Trách nhiệm huyết thống

Thứ Tư, 06/01/2016, 14:04
Tôi vẫn thường nghĩ, sinh ra may mắn được làm người luôn đi kèm theo nhiều trách nhiệm. Không bàn đến điều lớn lao là trách nhiệm xã hội, chỉ là trách nhiệm với cá nhân mình và trách nhiệm với huyết thống, tức là với những người thân thương của mình mà thôi.


Khi tôi nhìn những bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội, những bức ảnh ghi lại tại phiên tòa xét xử anh Võ Văn Minh, tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”, phiên xét xử mà người ta thường gọi là “Vụ án con ruồi”. Tự dưng, lòng tôi trào lên nỗi xót xa vô cùng.

Những khoảnh khắc rất buồn.

1. Người ta đã tranh luận quá nhiều về những đúng sai sân si của vụ án ấy, tôi không lạm bàn. Hơn nữa, tôi lại không có thói quen tranh luận với đám đông. Tôi quan niệm, cá nhân nên tự chuyên chú tu dưỡng, đừng hy vọng vào chuyện tranh luận sẽ thu nhận được thêm những gì.

Theo cáo trạng của vụ án, từ đầu tháng 12-2014 đến gần cuối tháng 1-2015, anh Võ Văn Minh liên tục gọi điện thoại cho công ty Tân Hiệp Phát để yêu cầu công ty này trao trả cho anh 1 tỷ đồng. Đổi lại, anh sẽ giao chai nước Number One bên trong có dị vật ruồi cho công ty và im lặng. Nếu công ty không đồng ý giao tiền, anh Minh sẽ phát thông tin này lên truyền hình và in 5 nghìn tờ rơi để loan báo.

Sau nhiều lần thương lượng, anh Minh đồng ý nhận số tiền 500 triệu của Tân Hiệp Phát và trao lại chai nước có chứa dị vật. Ngày 27-1-2015, khi nhận tiền từ các nhân viên của công ty Tân Hiệp Phát, anh Minh bị trinh sát thuộc Cơ quan Công an Tiền Giang bắt giữ về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. 

Sau đó, Phân viện Khoa học Hình sự tại TP HCM trực thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) kết luận chai Number One chứa dị vật ruồi đã có dấu hiệu tháo gỡ nắp, mực nước trong chai thấp hơn so với chai cùng dung tích được đưa đi giám định… Cáo trạng có nêu chi tiết những lần thương lượng của anh Minh và phía Tân Hiệp Phát, nhưng đây không phải là điều tôi muốn nói đến trong bài viết này, nên xin phép không trích dẫn thêm.

Phiên tòa xét xử vụ việc này, thu hút sự quan tâm của dư luận, bất chấp cùng diễn ra với phiên tòa ấy là hàng loạt phiên tòa xét xử những vụ án ầm ĩ khác.

Tôi trộm nghĩ, chúng ta vẫn thường nói với nhau, “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nghĩa là đầu tiên xét mình sau đó mới oán thán thiên hạ. Tuy nhiên, thật sự rất đáng tiếc khi đa phần người Việt lại mắc phải căn bệnh trầm kha Á Đông, “Luận chuyện mình thì dễ, luận chuyện người thì khó”.

Võ Văn Minh tại phiên tòa sơ thẩm.

Đáng buồn hơn nữa theo nhận xét của các giáo sĩ thừa sai ngoại quốc dưới triều Nguyễn, (“Thư của các giáo sĩ thừa sai” từng được xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1821. Nguyễn Minh Hoàng đã tiến hành dịch lại bằng tiếng Việt do NXB Văn học và Trung tâm Quốc học xuất bản năm 2013. Đây là một quyển tư liệu tập hợp những bức thư của các giáo sĩ thừa sai của Hội thừa sai Paris trong quá trình truyền đạo ở Việt Nam từ năm 1766-1786. Quyển sách gồm 2 phần. 

