Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai: Ký ức như biển hồ

Thứ Hai, 23/12/2019, 10:55
Đang là cán bộ nghiên cứu tại nhà máy Z181 - Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), bất ngờ, tổ chức quyết định cử Dương Thị Thanh Mai đi học luật. Vốn được đào tạo chuyên ngành vật lý, nay chuyển sang pháp lý là một sự bất ngờ đến ngỡ ngàng đối với cô.

Cô thắc mắc, tại sao lại cử đi học luật trong khi cô không có một chút khái niệm nào về pháp lý? Lúc này, người đứng đầu cơ quan mới ôn tồn giải thích, xem lý lịch của cô, thấy cha cô, ông Dương Đức Hiền, đã tốt nghiệp Cử nhân Luật trường Đại học Đông Dương từ trước năm 1945. Đây là cơ sở để cơ quan nghĩ rằng, trong gia đình đã có truyền thống về pháp lý.

Bước ngoặt ngỡ ngàng

"Đến bây giờ hai anh em tôi không có gì phải hổ thẹn với bố mẹ. Giá trị mà bố mẹ tôi sống vì lý tưởng, đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để cống hiến, sau này, tôi và anh Hồng cũng không có làm gì khác với giá trị ấy".

Ngót 10 năm về trước, lần đầu tiên hỏi chuyện, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, con gái Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền, bà từng chia sẻ với tôi như vậy.

Mồ côi cha khi chưa đầy 10 tuổi nhưng trong gia đình, hình ảnh của cha dường như chưa bao giờ thiếu vắng. Mẹ, nhà báo Thanh Thủy, thay cha chăm sóc và nuôi dạy hai anh em. Người phụ nữ Hà thành sinh ra trong nhung lụa, sức vóc mảnh mai, theo lý tưởng cách mạng, rồi trở thành cán bộ Nhà nước, giờ đây vừa là mẹ vừa là cha, truyền lửa tình yêu và lý tưởng cho các con. 

Trước khi qua đời, bà Thanh Thủy tự hào vì hai người con của mình đều trưởng thành, được đồng nghiệp mến trọng: Con trai cả PGS.TS Dương Đức Hồng - nguyên Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội và con gái út Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp).

Ông bà Dương Đức Hiền - Thanh Thủy. Ảnh tư liệu gia đình.

Là một trong 5 thành viên của Ban Thường trực Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, ông Dương Đức Hiền được cử làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Lâm thời. Ông cùng các Bộ trưởng ký tên vào bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và có mặt trên lễ đài Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước đó, với tinh thần yêu nước, yêu dân chủ, ông là Tổng thư ký - thành viên sáng lập Đảng Dân chủ Việt Nam (thuộc Mặt trận Việt Minh), Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đông Dương.

Ông Dương Đức Hiền qua đời năm 1963 khi mới ở tuổi 47. Hai người con còn thơ dại. Tuy vậy, đức độ của ông lúc sinh thời khiến bao người quý trọng. Gia đình bé nhỏ của ông được tổ chức và mọi người xung quanh đùm bọc, chăm sóc, nhất là hai người con.

Dương Thị Thanh Mai được đưa ra nước ngoài học tập và đã tốt nghiệp Khoa Vật lý, trường Đại học KGU - Liên Xô. Về nước, cô trở thành cán bộ nghiên cứu tại Z181 - Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng). Thế rồi, một bước ngoặt đối với cuộc đời, để sau này đất nước có một chuyên gia về pháp lý. 

Phân viện nghiên cứu tách thành xí nghiệp điện tử, yêu cầu trước tình hình mới là cần đội ngũ cán bộ vừa hiểu biết về công nghệ bán dẫn vừa hiểu kiến thức luật. Tổ chức quyết định cử Dương Thị Thanh Mai đi học luật. Vốn được đào tạo chuyên ngành vật lý, nay chuyển sang pháp lý là một sự bất ngờ đến ngỡ ngàng đối với cô.

