Thế hệ trước: Nhìn dọc - Thế hệ sau: Nhìn ngang

Thứ Sáu, 14/06/2019, 16:47
Nếu có ai hỏi tôi sẽ quan tâm đến thế hệ theo chiều nào? Tôi sẽ trả lời cả hai. Tôi vẫn nghĩ rằng 7X và 8X là 2 thế hệ “gạch nối” giữa thế hệ cũ - “thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh” với thế hệ mới - “thế hệ sinh ra đã toàn cầu”, “sinh ra đã 4.0”. 

1. Tôi là một người thuộc thế hệ 8X, biết đến Internet lần đầu tiên vào năm 2001. Tôi nhớ khi đó sau giờ học, một người bạn rủ tôi “đi chat không?” và thế là sau đó tôi được kéo đến “phòng chat”. 

Ông chủ của “phòng chat” hóa ra lại là một người quen, vì đó cũng là ông chủ của quán điện tử cầm tay mà tôi vẫn hay chơi. Ông này nắm bắt xu thế rất nhanh, quy hoạch thêm một phòng bầy khoảng 7-8 máy tính để bàn, chuyên phục vụ cho việc vào Internet (hồi đó vẫn là ADSL). 

Và sở dĩ gọi là “đi chat” là vì người dùng hầu như không biết làm gì ngoài việc vào một số web chat, nơi có thể kết bạn và tán gẫu với nhiều người ở khắp nơi (cần nhớ năm 2001, thậm chí là báo VNExpress cũng mới ra đời và chưa thực sự được biết đến nhiều). 

Người bạn “ảo” đầu tiên tôi quen (qua chat) khi đó là một bạn ở Nam Định, hơn tôi 1 tuổi nhưng đến tận bây giờ tôi cũng không biết mặt. Hồi đó, người ta vẫn chủ yếu chụp ảnh bằng máy phim và việc gửi 1 bức ảnh qua email hay qua chat cũng tốn rất nhiều sức lực. Chúng tôi có trao đổi email qua lại với nhau chừng 2-3 năm sau đó rồi thôi.

Thế hệ sinh năm 2001 (trước và sau đó 1-2 năm) có thể gọi là thế hệ "sinh ra đã là toàn cầu" (born-to-be-global generation).

2. Chếch bên kia đường “quán chat” mà tôi vẫn chơi khi đó là một cây đa cổ thụ, nơi người ta vẫn đến cúng để cầu về những chuyện liên quan đến con cái. Tôi vẫn nhớ những hình ảnh người bà cắp một chiếc làn nhỏ, lật đật đi đến gốc đa, đặt lễ, thắp hương, khấn vái. Có bà đến cầu cho có cháu bế, có bà lại đến để lễ tạ.

3. Năm nay cách năm tôi biết Internet lần đầu đúng 18 năm. Tức là một em bé, có thể là cháu của một bà đứng khấn ở gốc đa năm xưa, năm nay có thể đang chuẩn bị thi đại học hoặc chuẩn bị lên đường du học. 

Thế hệ sinh năm 2001 (trước và sau đó 1-2 năm) có thể gọi là thế hệ “sinh ra đã là toàn cầu” (born-to-be-global generation). Bởi các em sinh ra trong thời đại Internet bắt đầu phát triển mạnh. 

Ví dụ, bà của một em bé sinh năm 2001, có thể sau khi khấn ở gốc đa, tiện thể sẽ đi qua đường, vào quán nét nhờ ông chủ viết mail cho người nhà ở nước ngoài báo về việc con dâu/con gái sắp (hoặc đã) sinh con. 

Điều này tiện lợi hơn nhiều so với thế hệ của tôi. Mẹ tôi vẫn kể, khi tôi ra đời thì phải vài tháng sau người nhà ở nước ngoài mới nhận được tin qua thư tay. Thời đó điện thoại bàn cũng chưa phổ biến ở Việt Nam.

4. Vợ chồng tôi vừa sinh cháu thứ hai. Vợ tôi là người chuẩn bị hầu hết đồ đạc cho em bé trước khi sinh. Nhưng bằng một cách nào đó, đúng ngày cháu ra đời, khi tôi chạy từ viện về nhà lấy đồ, tranh thủ mở máy tính thì ngay lập tức, rất nhiều quảng cáo liên quan đến trẻ sơ sinh (xe đẩy, địu, sữa, cũi...) hiện lên màn hình Facebook của tôi. Con tôi và các bạn cùng thế hệ của nó có thể xem là “thế hệ đẻ ra đã 4.0”.

5. Nghiên cứu về các thế hệ, xu hướng, hành vi, thói quen và các tiền đề/yếu tố ảnh hưởng/liên quan là một chủ đề lớn đối với các học giả phương Tây. Lên Google Scholar, gõ chữ generation (thế hệ) thì ngay lập tức bạn sẽ được gợi ý tìm kiếm tiếp các từ khóa như “Generation X” (chỉ những người sinh 1960-1980), “Generation Baby Boomer” (chỉ những người sinh ra sau Chiến tranh thế giới thứ 2)... 

