốc Anh (công ty của gia đình nạn nhân) mất ăn mất ngủ.

Trước khi vụ án xảy ra vài tuần, nhóm công nhân 7 người này đã xin nghỉ việc vì xích mích với một quản đốc. Sau đó họ đến những xưởng chế biến gỗ cùng khu vực tiếp tục làm việc. Họ và bà Ánh Nga không hề xảy ra mâu thuẫn. Tuy nhiên, một phóng viên “điều tra” tin này theo kiểu “liệu nhóm người này có tư thù với nạn nhân?”. Ngay sau đó các báo khác biến thông tin “cho nghỉ việc” thành “bị đuổi việc”.

Các báo này khai thác tin theo chiều hướng “trong số những người bị bà Ánh Nga đuổi việc là người Campuchia. Vì bị đuổi việc nên họ oán thù bà Ánh Nga”. Vô hình trung, các báo đã đẩy nhóm cựu công nhân này vào diện... nghi phạm cần bắt giữ để điều tra. Cũng may, sau đó một tờ báo đã giúp các công nhân này lên tiếng phản bác, cải chính.

Một tờ báo còn bạo miệng phân tích cho rằng, phương pháp giết người man rợ của một tổ chức cực đoan Trung Đông đã ... lây nhiễm sang Việt Nam. Tờ lá cải này đã bị đình bản. Một số tờ báo còn tường thuật cặn kẽ những chi tiết máu me, khủng khiếp của vụ án khiến độc giả có cảm giác như đang đọc một cẩm nang hướng dẫn phương pháp giết người tàn độc. Một số tờ khác còn mô tả qui trình khám nghiệm hiện trường giống như “hướng dẫn” cho tội phạm phương pháp tạo chứng cứ ngoại phạm và xóa dấu vết hiện trường.

Cũng cần phải nhìn nhận rằng, trong một số trường hợp, báo chí đã trợ giúp đắc lực cho cơ quan phá án và thỏa mãn sự quan tâm của các độc giả. Tuy nhiên với những cách đưa tin thiếu chuyên nghiệp, vô cảm của một số phóng viên đã vô tình cản ngại tiến trình phá án, đồng thời xúc phạm vong linh người quá cố.

Buổi sáng ngày 9/7/2015, mặc dù rất bận việc nhưng Bộ trưởng, Đại tướng Trần Đại Quang đã đích thân đến hiện trường chỉ đạo phá án; thắp hương, an ủi vong linh các nạn nhân, đồng thời trấn an gia đình nạn nhân. Việc làm nhân văn, xúc động ấy, đáng lẽ phải được công bố bằng biện pháp chính thống với các phóng viên. Nếu e ngại đông người vào khu vực hiện trường, chính quyền địa phương cần cắt cử người công bố hình ảnh và thông tin cho phóng viên để trấn an dư luận quần chúng. Đằng này, các phóng viên bị ngăn cấm vào khu vực lại không phát ngôn, khiến xung quanh khu vực hiện trường trở nên mất trật tự khi Bộ trưởng đến.

Trước sự cần thiết loan tin, phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới đã phải chủ động gửi đi toàn bộ những bức ảnh xúc động của Bộ trưởng cho tất cả những phóng viên báo khác đang chờ tin bên ngoài. Thiết nghĩ, ngay khi vụ án nghiêm trọng xảy ra, ngoài việc bảo vệ hiện trường, tổ chức lực lượng phá án, chính quyền địa phương cũng cần tổ chức khâu phát ngôn, cung cấp thông tin thường xuyên cho lực lượng phóng viên.

Như thế sẽ giảm thiểu tối đa hiện tượng nhiễu thông tin như vừa mới xảy ra trong vụ án 6 người bị sát hại tàn độc ở Bình Phước.

Nông Huyền Sơn
.
.