Trả lại những thứ không phải của mình, lòng ta thanh thản (*)

Thứ Hai, 03/06/2019, 17:38
Tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc của mình tới những người đã sẵn sàng trả lại những đồng tiền vốn không phải của mình, những tài sản vốn không thuộc về mình. Làm như thế họ sẽ thanh thản, sẽ hạnh phúc, và chắc chắn là luôn luôn hiểu rõ ý nghĩa của cuộc đời mình.

Kính gửi Toà soạn báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng!

Tôi muốn gửi tới toà soạn bức thư này, để bày tỏ nỗi xúc động tột cùng của tôi khi nghe câu chuyện về một người dọn vệ sinh ở một chung cư tại TP Hồ Chí Minh đã quyết định trả lại 7.400 USD mà mình vô tình nhặt được. Tôi đã đọc gần như tất cả các bài báo viết về con người đặc biệt này - anh Nguyễn Ngọc Hiền, và biết rằng anh nhà nghèo, mồ côi cha năm 15 tuổi.

Với anh, 7.400 USD là một số tiền lớn khủng khiếp, cho nên sẽ không bất ngờ nếu anh sửng sốt, choáng váng trước số tiền này, thậm chí còn nảy ra một ý tưởng gì đấy về việc sở hữu dù chỉ một phần nào đấy số tiền này. 

Thế mà theo các tờ báo, anh đã lặng lẽ chuyển toàn bộ số tiền mình nhặt được tới ban quản lý toà nhà, và nhờ thế, một người Ukraina sau đó đã nhận lại được toàn bộ số tiền.

Nhưng chưa hết, sau đó anh Nguyễn Ngọc Hiền còn từ chối nhận quà và tiền hỗ trợ từ một số tổ chức, cá nhân khác. Anh bảo: "Cho tôi xin phép không nhận tiền và trả lại tiền ủng hộ mình, tôi xin nhận bằng khen, chứ tôi không muốn nhận tiền, vì trách nhiệm tôi làm thì tôi nhận lương, còn tiền hỗ trợ thì tôi không lấy. Tôi muốn làm ra tiền bằng chính đôi tay của mình, chứ không nhận số tiền này" (Báo Thanh Niên, ngày 16-5-2019).

Trời ơi, đây là câu nói của một người lao động nghèo, bình dị, nhưng nó có một sức rung cảm ghê gớm, và có lẽ tạo ra những tác dụng lớn hơn nhiều so với những lời kêu gọi, dạy dỗ giáo điều.

Thưa toà soạn, tôi là một giáo viên, đã từng nhiều năm đứng trên bục dạy học sinh của mình phải sống và hành động một cách tử tế, và tôi tin chắc rằng chính những câu chuyện cụ thể như của anh Nguyễn Ngọc Hiền (chứ không phải bất cứ những lời rao giảng sáo rỗng nào), sẽ có một sức rung cảm ghê gớm đối với học trò của tôi. Và với chính bản thân tôi.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì vào một ngày cuối năm 2013, dư luận chúng ta cũng sửng sốt trước việc một người nhặt ve chai nghèo khổ ở thị trấn Quốc Oai (Hà Nội) cũng đã trả lại 10 cây vàng mình nhặt được. 

Anh Nguyễn Ngọc Hiền (trái) đã trả lại 7.400USD mình nhặt được.

Tôi vẫn nhớ, vẫn thuộc từng chữ mà báo Tuổi Trẻ TP HCM ngày đó viết về người phụ nữ nhặt ve chai, có tên là Nguyễn Thị Thuật. Khi đi mua phế liệu, chị Nguyễn Thị Thuật đã vô tình nhìn thấy trong một hộp các - tông cũ 10 cây vàng, qui ra tiền thời điểm ấy là 400 triệu đồng, số tiền mà có nằm mơ chị cũng không dám nghĩ đến.

Thế mà chị nói tỉnh bơ với phóng viên báo Tuổi trẻ: "Úi giời! Không hiểu vì sao thông tin em trả 10 cây vàng lại đến tai các cấp chính quyền, để rồi sau đó họ gọi em lên trao tặng giấy khen. Em thấy chuyện trả lại tiền, vàng nhặt được có gì là to tát đâu. Chắc ai cũng sẽ làm như em mà thôi". 

