Nỗi niềm huyết thống

Thứ Ba, 18/12/2012, 14:30

Quá nhiều nỗi đau thân phận liên quan đến những nữ công nhân, những người mà ngay bản thân họ, đa phần đều ly hương để mưu sinh. Sự phát triển ồ ạt của các khu công nghiệp, sự thiếu hụt lực lượng lao động phổ thông, sự dễ dãi của điều kiện tuyển dụng… đã không cho phép những nữ công nhân kịp hiểu, mình sẽ quyết định cuộc đời của mình như thế nào trong môi trường công nghiệp ấy.

Họ chỉ biết, rời quê, tạm biệt người thân và hy vọng.  Hy vọng theo đúng cách, cứ đi rồi sẽ thành đường. Một kiểu hy vọng vô cùng mơ hồ.

Và khi những đứa trẻ được hoài thai trong vội vã, sinh ra trong vội vã, bỏ đi trong vội vã… thì nỗi hy vọng mơ hồ ấy lại hiện hữu rõ hơn bao giờ hết.

Những chuỗi bi kịch cứ thế mà kéo dài

Chủ của một dãy nhà trọ ở phường Bình Hòa, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương), khi mở thùng đựng rác sinh hoạt chung của cả khu nhà trọ để vứt rác thì phát hiện có thứ gì đó đang động đậy trong túi ni lông màu đen.  Mở túi để kiểm tra, chủ dãy trọ điếng người khi nhận ra bên trong chiếc túi thường để dùng đựng rác thải ấy là một bé trai sơ sinh. Ngay lập tức, cháu bé được chuyển đến bệnh viện để được chăm sóc kịp thời. Sau hơn 1 giờ được các bác sĩ tích cực cứu chữa, cháu bé đã có phản xạ tốt, màu da chuyển sang hồng hào… những biểu hiện sự sống tích cực.

Không quá khó để người ta xác định được mẹ của đứa trẻ là ai. Bởi ngay trong đêm ấy, chủ nhà trọ đã nhận thấy cô công nhân đang thuê nhà, có những dấu hiệu của một phụ nữ vừa vượt cạn.

Tôi tạm gọi, cô công nhân ấy tên là Hạnh. Theo giấy tờ, Hạnh năm nay 21 tuổi. Khi được hỏi về những tình trạng suy kém sức khỏe của mình, Hạnh luôn nại ra lý do này, lý do kia. Tuy nhiên, với tầng sinh môn bị rách gây nên vết thương nặng, Hạnh buộc phải nhờ đến sự can thiệp của các bác sĩ. Cuối cùng, Hạnh đã thừa nhận Hạnh là mẹ của cháu bé.

Hạnh nói, Hạnh sinh năm 1996, quê ở Nghệ An. Hạnh muốn thoát nghèo, Hạnh hòa theo dòng người ở quê, lên đường vào các khu công nghiệp trong miền Nam với hy vọng đổi đời. Để được nhận vào làm việc, Hạnh sử dụng chứng minh nhân dân của chị mình, nhằm đáp ứng đủ điều kiện về tuổi tác.

Dịp cuối năm, Hạnh về thăm quê và gần gũi với bạn trai. Khi vào Nam lại, Hạnh không biết mình đã có thai. Cái thai ngày càng lớn, tí tuổi đầu, lại quần quật với nhà xưởng, lại chỉ biết lầm lũi tối nhà trọ, sáng băng chuyền… thì lấy đâu ra thời gian để Hạnh suy nghĩ về một sự giải thoát khỏi bi kịch đang hiện hữu.

Vậy là, đến ngày sinh nở, Hạnh âm thầm tự sinh con, cắt dây rốn, bỏ con vào bịch ni lông, quẳng vào thùng rác. Với Hạnh, đó là giải pháp có tính tối ưu nhất trong hoàn cảnh hiện tại.

Những nữ công nhân sinh sống cùng phòng lẫn cùng dãy nhà trọ của Hạnh, tỏ ra ngạc nhiên vì không hiểu Hạnh mang thai lúc nào sao họ không biết(?!). Chắc thôi, không bình luận về chi tiết Hạnh giấu những người xung quanh về sự thay đổi cơ thể khi mang thai của mình. Bởi cảm giác nó bất nhẫn quá.

Chỉ biết là, Hạnh mang thai, Hạnh vẫn làm việc, vẫn tăng ca, vẫn ăn uống kham khổ như bao nữ công nhân khác. Và chính những nữ công nhân là hàng xóm cùng trọ với Hạnh không đủ thời gian để nhận thấy sự thay đổi từ Hạnh. Cuộc sống túng quẫn và quá ít khoảng không cho cá nhân, đã không cho phép họ lưu tâm đến điều gì khác, ngoài công việc với khoản tiền lương rất ít ỏi của mình.

Sau nhiều cuộc họp, các ban ngành đoàn thể ở Bình Dương đã quyết định trao cháu bé lại cho Hạnh. Hạnh cũng đồng ý nhận lại con.

Có tương lai nào tốt đẹp cho cháu bé đã từng bị mẹ chối bỏ ấy không? Chắc là sẽ có, bởi tình mẫu tử luôn thiêng liêng, bởi huyết nhục là điều không thể chia cắt. Sau giây phút nông nổi của người cùng quẫn, bản năng cũa người mẹ sẽ khiến Hạnh thay đổi. Thế nhưng, biết là bi kịch thân phận của Hạnh sẽ níu Hạnh về đâu?