Phần đầu là giới thiệu sơ lược về nước Việt Nam xưa còn phần sau là tập hợp 57 bức thư của các giáo sĩ thừa sai gửi về Pháp hay Ma Cao cho người thân hay các cha bề trên trong Hội Thừa sai Paris), đã viết “Xuôi miền đồng bằng gồm cả xứ Đông Kinh, là một miền rất đông đúc, đời sống người dân nghèo nàn cơ cực vì đất không nuôi đủ được người. Ngoài ra có nhiều kẻ ăn hại chỉ có độc một nghề là đi cướp phá mùa màng, dùng vũ lực hay dùng mưu mẹo để trộm cắp ở các nhà, vu cáo để gây ra chuyện kiện tụng và làm cho người khác  phải tán gia bại sản. Ở xứ này, giàu có nhiều tiền lắm bạc là một tội. Ai cũng sẵn sàng sinh sự và hãm hại người giàu mãi cho tới lúc họ bị rơi vào cảnh nghèo nàn quẫn bách thì mới chịu thôi. Ban đêm, những người giàu không ngủ được vì còn thức để canh giữ trong nhà”.

Tư duy ghét người giàu đã tồn tại từ hàng nghìn năm, ăn sâu trong tư duy truyền đời của người Việt, từ sáng tác văn học cho đến các loại hình nghệ thuật truyền miệng đều ca ngợi hành vi cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Bất chấp không hề có sự minh bạch cho câu hỏi, người giàu làm thế nào mà giàu, người nghèo vì sao lại nghèo. Cứ thấy người giàu là ghét, là bỉ bai, là bật lên suy nghĩ chắc làm gì xấu mới giàu như vậy? Ý thức này phương hại đến sự nhìn nhận, đánh giá khách quan. Bởi người ta chỉ có thể đối thoại với ý kiến, không ai có thể đối thoại với định kiến cả.

2. Nhiều nhà báo tham dự phiên tòa ghi lại khoảnh khắc cậu con trai nhỏ của anh Minh (sinh năm 2011) ngơ ngác nhìn bố trong hoàn cảnh buồn bã ấy. Những bức ảnh này, khiến tôi ám ảnh.

Từ ngày tôi làm bố trẻ con đến nay, tôi vẫn thường nghĩ tôi sẽ giữ gìn cho con mình bằng tất cả khả năng của tôi. Giữ gìn không có nghĩa là chắt chiu của nả để lại hoặc tiền tài vật chất. Quá khó để tôi làm điều này dẫu muốn. Nên tôi luôn bù đắp cho con tôi bằng sự chính danh, bằng nỗi niềm không tủi phận. Tôi tin, làm người thành đạt thì tốt mà làm người thất bại cũng không sao. Miễn đừng khiến cha mẹ phải phiền lòng, vợ con phải hắt hiu.

Mỗi lúc thực hiện bài viết cho chuyên mục này, không khi nào lòng tôi cảm thấy vui vẻ cả, chỉ toàn ngậm ngùi. Mỗi vụ án xảy ra, không chỉ có bị cáo đứng trước tòa hay bị hại là nhận lãnh bi kịch, mà còn có cả rất nhiều người thân của họ bị cuốn vào vòng xoáy số phận nghiệt ngã ấy. Bất chấp, những người thân của họ có gây ra lỗi lầm gì đâu. 

Như lúc theo dõi vụ xét xử tại Bình Phước, không thể không xót xa cho những bậc làm cha làm mẹ, tôi viết trong nhật ký hằng ngày “Đọc thông tin về phiên tòa xét xử Dương, Tiến và Thoại ở Bình Phước, ngẫu nhiên mà thương cho cha mẹ của những kẻ ấy. Chẳng biết thế nào nữa, chỉ là mình cũng làm bố trẻ con rồi. Con dại thì cái mang, mũi dại thì lái chịu đò. Ai sinh con ra mà không đặt hết kỳ vọng của mình vào đấy. Mỗi sáng mỗi tối nhìn con ngủ, mình đều cảm thấy đời sống của mình gom cả trong nét mặt bình an của con. Tất nhiên, mình luôn muốn con mình sau này hơn người khác. Hẳn nhiên, không hơn người khác cũng được chỉ cần nên người thôi. Nên người theo nghĩa hẹp nhất, tức là không làm gì khiến người khác phiền lòng, khiến người khác lên án hay căm phẫn. Tận thẳm sâu, chỉ mong hai chữ an yên đón chờ con. Còn nếu số phận trêu ngươi, mình vẫn sẽ thương con mình bằng tất cả tình thương mà mình có được.

