Quỳ hay không quỳ?

Thứ Năm, 06/06/2019, 11:01
Mấy năm gần đây, vấn đề giáo dục, cụ thể là chuyện cư xử giữa thầy cô và học trò trở thành vấn đề được nhấn mạnh đặc biệt. 

Chỉ trong mấy ngày, truyền thông đã liên tiếp đưa tin về hai trường hợp: một cô giáo phạt học sinh quỳ và một cô giáo đánh học sinh nhập viện. Mỗi trường hợp lại gây ra một luồng dư luận mạnh mẽ.

Cô giáo đánh học sinh nhập viện, rất rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật, phản giáo dục và không thể bào chữa. Nhưng vụ việc này không còn khiến dư luận bất ngờ nữa, có chăng chỉ gợi lại những vụ việc cũ hơn mà thôi. 

Còn vụ việc cô giáo phạt quỳ, bỗng dưng lại tạo ra hai luồng ý kiến đối lập. Một ý kiến cho rằng, hình phạt quỳ từ lâu đã không còn phù hợp với quan điểm giáo dục và đạo đức xã hội ngày nay, hình phạt đó gây tổn hại tới lòng tự trọng của học sinh và không có tác dụng giáo dục. 

Một luồng ý kiến khác, khá kì lạ, lại ủng hộ cô giáo, cho rằng “quỳ không chết, con hư mới chết”. Thậm chí đâu đó còn cho rằng “thầy cô như cha mẹ, quỳ trước mặt cha mẹ có gì là không phải”. 

Có lẽ những người đưa ra ý kiến này quá dựa vào kinh nghiệm đã cũ của mình và không quan tâm thực sự đến sự phát triển tâm lí của trẻ, cũng không nghĩ quỳ ở nhà và quỳ trước mặt rất nhiều người khác nhau thế nào chăng?

Dù gây ý kiến khác nhau nhưng hai sự việc trên đều đề cập đến một vấn đề nổi cộm trong giáo dục: hình phạt trong nhà trường. Đã có các bài phỏng vấn, các ý kiến chuyên gia, thậm chí có cả hội thảo để phân tích những nguyên nhân trực tiếp tạo ra hành động của các cô giáo trên, người viết nghĩ không cần nhắc lại nữa. 

Nhưng để hạn chế những sự việc gây chấn động dư luận như trên, có lẽ cần tìm đến nguyên nhân sâu xa hơn của vấn đề các hình phạt trong nhà trường.

Một lớp học ở Trung Quốc. Ảnh: L.G.

Ở nước ngoài người ta phạt học sinh ra sao?

Hệ tư tưởng xã hội, hẹp hơn là hệ tư tưởng giáo dục, chính là một động lực ngầm để “sản xuất” ra các hình thức trừng phạt khác nhau trong hệ thống giáo dục. 

Nói đến “hình phạt”, ta liên tưởng đến luật pháp nhiều hơn là giáo dục. Về cơ bản, “giáo dục” có tiền đề khác với “pháp luật”, nếu pháp luật mặc định mọi công dân về bản chất là xấu (để ngăn chặn) thì “giáo dục” sẽ mặc định mọi người học về bản chất là tốt (để phát huy). 

Tuy vậy, dù không lấy hình phạt làm chủ đạo nhưng giáo dục cũng không tách khỏi hình phạt, bởi giáo dục và pháp luật vẫn luôn đi đôi với nhau, bổ sung cho nhau. Chỉ có điều, hình phạt như thế nào để đạt được mục đích giáo dục, đó mới là vấn đề cần suy nghĩ.

Bà Viên Tử Dương (Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Trung Quốc), người có kinh nghiệm hoạt động giáo dục ở châu Âu cho biết, sự trừng phạt trong trường học tại Trung Quốc và tại châu Âu là rất khác nhau. 

Tại các trường phổ thông Trung Quốc, nếu học sinh không làm bài thì có thể được yêu cầu ở lại sau giờ học để làm cho xong bài, nếu vi phạm nội quy thì viết bản kiểm điểm đọc trước lớp, hoặc úp mặt vào tường, nghiêm trọng hơn thì sẽ mời phụ huynh, đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ khiển trách trước toàn trường và có thể đuổi học. 

Tuy nhiên, ở châu Âu, các giáo viên thường khá dè dặt khi tiến hành trừng phạt học sinh và rất hạn chế hình thức trừng phạt công khai.

Bà Viên cho biết, hình phạt quỳ ở châu Âu không được áp dụng, bởi cách hiểu về hành động “quỳ” ở châu Âu khác châu Á, “quỳ” không được coi là hành động của người dưới với người trên, cũng không được coi là hành động hạ thấp lòng tự trọng. Các nước Âu - Mỹ cũng ít khi nghĩ đến việc trừng phạt học sinh không nghe giảng, bởi kết quả sẽ thể hiện ra ngay ở thành tích học tập.

Lee Sun Yul, nghiên cứu sinh chuyên ngành Giáo dục học người Hàn Quốc cho biết, trước kia giáo viên Hàn Quốc cũng có trừng phạt học sinh bằng cách đánh,nhưng ngày nay giáo viên không được phép đánh học sinh, nếu bị phát hiện đánh học sinh, giáo viên có thể bị kiện.

Nhìn chung, có thể thấy trước kia hình thức phạt đánh tồn tại ở nhiều nước nhưng đã dần được loại bỏ. Ở Trung Quốc vẫn tồn tại những hình thức phạt theo hướng công khai lỗi sai nhưng yêu cầu đọc bản kiểm điểm trước lớp. 

