Thực hành pháp quyền: Không chỉ là việc của "người ta"

Thứ Năm, 25/04/2019, 18:21
Cựu phó VKSND Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh đã bị khởi tố vì hành vi ôm hôn một bé gái trong thang máy, nhưng điều chúng tôi muốn bàn trong bài viết này là: Hai chữ "Ấ Dâm" viết lên cổng nhà Nguyễn Hữu Linh nói với chúng ta điều gì?

Nó nói về sự phẫn nộ của dư luận. Đông đảo dư luận không chấp nhận một hành vi như thế, đặc biệt là trong bối cảnh trước đó không lâu một người đàn ông khác cũng có một hành vi giống như thế, và hành vi này chỉ bị xử phạt 200.000 đồng. 

Đã có người đưa ra một so sánh có vẻ xù xì nhưng rất đáng suy nghĩ rằng: Tè bậy bị phạt tới 3 triệu đồng, trong khi tấn công "cưỡng hôn" chỉ bị phạt 200.000 đồng. Đấy là một hình phạt có vẻ chưa đủ sức răn đe, và nó là một điển hình cho việc một số nghị định, luật lệ của chúng ta có thể đã không theo kịp dòng chảy mới của cuộc sống.

Xã hội pháp quyền là xã hội vận động theo quy định của luật pháp. Khi luật pháp tỏ ra lỗi thời, người dân bất bình, đấu tranh để đề nghị sớm tạo ra những thay đổi cho "hợp thời" là điều hoàn toàn dễ hiểu. 

Bất bình sau chồng bất bình trước, bất bình này chồng bất bình kia, cho nên làn sóng phản ứng dữ dội hành động "nựng" trẻ khó coi của ông nguyên viện phó viện kiểm sát (Đà Nẵng) cũng là dễ hiểu. 

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Trong trường hợp cụ thể này, với liên tiếp các câu chuyện tương đồng xảy ra như thế này, người dân im lặng mới là chuyện lạ.

Tuy nhiên điều cần phải bàn bạc tiếp theo là mức độ của sự bất bình. Xã hội pháp quyền là một xã hội mà người dân luôn cần đặt cho mình câu hỏi: mức độ hành động nào là đúng luật, mức độ hành động nào là lách luật, mức độ hành động nào là sai luật. 

Về mặt nguyên lý, trong một số trường hợp cụ thể, "lách luật" rõ ràng là không đúng luật, nhưng chắc chắn cũng không sai luật, nên cơ quan công vụ nhà nước cũng không thể dễ dàng kết tội người lách luật.

Nếu các cán bộ công chức trong một nhà nước bắt buộc phải làm tất cả những điều mà luật pháp cho phép thì người dân lại có quyền làm tất cả những điều mà luật pháp không cấm. 

Khi hệ thống luật pháp sơ hở thì "làm những điều không cấm" chính là lách luật, và việc của nhà nước là phải nhanh chóng thay đổi hệ thống pháp luật để người ta không thể "lách", chứ không phải là dùng ý chí của một hoặc một vài lãnh đạo, với những xảo thuật luật pháp nào đó để đưa người "lách luật" vào tù.

Phân tích cặn kẽ như thế để thấy rằng, xã hội pháp trị theo cách gọi của người phương Đông xưa hay pháp quyền theo cách gọi của người phương Tây hiện đại là một vận động mà luật pháp là tối thượng.

Sự lạnh lùng và tối thượng của luật pháp khiến nhà nước không thể xử lý những người "lách luật" (dù biết mười mươi người ấy kéo lùi sự phát triển của xã hội), nhưng cũng chính sự lạnh lùng và tối thượng của luật pháp lại giúp nhà nước hạn chế đến mức tối thiểu những bản án oan sai.

Người dân trong xã hội pháp quyền luôn hiểu và chấp nhận nguyên tắc này, nên trong mọi hành xử xã hội, luôn phải trả lời xem, cùng một hành động, mức độ nào là đúng luật, mức độ nào là lách luật, mức độ nào là sai luật. Trở lại với cơn thác lũ bất bình của người dân về hành động của ông nguyên viện phó viện kiểm sát Đà Nẵng, ở đây có các mức độ hành xử rất rõ ràng.

Chỉ trích hành động này là đúng luật. Phân tích các dữ kiện mình nhìn thấy trong clip để có thể trao đổi, phản biện lại lời giải thích "chỉ là nựng, chứ không phải sàm sỡ" cũng là đúng luật. 

