Tiếc vài năm hay tiếc cả đời?

Thứ Hai, 18/05/2020, 09:07
Xin bắt đầu bằng câu chuyện của một người quen, vì lý do cá nhân, tạm gọi là anh K. Anh K chuyển sang học trường giao thông sau khi đã học đến 2 năm ngành hóa học. Khi đó, gia đình, người quen phản đối dữ dội vì anh chỉ cần học cố thêm 2 năm nữa là tốt nghiệp đại học rồi.

“Thà phí 2 năm còn hơn phí một đời”, anh tuyên bố vậy rồi tự ôn lại 3 môn toán, lý, hóa để thi lại vào trường giao thông. Khi người viết gặp anh lần đầu, anh đang làm nghiên cứu sinh về vật liệu ở nước ngoài, rất hạnh phúc. Vật liệu là một chuyên ngành hẹp, lai giữa ngành hóa, lý và phần nào là cơ học.

Vậy điều gì khiến anh K. bỏ ngành hóa, chuyển sang học giao thông, để rồi sau đó lại làm tiến sĩ về một ngành có liên quan đến hóa?

3 ý nghĩa của việc học

Đi học có ý nghĩa gì? Từ góc độ lý thuyết, các nhà giáo dục chia ý nghĩa của việc đi học thành 3 nhóm: (1) Ý nghĩa thực dụng: người học học xong một chương trình thì được lợi ích trực tiếp gì (ví dụ: bằng cấp, chứng chỉ để đủ điều kiện xin việc), (2) Ý nghĩa chuyên môn: người học học xong một chương trình thì sẽ được kiến thức, kỹ năng gì để áp dụng trong công việc và (3) Ý nghĩa nội tại: người học khi học có thấy vui thích, hứng thú hay không?

Vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu do thông tin không đầy đủ, các chương trình giới thiệu nghề nghiệp cho học sinh phổ thông chưa được thiết kế tốt nên ở Việt Nam, phần đông học sinh chọn ngành học ở bậc đại học trong bối cảnh không ý thức được đầy đủ về 3 ý nghĩa nói trên. Thường học sinh chọn ngành chủ yếu căn cứ trên một ý nghĩa. Ví dụ, có những em học sinh lựa chọn ngành học thuần túy để sau này dễ kiếm việc làm (ý nghĩa thực dụng) mà không quan tâm xem mình có thích ngành học đó hay không (ý nghĩa nội tại).

Ở góc độ khác, có những em đăng ký một ngành học đơn giản chỉ vì em thích ngành học đó (ý nghĩa nội tại) mà không hề quan tâm xem những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của ngành đó có hợp với mình hay không (ý nghĩa chuyên môn). 

Phải đến mãi sau này, khi bước chân vào nghiệp nghiên cứu giáo dục, tôi mới có thể hiểu và phân tích rõ 3 ý nghĩa kể trên đối với chính bản thân mình. Còn ở tuổi 18, tôi chọn ngành vật lý vì một ý nghĩa duy nhất: học để nối nghiệp gia đình và dễ xin việc sau này. Tất nhiên, khi một quyết định chỉ dựa trên một yếu tố mà không xét các yếu tố quan trọng khác thì sẽ dẫn đến bế tắc. Và, may thay, đã có 2 sự kiện quan trọng khiến tôi quyết tâm chuyển ngành.

Thời khắc quan trọng thứ nhất diễn ra vào khoảng cuối năm học thứ 3. Khi đó, tôi vừa hoàn thành một thí nghiệm kinh điển trong vật lý, thí nghiệm Michelson. Đây là thí nghiệm có kết quả rất đẹp (là các bức ảnh đa sắc cầu vồng) mà ai là sinh viên vật lý hẳn đều rất thích thú. Trong khi tất cả bạn học hân hoan khoe kết quả thí nghiệm của mình, tôi ngồi lặng lẽ một góc, không có cảm xúc gì cả. Mãi sau này, tôi mới hiểu, khi đó, “mình đã nhận ra ý nghĩa nội tại của ngành học: mình không hề yêu ngành này”.

Tất nhiên, sau đó tôi vẫn chưa chuyển ngành ngay. Quyết định dứt khoát chỉ diễn ra khoảng hơn một năm sau, khi tôi gặp anh H - người cùng chuyên ngành với mình. Anh vừa tốt nghiệp tiến sĩ loại xuất sắc và đang chờ nhận bằng, về nước. Càng đến ngày về, anh càng tỏ ra suy tư.  Một vị trí quản lý về chuyên môn như trưởng bộ môn hay trưởng phòng thí nghiệm đã được dọn sẵn chờ anh ở nhà. Vậy tại sao phải suy tư?

Qua những cuộc trò chuyện, tôi mới dần hiểu hơn suy tư của anh H. Mặc dù công việc tại trường đại học ở Việt Nam là rất ổn định nhưng thu nhập và điều kiện làm việc khi ấy (khoảng giữa những năm 2000) vẫn vô cùng khó khăn. Để duy trì cuộc sống, anh H. sẽ phải làm thêm bên ngoài (điều anh không muốn và thực ra cũng không có khả năng) hoặc định kỳ quay lại nước ngoài hằng năm một vài tháng (điều này thực ra cũng rất ảnh hưởng vì còn phải chăm lo cho bố mẹ già và gia đình nhỏ).

