Thêm nụ cười và bớt những cơn đau

Thứ Ba, 07/05/2019, 11:02
Cuộc sống nhiệm màu luôn có những ước mơ. Những người bình thường hướng đến hoài bão, khát vọng cao xa. Còn với những đứa trẻ bị dị tật vùng mặt, ước mơ lớn nhất là có được gương mặt lành lặn, có đủ tai, mắt, mũi, miệng theo quy luật bình thường của tạo hóa.


Gần 30 năm qua, bác sĩ Nguyễn Nguyệt Nhã - nguyên Phó khoa Sọ mặt - Tạo hình, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn kiên trì và tận tụy với những chương trình phẫu thuật dị tật vùng mặt miễn phí cho bệnh nhi nghèo, giúp các em thực hiện ước mơ lớn lao nhất trong cuộc đời, là tìm lại hình hài trọn vẹn, có thêm nhiều nụ cười và bớt những cơn đau.

Bác sĩ của những bệnh nhân tật nguyền

18 năm rồi nhưng bác sĩ Nguyễn Nguyệt Nhã vẫn nhớ bé Mai ngày đầu đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi đó, Mai mới 2 tháng tuổi, bé nhỏ và yếu ớt. Một khối u máu rất lớn đã choán toàn bộ phần mắt phải và thái dương phải của Mai, máu từ khối u rỉ ra khiến bé vô cùng đau đớn.

Trước đó, bố mẹ vay mượn tiền đưa Mai đi khám ở nhiều nơi, nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu vì khối u máu lớn mà con thì nhỏ quá. 

Thương con mới sinh ra đã chịu thiệt thòi, bác sĩ Nhã đã phẫu thuật và điều trị từ thiện cho Mai trong suốt một thời gian dài. Mai ngoan lắm, dù còn nhỏ nhưng dường như Mai hiểu được nỗi lo lắng, niềm thương cảm và sự tận tâm mà bác sĩ Nhã dành cho con, nên con không quấy khóc. Khối u không rỉ máu nữa, dần tiêu đi.

Bác sĩ Nguyễn Nguyệt Nhã chăm sóc bệnh nhân phẫu thuật vành tai.

Điều may mắn nhất là bác sĩ Nhã đã giữ lại được con mắt bên phải và phẫu thuật tạo mí mắt cho Mai. 18 năm trôi qua, Mai giờ đã trở thành thiếu nữ xinh xắn, trưởng thành. Cũng từ trường hợp của bé Mai, bác sĩ Nhã chuyên tâm nghiên cứu và điều trị u máu ở trẻ em, đã cứu chữa và trả lại khuôn mặt lành lặn cho rất nhiều em nhỏ…

Tháng 3 vừa rồi, hai chị em Vi Thị Phú và Vi Đức Lương háo hức từ Thái Nguyên xuống Hà Nội để được phẫu thuật từ thiện lần thứ 3. 

Nhìn thấy Phú lần đầu tiên trong đợt mổ từ thiện năm 2018, bác sĩ Nhã không thể nghĩ cô bé đã 21 tuổi. Bởi cơ thể Phú nhỏ bé, gầy yếu, mắc đa dị tật, gương mặt lép hẳn một bên, lệch cổ, lệch xương sống. Với Phú, việc chống chọi với những cơn đau ốm liên miên đã choán hết tâm trí em, nói chi đến những ước mơ tuổi trẻ, nói chi đến việc đỡ đần cha mẹ để gia cảnh bớt nghèo khó.

Em Lương của Phú năm nay học lớp 7, hằng ngày đến lớp với khuôn mặt méo xẹo do liệt dây thần kinh số 7. Chị em Phú biết rằng, bố mẹ thường giấu những giọt nước mắt khi bất lực nhìn hai đứa con tật nguyền sống trong đau yếu và buồn tủi, khi gia cảnh nghèo khó không có tiền chạy chữa cho con.

Bởi vậy, khi được xuống Hà Nội và được bác sĩ Nhã cùng các chuyên gia phẫu thuật tạo hình của Tổ chức RICE (Mỹ), Tổ chức Facing the World (Anh quốc) khám và phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện Hồng Ngọc, hai chị em Phú như được sống một cuộc sống khác. Đợt phẫu thuật đầu tiên vào tháng 5-2018, bác sĩ Nhã cùng các chuyên gia nước ngoài ghép xương sọ và tạo hình lép mặt cho Phú. Đến tháng 10, Phú được phẫu thuật giải phóng gân cơ.

