Nơi tuổi xuân mãi mãi của tôi

Thứ Hai, 21/10/2019, 13:13
LTS: Mùa thu, mùa được coi là đẹp nhất của nhiều thành phố cổ kính, trong đó có Hà Nội, cũng là mùa sáng tác và mùa kỷ niệm của nhiều đơn vị nghệ thuật Thủ đô. Đầu tháng 10-2019, Nhà hát Múa rối Thăng Long kỷ niệm 50 năm, Nhà hát Kịch Hà Nội tròn 60 năm thành lập. Nhớ Hà Nội, nhớ thời tuổi trẻ sinh trưởng và khởi nghiệp ca hát - sáng tác tại đây, nhạc sĩ Trần Tiến cảm hứng viết đôi dòng.


1. Vừa rồi, tôi có dịp ra Hà Nội, nhớ anh em đồng nghiệp, nhờ anh Bảo Minh gọi giùm. Định vài bợm nhậu ngồi với nhau, ai dè cả tổ Ca và nửa tổ Nhạc đến. Mọi người vui vẻ, đoàn mình thế này, đoàn mình thế kia. Nghe chữ "đoàn" mà muốn khóc.

Lâu rồi vào Nam sống. Chỉ ben này ben kia (band, ban nhạc). Nhà hát này nọ. Chữ “đoàn” chỉ là chữ ngày xưa, gọi những đoàn văn công thời chiến tranh. Chữ đoàn thân thương làm sao, nó cổ cổ giống như nhạc sĩ Dương Thụ gần 40 năm ở Sài Gòn với mình, đi ăn vẫn kêu: "Cho tôi xin cái cùi dìa" (cái muỗng - thìa). Như mọi người đang ngồi trên chuyến du hành xuyên thời gian về với 50 năm xưa cũ. Như mọi người chưa ai già đi cả, kể cả anh Vũ Nhật Thăng, 84 tuổi, lớn tuổi nhất hôm nay. Vì tất cả đã già đi giống nhau thì làm sao thấy khác biệt! Thử tưởng tượng, anh Thăng ngồi đây bằng tuổi anh mới vào Đoàn lúc 29 tuổi, chắc mọi người ngất vì... sợ ma.

Chị Lệ Thu, ca sĩ "xịn" của Đoàn (từ đây mình sẽ viết hoa chữ Đoàn), thấy có piano là ngồi vào đàn hát. Mình ghét bà này, suốt ngày chỉ hát. "Chửi thầm" ông anh trong bụng, bận sau đừng có kêu bà ấy nhé. Vậy mà chỉ lúc sau lại thấy mình sai. Nếu nghệ sĩ mà đánh mất hồn nhiên thì mới đúng là già thật, chết thật, thậm chí chết từ khi còn trẻ. Bản thân mình đây, cũng chỉ mong có cây đàn giờ này ngắm những anh chị thân yêu của Đoàn, rồi nghêu ngao những khúc ca xưa cũ cách đây 50 năm. Nhớ nghề mà, ai cũng vậy, đôi khi thấy vô duyên nhưng "kệ cha" đời. Khi mình chết, cũng chỉ lại một mình, có đứa nào chết theo đâu. Thích hát thì cứ hát chứ!

Thời tuổi trẻ của nhạc sĩ Trần Tiến.

2. Năm 1967, lần đầu Đoàn vào tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh. Anh Mai Văn Xuân, đoàn trưởng văn công, dân miền Nam tập kết, thế thôi, chắc gì đã từng nếm bom đạn. Chả thế, pháo sáng ném xa cả chục cây, lái xe hoảng hốt, phanh gấp. Cả Đoàn mặt tái xanh, từ lãnh đạo đến lái xe, bí thư chi bộ, chi đoàn, công đoàn, bộ tứ lằng nhằng mặt tái xanh. Mọi thứ mặt nạ nghiêm chỉnh rơi đâu mất, chỉ còn là một đám loài vật yếu ớt hoảng hốt trước thú dữ.

Một loạt bom, rocket ở đâu phóng tới. Đấy là sau này lái xe bảo thế, lúc đó mình chỉ nghe tiếng gì rầm rầm, chủ yếu tiếng kêu la và lệnh mọi người nhảy xuống xe chạy. Chị Minh Đỗ - ca sĩ thượng thặng của Đoàn và của cả Hà Nội ngày ấy chạy sau mình, gọi: "Tiến ơi, trên xe còn người không đi được!". Mình quay lại cõng luôn cô bé múa bị bong gân, chạy như điên. Mọi người nhảy hết xuống giao thông hào ngập nước, rồi ai đó lại bảo, chạy nữa đi, rồi nghe xẹt xẹt, ầm ầm, mọi người chạy thì mình cũng chạy.

