Tìm kiếm và sáng tạo thi ảnh trong thơ Việt
Với những thi ảnh có khả năng lưu lại theo thời gian, xét trong mối quan hệ giữa tác giả và độc giả, thì sẽ như tấm danh thiếp ngắn gọn mà lấp lánh giới thiệu tác giả đó với nhiều thế hệ bạn đọc khác nhau.
1. Tức cảnh sinh tình, kí họa, tốc kí cũng là một cách thức bắt chớp thi ảnh. Nhiều hình ảnh đôi khi thuần túy ghi lại thế giới bên ngoài, không cần đến sự cải biến hay trau chuốt kĩ lưỡng. Một đoạn thơ trong bài “Đêm mùa hạ” của Nguyễn Khuyến chẳng hạn: “Tháng tư đầu mùa hạ/ Tiết trời thực oi ả/ Tiếng dế kêu thiết tha/ Đàn muỗi bay lả tả”.
Không có gì lạ lẫm trong những thi ảnh này, thậm chí, chúng không có nổi một khác biệt nào so với thực tế. Tiết trời, tiếng dế, đàn muỗi,..., cụ Tam Nguyên Yên Đổ nổi tiếng chữ nghĩa dường như đã bỏ qua thao tác ngoa ngôn cường điệu thường thấy trong truyền thống văn chương khoa cử của mình, và tạo ra thi ảnh có vẻ vụng về, vần vè như chúng ta chớm nghĩ?
Trước hết, đoạn thơ được dựng bởi khá nhiều thanh trắc, cách gieo vần ép nhạc điệu về phía ngột ngạt, bí bách và nhờ thế, người đọc cảm nhận được không khí đặc trưng của mùa hè. Và với tác giả, đó có thể là một ẩn ý về không khí xã hội, thời đại đang chìm dưới ách đô hộ thực dân. Hơn nữa, chính các câu thơ ngắn, không có sáo ngữ lại khiến tâm trạng của nhà thơ càng dễ nhận biết: một tâm trạng bức bối, khó chịu với sự ngột ngạt bên ngoài.
Bài thơ kết thúc bằng đoạn bốn câu mà chủ ý bộc lộ tâm trạng đã rõ ràng hơn: “Nỗi ấy biết cùng ai/ Cảnh này buồn cả dạ/ Biếng nhắp năm canh chầy/ Gà đà sớm giục giã”. Vẫn thao tác lựa chọn thanh điệu như đoạn trên nhưng người làm thơ đã xuất hiện để thay chỗ những thi ảnh mùa hè, giúp người đọc mường tượng được chân dung của vị nhà nho nhiều ưu tư nhưng thất thế. Có thể nói, Nguyễn Khuyến chọn những thi ảnh bình thường, dân dã, là xuất phát từ trạng huống sống không đắc ý, không mĩ mãn của ông.
Những thi ảnh thoát thai từ hiện thực thường có đặc điểm là không chú trọng quá mức phải cách tân, đổi mới. Người làm thơ dùng nó để khơi gợi, mở màn cho hành trình cảm xúc tiếp theo hơn là tạo ấn tượng lớn, ngạc nhiên cho độc giả.
Thi phẩm “Bờ sông vẫn gió” của Trúc Thông đã được tác giả sắp xếp khéo léo và có thể nói đạt đến tài hoa khi lấy thi ảnh “lá ngô” làm hạt nhân mở ra kết cấu toàn bài: “Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió, người không thấy về/.../cây cau cũ, giại hiên nhà/ còn nghe gió thổi sông xa một lần”. Ở đây, như ta thấy, nguyên tắc thẩm mĩ quan trọng là chọn cái ít nhất để diễn tả được cái nhiều nhất, lấy thi ảnh cụ thể để biểu đạt cảm xúc sâu thẳm. Những “lá ngô”, “cây cau”, “giại hiên nhà” tạo thành tập hợp thi ảnh giữ nhịp điệu bài thơ nghiêng về thủ thỉ, tâm tình, day dứt và thương tiếc.
