Thân phận đánh rơi

Thứ Tư, 28/01/2015, 17:37
Người phụ nữ ấy bị chồng sát hại khi đang trên đường bán vé số. Chồng chị, người đàn ông không may mắn về thân phận, một bên tay và chân bị teo cơ, mắt bên lồi bên lác, thị lực rất yếu.

Chị có hai con riêng với người chồng trước, và một con chung với người chồng đã sát hại chị. 12 năm tù, là mức án mà vị Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt người chồng ấy.

Có quá nhiều thứ mà tôi (lẫn bạn) đều không thể lý giải trong cõi đời này. Câu chuyện tôi sắp kể, cũng tương tự như vậy.

1. Quê tôi, những năm xưa có anh Tèo mù. Anh tên Tèo, bị mù. Người quê ghép tên với bệnh thành cách gọi như vậy. Người quê không ác ý, chỉ là người quê tiện miệng thì kêu, lâu dần thành quen.

Anh Tèo mù sống vạ vật ở gần khu Miếu Ba Cô. Miếu Ba Cô là nơi xảy ra một câu chuyện bi thảm, ba cô gái ngồi chơi trước nhà bị xe tải mất thắng lao vào. Dân lập miếu thờ, tôi nghe kể vậy.

Anh Tèo mưu sinh bằng nghề bán vé số, anh bán ở bến xe nhỏ nhỏ tại ngã tư. Về sau, anh lần hồi vào bến tàu hỏa phía trong lộ xa xa để bán. Rồi không hiểu bằng cách nào đó, anh lần lượt lấy cả hai người vợ. Vợ anh, cũng mang nhiều thiệt thòi về hình thể như anh. Cô vợ đầu mù, cô vợ thứ hai không bình thường lắm, may mà trời thương đôi mắt còn sáng.

Cô vợ sáng cầm một đầu gậy, anh Tèo cầm một đầu gậy. Tay còn lại, anh nắm tay cô vợ mù. Cứ vậy, cả gia đình ấy dắt díu nhau qua từng ngày. Thật ra thì tôi cũng không hiểu họ sống như thế nào nữa, chỉ là với rất nhiều lần gặp tôi chưa thấy họ cãi nhau hay lớn tiếng bao giờ. Những anh thanh niên trong xóm, câu cửa miệng luôn là “Đến thằng Tèo còn có hai vợ, không ai phải lo ế cả”. Ngồ ngộ.

Trở lại câu chuyện mà tôi muốn kể.

 Người đàn ông sinh ra trong gia đình có 8 người con, nghèo khó. Ngay từ khi mới sinh ra, người đàn ông đã được cha mẹ dành cho nhiều tình cảm, như là cách nhằm bồi đắp thiệt thòi. Càng lớn, một bên tay và một bên chân của người đàn ông càng teo lại. Chuyện học hành cũng từ đấy mà dở dang.

Như anh Tèo mù mà tôi đã nhắc đến phần trên bài viết này, người đàn ông ấy cũng mưu sinh bằng nghề bán vé số. Túc tắc sống qua ngày. Lắm lúc tôi nghĩ rằng, nếu không có vé số, chắc hẳn rất nhiều cá nhân sẽ cảm thấy bế tắc trong việc mưu sinh. Thế nên, tôi cực ghét những người khỏe mạnh lại chọn cho mình cái nghề bán vé số. Tất nhiên thì đó là quyền lựa chọn của mỗi người, nhưng đây là quan điểm cá nhân của tôi thôi.

Lâu rồi, tôi có viết về trường hợp của bé Giàu. Cô gái đến Sài Gòn từ Bình Định. Giàu bị liệt hai chân, phải ngồi xe lăn dùng tay đẩy để bán vé số mỗi ngày. Giàu có đôi mắt rất đẹp. Giàu bán vài năm rồi Giàu về lại quê, có lần Giàu gọi điện thoại cho tôi khoe là Giàu đã lập gia đình, sinh được một con trai. Chồng Giàu làm nghề sửa vật dụng điện tử. Chồng Giàu cũng như Giàu, không may bị khiếm khuyết cơ thể.

