Sau cơn giận vợ chồng

Thứ Năm, 14/07/2016, 16:03
Vẹn toàn duyên kiếp ba sinh, họ thành chồng thành vợ. Ngày tháng ấm êm, ngày tháng trôi qua dưới cùng một mái nhà. Xen lẫn giữa những ấm êm là giông bão.

Cơn bão dưới một mái nhà là điều bất cứ ai cũng đã trải qua, nhưng không phải ai cũng biết cách xếp buồm tránh bão. Bi kịch rình rập và chờ đợi cơ hội này để hiện hữu.

1. Tháng Bảy, dư luận sốc khi chứng kiến vụ thảm án diễn ra ở huyện Nhà Bè, TP HCM. Nghi can của vụ thảm án gọi nạn nhân của vụ án là vợ. Họ đều đã ngoài tuổi bốn mươi, đã đầm ấm nghĩa vợ chồng hàng chục năm trời đằng đẵng. Vậy mà cơn cáu giận tranh cãi chốc lát là hóa thành bể dâu kiếp người.

Ngày đầu tháng Bảy, Công an xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang tiếp nhận trình báo khai tử cho vợ của ông Nguyễn Văn Nghĩa. Tại đây, ông Nghĩa trình báo vợ chồng ông tạm trú tại huyện Nhà Bè (TP HCM). Sáng cùng ngày khi ông đến lò mổ làm việc như bình thường thì nhận được con trai báo tin vợ ông ở nhà đã tử vong. Vì vậy, ông đưa vợ từ TP HCM về quê nhà là tỉnh Tiền Giang để an táng.

Có quá nhiều bất thường bởi cách thức gấp gáp khi an táng vợ của ông Nghĩa. Công an xã Tân Phước đã báo cáo lên Công an huyện Gò Công Đông, phối hợp kiểm tra, các điều tra viên phát hiện nhiều dấu tích do vật sắc nhọn gây ra trên thi thể vợ của ông Nghĩa. Hồ nghi đây là một vụ trọng án, Cơ quan Công an huyện Gò Công Đông đã đề nghị Cơ quan Công an huyện Nhà Bè phối hợp điều tra.

Tiến hành kiểm tra nơi lưu ngụ của gia đình ông Nghĩa trên địa bàn, điều tra viên huyện Nhà Bè tìm thấy nhiều vết máu lẫn con dao nghi ngờ là hung khí của vụ án. Vì vậy, Cơ quan Công an huyện Nhà Bè đề nghị Cơ quan Công an huyện Gò Công Đông di lý ông Nghĩa lên TP HCM để hợp tác điều tra. Sau hai ngày liên tục phủ nhận về những vết thương trên thi thể vợ mình, ông Nghĩa cuối cùng đã chịu khai nhận toàn bộ vụ án.

Nghi can Nguyễn Văn Nghĩa và căn nhà trọ nơi Nghĩa sát hại vợ.

Lời khai của ông Nghĩa, vợ chồng ông cùng con trai đang theo học năm cuối bậc trung học cơ sở từ Tiền Giang lên TP HCM mưu sinh bằng nghề giết mổ gia súc trong lò của chủ thuê ở huyện Nhà Bè. Có lẽ do tính chất công việc nên ông Nghĩa thường xuyên uống rượu. Vợ của ông vẫn hay than phiền về điều này, giữa hai vợ chồng có lục đục.

Sự lục đục này càng ngày càng căng thẳng nhất là khi vợ ông Nghĩa nghi ngờ ông có người phụ nữ khác bên ngoài. Khuya ngày đầu tháng Bảy, ông Nghĩa uống rượu say về thì hai vợ chồng ông cãi nhau. Rạng sáng, vợ ông quấn hai con dao thường ngày dùng để giết mổ vào túi xách rồi gọi ông Nghĩa dậy đi làm.