Thế nên, nghĩ đến cảm giác mà bố mẹ của những cá nhân ấy đang chịu đựng, xót xa khủng khiếp, họ không biết bảo vệ con họ ra sao trong hoàn cảnh này, mặc dù mình vẫn tin rằng họ luôn muốn ôm con vào lòng để thủ thỉ, vỗ về. Dẫu, cả thế giới đang chối bỏ và muốn loại trừ con của họ, bởi có ai lớn lên mà không bi bô, chập chững trong niềm hạnh phúc của cha mẹ đâu, lại có cha mẹ nào vĩnh viễn không lưu giữ ký ức tươi đẹp ấy. Làm người trọn vẹn cũng là một sự phụng hiếu rồi, phải vậy chăng?”.

Lại liên tưởng đến vụ việc của anh Võ Văn Minh, “Chấp chới tháng Chạp rồi, gió phương Nam bắt đầu phóng khoáng hơn, nắng cũng hanh khô hơn. Bụi vỉa hè phủ tràn tương tư. Tháng Chạp đầy đặn trong bóng người thân, tháng Chạp ủi an những hôm xa vắng. Tháng Chạp, ngong ngóng dõi mắt nhìn chờ dấu chân quen. Hôm nào đó, mình viết bài về vụ anh ba gác bị Cơ quan Công an Đồng Nai tạm giam vì hôi bia. Vừa viết, mình vừa khóc. Vì mình thương hai cậu bé con của anh thanh niên trót ham nhậu với hàng xóm mà nhào vào hôi bia. Anh bị tạm giam, căn nhà khốn khó ấy không có tháng Chạp, không có tết.

Mình cho rằng, hành vi của anh thanh niên không đến mức phải tạm giam. May mắn, nhiều báo cùng lên tiếng, anh được tha hôm 23 hay 24 tháng Chạp gì đó. Mình đọc báo online, vui vỡ òa.

Chiều nay, mình đọc tin thấy anh Võ Văn Minh án 7 năm tù, lòng mình cũng buồn bã như vậy. Tháng Chạp kề cận rồi, trong căn nhà ấy sẽ không có bóng dáng của người đàn ông, cậu bé tha thẩn gọi cha nửa khuya, vợ đau đáu hụt hẫng một bờ vai chồng, rồi cha mẹ già không chỗ tựa nương.

Con trai mình hỏi, “Tết sao được nghỉ hả ba?”. Mình trả lời, “Để người ta có thời gian mà thương nhau”.

Tháng Chạp này, trong căn nhà ở xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang sẽ chỉ có những hiu hắt ký ức và sự vụn vỡ buồn thương thôi. Đứa trẻ ấy sẽ lớn lên, bất chấp những hôm nắng mưa tủi phận, không có bố”.

3. Bất cứ ai cũng có thời khắc sai lầm trong cuộc đời này, tôi đọc điển tích có thể dẫn đến hàng nghìn cái sai của hàng nghìn hiền nhân. Nhưng, có cái sai được vỗ về, có cái sai dẫu thông cảm đến mấy cũng phải kiềm lòng mà nhìn nhận. Phải biết chấp nhận cái sai thì cá nhân mới có thể hy vọng đến sự hoàn thiện về nhân cách lẫn tinh thần.

Tính tôi xưa nay không thể nặng lời với ai được, huống hồ, trước một thân phận trót không may vướng mắc sai lầm. Nên có lẽ, bạn đọc đọc những điều vụn vặt này có lẽ sẽ đủ hiểu những điều tôi muốn hướng đến.

Sống trên đời này có phải cho mỗi mình mình đâu, còn cho cả những người thân yêu nữa.

Trách nhiệm huyết thống tưởng chừng mơ hồ nhưng lại luôn hiển hiện.

Kinh Hữu
.
.