Tháng 3-2019, cả hai chị em Phú cùng được phẫu thuật để chỉnh dần những dị tật trên khuôn mặt, hình hài trở nên cân đối hơn rất nhiều. Ngày hai chị em Phú ngắm mình trong gương và mỉm cười thì bố mẹ hai em đã khóc, bác sĩ Nhã cũng khóc trước niềm hạnh phúc của cả gia đình Phú. 

"Giờ thì cậu bé Lương tự tin đến lớp mỗi ngày, còn Phú sức khỏe đã tốt hơn, tập tành bán buôn với quầy hàng tạp hóa nhỏ để đỡ đần bố mẹ", bác sĩ Nhã nở nụ cười khi nói về cuộc sống mới của chị em Phú.

Tham gia nhiều chương trình phẫu thuật từ thiện, bác sĩ Nhã nhận  thấy có rất nhiều trẻ em Việt Nam bị dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt, phải sống cuộc sống thiệt thòi, đau đớn. Có em bé sinh ra chẳng có mũi phải thở bằng miệng, nhiều em chẳng có cằm, hoặc không có tai và chưa một lần được nghe thấy âm thanh cuộc sống… Việc điều trị cho các em chẳng ca nào giống ca nào, thậm chí rất nhiều ca chưa có tiền lệ.

Bởi vậy, hành trình chữa bệnh từ thiện của bác sĩ Nhã cũng song song với việc học tập không ngừng để cập nhật kiến thức và nâng cao tay nghề. 

Với kinh nghiệm học hỏi được trong gần 30 năm tham gia phẫu thuật cùng các chuyên gia nước ngoài, cùng những kiến thức lĩnh hội được trong thời gian học tập và làm việc tại Trung tâm Sọ mặt Bệnh viện Changgung Menorial (Đài Loan), tại Đại học Y Paris VI (Pháp), Đại học Yonsei, Seoul (Hàn Quốc), bác sĩ Nhã thường trực tiếp phẫu thuật các ca dị tật khó đòi hỏi cao về chuyên môn.

Nhiều người gọi bà là bác sĩ của những bệnh nhân tật nguyền, bởi những bệnh nhân tìm đến bà đều nghèo và mắc dị tật vùng mặt, hàm, tai, u máu, thậm chí đa dị tật, phải mang hình hài kì dị đáng thương.

Chiếc Ipad giúp bác sĩ Nhã lưu giữ hình ảnh người bệnh trước và sau khi phẫu thuật. Thỉnh thoảng, bà lại ngắm những gương mặt thân thương của bệnh nhân khi họ đã có đôi tai, có chiếc cằm, hay có thêm con mắt thứ 2, có chiếc mũi trên mặt, lấy đó làm động lực tiếp tục công việc phẫu thuật từ thiện bao năm qua.

18 năm gắn bó với Dự án RICE

Đã gần 30 năm qua, trái tim bác sĩ Nhã luôn nhói đau khi nhìn thấy những gương mặt khiếm khuyết, dị dạng của bệnh nhân. Đôi bàn tay của bà mải miết trong những ca phẫu thuật từ thiện để tạo nên những đổi thay, tái sinh những nụ cười hạnh phúc.

Từ năm 1991 đến năm 2013, khi đang công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ Nhã đã tham gia nhiều chương trình phẫu thuật từ thiện hợp tác giữa Bệnh viện và các tổ chức y tế lớn trên thế giới như Tổ chức Openration Smile American (Mỹ), Tổ chức Interplast Holand (Hà Lan), Đoàn phẫu thuật tạo hình Globe Care (Hà Quốc),…

Bác sĩ Nhã chính là người đã kết nối với chuyên gia phẫu thuật Mỹ Joseph M. Rosen và góp phần quan trọng trong việc thành lập Dự án RICE chuyên phẫu thuật dị tật miễn phí cho trẻ em nghèo Việt Nam. Bà không thể nào quên những ngày đầu tiên thành lập Dự án cách đây đã 18 năm.

Khi đó là năm 2001, có nhiều bệnh nhi bị u máu lớn, dị tật vành tai, dị tật lép mặt, khe hở chéo mặt đến khám ở Bệnh viện Nhi, nhưng điều kiện lúc đó chưa thể phẫu thuật được cho các ca bệnh nặng và khó. 