Rượu say đang ngon giấc, ông Nghĩa bật dậy càm ràm vợ. Câu chuyện âm ỉ như củi than trước đó phút chốc bùng cháy. Không kìm được cơn nóng giận, ông Nghĩa đã dùng dao rạch nhiều nhát vào tay của vợ. Hoảng loạn, vợ ông trốn vào toilet. Khi tỉnh giấc hẳn, chuẩn bị rời khỏi nhà, ông Nghĩa phát hiện vợ nằm bất tỉnh trong toilet. Rất bình thản, người đàn ông này bế vợ bỏ vào thùng nhựa rồi rời khỏi nhà.

Đến lò mổ, ông Nghĩa nói với mọi người vợ ông mệt nên nghỉ làm, ông nói điều này khi có người thắc mắc vì sao không thấy vợ ông. Tang tảng sáng, con trai ông gọi điện thoại báo tin mẹ đã tử vong. Lúc này, ông Nghĩa như người vừa bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng.

Ngay lập tức ông trở về nhà và đưa thi thể vợ về quê mai táng với ý định che giấu hành vi tội ác. Tuy nhiên, ông đã không thực hiện được ý định này.

Có chi tiết rất đáng lưu ý theo điều tra ban đầu của các điều tra viên, khi về đến nhà trọ sau lúc nhận được điện thoại báo tin của con trai, ông Nghĩa quan sát thấy nhiều người dân đang vây kín căn nhà trọ để theo dõi sự việc. 

Ngay lập tức, ông bồng vợ ra khỏi thùng nước và tỏ ra đau đớn. Ông trần tình với mọi người rằng vợ ông đã tự tử và ông xin chủ nhà trọ cho phép ông được làm ma chay cho vợ ngay tại đây. Thế nhưng, chủ nhà trọ đã từ chối lời khẩn khoản này. Vì vậy, ông buộc phải đưa thi thể vợ về quê.

Có những ngẫu nhiên trong đời sống theo khuynh hướng tâm linh mà không phải ai cũng lý giải được.

Vụ việc của ông Nghĩa không phải là vụ việc bi kịch đầu tiên liên quan đến những mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng. Ông Nghĩa lại càng không phải là người đàn ông tóc hoa râm lại phạm phải hành vi trọng tội mà nạn nhân lại là người nhiều năm đầu ấp tay gối, quen hơi nhớ mùi của mình.

Đầu tháng Sáu, ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, ông Lê Văn Nhỏ, 61 tuổi đã dùng dao chém chết vợ rồi uống thuốc trừ sâu để tự tử. Cuối tháng Sáu, ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Cốc 68 tuổi uống thuốc trừ sâu tự tử bên cạnh là thi thể có nhiều vết thương của người phụ nữ chung sống với ông như vợ chồng nhiều năm. Cơ quan Công an nghi ngờ ông sát hại người phụ nữ này rồi tự sát.

Nghi can Nguyễn Văn Nghĩa thực nghiệm lại hiện trường vụ án.

Không chỉ có chồng sát hại vợ, cũng không thiếu những vụ án mà vợ là hung thủ còn chồng là nạn nhân. Năm ngoái, Cơ quan Công an Quận 11, TP.HCM cũng đã tiếp nhận vụ án vợ đâm chết chồng trên giường ngủ. Sau khi nhận biết chồng đã tử vong, cô vợ nhảy từ lầu 3 xuống đất để tự sát, bất thành. Rồi các vụ việc vợ siết cổ chồng đến chết ở Tuyên Quang, vợ sát hại chồng ở Thái Nguyên…

Điểm chung của những vụ việc ấy đa phần đều có mẫu số chung là mâu thuẫn kéo dài bắt nguồn từ ghen tuông.

2. Sẽ rất dễ dàng khi đưa ra lời khuyên cho một ai đó khi người này đang chìm trong cơn nóng giận còn mình là người ngoài cuộc. Cũng rất khó để lạm bàn về những mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng, vì dưới mỗi mái nhà là một câu chuyện khác nhau rất riêng biệt. Dẫu vậy, điều chắc chắn là bi kịch sau mâu thuẫn nào cũng tương tự như nhau. Người mất, kẻ đi tù, con cái bơ vơ còn láng giềng thì cứ xầm xì mãi về những điều mà những người trong cuộc đều cố để lãng quên đi.

