Sài Gòn và những phận người sống ở đáy sông

Thứ Sáu, 31/05/2019, 19:25
Làng lặn ấy bây giờ còn xíu xiu, hiu hắt. Ngày trước, nó có tên là làng lặn An Khánh, nhưng lâu lắm rồi dường như tên gọi đó đã dần trôi vào trong lãng quên, giờ chỉ gọi chung bằng tên gọi Khu phố 3, dẫu vẫn còn một số thợ lặn bám víu lấy nghề. 

Nơi đây nằm cách trung tâm quận 1 chỉ một con sông. Từ bên này nhìn sang bên kia, hai mảng đối lập, chập chùng.

Làng lặn ấy cha truyền con nối, người già mỏi gối, ù tai thì đến người trẻ tiếp nối mưu sinh dưới mực nước sâu 30-40m, họ chủ yếu tìm kim loại và sắt thép, phế liệu. Khoảng 10-20 năm trước thôi, nơi đây rất sôi nổi, họ còn bảo nhau "sống được" với nghề. Nhưng bây giờ đã khác.

1. Chiều, bên bờ sông Sài Gòn vẫn khắt khe cái nắng, những mảng màu in lên mặt sông tròng trành, đứng gió, cảm xúc thật lạ lẫm. Trong tâm tưởng của riêng tôi hiện dần từng nét mệt mỏi, phảng phất những gương mặt khắc khổ nhưng lại thật đáng yêu của những người thợ lặn.

Từ dưới con ghe cũ kỹ, lớp sơn đã phai nhạt dần, lớp gỗ đóng ghe bàng bạc, ướt sẫm. Rồi một bàn tay vịn vào thành ghe, đặt mấy thanh sắt, cái bình nhôm đầy bùn đất lên trước, tiếp theo một con người cởi cần, quần cộc nhảy phóc lên ghe liền sau đó. Người ấy lau vội tay vào tấm khăn hay tấm mùng màn gì đấy rất bùi nhùi và ẩm mốc mà tôi không nhận ra, rồi quay sang uống một ngụm trà đường, hoàn thành một ngày mưu sinh dưới đáy nước.

Người thợ lặn ấy tên là Năm Phong, tôi gọi là chú Năm. Chú là một trong số rất ít người còn theo nghề lặn ở xóm này, từ khi khu An Khánh đô thị hóa, cả xóm lặn tản đi hết, mỗi người một nghề.

Bên cái mé sông lụp xụp, chú không biết làm gì khác, thế nên vẫn cứ lấy lặn lội, sinh nhai và nuôi gia đình. Chú Năm là thợ lặn dày dạn kinh nghiệm ở bến sông này. Trên 20 năm chú dầm mình dưới nước, mắt chú lúc nào cũng đỏ như cục máu. Da của chú dày. Chú thường đùa "da tao dày còn hơn cả da trâu", lại còn đen nhóng nhánh.

Chú Năm chỉ còn nghe được một bên tai, bởi tàn dư của nghề lặn tàn phá thính giác. Hơn 20 năm trước, làng lặn ven sông này của chú cũng khá giả lắm. Hồi ấy có hai kiểu đi lặn. Một là lặn tự túc, tức là nhắm khu vực ấy có thể có gì đó, từ một lời kể "hồi xưa máy bay rơi ở đây", "tàu bị đánh chìm ở đây"...

Họ sẽ lặn xuống, vớt tìm những rơi sót vãi vương của lịch sử và bán tại các vựa ve chai. Ngày may mắn có khi được rất nhiều thứ có giá trị và sau khi bán có thể có rất nhiều tiền. Nhưng cũng có những ngày tay trắng trở về với nước da trắng bệt, tái mét, bun bủn.

Kiểu thứ hai là đi lặn thuê cho chủ bị chìm ghe, tàu. Xác định được vị trí, giờ của ghe chủ bị chìm là thời điểm để trục vớt sau khi thỏa thuận với chủ. Theo yêu cầu của chủ phương tiện, thợ lặn làm sao giữ được nguyên vẹn chiếc ghe, sẽ có thưởng hậu hĩnh.

Chú giải thích, làm sao mà giữ nguyên được, một khi ghe đã bị chìm là một phần do động cơ, phần khác do sóng và dòng chảy ngầm, chìm giữa luồng sóng ấy không bể boong thì cũng hư máy. Nguyên vẹn đâu được mà nguyên vẹn. Thế nhưng chú vẫn làm hết sức, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Nếu nhận được lời thuê vớt tàu ghe, chú Năm thường đi với một số người anh em thợ lặn lực lưỡng khác nữa, họ đồng loạt ngậm đồ nghề lao mình xuống đáy sông, ở trên thêm 6 người phụ giúp những việc căn bản trong nghề như quay tời kéo dây, chỉnh hướng.

