Thuốc giả - hành trình những đồng tiền máu

Thứ Tư, 20/09/2017, 17:18
Hiện nay, bất kỳ loại thuốc nào, từ thuốc chống sốt rét cho tới kháng sinh, thuốc điều trị HIV hay ung thư, đều có thể bị làm giả. Những kẻ bất lương dùng mọi thủ đoạn để sản xuất thuốc kém chất lượng (kể cả trộn thêm các phụ gia độc hại), rồi tuồn dược phẩm "bẩn" ra thị trường nhằm trục lợi trên nỗi đau của người bệnh. 

Theo ước tính, mỗi năm có từ 100.000 đến một triệu người chết vì sử dụng thuốc giả, nhưng con số thực tế không thể xác định chính xác vì không bác sĩ nào dám chắc chắn rằng bệnh nhân tử vong là do thuốc giả. Chính vì lẽ đó, hành vi sản xuất và lưu hành thuốc giả càng khó phát hiện hơn, tác động mạnh đến đời sống, thậm chí là mạng sống, của người dân.

Trên thực tế, ngành công nghiệp dược toàn cầu là những mạng lưới vô cùng phức tạp, đan xen qua nhiều quốc gia. Một viên thuốc có thể đi qua hàng chục nước trong dây chuyền sản xuất, tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm tuồn thuốc giả vào hệ thống phân phối. Tội phạm thường sử dụng giấy tờ giả cho các lô thuốc để qua mặt cơ quan chức năng. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, khoảng 30% các quốc gia không có cơ quan quản lý dược phẩm có chức năng tương tự như Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA). Rất ít trong 196 quốc gia trên thế giới có những cơ quan chuyên biệt đối phó với tội phạm trong lĩnh vực dược phẩm, trong khi nhiều nước không thể thi hành luật pháp vì không đủ năng lực hoặc ngân sách.
Trung Quốc đã triệt phá một mạng lưới sản xuất thuốc kháng sinh amoxicillin giả từ tinh bột và hóa chất.

Buôn bán nhộn nhịp

Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng của nạn buôn bán thuốc giả mà thủ phạm là các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Với 1 USD để sản xuất thuốc giả, chúng có thể thu lời gấp 2.500 lần, cao hơn 156 lần lợi nhuận thu được nếu sản xuất ma túy. 

Lợi nhuận của việc buôn bán thuốc giả trên thế giới mỗi năm có thể lên tới 431 tỷ USD. Vì mức lợi nhuận siêu khủng như vậy nên vấn nạn thuốc giả càng khó triệt phá. Tám năm qua, Interpol đã tổ chức nhiều chiến dịch quy mô tại 115 quốc gia nhằm vào tội phạm thuốc giả. Và chỉ riêng năm 2015, hơn 2 tấn thuốc giả trị giá 7 triệu USD đã bị thu giữ.

Interpol cũng cho biết, mặc dù chiến dịch "Bão tố" được thực hiện khá thành công tại 13 quốc gia châu Á - truy quét hàng trăm cơ sở sản xuất và triệt phá nhiều đường dây buôn bán thuốc giả, nhưng cuộc chiến chống lại vấn nạn này vẫn còn nhiều cam go.

Thuốc giả đang làm hại người tiêu dùng tại nhiều nước trên thế giới, từ quốc gia nghèo khó như Ghana đến những nước phát triển như Mỹ hay Canada. Ủy ban châu Âu vừa cảnh báo, kể cả tại các quốc gia có mức sống cao và chất lượng y tế tốt ở châu Âu, tình trạng thuốc giả vẫn trở nên ngày càng nghiêm trọng sau khi Liên minh châu Âu bị rơi vào khủng hoảng kinh tế tài chính và nợ công. 

Do khó khăn, nhiều người dân đã chọn cách mua thuốc trôi nổi trên mạng để tiết kiệm tiền và thời gian, mở đường cho việc phát triển thuốc giả ở châu Âu. Loại thuốc nhiều nhất trên thị trường thuốc giả là các loại thuốc hỗ trợ tình dục (kiểu Viagra), thuốc giảm béo và thuốc chống trầm cảm, căng thẳng thần kinh. Theo thống kê, 50% dược phẩm bán trên mạng Internet là thuốc giả, và trong đó có cả các thành phần vô cùng độc hại như thuốc chuột và axit boric (dùng trong thuốc trừ sâu).