Tôi chỉ nghĩ rằng, vợ chồng ngoài yêu thương để đến với nhau thì còn có duyên nợ tiền kiếp, hay đơn giản hơn là hạnh ngộ tiến đến gắn kết kiếp này. Sống với nhau một ngày là tình cảm, nhưng ở với nhau đến ngày thứ hai, thứ ba rồi nhiều ngày sau đó nữa thì đã là tình nghĩa. 

Nói gì thì nói, chứ khi hoạn nạn, lúc thất bại, khi cô đơn hay là hôm bị chối từ, ngoảnh đi ngoảnh lại thì cũng chỉ có gia đình là nơi để trú ẩn cho qua những quãng buốt giá của đời người.

Tôi vẫn băn khoăn, người ta đi khắp thế gian đều muốn trở về nhà. Trở về nhà là vì nơi đó lưu giữ ký ức hay trở về nhà vì nơi đó có cá nhân đang đón chờ để chở che không hề vụ lợi, không hề toan tính hay không hề xét nét trách hờn.

Chắc là, vì vế thứ hai thôi, bởi trót may mắn được là người, trót may mắn được hiện hữu ở cõi tạm này thì mỗi con người luôn có sự mềm yếu nhất của mình. Và trước một biến cố ngẫu nhiên, nỗi mềm yếu ấy lại trỗi dậy hơn bao giờ hết. Lúc này, ai mà không tha thiết một nơi bình lặng để nương nhờ thở than.

Tôi có ông anh một thuở lắm tiền, bạn hữu khắp thiên hạ, giai nhân tri kỷ tri âm đủ cả. Những cuộc vui không bao giờ tàn, những cuộc rượu không bao giờ kết thúc, tiền chỉ sợ không đủ thời gian để tiêu pha. Ông anh ném mình vào những tràng cười liên tu bất tận. 

Cho đến lúc nhất định phải tìm mọi cách xuất ngoại với hồng nhan tri âm theo ý anh, vợ khóc con cản mấy cũng gạt. Đàn ông đàn ang mà, không quyết thì thôi, quyết là không hối hận, một đi không trở lại.

Ấy vậy mà vài năm sau về, nát bươm, ngồi ru rú góc quán hút thuốc lá cứ như gã chết rồi. Ấy vậy mà, bằng cách nào đó chị cũng đưa anh về nhà, bằng cách nào đó chị cũng biến anh thêm lần nữa thành người đàn ông của riêng chị. Bây giờ thì anh khác rồi, điềm tĩnh hơn mà cũng ít cao hứng hơn. Mấy lâu gặp muốn hỏi vài chuyện để hóng kinh nghiệm, cứ lấn cấn hoài rồi lại thôi. Bởi có những thứ sẻ chia mang tên là im lặng vậy.

Tôi không đủ tuổi để đưa ra lời khuyên cho bất kỳ ai, tôi cũng không có thói quen đưa ra lời khuyên cho bất kỳ câu chuyện hay vụ việc nào. Đơn giản tôi chỉ tin một điều, có hậm hực với cả thế giới này thì cũng nên biết nhún nhường trước một cá nhân đã vì mình mà hy sinh đi thanh xuân, đã vì mình mà tiêu pha hết thời trai trẻ. Cái nghĩa bao giờ không lớn hơn cái tình.

Còn giả như nợ duyên dứt rồi, còn giả như nước mắt không đủ để níu kéo, thôi thì cố chào nhau nói câu chúc nhau an yên. Nhẽ suy cho cùng thì trong cõi tạm phù phiếm này, gặp được nhau, có được nhau, giữ được nhau cũng nhờ vào sợi dây tình nghĩa. Sợi dây tình nghĩa một khi đã có người muốn cắt đi thì biết làm sao để có thể giữ gìn.

Buông bỏ cũng là một cách giải thoát, còn không thì cứ phiên phiến cho qua. Hơn nữa, ngay cả khi cáu giận nhất thì chỉ mong người mà mình đang muốn tìm đủ mọi cách để trút cơn gắt gỏng là người đã vì mình mà lửa nồng ấm lạnh.

Tha thứ cho người dưng còn được nỡ nào hơn thua với người ấy làm gì.

Kinh Hữu
.
.