Sự cố nước mắm

Thứ Ba, 01/11/2016, 17:23
Việc công bố thông tin về arsen trong nước mắm của một số cơ quan chức năng vừa qua là một thông tin "vội" và chưa thực "rõ ràng". Do đó đã làm rối loạn tâm lý của cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời làm rối loạn một phần trong hệ thống truyền thông.

Anh Nguyễn Đình (Mỹ Đình - Hà Nội): Thưa nhà báo, gia đình tôi vẫn quen dùng nước mắm một thương hiệu X đã lâu, nhưng mới đây chúng tôi rất sốc vì được biết loại nước mắm gia đình tôi thường dùng nằm trong một danh sách những thương hiệu nước mắm được công bố trên báo mạng có hàm lượng arsen (thạch tín) vượt quá ngưỡng cho phép.

Hàng loạt nước mắm được nêu tên đều là nhưng loại nước mắm người dân quen dùng bao lâu nay, và giờ nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nước mắm (có tên trong danh sách nói trên) phải chứng minh được sản phẩm của mình đảm bảo bằng cách lấy mẫu thử, với sự chứng kiến của đoàn kiểm tra, cũng như phải có cơ quan thứ 3 để đối chứng… 

Là người tiêu dùng, tôi thực sự hoang mang trước quá nhiều thông tin. Một  mặt chúng tôi hoảng hốt liệu có thể đồ ăn lâu nay của chúng ta có độc thật? Một mặt chúng tôi xen lẫn hoài nghi, liệu có thể do chúng ta đang bị nhiễu loạn thông tin trong một "cuộc chiến".

Bởi chúng ta đều biết, nước mắm Phú Quốc từng bị người Thái Lan đội lốt tỏa đi toàn thế giới. Nếu arsen ấy là thứ giết người như chúng ta đang lo lắng thì có lẽ người ta đã lo lắng trước cả chúng ta? Lại nhớ mấy năm trước, nước tương truyền thống đã chết sau khi bị vu cho cái mác có chất gây ung thư. 

Một cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở Phú Hải, Phan Thiết. Ảnh: N.C.Thành.

Để rồi sau đó, nước tương công nghiệp tràn vào thị trường. Nguyên tắc chiếm lĩnh thị trường bao giờ cũng là, "tạo khủng hoảng về sản phẩm quen thuộc, lan truyền ưu điểm sản phẩm mới". Liệu có phải chúng ta bị mặc nhiên tự nguyện thành con tin cho thương hiệu, con cừu của truyền thông bẩn?

Vậy có giải pháp nào giúp cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp được yên tâm tiêu thụ, yên tâm tiêu dùng những sản phẩm của người Việt không, thưa nhà báo?

Nhà báo Minh Đức: Thưa anh Nguyễn Đình, việc công bố thông tin về arsen trong nước mắm của một số cơ quan chức năng vừa qua, theo tôi, là một thông tin "vội" và chưa thực "rõ ràng". Chính thông tin "vội" và chưa thực "rõ ràng" này đã làm rối loạn tâm lý của cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời làm rối loạn một phần trong hệ thống truyền thông.

Trong khi người tiêu dùng đang phải chịu quá nhiều áp lực và vô cùng hoang mang về các nguồn thực phẩm độc hại lâu nay trên thị trường cả nước thì thông tin về "sự độc hại" của arsen trong nước mắm như kích thêm làm cho sự hoang mang và sợ hãi về thực phẩm bẩn của người tiêu dùng bùng nổ.

Rất nhiều gia đình trước mỗi bữa ăn đều đặt câu hỏi: Có nên dùng nước mắm nữa không và nếu dùng thì dùng loại nào?. Nhưng hầu hết mọi người đều đặt câu hỏi: "Người tiêu dùng sẽ tin vào ai? Thông tin nào về sản phẩm nước mắm hiện nay là đáng tin cậy? Người tiêu dùng hoang mang là lẽ tất nhiên bởi chính các cơ quan có trách nhiệm cũng đã và đang đưa ra những ý kiến không đồng nhất.

Trên báo Đất Việt, PGS,TS Đặng Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) khẳng định, công bố này là vô trách nhiệm khi không nói rõ phòng thí nghiệm nào, có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật hay không. 

Hơn nữa, thông tin về Arsen cũng không đầy đủ, rõ ràng, chính xác, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, tạo dư luận không tốt" và "Hàm lượng arsen trong cá là không cao, thường nằm trong ngưỡng cho phép. Hơn nữa lượng nước mắm hàng ngày chúng ta ăn là rất ít, chỉ khoảng 10ml/ngày nên tôi cho rằng không đáng lo ngại". 

Không ít người vẫn dùng nước mắm bởi sau khi nghe những khẳng định của các nhà khoa học như lời khẳng định của PGS, TS Đặng Hồng Côn nói trên. Nhưng cũng không ít người tiêu dùng đã và đang nghĩ đến một loại nước chấm an toàn hơn.