Từ dưới hào sâu ngập nước, trên lưng dù gái đẹp thì cân móc hàm cũng phải nửa tạ. Mình nhảy thẳng đứng một phát lên mặt đất rồi chạy. Giờ nghĩ lại thấy mình anh hùng thật, Ngô Thị Tuyển thử ôm hòm đạn 50 kg nhảy thẳng đứng từ hào nước ngập lưng lên được mặt đất như mình xem.

Thực ra, lúc đó mình chỉ là thằng khùng sợ chết thôi, anh hùng như mình ngày đó đầy rẫy. Nhưng mà kinh, nghĩ lại vẫn thấy kinh. Khoa học không giải thích được sao con người lúc sợ lại mạnh thế. May ra chắc nhờ mấy pháp sư khí công giải thích bằng năng lực siêu nhiên được hội tụ gì đó, kiểu superman.

Vài hôm sau, có dịp gặp bạn học phổ thông là thanh niên xung phong, nó chỉ cho mới biết, đã nghe mấy tiếng xẹt xẹt, gió phụt thốc đó, là xong rồi. Một là không biết gì nữa, hai là chợt thấy ướt đầm đâu đó, máu ứa ra hoặc bàn tay, bàn chân biến đâu mất. Đó chính là rocket hoặc bom bi đánh ngay cạnh. Còn đã nghe được tiếng nổ thì yên tâm, nó ở xa rồi. Vậy là may mắn, mình và Đoàn mình đều là những anh hùng còn sống.

Ngày diễn trong những lán trại người Hà Nội đi thanh niên xung phong, làm đường Trường Sơn. Đêm mới được di chuyển chầm chậm dưới ánh sáng đèn gầm xe tải, để tránh máy bay. Cứ thế ròng rã mấy tháng trời chỉ loanh quanh rừng núi Bố Trạch, Quảng Bình. Vài anh em trong Đoàn cứ khoe đã từng biểu diễn qua bao khói lửa chiến tranh đầy gian khổ, nghe mà phục lăn, oách lắm.

Thực ra có khổ chút, đói chút còn sướng gấp trăm lần những thanh niên xung phong vào sinh ra tử thật sự. Họ không bao giờ ca thán. Gặp Đoàn, chỉ thấy họ vui như tết. Con trai lên rừng săn lợn đãi đoàn. Con gái vào rừng hái măng, rau rừng và quả chua nấu ăn. Có cây xoài duy nhất, con suối duy nhất lại ở ngay trọng điểm, nơi đất quang, làm mồi cho máy bay địch xả đạn. Họ vẫn bất chấp, thay nhau bò ra lấy bằng được vài quả mang về cho nghệ sĩ đang lên cơn sốt rét. Nghệ sĩ ngày ấy được khán giả trọng vọng, yêu quý, đi chiến trường chỉ như cuộc thám hiểm, picnic. Đi xong lại trở về.

Ngày đó, mới vào đến Quảng Bình, mình là thằng trai mười tám đôi mươi hăng tiết vịt và sống lý tưởng lắm. Lại bất ngờ gặp lũ bạn học giữa nơi bom đạn. Họ tốt nghiệp phổ thông cùng mình, viết những lá đơn máu xung phong vào chiến trường, nghe đầy khí tiết như Kinh Kha uống rượu lên đường thích khách Tần vương. Mình cũng thấy hừng hực dòng máu “tử vì đạo”, chả biết nốt nhạc nào cũng cứ lủi thủi ra suối viết lời bài hát.

Đêm đó liên hoan bên ngọn đèn dầu để tiễn bạn vào tuyến trong sâu hơn, ác liệt hơn nhiều. Đó là Vĩnh Linh - cửa tử. Mình có bài hát mới tiễn đoàn quân, Bài ca thanh niên ra tiền tuyến để hát tặng mọi người. Tất cả khán giả lẫn anh em nghệ sĩ nghe xong đều bị kích động. Sáng sau, họ hành quân men sườn núi trước mặt, nghêu ngao hát vài câu nhớ được trong bài. Mình lấy làm sướng lắm. Ca khúc đầu tay mà. Một thời gian sau, bài hát thì được Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Trung ương Đoàn tặng giải A cuộc thi Tiếng hát át tiếng bom. Nhưng, những người bạn mình hát tặng thì hi sinh đến một nửa...

Một năm sau, 1968, khắp chiến trường từ Bắc vào Nam, thanh niên xung phong, người lính ai cũng thuộc bài hát của mình. Một đêm, có người đến gõ cửa phòng. Quần áo thời chiến mặt hốc hác, giống lính đào ngũ. Anh ta chỉ nói một câu rồi đi luôn: "Chết nhiều lắm anh Trần Tiến ơi, hãy vào chiến trường mà xem!".

Năm 1971, mình đang ốm nặng, thấy có nhóm xung kích của Đoàn vào tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào, mình lên Sở Văn hóa xin đi luôn. Rồi sốt rét ác tính, suýt bỏ xác ngoài rừng Trường Sơn.