Thậm chí, bằng thái độ của mình không ngừng kêu gọi các cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng vào cuộc, nhanh chóng đưa ra kết luận cuối cùng, cũng là đúng luật. 

Nhưng đến nhà nhân vật này để viết hai chữ "Ấ Dâm" lên cổng nhà là sai luật. Ném hàng loạt các chất bẩn vào sân nhà là sai luật. Và như đã phân tích ở trên, một xã hội pháp quyền đúng nghĩa là một xã hội mà tất cả các hành vi sai luật đều phải bị xử lý.

Bản chất của luật pháp là gì? Bản chất của luật pháp không phải là để kìm hãm, ngăn chặn tự do của người dân, mà  để bảo vệ tự do của người dân. Nếu không có luật, ai cũng có thể hành động tự do bản năng thì tự do của người này chắc chắn sẽ xúc phạm đến tự do của người khác. Và chỉ có những xã hội nguyên thuỷ cổ xưa mới chấp nhận kiểu "tự do bản năng" như thế.

Người viết những dòng chữ bẩn thỉu lên cánh cổng nhà ông Nguyễn Hữu Linh có thể biện giải rằng, đấy là phản ứng tất yếu của một sự bất bình tột độ. 

Tức là ở góc độ cảm xúc, sự bất bình này là chính đáng, và hành động viết bẩn lên cổng nhà là có thể chia sẻ. Nhưng trong một xã hội mà ai cũng sẵn sàng hành động theo mệnh lệnh của cảm xúc (cho dù đấy là những cảm xúc chính đáng) thì tất yếu sự hỗn loạn sẽ xảy ra. Cho nên, người phương Tây có một câu nói rất đáng suy nghĩ: "Sự bùng nổ của lý trí là tốt, nhưng tốt nhất phải là lý trí của sự bùng nổ".

Chỉ có "lý trí của sự bùng nổ" mới có thể giúp chúng ta phân định rạch ròi các mức độ khác nhau của một hành động, từ đó bảo vệ luật pháp. Xin nhắc lại: bảo vệ luật pháp cũng là bảo vệ tự do của xã hội, trong đó có tự do của chính mình.

Nhà nghiên cứu luật pháp, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa từng đưa ra nhận định: Người Việt Nam  xưa nay vốn có thói quen và có khả năng chống luật. 

Điều này đến một phần từ một lịch sử bị đô hộ, và chúng ta thường xuyên bị "ép" thực hiện những hệ thống luật lệ mà kẻ đô hộ áp vào mình. Một phần khác đến từ sự tồn tại của những quy phạm xã hội mang tính hương ước vốn là kim chỉ nam vận động cho tất cả các làng xã trước đây.

Với căn nguyên thứ nhất, chúng ta đã giữ được nước, chứ không mất nước, dù phải trải qua hết sự đô hộ này đến sự đô hộ khác. Với căn nguyên thứ hai, chúng ta tạo ra cái gọi là "phép vua còn thua lệ làng", và đấy chính là một hình thức phản kháng hữu hiệu trong những trường hợp mà "phép vua" đi ngược lòng dân.

Thói quen phản kháng luật được hình thành từ một hoàn cảnh lịch sử đặc thù chắc chắn đã  ăn vào máu người Việt Nam, từ hết thế hệ này sang thế hệ khác. 

Và nếu nhìn lại một số vụ việc nổi cộm trong xã hội hiện đại, ví dụ như dự án đầu tư khai thác dầu khí của Tập đoàn dầu khi Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Venezuela, chúng ta thấy rằng không chỉ một bộ phận người dân, mà một bộ phận quan chức cũng cho thấy những biểu hiện đi ngược lại quy định của pháp luật. 

Theo luật, một dự án đầu tư ra nước ngoài với một lượng vốn đầu tư lớn như trong trường hợp này, nhất định phải thông qua Quốc hội, vậy mà người ta vẫn vin vào hết lý do này đến lý do khác để "lờ" Quốc hội.

Thực hành xã hội pháp quyền phải là một thực hành đến từ nhiều phía. Trong một trường hợp nào đó, nếu một phía nào đó không tuân thủ điều này thì những phía còn lại cũng không thể lý luận theo kiểu: "Vì người ta như thế, nên tôi cũng thế!".

Không! Đây không phải là câu chuyện của "người ta", mà là câu chuyện của "tôi", của "chính mình" trong tất cả các hành xử cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, cả ở cấp độ lớn mang tầm quốc kế dân sinh lẫn những cấp độ nhỏ như lời ăn, tiếng nói hằng ngày.

Vương Trọng Tín
.
.