Không chỉ Trúc Thông mà các tác giả khác như Tố Hữu, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Trần Đăng Khoa, khi sử dụng thể lục bát viết về mẹ cũng đều bắt đầu bằng những thi ảnh quen thuộc, giản dị, gắn liền với thôn quê lam lũ, đơn sơ mà thuần hậu, ân tình. Nhìn rộng ra, kiểu tổ chức hình ảnh này khá phổ biến trong thơ Việt Nam hiện đại và vì thế, cho phép chúng ta nghĩ đến mức độ ổn định rất cao của loại hình hình ảnh tả thực xuất phát từ đặc trưng văn hóa nông nghiệp, rất thích hợp với khuôn thức, phong vị thơ lục bát.
Từ hình ảnh tả thực, người làm thơ có thể nâng thành những thi ảnh mới lạ, khác biệt chỉ bằng những kết hợp khác nhau trên cùng một hệ thống. Đồng Đức Bốn vẫn có thể làm thể lục bát của mình có tính chất hiện đại hơn nhờ cách kết hợp bất ngờ trong vốn thi ảnh tưởng chừng rất ít ỏi của mình.
Sự kết hợp này hình thành theo những cặp nghĩa đôi khi đối nghịch nhau: “Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều/ Mải mê đuổi một con diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”. Trong đoạn này, các cặp hình ảnh “rạ rơm/gió đông”; “con diều/củ khoai”, “chiều/tro” tạo nên sự khác biệt bởi nhà thơ đẩy chúng về các thái cực đối nghịch giữa cái cụ thể và cái mơ hồ, cái có và cái không có, cái ít ỏi và cái mênh mông.
Một ví dụ khác: “Một thời đã mặc áo vua/ Vẫn thường lấy cái dây dưa buộc mình/ Dọc ngang nát cả thiên đình/ Vẫn không chạm được cái tình của em/ Thôi đành bầu rượu nắm nem/ Nghiêng trời uống cạn để xem chiều tà”. Trong đoạn này, Đồng Đức Bốn chọn những thi ảnh mang tính ẩn dụ nhưng vẫn theo cách kết hợp đối nghịch, đồng thời gia giảm động từ để cảm xúc, nhịp điệu bài thơ được thể hiện sắc nét hơn. Cách sắp xếp mà chúng ta thấy khá “đơn giản” này giúp nhà thơ dễ thao tác hóa thành thủ pháp trong nhiều thi phẩm khác và dần trở thành đặc sắc thơ Đồng Đức Bốn.
Ảnh: L.G |
2. Như thế, thi ảnh chỉ bắt đầu phá cách, mới lạ khi nó được trui rèn, va chạm với nhiều thủ pháp, lối viết khác nhau. Cùng một thi ảnh nhưng nếu gắn với thủ pháp khác nhau thì nó sẽ không còn mang những nét nghĩa tương đồng. Chúng ta có thể nhìn lại cách tổ chức thi ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử để nhận ra thủ pháp siêu thực, tượng trưng mà ông chịu ảnh hưởng từ thơ Pháp.
Thi sĩ có xu hướng tạo dựng cái kì dị, dị thường trong khi nhìn, mô tả những hình ảnh thông thường: “Gió rít tầng cao trăng ngả ngửa/ Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô/ Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra” (“Say trăng”). Sự kết hợp thi ảnh “gió”, “trăng” không có ý nghĩa biểu hiện thực tại mà gắn với những đột ngột liên tưởng, những sắp xếp theo sự xô đẩy trực giác, phi logic và “tự động” tràn lên mặt văn bản.
Từ “ngả ngửa”, kéo theo “tan thành vũng đọng”, từ “vũng trăng” dẫn đến “mửa máu”, đó là những hô ứng hình ảnh mà tác giả như được nhập thân để cảm nhận và biểu đạt. Mặc dù không ổn định, chặt chẽ trong cấu trúc nhưng những bài thơ viết theo lối “tự động” này đóng vai trò nâng hình ảnh thơ thành một hệ thống riêng biệt, khó lẫn và đặc biệt tồn tại lâu dài. Chúng là “đặc điểm nhận dạng” khi tìm về thi giới Hàn Mặc Tử.
Những thi ảnh nảy nở trong vũ trụ tâm tưởng thường tự do đến mức không có điểm qui chiếu. Hoàng Cầm từng có thi ảnh “lá diêu bông” đầu tiên và duy nhất trong thơ Việt hiện đại. Lưu Trọng Lư cũng bất tử với thi ảnh “con nai vàng ngơ ngác”.