Những gương mặt đầy khiếm khuyết, dị dạng của các em ám ảnh bác sĩ Nhã vào tận giấc ngủ. Thương những em bé phải chịu thiệt thòi, bà đã cầm bệnh án của các em đi gặp các đoàn bác sĩ phẫu thuật của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Mặc dù các chuyên gia nước ngoài đều đưa ra hướng điều trị, nhưng tất cả đều từ chối phẫu thuật cho các em.

Không bỏ cuộc, bác sĩ Nhã tiếp tục tìm kiếm sự trợ giúp để có thể cứu sống các em nhỏ đang ngày ngày phải chịu đau đớn. May mắn đã đến khi bác sĩ Nhã biết được bác sĩ Joseph M. Rosen - chuyên gia phẫu thuật tái tạo và tạo hình hàng đầu của Mỹ đang phẫu thuật từ thiện ở Việt Nam. 

Bà lập tức gửi bệnh án cho bác sĩ Rosen và thỉnh cầu ông giúp đỡ. Vị bác sĩ người Mỹ đã mang theo bệnh án của các em nhỏ sang Mỹ với lời hứa sẽ lưu tâm đến các trường hợp này.

Thật bất ngờ, 3 tháng sau, bác sĩ Rosen đã quay lại Việt Nam, thành lập Dự án RICE Project Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương để phẫu thuật cho các bệnh nhi mắc dị tật vùng mặt, tay chân. 

Chuyên gia người Mỹ này chia sẻ rằng, sở dĩ ông đặt tên dự án là RICE - nghĩa là "hạt gạo", vì lúa gạo rất có ý nghĩa ở một nước có truyền thống trồng lúa như Việt Nam. Và còn bởi ông từng đọc bài thơ "Nghe tiếng giã gạo" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và rất ấn tượng với hình ảnh hạt gạo trong bài thơ.

Bác sĩ Nguyễn Nguyệt Nhã cùng Giáo sư Rosen luôn đồng hành trong nhiều chương trình thiện nguyện phẫu thuật dị tật vùng mặt cho trẻ em Việt Nam.

Đã 18 năm nay, bác sĩ Nhã và Giáo sư Rosen vẫn trao đổi chuyên môn qua email. Và cũng từng ấy thời gian, đều đặn mỗi năm một lần, Giáo sư Rosen sử dụng những ngày nghỉ phép ở Đại học Y khoa Geisel, Dartmouth, Mỹ để đến Việt Nam, gặp lại nữ đồng nghiệp đầy nhiệt huyết, cùng chữa lành những gương mặt chẳng vẹn toàn của nhiều em nhỏ.

Năm 2013, khi nghỉ hưu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ Nhã đã viết thư cho Giáo sư Rosen để nói lời tạm biệt và chuyển đến làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc. Cảm mến người nữ đồng nghiệp Việt Nam luôn luôn hết lòng vì người bệnh, Giáo sư muốn tiếp tục được đồng hành cùng bác sĩ Nhã ở Bệnh viện Hồng Ngọc để bù đắp những thiệt thòi mà các em nhỏ mắc dị tật phải chịu đựng.

Nhờ đó mà Dự án RICE đã được hỗ trợ và có ý nghĩa lan tỏa trong cộng đồng ở Bệnh viện Hồng Ngọc đã 7 năm nay. Được sự hỗ trợ của Ban Giám đốc Bệnh viện, bác sĩ Nhã vẫn nhiệt tình tham gia các ca phẫu thuật cho các bệnh nhi bị dị tật vành tai và dị tật khó vùng hàm mặt, tìm lại tiếng cười cho các em nhỏ đáng thương.

Để có thể bền bỉ với những hành trình thiện nguyện, bác sĩ Nhã suốt những năm qua luôn phải tất bật thu xếp công việc cơ quan, việc gia đình con cái trước và sau những đợt phẫu thuật từ thiện dài ngày. Có những hy sinh lặng thầm để đổi lấy nụ cười cho những em thơ.

Đến giờ, tuy đã qua tuổi hưu, nhưng bà vẫn tận tâm và đầy nhiệt huyết trong những hành trình thiện nguyện của Bệnh viện Hồng Ngọc, sát sao với bệnh tình của bệnh nhân từ khâu khám sàng lọc, phẫu thuật, theo dõi hậu phẫu đến tái khám. 

Bà vẫn tận tình giải đáp, ân cần hướng dẫn người nhà bệnh nhân chăm sóc con em họ, vẫn dõi theo từng biến đổi trên gương mặt bệnh nhân. Bởi cả cuộc đời này, bác sĩ Nhã là bác sĩ của những bệnh nhân tật nguyền.

Huyền Châm
.
.