Nạn buôn bán thuốc giả nghiêm trọng nhất diễn ra ở châu Á và châu Phi khi tới 30% lượng thuốc bán ra là thuốc giả. Trong năm 2009, 20 triệu viên thuốc giả đã bị thu hồi sau cuộc điều tra kéo dài 5 tháng do Intepol điều phối trên khắp Trung Quốc và 7 nước Đông Nam Á. Mới đây, vụ việc nhập khẩu 9.300 hộp thuốc chữa trị ung thư giả về Việt Nam của công ty cổ phần VN Pharma được dư luận hết sức quan tâm. 

Trên thực tế, hàng loạt vụ buôn bán thuốc ung thư giả đã bị phanh phui khi lợi dụng lòng tin và cảm giác tuyệt vọng của người bệnh. FDA từng phát hiện lô thuốc chữa ung thư Avastin giả (chứa muối, tinh bột và hóa chất) trị giá hàng tỷ USD được mua tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

Mới đây, FDA vừa ra một loạt cảnh báo với 14 công ty có trụ sở tại Mỹ vì buôn bán thuốc ung thư chưa được kiểm duyệt trên mạng. Trong vòng 10 năm qua, FDA đã đưa ra hơn 90 đơn cảnh cáo đối với các công ty buôn bán thuốc ung thư giả, và cho biết vẫn còn rất nhiều trường hợp mà họ chưa thể xử lý kịp thời.

Công nghệ kinh hoàng

Theo WHO, thuốc giả là loại thuốc bị nhiễm khuẩn, không có hoạt chất hay không đúng hoạt chất; thuốc có đúng hoạt chất nhưng không đúng liều lượng và các loại thuốc bất hợp pháp gây tác hại đến sức khỏe. Ở các nước nghèo và các nước đang phát triển, thuốc giả và thuốc kém chất lượng đã và đang đe dọa kéo lùi hàng thập kỷ nỗ lực chiến đấu chống bệnh sốt rét, bệnh lao, HIV/AIDS và nhiều bệnh khác. 

WHO ước tính, mỗi năm có ít nhất 500.000 người chết ở châu Phi vì liên quan đến thuốc sốt rét và thuốc chống bệnh lao bị làm giả. Ngoài ra, Panama từng ghi nhận các ca bệnh tử vong sau khi dùng thuốc giảm ho có hóa chất diethylene glycol - vốn được sử dụng trong quá trình sản xuất nhựa, thuốc nhuộm hay chất ức chế ăn mòn, trong khi đó hàng trăm người dân Mỹ đã bị ngộ độc và mất mạng vì dùng thuốc chống đông máu heparin giả.

Thuốc giả không chỉ đánh lừa người tiêu dùng mà còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị, gây ra hiện tượng nhiễm độc kim loại nặng cũng như làm bệnh nhân dễ kháng thuốc. Khi uống phải thuốc giả, người dùng thường gặp phải tình trạng dị ứng thuốc, xuất hiện sau khi dùng thuốc 15-30 phút hoặc một vài ngày. 

CD-3 phát ra ánh sáng cực tím và hồng ngoại chiếu lên viên thuốc và bao bì để có thể xác định sản phẩm có phải là chính hãng hay không.

Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ nhất là kích ứng với các biểu hiện như buồn nôn hay ói mửa, cho đến các trường hợp nặng đe dọa tính mạng mà điển hình là sốc phản vệ. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lại lên đến 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.

Ấn Độ và Trung Quốc - những nước có nền công nghiệp dược phẩm phát triển hàng đầu trên thế giới - lại chính là "cái nôi thuốc giả" với quy mô lớn. Ở Ấn Độ, cứ 5 viên thuốc bán ra thì có 1 viên thuốc giả. Vụ việc đình đám nhất là chuyện FDA lên tiếng cảnh báo về độ an toàn của các loại thuốc sản xuất tại Ấn Độ và nghiêm cấm nhập một số loại thuốc từ nước này. 