Cô thắc mắc với giám đốc, tại sao lại cử đi học pháp lý trong khi cô không có một tí khái niệm nào về pháp lý. Giám đốc xí nghiệp đã cho cô biết hai lý do để tổ chức quyết định. Thứ nhất, xem lại lý lịch của cô, tổ chức thấy cha cô, ông Dương Đức Hiền, đã tốt nghiệp Cử nhân Luật trường Đại học Đông Dương từ trước năm 1945. Đây là cơ sở để cơ quan nghĩ rằng, trong gia đình đã có truyền thống về pháp lý. Thứ hai, cơ quan nhận thấy tố chất của cô, làm việc rất nguyên tắc nên sẽ hợp với pháp lý.

Cô lại đem thắc mắc về hỏi mẹ. Bà Thanh Thủy nhẹ nhàng động viên con gái: "Con đã đi học vật lý rồi, được làm chuyên môn là tốt nhất. Nếu vì yêu cầu của đơn vị, của công việc, điều động con sang lĩnh vực mới, hơn nữa lại là ngành luật, con nên nhận lời. Con hãy nhớ chính từ ngành luật, bố mẹ gặp nhau, mẹ rất là ủng hộ. Con cứ suy nghĩ rồi quyết định".

Có thêm tiếng nói của mẹ, nhớ đến lời mẹ nói, nhờ bố học luật mà bố mẹ gặp nhau, cô quyết định chuyển sang pháp lý. Cũng từ đây, như một cơ duyên, cô được gặp lại cha mình qua chuyện kể khi làm việc trực tiếp nhiều năm với các chú từng tốt nghiệp Luật khoa Đại học Đông Dương như ông Phan Hữu Chi - Hiệu trưởng Đại học Luật, ông Phan Hiền - Bộ trưởng Bộ Tư pháp... Cô được gặp lại cha mình qua chuyện kể của các bác từng tốt nghiệp Luật khoa Đại học Đông Dương như nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe…

Vậy là dù không có nhiều thời gian để hiểu về bố bác trước đây nhưng qua mẹ và các bác sau này, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai đã hiểu thêm nhiều về các bậc sinh thành. Trước mỗi sự việc, bao giờ cô cũng suy nghĩ, nếu là bố mẹ thì bố mẹ suy nghĩ về việc này như thế nào, hành xử như thế nào? Nhờ cùng làm trong lĩnh vực pháp lý, cô càng hiểu rõ hơn, như cô từng kể với tôi, càng về sau này, ảnh hưởng của cha đối với cô càng lớn, mặc dù cha không còn để chỉ bảo trực tiếp cho cô.

Từ người "tay ngang", Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai đã có những đóng góp không mệt mỏi trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như soạn thảo Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp. Bà được đánh giá là người có công rất lớn trong việc đưa giáo dục pháp luật vào hệ thống các trường phổ thông và các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học không chuyên về pháp luật.

Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai.

Ký ức như biển hồ lai láng

Còn quá nhỏ để có nhiều kỷ niệm về bố. Cô Mai chỉ nhớ một điều rất rõ ràng, bố rất là hiền - đúng với tên gọi ông bà đặt cho - sống chân thành, giản dị với mọi người trong nhà.

Cho đến bây giờ, nhớ về bố, trong ký ức của Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai là hình ảnh buổi chiều bao giờ bố cũng đi bộ, không đi ô tô - dù bố có tiêu chuẩn xe riêng. Bố đi bộ từ trụ sở Đảng Dân chủ Việt Nam trên phố Lý Thường Kiệt về nhà riêng trên phố Trần Quốc Toản. Cô con gái út lại ra đứng ở cửa đợi đón bố về. Bố mặc áo sơ mi trắng, quần kaki nhạt, xách cặp đen, đi rất thanh thản từ đầu phố Quang Trung rẽ về phố Trần Quốc Toản.