2. Chị, nhỏ hơn người đàn ông ấy gần 10 tuổi. Chị lỡ một lần đò, ngày ra Tòa xin ly dị, chị giành quyền nuôi hai con nhỏ. Chị chọn bán vé số để nuôi hai con. Trong khoảng thời gian này, chị gặp người đàn ông ấy.

Họ ban đầu nói chuyện như những người đồng cảnh ngộ. Họ, về sau nói chuyện như những người có duyên tao ngộ. Họ, cuối cùng chịu làm bạn trai bạn gái của nhau.

Người đàn ông được chị chấp nhận tình cảm, thì gần như ngất đi vì hạnh phúc. Chưa bao giờ người đàn ông nghĩ đến viễn cảnh một mái ấm với một người đàn bà của riêng mình. Người đàn ông hứa hẹn với chị cũng nhiều, người đàn ông hứa về thái độ dành cho hai con riêng của chị, về trách nhiệm với gia đình. Còn chị, có lẽ chị nghĩ như tiền nhân đã dạy “Củi tre dễ nấu”.

Gia đình chị không đồng ý cho chị đến với người đàn ông. Họ ngại nhiều thứ, về hình thể, về khiếm khuyết, về cả chuyện chị dang dở một lần biết đâu lại gặp chuyện không may. Quan trọng hơn, gia đình của chị nghe phong phanh người đàn ông nghiện rượu.

Đào Công Phượng tại tòa.

Chi tiết này, tôi nghĩ là chị yêu người đàn ông thật. Khi gia đình cấm cản, chị lẳng lặng dắt hai con bỏ lên huyện Củ Chi (TP HCM) để sinh sống. Người đàn ông đi theo chị, họ thuê nhà trọ ở cùng nhau.

Gần năm sau, chị trở lại quê. Quê chị gần với thành phố thôi, chị và người đàn ông cùng ngụ tại tỉnh Đồng Nai. Chị về, với cái bụng đã lùm lùm sau nếp áo. Chị đã có con với người đàn ông. Đến nước này, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, gia đình chị đồng ý cho chị thành vợ thành chồng với người đàn ông ấy.

Đám cưới diễn ra với sự chứng kiến của đôi bên họ hàng. Đám cưới giản dị, thương thương. Gia đình người đàn ông vui mừng cắt cho con trai mảnh đất để ra riêng cùng vợ. Gia đình của chị cho con gái hai sào điều làm của hồi môn. Họ dựng căn nhà nhỏ, họ chăm bẵm mảnh vườn, họ gói ghém chi tiêu, họ có một cuộc sống không sung túc nhưng đủ ăn đủ mặc.

Với ai đó thì tôi không biết, nhưng với người đàn ông ấy thì đây không phải là sự thật, mà đây chính là giấc chiêm bao đẹp ngút ngàn. Họ vẫn đi bán vé số mỗi ngày, những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong tình yêu thương chắt chiu.

Nghiệt ngã thay, người làm tan vỡ giấc chiêm bao ấy, người khiến cơn mộng đẹp tươi ấy tàn đi lại không phải là chị. Không ai có thể ngờ, chính người đàn ông giật mình trở giấc. Đời thực hiện hữu.

Thời còn trẻ, buồn bã cho phần phúc mỏng manh của mình, người đàn ông tìm quên trong men rượu. Thật sai lầm khi người ta cho rằng rượu là để quên, thật sai lầm khi người ta cho rằng rượu là để vui, thật sai lầm khi người ta cho rằng rượu là biểu hiện của tình bằng hữu, thật sai lầm khi người ta cho rằng rượu là để chứng tỏ đẳng cấp hay là một thứ phô bày sự thượng lưu…

Ngày một ngày hai, người đàn ông tìm quên trong men rượu. Ngày ba ngày bốn rồi những ngày về sau, người đàn ông đã thành người nghiện rượu.