Ở Việt Nam, ta hay gọi là thế hệ 8X, 9X... (tôi đoán chữ X là trùng với khái niệm Generation X ở trên, chỉ có điều, với thế hệ sau đó, phương Tây gọi là thế hệ Y còn ta dùng tiếp chữ X). Năm 2015, tôi có viết một bài trên báo có tiêu đề “Những thế hệ như là một đối tượng nghiên cứu khoa học” nhằm kêu gọi các học giả trong nước đào sâu hơn về việc tìm hiểu về sự khác biệt giữa các thế hệ người Việt qua từng thời kỳ. 

6. Sau 4 năm, dường như lời kêu gọi của tôi không được hưởng ứng. Mặc dù vậy, tôi cũng không phải buồn lắm vì đâu đó trên không gian mạng cũng tìm được một số người có cùng mối quan tâm (chủ đề các thế hệ) như tôi, nhất là từ các trí thức. Trên trang Facebook của mình tháng trước, nhà văn hóa Vương Trí Nhàn đã có một bài viết gây nhiều tranh cãi về chủ đề “thế hệ”. 

Về đại ý, nhà văn hóa Vương Trí Nhàn chê trách rằng thế hệ Việt Nam ngày nay nhiều tật xấu hơn so với thế hệ người Việt trước kia. Trăn trở này có lẽ cũng là một trăn trở phổ biến của nhiều người cùng thế hệ với ông Vương Trí Nhàn (4X, 5X). Thực vậy, rất nhiều người ở thế hệ tôi (7X, 8X, 9X) luôn lớn lên với nỗi ám ảnh của câu nói “thời bọn tao thì...” của người lớn.

7. Quan sát của cá nhân tôi cho thấy rằng những người trẻ hôm nay không có nhiều nỗi trăn trở “theo chiều dọc” (thế hệ trước so sánh với thế hệ sau) kiểu như của nhà văn hóa Vương Trí Nhàn. Người trẻ hôm nay dường như quan tâm đến “chiều ngang” nhiều hơn. Tức là một bạn trẻ 10X ngày nay sẽ không so sánh họ với thế hệ bố mẹ mà họ có thiên hướng nhìn ra thế giới, nhìn ra những người đồng trang lứa ở các nơi khác, nước khác. 

Ví dụ, tôi có quen một bạn học lớp 10 quyết định học thêm một chương trình đào tạo e-learing của Mỹ để lấy bằng tú tài quốc tế, bên cạnh học chính khóa ở trường phổ thông trong nước. Bạn này tâm sự: “Em muốn được học như những gì các bạn cùng tuổi trên thế giới đang học. Nhưng gia đình chưa có điều kiện thì em chọn cách học từ xa”.

8. Trên chuyên mục "Góc nhìn" của VNExpress gần đây, nhà văn Việt kiều Thanh Việt cũng có một bài viết nói về sự khác biệt giữa các thế hệ người Việt nhưng là người Việt ở hải ngoại. 

Trong bài viết, nhà văn Thanh Việt - một người thuộc thế hệ 7X, sang Mỹ từ khi còn nhỏ - có mô tả mình như một người luôn tự đặt câu hỏi nội tâm: “Người Việt là gì?”. 

Để trả lời được câu hỏi này, hẳn nhiên Thanh Việt sẽ phải nhìn lại quá khứ, để xem “Người Việt trước đây là như thế nào?”. “Họ nghe nhạc Khánh Ly? Họ có nhãn hiệu nước mắm ưa thích? Hay họ biết phân biệt phở ngon và phở dở?”. 

Cũng trong bài, Thanh Việt mô tả về một thế hệ người Việt hải ngoại khác, sinh ra sau, lớn lên hoàn toàn trong xã hội Mỹ. Họ, theo lời Thanh Việt là những người “không làm bất cứ điều gì để cố gắng tỏ ra Việt”. Cũng như cậu bạn lớp 10 mà tôi quen, những bạn này không nhìn “thế hệ” theo chiều “dọc” của quá khứ - hiện tại, họ nhìn “ngang”.

9. Thay cho lời kết, nếu giờ có ai hỏi tôi sẽ quan tâm đến thế hệ theo chiều nào? Tôi sẽ trả lời cả hai. Tôi vẫn nghĩ rằng 7X và 8X là 2 thế hệ “gạch nối” giữa thế hệ cũ - “thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh” với thế hệ mới - “thế hệ sinh ra đã toàn cầu”, “sinh ra đã 4.0”. 

Chúng tôi buộc phải “nhìn ngang” để cạnh tranh và hội nhập với quốc tế. Chúng tôi cũng phải “nhìn dọc” để làm trọn vai trò “gạch nối” của mình.

Và khi nhìn vào thế hệ sau, không đồng quan điểm với nhà văn hóa Vương Trí Nhàn, tôi cho rằng càng ngày thế hệ sau càng tài giỏi hơn, trách nhiệm hơn, ít thói hư tật xấu hơn thế hệ trước. 

Và kể cả khi có điều gì chưa hài lòng với thế hệ sau, thì theo tôi, người của thế hệ trước cũng không nên nặng lời trách móc. Tại sao? Là bởi thế hệ sau được thế hệ trước sinh ra và giáo dưỡng cơ mà.

Tại sao ta lại phàn nàn về sản phẩm của chính chúng ta? 

Phạm Hiệp
.
.