Nhóm thợ lặn của chú sẽ hì hục quẫy nước, đạp sóng từ lúc bắt đầu cho đến khi nào vớt được con ghe lên bờ thì mới thôi. Tuyệt đối không bỏ nửa chừng hay dừng lại để hôm khác làm tiếp. Thế nên, vớt được ghe xuồng lên, dù sớm hay khuya, thời tiết mát hay lạnh thì mặt ai cũng đỏ au do bị cháy nước.

Tôi không hiểu "cháy nước" nghĩa là gì? Chú nhìn ánh mắt tôi và chưa để tôi hỏi, chú đã giải thích: "Cũng như người ta đi ngoài nắng, phơi ngoài nắng quá lâu thì da bị cháy nắng. Mình ngâm người dưới nước lâu, sóng va đập vào làm da dãn nở, đỏ tấy lên. Thì gọi là cháy nước. Lâu dần sẽ quen, nhưng ai mới đi lần rất khó chịu, nhất là bong tróc, rất rát. Còn người làm hơn 20 năm như chú thì đã quá quen thuộc, chẳng vấn đề gì".

Trở lại câu chuyện lặn của buổi chiều hôm ấy, chú Năm cho biết: "Sáng giờ vớt được hai cái bình nhôm, một cây sắt và mảng thiếc vụn gỉ, bán chắc 300-400 nghìn cũng ổn hơn nhiều ngày rồi".

Chú Năm vui vẻ, hồ hởi quá chú không nhận ra ngón chân cái chú vừa cứa vào mảnh thiếc gỉ ấy, máu loãng ứa ra hòa vào những giọt nước sông còn chưa ráo ở chân. Tôi chỉ cho chú vết thương, chú cười chẳng quan tâm. Máu chảy mãi tự hết thôi, vết thương cũng tự lành miệng mà cháu, chú quen rồi! Dân thợ lặn, người ta bảo "ăn cơm dương gian, sống đời âm phủ", mấy vết thương này đã là gì đâu.

2. Trần Đặng Giàu tuổi đời vừa qua 35, nhưng anh có thâm niên lặn dưới sông Sài Gòn từ năm lên 8 tuổi. Nghề lặn dọc sông này tính cha truyền, con nối.

Ngày nhỏ thấy cha đi lặn một mình cực quá, anh Giàu theo cha phụ thu gom và phân loại phế liệu lặn được. Rồi chẳng nhớ từ lúc nào anh có thể ngậm ống lặn, nín thở nhảy xuống nước, và trở thành một "người nhái" giống như cha.

Với hành trang là chiếc ghe nhỏ, một cây cưa sắt và một cây búa nhổ đinh, hằng ngày cha con anh Giàu hết lang thang trên sông Sài Gòn lại xuôi dòng khắp các con rạch trên địa bàn từ TP. HCM về tỉnh Đồng Nai, Bình Dương để lặn mò phế liệu. Lấy tay thay mắt, tìm miếng ăn ở dưới đáy sông.

Anh Giàu cho hay, mò ở dưới đáy sông sâu 20 - 25m đã có vô vàn những mối nguy hiểm tiềm ẩn vì nhiều khi trong tối tăm chẳng ai xác định được mình đang chạm vào thứ gì. Anh Giàu có hai người bạn thân, 14 năm trước cũng lặn dưới đáy sông này, mò tìm được một quả đạn pháo, hai em mang về cưa ra để bán, cứ nghĩ đã được một ngày thu hoạch đáng công của hai thanh niên trẻ.

Có đâu phải, thật thương tâm khi viên pháo phát nổ. Một người bạn vĩnh viễn không trở về, và một người bạn sống đời tật nguyền suốt mười mấy năm nay.

Người thợ lặn tật nguyền trên sông Sài Gòn. (Ảnh trong bài: Cường Trần)

Anh Giàu còn có duyên với một điều có vẻ chẳng mấy ai dám bén duyên là lặn vớt xác dưới sông. Ngày trước, nhà bên sông, có người quyên sinh hay tai nạn, người ta xác định được vị trí rồi thì nhờ anh em thợ lặn quanh đó tìm giúp. 

