“Tình anh em” giữa Donald Trump và Vladimir Putin: Đi tìm tiếng nói chung…

Thứ Ba, 30/05/2017, 21:02
Với cá tính và quan điểm tương đồng trong tiếp cận nhiều vấn đề quốc tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như luôn dành cho nhau những lời có cánh, hứa hẹn một mối quan hệ Nga - Mỹ nồng ấm trong tương lai gần. 

Donald Trump từng tái khẳng định ủng hộ một chính sách mềm mỏng với nước Nga và hai quốc gia sẽ hợp tác giải quyết nhiều vấn đề nghiêm trọng trên thế giới.

Trước mối quan hệ có vẻ như đang ngày càng tiến triển theo chiều hướng tích cực giữa Washington và Moscow, nước Mỹ có thể sẽ đạt thêm được nhiều lợi ích an ninh quốc gia. 

Thế nhưng, Tổng thống Putin cho rằng mức độ tin cậy giữa Moscow và Washington, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, đã giảm sút kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Bất chấp nhiều tín hiệu lạc quan, quan hệ Nga - Mỹ luôn bấp bênh vì nhiều lý do, thế nên “tình bằng hữu” giữa ông Trump và ông Putin vẫn có thể rất nhanh chóng xấu đi và thậm chí khiến căng thẳng giữa hai quốc gia trở nên nghiêm trọng hơn.

Quan hệ thân thiết

Theo giới quan sát, mối quan hệ giữa tỷ phú Trump và ông Putin bắt đầu thu hút sự chú ý khi ông Putin lên tiếng khen ngợi nhà tài phiệt New York giữa lúc ông đang chật vật tìm cách giành ảnh hưởng bên trong đảng Cộng hòa. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin - người 4 năm liên tiếp được chọn là nhân vật ảnh hưởng lớn nhất thế giới - vốn luôn tiết kiệm lời khen nhưng lại dành nhiều lời có cánh cho Donald Trump, nhấn mạnh “không ai tin vào thành công của Trump ngoại trừ nước Nga”.

Ông chủ Điện Kremlin ca ngợi Trump là một người tài năng và đa sắc, đồng thời hoan nghênh đề xuất “khôi phục hoàn toàn” mối quan hệ Nga - Mỹ mà “ông chủ Nhà Trắng” đưa ra.

Khi hai chính trị gia có cuộc điện đàm đầu tiên, Tổng thống Putin đã bày tỏ hy vọng xây dựng đối thoại mang tính hợp tác với chính quyền Trump trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Mục tiêu của ông là đưa quan hệ Nga - Mỹ trở lại hợp tác cùng có lợi và thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay.

Trong khi đó, Donald Trump từng ấp ủ nhiều dự án đầu tư vào Nga, thường xuyên dành những lời khen tặng đặc biệt cho ông Putin và kêu gọi tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn với Moscow. 

Donald Trump từng cho rằng ông và Tổng thống Putin “rất khác biệt” nhưng hoàn toàn có thể phát triển quan hệ tốt đẹp với nhau.

Từ lâu, ông Trump đã ấp ủ kế hoạch xây dựng tòa tháp Trump tại Nga, miêu tả Moscow là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất thế giới, đồng thời hứa hẹn đế chế của ông “một lúc nào đó sẽ có mặt tại đây”. Donald Trump luôn nhấn mạnh Vladimir Putin là một lãnh đạo cứng rắn, mạnh mẽ và cực kỳ thông minh khi đang ấp ủ những kế hoạch lớn cho nước Nga.

Dường như Donald Trump vẫn rất quyết tâm hướng tới một khởi đầu tươi mới với nước Nga và chính trị gia mạnh mẽ hàng đầu thế giới Vladimir Putin. Donald Trump từng cho rằng ông và Putin “rất khác nhau”, nhưng hoàn toàn có thể phát triển quan hệ tốt đẹp với nhau. 

Trump còn khẳng định sẽ có nhiều đồng thuận với Putin, và rằng “tôi sẽ hòa hợp với ông ấy và những người khác nữa để xây dựng một thế giới ổn định hơn rất nhiều so với hiện tại”. Khi được yêu cầu bác bỏ lời khen mà Tổng thống Putin đã dành cho ông, Trump nói đó là suy nghĩ điên rồ, đồng thời tái khẳng định muốn hợp tác chặt chẽ và sâu rộng với nước Nga.

Sự thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo còn được thể hiện qua những cuộc điện đàm. Vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Donald Trump đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận các triển vọng sự phối hợp hành động giữa Nga và Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria và tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. 

Các nội dung đã được thảo luận giữa ông Trump và ông Putin bao gồm các khu vực an toàn, không leo thang xung đột nhằm đạt được nền hòa bình lâu dài vì tính nhân đạo và nhiều lý do khác. 

Qua đó, Tổng thống Putin đã kêu gọi các bên cùng kiềm chế và giảm mức độ căng thẳng. Nhà lãnh đạo hai nước đồng ý thiết lập sự hợp tác song phương, tập trung vào chính sách ngoại giao để giải quyết toàn diện vấn đề.

Đây là cuộc điện đàm lần thứ ba giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ kể từ khi ông Trump chính thức lên nắm quyền, do ông Putin là người chủ động yêu cầu như là một cách để Tổng thống Nga nỗ lực trình bày quan điểm với người đồng cấp Mỹ về vấn đề Syria. Cuộc điện đàm cũng mở ra hi vọng mới cho việc tìm ra các giải pháp nhằm giải quyết tình hình căng thẳng tại “điểm nóng” Triều Tiên. 