Đấy! Chị đã nói hồn nhiên vậy đấy! Và nghe chị nói tôi thấy có một tinh thần gì đó rất giống với tinh thần của anh Nguyễn Ngọc Hiền hôm nay.

Chị Thuật, anh Hiền là những người lao động nghèo khó và ít học, vậy thì tại sao họ lại làm được những điều mà tôi nghĩ rằng nếu ở vào hoàn cảnh của họ, có lẽ rất nhiều người có học, rất nhiều người có chữ, cũng không dễ mà làm được? Tại sao lại như thế? Đấy là điều mà tôi đã nghĩ, vẫn nghĩ, và muốn viết ra đây để tất cả chúng ta cùng suy nghĩ.

Thưa quý báo, là một nhà giáo, trong nhiều năm qua tôi luôn tìm tòi, sưu tầm những câu chuyện đẹp, chứa đựng trong nó những bài học giáo dục sâu sắc, và quả nhiên là tôi đã thấy những câu chuyện như thế ở cả trong lịch sử lẫn trong đời sống hàng ngày.

Ví dụ như trong lịch sử, tôi đã nhiều lần kể cho học trò nghe câu chuyện vua Trần từng thử lòng Mạc Đĩnh Chi bằng cách âm thầm cho người để trước cửa nhà Mạc Đĩnh Chi vài quan tiền. 

Sáng hôm sau mở cửa nhà, Mạc Đĩnh Chi đã đem những đồng tiền mình nhặt được, báo lên vua. Câu chuyện nửa lịch sử nửa huyền thoại ấy thể hiện tiết tháo của một bậc chính nhân quân tử, và tôi thấy nó đã được các em học sinh tiếp nhận một cách hứng thú.

Rồi mới đây, qua lời kể của nhà báo Quốc Phong trên một tờ báo điện tử tôi cũng biết đến câu chuyện rất đáng ngưỡng mộ của cố Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Trần Kiên - người từng trả lại một biệt thự trị giá ngàn cây vàng giữa thủ đô Hà Nội để về quê sống như một người dân bình thường.

Nhà báo Quốc Phong viết những dòng rất cảm động, những dòng mà khi đọc tôi đã chảy nước mắt: "Đêm trước khi rời biệt thự Trung Tự (Hà Nội), ông đã thức trắng để ngồi bên bếp lửa đốt bớt cả núi giấy tờ không cần giữ... Hôm sau, một chiếc xe tải nhỏ đến chở đồ cho ông. 

Hàng xóm bùi ngùi chia tay ông trong nước mắt và họ rất cảm động khi thấy ông mang về quê cả những đồ gỗ đã cũ mèm, từ hũ dưa cà đến chiếc ti vi cũ cùng đống sách báo và chiếc xe đạp cà tàng vốn đã gắn bó với ông nhiều năm ra Bắc công tác. Thế mà trên xe kia vẫn rỗng. Ông không có gì hơn để lấp cho đầy chuyến xe".

Vẫn theo nhà báo Quốc Phong thì khi về đến quê nhà Quảng Ngãi, ông cũng từ chối nhận một căn nhà tỉnh xây sẵn cho mình, mà chỉ xin một mảnh đất nhỏ, ở một con hẻm nhỏ, lấy tiền tiết kiệm của mình xây một căn nhà cấp bốn. Và ông sống đơn sơ như một thường dân trong căn nhà cấp bốn ấy đến tận cuối đời.

Vì sao những vị quan đáng kính như Mạc Đĩnh Chi trong sử sách hay ông Trần Kiên trong đời thường lại có thể nhẹ nhàng trả lại những khoản vật chất như trả lại một tấm áo như vậy? Vì sao những người lao động nghèo bình dị như chị Nguyễn Thị Thuật, anh Nguyễn Ngọc Hiền lại có thể dễ dàng trả lại hàng trăm triệu, hàng ngàn đô la như vậy?

Vì ở trong tất cả những con người đó đều chứa đựng một phẩm chất siêu phàm nào đó, hay vì đơn giản là tất cả đều xác định một cách rành mạch: trước sau như một, không sở hữu những thứ tiền bạc, những thứ vật chất vốn không do mình làm ra?