Chính chuyến đi này đã thay đổi mình rất nhiều. Mình không còn thích lên sân khấu nữa, bỏ nghề hát, đi học sáng tác. Không còn những bài ca hừng hực như Bài ca thanh niên ra tiền tuyến hay vui vẻ trong sáng như Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp. Mình đã sống khác trước và viết cũng khác theo.

3. Được hát múa, được lên sân khấu, dưới ánh đèn lấp lánh sáng rực, trăm nghìn con mắt đổ vào, diễn viên như được "lên đồng" trên thánh đường nghệ thuật.

Ngày ấy, Đoàn là nơi gì đó hạnh phúc. Ốm nằm nhà vài hôm, lại bò đến Đoàn. Cả một thời tuổi trẻ, ước mơ, sung sướng, đói rách, bất hạnh, vui buồn, cay đắng bên nhau, gắn với chữ Đoàn. Sau này về hưu vẫn tìm nhau chia sẻ. Lâu không thấy nhau như thiếu cái gì đó lớn lao lắm.

“Đoàn mình, thế này, Đoàn mình thế kia”. Nhiều đêm mình vẫn còn nằm mơ Sĩ Năng đệm accordéon cho mình hát Ta lại đào công sự tít trên nóc cầu Long biên. Ở đó chênh vênh một công sự và hai ông lính. Một pháo thủ, một hoa tiêu và mình, Năng - người thứ tư.

Cứ tưởng như mình hát làm rơi cả máy bay B-52 (!).

Ngày đó mình yêu đời, yêu nước mình và cứ tưởng xả thân vì những điều tốt đẹp. Dù có ra sao thì tình yêu bằng trái tim chân thành, vẫn đẹp. Cho đến giờ, những kỷ niệm ngày ấy không thể quên vì nó hồn nhiên. Những năm tháng sau này làm sao có được nữa. Mấy ông anh mình trong Đoàn vẫn rủ nhau tập nhạc, lấy tên ban nhạc "Ba Xê" (Chơi Chờ Chết). Còn gì lãng mạn hơn thế. Nếu có gì trời gọi, bạn hãy chôn chúng tôi cùng với những cây đàn!

4. Một ngày Hà Nội đón một đoàn khách: Con gái Thủ tướng Tây Đức, được mệnh danh là "Nữ hoàng Vatican", cùng đi với những nhà hiền triết, thần học. Bác Trần Duy Hưng (1912-1988) - Chủ tịch thành phố lúc bấy giờ bối rối không biết làm sao khách vừa lòng. Các đại nghệ sĩ thứ thiệt như Quý Dương, Trần Hiếu, Quang Hưng, Trung Kiên với những romance, aria nhạc kịch Đức nổi tiếng không làm cho công chúa ngẩng đầu lên nhìn. Cô cứ ngồi đọc sách. Lót chỗ cô ngồi là một cái khăn (chắc cô sợ trứng giun dính vào).

Bác Chủ tịch thành phố nhớ ra thằng em Trần Hiếu tuy không nổi tiếng nhưng chinh phục giúp bác nhiều, vì là lính trực thuộc Ủy ban, đã kinh qua trận mạc ngoại giao với bác. Sau một đêm tính toán nước cờ và mình đồng ý, với những yêu cầu riêng của mình, Ủy ban chấp nhận. Thế là buổi sáng đó, bài đầu tiên mình hát Thanh niên ra tiền tuyến do nhạc sĩ trình bày nhưng phải dịch ra tiếng Đức là Đi chơi với anh. Mình hát bằng hết trái tim yêu tuổi trẻ. Thực ra cũng vì nàng xinh đẹp và sang trọng nữa.

Nàng ngẩng đầu lên chăm chú nghe, bác Chủ tịch ôm ông Kha - Phó Đoàn - muốn khóc. Cả Đoàn bỏ ra cánh gà xem mình, như xem khỉ vườn bách thú. Người ngoại quốc trọng nhạc sĩ và nhất là lại tự hát bài mình. Nhất là giới thiệu một bài hát như dùng để yêu đương trên đường đi picnic. Họ rất sợ chiến tranh và nhạc opéra lại quá thừa thãi xứ họ. Ca sĩ chỉ giỏi opéra nước mình, chứ ở nước họ chỉ như ca sĩ hát dưới bến xe điện ngầm mà thôi. Mình là nhạc sĩ thì không thể so sánh.

Thế là thắng một bàn.

Sau này, mình quyết định sang nghề sáng tác và tự hát là vậy. Nhà vốn có ông anh Trần Hiếu rồi, cần gì đến mình. Vả lại nghề hát khổ lắm, phải giữ giọng, không rượu chè, thuốc lá, không thức khuya, ngủ suốt ngày như heo cho giọng nó trong. Với mình thì rượu bia - thuốc lá - phụ nữ là thần dược cho mình sống, ngu gì bỏ. Hát phô, quên lời, sai nhạc tí không sao, tác giả mà.

Nhạc sĩ Trần Tiến
.
.