Sự suy tư của anh H. cũng chính là những thứ đang chờ đợi tôi ở phía trước. Như vậy, điều duy nhất níu kéo tôi ở lại với ngành học ở thời điểm đó là ý nghĩa thực dụng (công việc ổn định sau này) cũng không còn chắc chắn nữa. Chính vì vậy tôi quyết tâm chuyển ngành.

Thuyết phục được mình là chưa đủ

Thuyết phục mình thôi chưa đủ, người chuyển ngành còn phải thuyết phục rất nhiều người xung quanh: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và nhất là nhà tuyển dụng (nếu quyết định đi làm) hoặc người phụ trách chương trình đào tạo mới (mà người chuyển ngành muốn đăng ký học). Tôi đã chọn con đường đi làm một vài năm để tìm hiểu xem sự thực mình thích gì, mình có khả năng gì.

Trong suốt một thời gian dài, tôi luôn cảm thấy có cái gì đó mặc cảm, day dứt, thậm chí là tội lỗi. Con đường trước mắt thì chưa rõ hướng đi nhưng con đường trước kia thì đã lỡ rời bỏ. Những người xung quanh hoặc là không tin, hoặc là thấy mình thật khó hiểu. Chuyện này nghiêm trọng đến mức, đôi khi tôi cũng cảm thấy có phần nhụt chí: hay là ta quay lại ngành cũ?

Để bớt hoang mang, cả một thời gian dài tôi không hề gặp lại những bạn cũ. Bởi mỗi lần gặp là một lần cảm thấy tự ti hơn khi chứng kiến bạn bè thành công trong khi mình thì trắc trở. Có lần, một đồng nghiệp mới hỏi: “Không thấy tiếc mấy năm học trước đây à?”. Tôi khi đó đã rất buồn và không trả lời nhưng trong thâm tâm, tôi nghĩ: “tiếc mấy năm hay tiếc một đời, ta nên chọn cái nào đây?”.

Những lợi thế của người chuyển ngành học

Người chuyển ngành học không phải hoàn toàn là bất lợi. Lợi thế thứ nhất là về thái độ học, người chuyển ngành, khi đã được nhập học ở ngành học mới sẽ biết trân quý hơn những ý nghĩa của việc học. Cá nhân người viết trải nghiệm điều này rất rõ ràng. Khi đã chuyển sang ngành học mới mà mình thấy ý nghĩa (theo cả 3 phương diện thực dụng, chuyên môn và nội tại), tôi luôn học với tinh thần của một người học để bù đắp cho những thời gian phí hoài trước kia; điều này làm cho hiệu quả của việc học rất cao, cao hơn nhiều so với các bạn không phải chuyển ngành.

Lợi thế thứ hai thì ít người trải nghiệm hơn. Nói cách khác, nó chỉ đúng với những người được chấp nhận học tiếp lên bậc trên ở một ngành khác (ví dụ đại học học về công nghệ, thạc sỹ học về quản trị kinh doanh). Ở đây cũng phải nói rõ hơn là rất nhiều đại học nước ngoài chấp nhận điều này nếu ứng viên vượt qua kỳ sát hạch riêng. Tôi may mắn đã thuộc nhóm này.

Nhưng, cũng như nhiều người có cùng cảnh ngộ, tôi gặp một vấn đề là mình hoàn toàn không có kiến thức, kỹ năng của ngành học mới, trong khi ngay lập tức phải tiếp thu những nội dung rất khó ở bậc học cao. Trong khó khăn, tôi cố tìm ra một ưu điểm, đó là mình không có một giới hạn nào của việc học khi bắt đầu một vấn đề hoàn toàn mới. Do đó, tôi phải tự học gấp 2, gấp 3 lần bạn học để lấp bù kiến thức hổng. Điều này, vô hình trung lại giúp tôi rèn luyện khả năng tự học, điều rất tốt khi bước sang giai đoạn làm luận án.

Đến đây, chắc hẳn bạn đọc đã có thể hiểu hơn về lý do đi một vòng (chuyển ngành) của anh K. rồi lại quay trở về với đúng ngành cũ của mình ở bậc tiến sĩ. Nhìn từ lý thuyết 3 ý nghĩa của việc học, trường hợp tưởng như khó hiểu của anh K. lại hoàn toàn có thể giải thích được. Có thể cũng một vấn đề trước kia (ví dụ một hợp chất hữu cơ), khi còn ở ngành hóa, anh K. không hiểu, rồi khi chuyển sang ngành giao thông, nhìn nhận từ góc độ mới, anh mới thấy ý nghĩa cần thiết của nó (cho ngành giao thông), để rồi quyết định quay lại nghiên cứu về nó (vật liệu hữu cơ).

Sự lựa chọn của anh K. hay của tôi mặc dù khác nhau nhưng đều rất hợp lý. Hy vọng chuyển của chúng tôi có thể giúp ích điều gì đó cho các bạn trẻ, nhất là các bạn đang nung nấu ý định chuyển ngành hoặc đã chuyển sang học ngành mới rồi nhưng vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn.

----------------------------------------

(*) Tác giả bài viết này từng là sinh viên ngành vật lý tại Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội và Đại học Paris Sud 11. Sau đó, tác giả chuyển ngành và nhận bằng TS về quản trị tại Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan. Hiện, tác giả đang sinh sống tại Hà Nội, nghiên cứu về các vấn đề liên quan giữa quản trị và giáo dục.

Phạm Hiệp
.
.