Người cán bộ cao cấp của Nhà nước với những bước đi bách bộ thanh thản ấy lại rất kỷ luật, rất nghiêm trong chuyện duy trì giờ giấc sinh hoạt của các con trong nhà. Hai anh em Hồng - Mai ngủ đúng giờ, dậy đúng giờ. Từ tiết thu dần chuyển sang đông, bố mẹ cuốn cho mỗi con vào một cái chăn, cuộn tròn như cái nêm, rồi cài kim băng để buổi tối không lăn ra khỏi giường rơi xuống đất. Sáng dậy, tiếng bố đặc sệt giọng Bắc Ninh nựng con gái út: "Nào Mai, dậy cho bố cổi chăn ra nào". 

Ký ức như biển hồ lai láng dệt thành cây cầu nối về hiện tại qua những mẩu chuyện nho nhỏ Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai kể cho tôi nghe. Đó là những khu nhà ở nông thôn. Lo ngại trẻ con sống ở thành phố không biết được cảm giác của sự gắn bó với nơi sinh ra mình, nên ông bà Dương Đức Hiền - Thanh Thủy rất hay cho các con về nông thôn để các con biết ở đó có một cuộc sống khác với nơi mình đang ở trên phố Trần Quốc Toản trung tâm Thủ đô.

"Tôi nghĩ đến bây giờ quan tâm đến chuyện con cái trong nhà biết được cuộc sống của người lao động ở nông thôn vẫn là thiếu. Gia đình tôi bây giờ vẫn cố gắng để cho các con, các cháu biết đến cuộc sống nông thôn", Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai chia sẻ.

Còn trong hồi ký "Tình yêu và Lý tưởng", bà Thanh Thủy đã dành những trang viết cô đọng, kể lại kỷ niệm về gia đình. Ngày nghỉ, ông bà luôn chủ động đưa các con đi về nông thôn chơi.

"Chủ nhật nào, chúng tôi cũng đi "píc-níc". Khi thì ra ngoại thành, về quê, khi thì lên Bách Thảo, ăn bữa trưa, nghỉ ngơi, chơi đùa thoải mái rồi về nhà khoảng bốn, năm giờ, tắm rửa sạch sẽ, thế là kết thúc tốt đẹp một tuần lễ. Cũng có chủ nhật, chúng tôi thay buổi "píc-níc" bằng việc đi thăm viếng họ hàng, bè bạn của chúng tôi và của các cháu".

Đến tối thứ bảy, bố mẹ đưa hai anh em Hồng - Mai đi xem phim ở rạp Kim Đồng. Bố mẹ và hai con cùng ngồi xem phim. Những ngày tháng êm đềm ấy như ngôi sao băng vụt sáng rồi mất hút trong nền trời thăm thẳm.

Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai sinh năm 1954 tại Tuyên Quang (Chiến khu Việt Bắc). Từ năm 1995, bà về công tác tại Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) với chức vụ Phó Viện trưởng, rồi làm Viện trưởng (2005 - 12/2008). Từ năm 2009 đến năm 2015, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai là Chuyên gia Cao cấp, Cố vấn lãnh đạo Bộ Tư pháp.

Những đóng góp được ghi nhận nhiều hơn cả của Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo. Không chỉ phục vụ việc xây dựng các chiến lược trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, bà còn góp phần hoàn thiện tổ chức, hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp. Bà đã tham gia vào rất nhiều dự án luật quan trọng, cũng như các chiến lược, chính sách của Bộ Tư pháp, như Luật nuôi con nuôi, Luật giám định tư pháp…

Hiện nay, dù đã nghỉ hưu, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai vẫn được mời làm cố vấn cao cấp cho lãnh đạo Bộ Tư pháp. Bà đưa ra nhiều ý kiến quý báu đối với nhiều lĩnh vực của ngành.

Kiều Mai Sơn
.
.