Thưa các anh chị trong toà soạn, từ những câu hỏi liên quan đến những con người đáng ngưỡng mộ này, tôi muốn đặt ra một chuỗi các câu hỏi nữa. Đó là vì sao có những người ăn học đàng hoàng, là đảng viên đàng hoàng, từng ngày từng giờ vẫn không ngừng đứng trước micro nói những điều đàng hoàng, thế mà đùng một cái bị phát hiện là đục khoét của công, làm thất thoát hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ ngân sách quốc gia? 

Vẫn trong một guồng máy này, vẫn trong một cơ chế này, vẫn trong một vận động này, tại sao lại có một sự tương phản sáng - tối khủng khiếp đến như thế?

Theo tôi, tiền thì ai cũng quý, tài sản thì ai cũng thích, nhưng mỗi người sẽ có một nhận thức khác nhau về tiền bạc và tài sản. Sẽ có người tận dụng mọi cơ hội, sử dụng mọi phương thức để vơ vét tài sản càng nhiều càng tốt, lại có người kiên quyết nói "không" với những thứ tài sản mà họ hiểu là không thuộc về mình. 

Vậy thì điều gì tạo nên những khác biệt nhận thức này? Giáo dục gia đình? Giáo dục trường lớp? Hay khả năng tự giáo dục, tự chiến đấu của mỗi người?

Viết tới đây, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện giàu lớp nghĩa trong văn hoá phật giáo. Có một thiền sư nọ vô tình tìm thấy một kho vàng trong rừng sâu. Sợ quá, vị sư liền chạy khỏi khu rừng. 

Đến khi gặp hai người đang đi ngược chiều mình, vị sư liền bày tỏ nỗi sợ của mình thì hai người kia trố mắt lên hỏi: Ông sợ vàng, nhưng chúng tôi không sợ vàng, hãy chỉ cho chúng tôi đường đến kho vàng. Theo lời chỉ dẫn của thiền sư, quả nhiên 2 người đàn ông này tìm được kho vàng, và quyết định cùng nhau ở lại trông coi kho vàng.

Đến chiều tối, khi đã đói bụng thì người A liền nói với người B: Tôi ở đây trông, ông cứ về ăn cơm đi. Sau đó ông mang cơm vào đây cho tôi ăn. Người B đồng ý về nhà ăn cơm. 

Nhưng khi người B về nhà ăn cơm thì người A trộm nghĩ: tại sao phải chia kho vàng làm đôi nhỉ? Trong lúc ăn cơm ở nhà mình,  người B cũng nghĩ y như vậy: tại sao phải chia kho vàng làm đôi nhỉ?

Cuối cùng người B vào rừng với một hộp cơm trên tay. Ai dè người B chuẩn bị tới cửa kho vàng thì người A đột ngột lao từ sau một thân cây ra, cầm gậy đánh vỡ đầu. Biết chắc người B đã chết, người A vừa khoan khoái cầm hộp cơm ăn vừa nghĩ: vậy là kho vàng đã thuộc hết về ta. Ai dè ăn được vài miếng thì lăn ra chết, vì không hề biết rằng trong cơm có độc.

Thưa các anh chị trong toà soạn, câu chuyện này nói lên điều đáng sợ của tiền bạc nói riêng và vật chất nói chung. Nó lý giải vì sao ngay sau khi tìm ra kho vàng thì vị thiền sư đã co chân lên chạy. Tôi không phải là người tu thiền, cũng không có ý định máy móc áp dụng tư tưởng thiền vào trong một đời sống với những vận động rất thực dụng hôm nay.

Điều duy nhất tôi muốn chia sẻ chỉ là: tiền bạc có thể đem đến cho chúng ta hạnh phúc, nhưng tiền bạc cũng có thể đem đến nhiều đau khổ. 

Với một ý nghĩ như thế, tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc của mình tới những người đã sẵn sàng trả lại những đồng tiền vốn không phải của mình, những tài sản vốn không thuộc về mình. Làm như thế họ sẽ thanh thản, sẽ hạnh phúc, và chắc chắn là luôn luôn hiểu rõ ý nghĩa của cuộc đời mình.

Xin chân thành cảm ơn toà soạn!

(*) Title bài do ANTG GT - CT đặt.  

Nguyễn Thị Thơ (Nam Định)
.
.