Những hình thức như vậy cũng đang bị phản đối vì nhiều người cho rằng trừng phạt bằng cách khiến học sinh xấu hổ trước tập thể sẽ chỉ gây tác động xấu lên sự phát triển tâm lí của học sinh. Cố nhiên, phạt quỳ trước lớp cũng như vậy.

Hình thức phạt nào là hợp lí?

Chúng tôi tìm gặp ông Kevin Zhang, chuyên gia về giáo dục, hoạt động trong ngành giáo dục ở Canada và Trung Quốc, để trao đổi về vấn đề này. 

Ông Zhang cho biết, hình thức phạt liên quan đến ý thức hệ xã hội và cũng khác nhau ở từng thời kì, từng giai đoạn phát triển ý thức hệ. Trong ý thức hệ Nho giáo Khổng - Mạnh, quỳ và “diện bích” (úp mặt vào tường) được coi là một hình thức trừng phạt. Quỳ là hành động của người dưới đối với người trên khi tiếp nhận lời dạy bảo, thầy giáo có thể yêu cầu học trò quỳ để nghe khiển trách. 

“Diện bích” đi cùng với “tư quá” (suy nghĩ về lỗi lầm), mục đích chính là để học trò có thời gian tĩnh lặng suy nghĩ về sai lầm của mình. Khổng - Mạnh không chủ trương thể phạt” (phạt đòn roi) mà chủ trương sử dụng quyền uy của người trên (thầy được coi như cha) để yêu cầu học trò tiếp nhận ý kiến hoặc yêu cầu học trò tự suy nghĩ về những điều đã được dạy.

Liên hệ tới Việt Nam thời xưa, chưa thấy có ghi chép nào về những người thầy nổi tiếng như Chu Văn An, Đặng Xuân Bảng, Nguyễn Văn Siêu... đánh học trò. Những chuyện đánh học trò chủ yếu xuất hiện trong truyện cười dân gian, nhân vật thường là các ông đồ dưới quê mà thôi. Hình thức phạt đánh trong trường, có thể do được “nhân rộng” từ hình thức phạt trong gia đình.

Ngày nay, quan điểm đạo đức xã hội đã thay đổi, vì vậy phạt đánh rõ ràng không phải là hình thức phù hợp. Mỗi lần có một vụ cô giáo đánh học trò, chắc chắn dư luận sẽ lên tiếng. Phạt quỳ lại gây tổn thương âm thầm hơn, không ai bị hằn vết roi, cũng không ai phải nhập viện, không ai được đem đi kiểm tra tổn thương tâm lí. 

Nhưng vẫn có thể khẳng định rằng, phạt quỳ trước lớp vẫn là một dạng bạo hành tinh thần. Đồng thời, các giáo viên cũng có thể tự hỏi bản thân xem, phạt quỳ có phải thực sự nhằm mục đích giáo dục hay không và nó có tác dụng giáo dục hay không. Tôi ngờ rằng không.

Giáo viên hướng dẫn học sinh tiểu học sửa tư thế ngồi. Ảnh: L.G.

Trong cuộc trao đổi với ông Zhang, chúng tôi thống nhất một quan điểm rằng, hình phạt có thể khác nhau tùy theo định hướng giáo dục nhưng nhất quyết nên đảm bảo các nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, hình phạt cần được quy định trước, trên cơ sở thống nhất giữa nhà trường - phụ huynh - học sinh, các thầy cô không được phép nghĩ ra hình phạt tức thời;

Thứ hai, hình phạt cần thực hiện trên cơ sở hướng tới kết quả giáo dục chứ không dùng để hạ thấp nhân phẩm danh dự, ảnh hưởng xấu tới thể chất và tâm lí của học sinh; cũng không gây tác dụng phản giáo dục như khiến học sinh chán học, không muốn đến trường, ghét lao động...

Thứ ba, hình phạt cần dựa trên tiêu chuẩn là giáo dục học sinh biết tự chịu trách nhiệm trước hành vi của mình, từ đó hạn chế những hành vi ảnh hưởng đến tập thể.

Cuối cùng, hình thức phạt cao nhất là đuổi học chỉ áp dụng khi học sinh vi phạm đến giới hạn chuẩn mực đạo đức nhà trường, khi nhà trường cảm thấy không thể tiếp tục tiếp nhận giáo dục được nữa, cần đưa về cho gia đình tìm cơ sở giáo dục phù hợp hơn. 

Ở Canada, gian lận thi cử sẽ bị đuổi học, có nghĩa là, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất là trung thực, không học sinh nào được phép vi phạm tiêu chuẩn đó.

Trường học ở Việt Nam có nhiều bối rối trong vấn đề lựa chọn hình phạt, vì kinh nghiệm cũ (phạt đánh, phạt quỳ...) đã tỏ ra không còn phù hợp, nghiên cứu khoa học về vấn đề này chưa đủ, giáo viên thiếu cơ sở và dễ lựa chọn hình thức phạt theo cảm tính, đồng thời phụ huynh và nhà trường cũng đang gây áp lực không nhỏ lên giáo viên, trong khi thiếu chương trình đào tạo tập huấn thực sự hữu ích. 

Hi vọng những nguyên tắc nêu trên có thể giúp ích phần nào cho nhà trường và các thầy cô, mặc dù để giải quyết gốc rễ vấn đề thì còn phải đi sâu vào cơ chế và định hướng của toàn ngành giáo dục.

“Hiện nay, hình thức phạt trong nhà trường ở các nước thực chất không khác nhau quá nhiều”, ông Zhang cho biết, “nhưng cần hiểu rằng tìm ra hình thức phạt hợp lí không phải mục đích cuối cùng. Mục đích cuối cùng là tìm cách ngăn chặn trước khi sự việc xảy ra”.

Lê Huy Hoàng (viết từ Thượng Hải, Trung Quốc)
.
.