Có khi tốp này đến tốp khác lặn qua vị trí đó rồi vẫn chưa tìm được thi thể, riêng với anh Giàu, anh lại "có duyên" tìm xác, nhiều lần anh là người đưa được thi thể vào bờ.

Anh hồn nhiên kể, nghề này ai mà nỡ lấy tiền người nhà nạn nhân, cứ làm hết sức mình, sau khi họ an táng xong xuôi hết, họ nhớ thì quay lại cảm tạ hoa quả bánh trái hay chút tiền. Còn không nhớ thì cũng không sao. Dẫu nghèo, nhưng ai mong gì những đồng tiền đầy buồn bã này đâu.

3. Dù đã "rửa tay gác kiếm" với nghề lặn ở sông hơn 8 năm nhưng những kỷ niệm với nghề lặn vớt mò phế liệu vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông Lê Văn Dân (61 tuổi). Sau khi giải ngũ, ông Dân đến với nghề lặn mưu sinh như những người trong làng ở Kiên Giang.

Nhưng đời sống bấp bênh, cả nhà lại bươn chải, dắt díu khắp nơi sau lại dừng chân bên làng lặn An Khánh. Thấy dân nơi đây sống được với nghề lúc ấy, bản thân mình lại có ngón nghề lặn giắt lưng, ông Dân trở thành thợ lặn lão làng, thường giúp đỡ và truyền kinh nghiệm cho nhiều người khác nên rất được quý mến.

Nghề lặn ngày ấy, có chút tiền nuôi vợ nuôi con, nhưng bây giờ khi ông ngồi sửa xe vá ép bên vỉa hè nhớ lại, ông vẫn rùng mình.

"Một lần tôi bị chuột rút ở dưới nước sâu, một mình loay hoay và dường như cảm nhận Hà Bá đã đến bên kéo mình đi. Tôi không còn biết gì nữa mãi đến khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trên bờ, xung quanh là anh em thợ lặn. Tôi đã chìm dưới đáy sông hơn 15 phút, chẳng biết phép màu nào cho tôi sống sót. Mà có lẽ không phép màu nào, là tình anh em thợ lặn, họ thấy vắng tôi quá lâu, họ linh tính và đi kiếm. Thật may mắn. Giờ trông tôi khỏe mạnh thế này chứ mỗi khi trở trời là đau nhức toàn thân, chân tê buốt", ông Dân kể lại.

Bạn của ông Dân là ông Tài (57 tuổi) dựa vào kinh nghiệm nhiều năm làm biển của mình, rồi tự tin với nghề lặn bên cái làng bé nhỏ này. Một lần ông Tài lặn sâu không có gì bảo hộ, bị chứng ép nước. Đây là điều đáng sợ nhất của những người làm thợ lặn (Chứng này còn gọi là chứng bọt mạch máu).

Ông Tài được đưa đi cấp cứu giảm ép qua cơn nguy nhưng giờ thì như người tàn phế, tay chân run run, yếu ớt chẳng làm nổi một việc nhẹ nặng gì. Chiều chiều, mỗi lần ông Dân đi sửa xe vá ép về ngang qua, họ chào nhau bằng ánh mắt cảm thông, san sẻ từng cùng nhau lặn dưới sông sâu cả một quãng thời gian dài.

Từ bên này con sông Sài Gòn nhìn sang, làng lặn An Khánh đã không còn nguyên vẹn, cái tên "làng lặn An Khánh" chỉ chắc chắn được nhớ khi hỏi đúng người đã từng biết đến nó. Làng lặn bên sông gần như đã bị xóa sổ bởi sự đô thị hóa của phố phường. Nhưng những người thợ lặn cũ, những gia đình từng bám trụ với nơi này dường như có đi đâu cũng vẫn trung thành với nghề, hoặc cũng có lẽ vì họ không còn biết làm gì khác sau những năm mưu sinh ở dưới đáy sông.

Vào một hôm nào đó tầm khoảng 4-5 giờ chiều, vô tình hay cố ý đứng bên bờ sông sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc ghe của thợ lặn còn sót lại trong làng, hoặc của những người thợ lặn đã di cư sang một vùng khác vừa đi thả neo về. Cứ mỗi lần chiếc ghe ấy chạy ngang qua làng, dường như họ đều ngoái đầu nhìn về phía làng lặn An Khánh, nơi nổi danh một thời với những người mưu sinh ở dưới đáy sông. 

Nhị Kiều
.
.