Tại Trung Quốc, công nghệ làm thuốc giả còn kinh hoàng hơn. Cảnh sát Quảng Châu đã phá một mạng lưới sản xuất thuốc giả, thu giữ 2.830 thuốc kháng sinh giả hiệu amoxicillin chỉ chứa toàn tinh bột. Thậm chí, người dân Trung Quốc đã rất hoang mang khi thuốc An cung ngưu hoàng hoàn (phòng trị đột quỵ) giả có chứa crom - hóa chất thuộc da có thể làm tổn thương cấu trúc ADN, suy gan, suy thận và gây ung thư. 

Bên cạnh đó, một số đường dây làm thuốc Viagra bằng thuốc thú y, thuốc hạ sốt và trị ho chứa thạch tín cực độc cũng đã bị phanh phui.

Chưa thể ngăn chặn

Hiện nay trên thế giới đã và đang phát triển những kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp nhằm chống thuốc giả. Một số hãng sản xuất thuốc đã sử dụng hệ thống theo dõi ký hiệu và kiểm tra nguồn gốc thuốc bằng sóng radio. Một giải pháp công nghệ khác cũng đang được áp dụng là tem phủ cào. Người mua thuốc sẽ cào lớp tem phủ trên vỏ thuốc để lấy dòng chữ và số, rồi gửi tin nhắn đến một đầu số nhất định. Tin nhắn phản hồi sẽ cho họ biết sản phẩm này có phải là thuốc thật hay không.

Bên cạnh đó, thiết bị kiểm tra cầm tay CD-3 được coi là một giải pháp hiệu quả để giúp các nhà quản lý nhanh chóng phân biệt thuốc thật thuốc giả mà không phải gửi mẫu tới các phòng thí nghiệm và chờ đợi trong thời gian dài. CD-3 phát ra ánh sáng cực tím và hồng ngoại chiếu lên viên thuốc và bao bì để có thể xác định sản phẩm có phải là chính hãng hay không.

Tuy nhiên, công nghệ mới chưa đủ để đối phó với vấn nạn thuốc giả mà cần tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về thuốc giả cũng như hợp tác quốc tế nhiều và hiệu quả hơn. Đồng thời, các nước có vấn đề thuốc giả nghiêm trọng cần có một hệ thống luật pháp chặt chẽ, các quy định có hiệu quả và các cơ quan thực thi đủ mạnh nhằm ngăn chặn những kẻ làm dược phẩm giả trục lợi trên nước mắt của người bệnh. 

Ngoài ra, để chống lại vấn nạn thuốc giả trên quy mô lớn, cần sự phối hợp tốt hơn giữa các quốc gia trên thế giới. Theo lời kêu gọi của WHO, đã có hàng chục công ty kỹ thuật lớn tham gia lực lượng đặc nhiệm quốc tế chống sản xuất và kinh doanh thuốc giả.

Nhận thức được vấn đề, Ủy ban Châu Âu đã xây dựng công ước chống tội phạm liên quan đến thuốc giả "Medicrime" có hiệu lực trên toàn châu Âu. Công ước này hình sự hóa tất cả những hình thức phạm tội liên quan đến dược phẩm giả (bao gồm sản xuất dược phẩm giả; cung cấp, tạo điều kiện cung cấp và buôn bán các sản phẩm dược phẩm giả; làm giả giấy tờ; sản xuất hoặc cung cấp không phép các sản phẩm y tế cũng như đưa ra thị trường các sản phẩm y tế không đáp ứng các yêu cầu của pháp luật). 

Công ước cũng đưa ra các khung hợp tác quốc tế trong việc chống và trừng phạt các tội liên quan đến thuốc giả. Tuy nhiên, văn kiện này chưa được nhiều quốc gia mặn mà thực hiện, đơn cử như những nước có ngành dược phẩm đem lại đóng góp lớn cho nền kinh tế như Brazil hay Ấn Độ...

Việt Dũng
.
.