Chúng ta cũng phải thừa nhận một hiện thực là: chính thông tin trên báo chí xuất phát từ nhiều nguồn đã làm rối loạn tâm lý người tiêu dùng. Trong thư gửi Tòa soạn của anh Nguyễn Đình có đoạn: "Nguyên tắc chiếm lĩnh thị trường bao giờ cũng là, "tạo khủng hoảng về sản phẩm quen thuộc, lan truyền ưu điểm sản phẩm mới".

Liệu có phải chúng ta bị mặc nhiên tự nguyện thành con tin cho thương hiệu, con cừu của truyền thông bẩn? Đây có phải là câu hỏi chỉ của riêng anh Nguyễn Đình không? Không. Đây là câu hỏi của nhiều người trong "sự cố nước mắm" này. Đó cũng là câu hỏi của bạn đọc về vấn đề truyền thông lâu nay của chúng ta ở các sự vụ khác.

Khi truyền thông đánh mất đi sứ mệnh, nó sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm. Nó bóp méo sự thật và làm cho xã hội hoang mang. Nước mắm là một trong những mặt hàng không thể thiếu ngày ngày của tất cả các gia đình Việt Nam cho đến tất cả các nhà hàng, khách sạn... Nước mắm là loại sản phẩm ổn định nhất và tôi cam đoan rằng khi còn người Việt Nam thì còn nước mắm.

Sản xuất nước mắm truyền thống. Ảnh: Đình Hòa.

Vì thế, việc cạnh tranh thị trường của những người sản xuất là lẽ đương nhiên. Nhưng người tiêu dùng cũng như xã hội cần một sự cạnh tranh lành mạnh. Chỉ như thế mới làm cho người tiêu dùng được hưởng lợi và làm cho xã hội phát triển thực sự. 

Còn sự cạnh tranh có tính "vu khống" hay "bôi nhọ" uy tín và chất lượng của đối thủ là cuộc cạnh tranh bẩn và nó sẽ làm chậm sự phát triển của xã hội. Và khi truyền thông cũng tham gia hay bị cuốn vào những cuộc cạnh tranh bẩn thì sẽ trở thành truyền thông bẩn như anh nói.

Trở thành nạn nhân của truyền thông bẩn không phải là điều mới mẻ. Vấn đề này đã diễn ra ở Việt Nam từ lâu, tuy ở một mức độ nhỏ, ở một nhà báo, phóng viên hay ở cả một cơ quan truyền thông. 

Nhưng càng ngày, sự cạnh tranh bẩn giữa các nhà sản xuất càng trở nên tàn khốc. Và nguy cơ kéo một bộ phận truyền thông vào cuộc cạnh tranh bẩn càng cao. Thực tế đã có những nhà báo, phóng viên và có cả những tờ báo hoặc một cơ quan truyền thông vì lợi ích cá nhân đã vứt sự thật sang một bên.

Lúc này, lòng tin của người tiêu dùng và những nhà sản xuất chân chính chỉ có một chỗ dựa mà thôi. Đó là tiến hành nghiên cứu, giám định và công khai kết luận một cách khoa học nhất của các cơ quan chuyên môn. 

Các Bộ có liên quan đến vấn đề này phải ngay lập tức có một hội đồng khoa học để tiến hành nghiên cứu, giám định và có kết luận sớm nhất. Dân trí của người Việt Nam không cao. Bởi thế chỉ cần một thông tin sơ sài về thành phần "thạch tín" cao quá quy định trong nước mắm làm người dân rơi vào hoang mang và sợ hãi.

Các cơ quan chuyên môn không còn con đường nào khác là phải tiến hành nghiên cứu một cách nghiêm cẩn nhất và có thông cáo một cách rõ ràng. Chứ không nên kêu gọi người tiêu dùng dùng một sản phẩm nào đó đang có vấn đề bằng một vài hình ảnh lãnh đạo dùng sản phẩm đó hay ăn uống thực phẩm đó. Tất cả phải được đưa ra bằng những chỉ số khoa học một cách chính xác và trung thực.

Nhưng thực tế hiện nay, ý kiến của một số cơ quan chuyên môn và chức năng chưa đi đến thống nhất hoặc đưa ra những ý kiến chưa rõ ràng và thiếu tính thuyết phục. Bởi vậy mà nó không chỉ không có tác dụng trấn an người tiêu dùng mà còn gây ra nhiều hoang mang và ngờ vực hơn. 

Và chúng ta phải có một hành lang pháp lý đối với việc công bố những thông tin tới xã hội. Nếu không, một thông tin chưa chuẩn xác, chưa cần thiết đã vội đưa ra thì hậu quả của nó vô cùng nặng nề mà chúng ta không lường trước được.

M.Đ.
.
.