Vi Thùy Linh gây ấn tượng với thi ảnh người đàn bà “dệt tầm gai”. Dương Tường trở nên khác biệt bởi thi ảnh “24 nhành sương tím”. Nguyễn Trọng Tạo gây dấu ấn khó phai với thi ảnh “đền đài nghả nghiêng say”...
Nếu người đọc đi tìm điểm qui chiếu cho những dạng thi ảnh này, họ chỉ có thể nhìn ra sự phức tạp, rộng lớn trong nội tâm người thi sĩ. Tuy vậy, chúng ta cũng nhìn thấy dạng cấu trúc thi ảnh này thường nằm chênh vênh giữa sự cụ thể và trừu tượng, lạ hóa và riêng biệt hóa.
Người làm thơ có quyền đặt các kỉ niệm, hồi ức, các trạng thái tình cảm và suy nghĩ trong cuộc đời làm nền cho hình ảnh thơ, chúng được kéo dài thêm nhờ ngôn từ và các thủ pháp nghệ thuật khác nhau.
Trong các trạng thái đó, dường như nỗi buồn, nỗi cô đơn, sự phức tạp dai dẳng trong khi đối mặt với bản ngã là căn nguyên khiến các nhà thơ có nhiều xúc cảm thi ca, hình ảnh thi ca độc đáo hơn cả, như thi hào R. M. Rilke chia sẻ: “khi người ta cô đơn, mọi khoảng cách, mọi kích thước đều biến đổi [...], nhiều biến đổi trong số đó diễn ra đột ngột, và những ảo giác khác thường, những cảm giác lạ lùng, dường như vượt ra ngoài mọi khả năng chịu đựng, bỗng xuất hiện như với người đứng trên đỉnh núi”.
Bài thơ "Lá diêu bông" với thủ bút của tác giả Hoàng Cầm. |
3. Cơ chế tâm lí đó sẽ đưa đẩy người làm thơ vươn tới những thi ảnh khác lạ mà chỉ riêng anh ta cảm nhận trước hết. Thi sĩ Nguyên Sa lưu danh hậu thế bởi một phép so sánh: “Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm/ Như con mèo ngái ngủ trên tay anh/ Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình/ Để anh giận sao chả là nước biển”.
Trong tư duy so sánh của thơ tình Việt Nam hiện đại, hình ảnh người yêu/người tình/người nữ thường được so sánh với những gì mĩ miều, đẹp đẽ hoặc ít nhất, thể hiện được trạng thái tương đồng. Nhưng Nguyên Sa lại lựa chọn một hình ảnh thoạt tiên gây cảm giác bình thường, xoàng xĩnh, có phần “thiếu tôn trọng” và “ngược đời”.
Tuy thế, chính thái độ tự nhiên, vượt qua khuôn phép trong khi so sánh lại khiến hình ảnh thơ trở nên mới mẻ, tương thích một cách kì lạ! Hình ảnh “con chó ốm”, “con mèo ngái ngủ” không những gợi được nét buồn bã trên khuôn mặt người yêu mà còn gần gũi với lối “nói yêu” thường thấy của những cặp tình nhân trẻ tuổi.
Khả năng tối ưu hóa phép so sánh ở đây, rõ ràng, là biểu hiện của tư duy thơ, thẩm mĩ thơ hiện đại hướng đến cái cụ thể, đời thường và rời xa chuẩn mực ước lệ.
Sự khác biệt trong cách xây dựng thi ảnh đến từ góc nhìn chủ quan của nhà thơ nhưng cần lưu ý rằng bản thân thi ảnh cũng có tính chất tồn tại độc lập, khách quan. Hình ảnh “chang chang cồn cát” mà Tố Hữu sử dụng tài tình để mô tả quê hương Mẹ Suốt hẳn đã chịu tác động từ kí hiệu nghệ thuật trước đó, chẳng hạn, “nắng chang chang” trong thơ Hàn Mặc Tử.
Đến lượt mình, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại dùng hình ảnh “trời chang chang nắng” để diễn đạt cảm xúc “tôi về héo khô”, vốn dĩ, lại như một thao tác liên-thơ, liên-kí hiệu hơn là kết quả của sáng tạo hình ảnh.