3. Hơn một lần chị thủ thỉ, “Mình bỏ rượu đi, chứ mình cứ uống rượu hoài thì ai phụ em nuôi con”. Hơn một lần, con chung con riêng đều bảo, “Ba đừng uống rượu nữa, ba uống rượu hoài không có tốt”. Hơn một lần người đàn ông hứa, “Anh thề anh còn uống rượu nữa thì anh không còn là con người”. Nhưng mà, lời nói đâu thể thay thế hành động. Người đàn ông vẫn uống rượu. Chị vẫn thủ thỉ, con cái cứ ỉ ôi.

Đầu năm 2014, sức khỏe lẫn thị lực của người đàn ông đều giảm đáng kể. Người đàn ông chỉ có thể đi bán vé số từ sáng cho đến trưa, chị phút chốc trở thành trụ cột của gia đình. Nếu như trước đây chị đi bán đến chiều đã có thể về nhà, thì nay chị phải đi bán đến tận đêm, có lúc bán đến 22 giờ.

Vậy là, người đàn ông ghen. Người đàn ông cật vấn chị vì sao lại đi bán về trễ vậy, người đàn ông truy nguyên vì sao chị đi bán nhiều vậy. Người đàn ông hồ nghi chị hẹn hò. Người đàn ông đoán định chị có bạn trai mới.

Với sự mặc cảm thân phận, người đàn ông đã không còn kiểm soát được chính mình. Người đàn ông quên rằng, trong mối quan hệ này thì chị mới là người quyết định. Bấy lâu nay, người đàn ông vẫn nể chị một phép, phần vì thương chị phải thiệt thòi khi làm vợ người đàn ông, phần nữa là vì người đàn ông yêu chị nhiều quá. Giữa chị và người đàn ông, bắt đầu xuất hiện nhựng vết rạn.

Đỉnh điểm của sự rạn nứt ấy, là khi chị cho một người quen mượn chiếc xe đạp. Người đàn ông uống say, hỏi chị: “Tại sao cô chưa thông qua tôi mà đã cho người khác mượn xe đạp. Giờ cả nhà đi lại bằng gì?”. Chị giải thích là quyền của chị, hỏi là quyền của người đàn ông. Cứ như vậy cho đến lúc chị biến uất ức thành hành động. Chị tát người đàn ông. Cái tát khiến người đàn ông tỉnh cơn say, nhưng chưa kịp nói câu hối lỗi thì chị đã cùng ba con rời khỏi nhà tìm đến căn phòng trọ gần đó lưu trú.

Người đàn ông tìm đến nhà trọ xin lỗi chị, mong chị quay về. Chị lại tát người đàn ông thêm lần nữa. Người đàn ông ấm ức rời khỏi phòng trọ. Trên đường đi ma xui quỷ khiến thế nào người đàn ông lại ghé vào cái chợ ven đường mua một con dao.

Một chốc sau khi đã mua dao, người đàn ông lại lang thang tìm chị. Khi thấy chị đang mời khách mua vé số trong quán, người đàn ông đứng trước quán gọi chị ra nói chuyện. Vẫn là những hậm hực, vẫn là “Tôi sẽ chia tay anh, tôi không thể nào sống với người vô trách nhiệm lại hay ghen vô cớ như anh”.

Lần này, người đàn ông không bỏ đi nữa. Người đàn ông rút dao ra và vung tay. Chị gục xuống. Trên đường được đưa đến bệnh viện, chị đã tử vong. Người đàn ông lẳng lặng đến cơ quan công an đầu thú.

Án phạt dành cho người đàn ông, tôi đã nói ngay phần mở đầu bài viết. Thi thoảng, tôi vẫn thường hay đùa, “Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu” (Trời đất không có tính người, xem vạn vật như loài chó rơm).

Trong trường hợp này, trời đất rõ ràng đã có lòng nhân. Nhưng, mọi thứ sao vẫn cứ đớn đau đến vậy. Những đứa trẻ con chị, đứa trẻ con chung của người đàn ông và chị sẽ ra sao?.

Buồn quá đỗi buồn.

Người đàn ông tên Đào Công Phượng (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Năm gây án, 47 tuổi.

Kinh Hữu
.
.