Đã không ít lần Tổng thống Putin lên tiếng bày tỏ mong muốn hợp tác với Washington trong việc giải quyết các căng thẳng trên chiến trường. Nhà Trắng gọi cuộc nói chuyện điện thoại giữa hai Tổng thống là “rất tốt”, đồng thời xác nhận hai nhà lãnh đạo đã bàn khả năng gặp nhau bên lề Hội nghị G20 sẽ diễn ra ở Hamburg (Đức) vào tháng 7 tới.

Căng thẳng còn đó

Nếu Mỹ và Nga có thể xây dựng một mối quan hệ thân thiện hơn thì cả hai nước có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân và khủng bố hạt nhân. Nhưng dù chính quyền của ông Trump và ông Putin có lạc quan về tương lai đến đâu thì mối quan hệ Nga - Mỹ vẫn có thể trở nên căng thẳng bất cứ lúc nào. Iran được đánh giá là một vấn đề lớn có thể làm dấy lên mâu thuẫn giữa Mỹ và Nga. 

Ông Trump đang phát đi những tín hiệu trái ngược về hiệp định hạt nhân với Tehran. Trong vai trò một ứng cử viên Tổng thống, ông đã không ít lần “hứa hẹn” sẽ phá bỏ thỏa thuận này. Trong vai trò một tổng thống, ông rất có thể sẽ tìm cách để củng cố nó.

Trong khi đó, chính quyền Putin góp phần quan trọng trong việc đưa thỏa thuận với Iran thành hiện thực, nhất là việc cân bằng nhu cầu tăng cường trữ lượng uranium của Iran và việc phương Tây muốn hạn chế số lượng này. Ông Putin rất có thể nhìn nhận thái độ của Tổng thống Trump đối với Tehran như một đòn khiêu khích, hay một màn dạo đầu cho cuộc tấn công của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân của Iran. 

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận các triển vọng sự phối hợp hành động giữa Nga và Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria.

Nếu vậy, Moscow có thể đáp trả bằng cách sớm cho phép Nga vận chuyển vũ khí đến Iran để đối phó với các đe dọa từ phía Mỹ - một động thái rất dễ dàng châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng Nga - Mỹ.

Quan hệ Trump và Putin tiếp tục lung lay bởi viễn cảnh một cuộc chạy đua hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Tổng thống Mỹ đã từng nhận định nước Mỹ cần phải làm hết sức để củng cố và mở rộng khả năng hạt nhân, thậm chí phát biểu với kênh MSNBC rằng “hãy để cuộc chạy đua vũ trang diễn ra” khi nghe tin ông Putin muốn tăng cường tiềm năng quân sự cho các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Washington đang tạo ra một lá chắn hạt nhân ở châu Âu để đến năm 2018, toàn bộ khu vực này sẽ được bảo vệ.

Trong khi Mỹ “quảng bá” những gì đang làm là giúp NATO đối phó với đe dọa tấn công từ Iran, Nga tin rằng lá chắn này hướng tới kho vũ khí hạt nhân của Moscow. 

Đây rất có thể sẽ là một trong những lý do chính khiến Putin quyết định củng cố lực lượng phòng thủ tên lửa của mình. Và hệ quả của động thái này, không nghi ngờ, là việc Washington phải “theo lao”, tiếp tục mở rộng khả năng hạt nhân của nước Mỹ.

Trên thực tế, mối quan hệ cá nhân của Trump với Putin vẫn là một ẩn số. Tổng thống Mỹ từng ca ngợi Putin là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, nhưng lại nói thêm rằng “điều này không có nghĩa là tôi sẽ quá thân thiết với ông ấy”. 

Trong khi đó, những sức ép nội bộ có thể làm đảo ngược nỗ lực bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ của ông Trump khi Tổng thống Mỹ phải có được sự đồng ý của Quốc hội trước khi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga. Chính sách đối ngoại đối với Nga của ông Trump rất có thể sẽ vấp phải sự phản đối ngay từ chính đội ngũ thân cận nhất của mình.

Đơn cử như việc Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cáo buộc Nga có những hành động gây chiến tại Ukraine, và tuyên bố lệnh cấm vận với Nga liên quan đến Crimea sẽ vẫn được giữ nguyên. Thậm chí, đã xuất hiện những động thái nhằm thành lập một cơ quan mới có nhiệm vụ đối phó với các mối đe dọa can thiệp chính trị từ Nga - một viễn cảnh rất có thể chọc giận Tổng thống Putin nhiều hơn.

Tổng thống Vladimir Putin lâu nay đặt hi vọng lôi kéo Donald Trump tham gia một liên minh chống khủng bố quốc tế. Điện Kremlin coi đó là bước đi đầu tiên hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương và nó sẽ kéo theo những bước đi khác. 

Tuy nhiên, với việc dội mưa tên lửa Tomahawk vào căn cứ Shayrat của Syria, Washington đã làm tiêu tan mọi hy vọng này. Không chỉ có vậy, Tổng thống Mỹ còn kêu gọi “tất cả các quốc gia văn minh” đứng về phía Mỹ.

Washington buộc tội Moscow đã thất bại trong việc thực hiện trách nhiệm buộc các bên tuân thủ thỏa thuận về việc phá hủy kho vũ khí hóa học của Damascus - điều mà cá nhân Tổng thống Nga đã đứng ra đảm bảo. 

Nói một cách trực diện, Washington cho rằng Điện Kremlin đã không kiểm soát nổi đồng minh Syria, vốn phải chịu ơn họ đã cứu vãn và hỗ trợ để lấy lại các vùng đất bị quân nổi dậy chiếm đóng hồi cuối tháng 12-2016. Động thái này đã “dội gáo nước lạnh” vào hy vọng của ông Putin nhằm tái lập mối quan hệ ưu tiên với Mỹ...

Việt Dũng
.
.