Khi thông tin về vụ vứt con trong thùng rác được các cơ quan truyền thông loan tải, đa phần dư luận đều lên án hành vi của Hạnh. Câu cửa miệng nhắc nhớ vẫn là “Hùm dữ không nỡ ăn thịt con. Mẹ mà vứt bỏ con, thì không phải là thể loại người”. Nói gì mà nặng lời với nhau thế. Nếu Hạnh có sự lựa chọn khác, Hạnh đã không hành xử như vậy. Tuyệt đối, không người phụ nữ nào muốn vứt bỏ con mình.

Thế nhưng, Hạnh biết phải làm sao, khi ngay chính bản thân của Hạnh còn chống chếnh trước đời sống, thì Hạnh liệu sẽ lo cho con mình như thế nào?

Hạnh 16 tuổi, Hạnh một thân một mình, mưu sinh bằng nghề lao động phổ thông và Hạnh làm mẹ. Hạnh hoàn toàn không có cơ hội để lựa chọn. Hạnh tuyệt vọng. Cũng như chúng ta, đang tuyệt vọng trong việc tìm ra giải pháp nhằm giúp đỡ, cưu mang những cá nhân có quá nhiều bi kịch như Hạnh.

Ai cũng đều hiểu rõ đời sống của không ít công nhân hiện tại đang bí bách đến mức nào. Thế nhưng, hiểu là một chuyện, còn giải quyết vẹn toàn hay không lại là chuyện khác.

“Làm ơn nuôi dưỡng cháu bé giùm tôi, bé sinh ngày 11 tháng 11 năm 2012 lúc 8 giờ rưỡi sáng, tôi đội ơn”, đó là nội dung được viết trong mảnh giấy học sinh kẹp trong tấm chăn đang quấn chặt một bé gái sơ sinh, mà người phụ nữ tên Mai Xuân (ngụ xã Hòa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhặt được dưới gốc cây trong sân nhà mình vào một sáng cuối tháng 11 – 2012.

Gia đình bà Xuân đã báo cáo vụ việc đến chính quyền xã. Chính quyền xã cũng ra thông báo đúng luật định là trong vòng 30 ngày, nếu không có ai chứng minh được huyết thống với cháu bé, thì bà Xuân sẽ được làm các thủ tục để nhận cháu bé là con nuôi.

Quá khó để hy vọng vào chuyện, mẹ của cháu gái sẽ xuất hiện để xin lại con mình. Gần như là chắc chắn, cháu gái sẽ ở lại với gia đình bà Xuân. Nếu thông tin ít ỏi trong lá thư mà bà Xuân nhặt được là chính xác, thì chỉ sau 6 ngày được gần mẹ, cháu bé đã bị bỏ rơi.

6 ngày làm mẹ, chưa kịp quen hơi con, chưa kịp quen cảm giác căng tức sữa nơi bầu ngực, chưa kịp làm quen với tiếng khóc đêm, với hơi thở thơm mùi sữa của con… thì người mẹ ấy đã phải từ chối con mình. Không ai lại từ chối con mình nếu như không bị hoàn cảnh bắt buộc. Không ai lại không muốn con mình được thụ hưởng những điều kiện sống tốt nhất, huống hồ gì là đành đoạn vứt bỏ đi. Nhưng, không phải cuối ngã rẽ nào cũng là một con đường khác. Không phải tất cả mọi sự đều “vật cùng tắc biến”. Có những cánh cửa số phận một khi đã đóng lại, là mãi mãi khóa chặt đối với nhiều cá nhân.

Thông tin cho biết, khu vực gần nhà bà Xuân, có nhiều công ty, nhà xưởng với hàng nghìn công nhân. Đa phần là công nhân nữ. Và bấy lâu, dư luận tại đây vẫn nghe tin, có nữ công nhân này sinh con xong bỏ ngoài gốc cây, có nữ công nhân kia quẳng con vào bụi cỏ. Có nữ công nhân, sinh con trong nhà vệ sinh rồi vội vã bỏ đi…

Đời sống của đa số công nhân vốn dĩ tẻ nhạt và buồn bã. Họ gần như không quan tâm đến những yếu tố khác ngoài công việc, nhà trọ, những bữa ăn rẻ tiền… Mà thẳng thắn thừa nhận thì, họ không có cơ hội để quan tâm.

Thế nên, sự luyến ái nam nữ đôi khi chính là điều cứu rỗi, giúp họ quên đi thực tại và tìm niềm vui. Một niềm vui có chi phí rẻ, chỉ đắt về hậu quả nếu chẳng may xảy ra “sự cố kỹ thuật”.

Những tay chơi hiện tại liệt nữ công nhân thuộc dạng món hàng giải trí, nói theo thuật ngữ vô văn hóa là “rau sạch”. Những cái mác “em gái công nhân” hay “rau công nhân” đã không còn xa lạ. Họ được mặc định như một trò chơi đối với những tay chơi đam mê dục tính.

Như tôi đã nói, bởi buồn tẻ và túng thiếu, đa phần họ dễ dàng bị đánh gục bởi thứ mà họ nghĩ là tình yêu. Họ bị đánh gục, có thể là bị động, cũng có thể là chủ động.

Họ quáng quàng đến với nhau, vội vã lao vào nhau và cũng nhanh chóng nhận lấy sự bẽ bàng. Họ rời làng quê, phần đông khi là con gái đương thì. Tiếng là vào Nam, là lên Sài Gòn để làm công nhân, nhưng quá khó để họ được biết đến điều gì khác ngoài căn phòng trọ giá rẻ, những lời thủ thỉ trên sóng phát thanh, vài chương trình ca nhạc do cơ quan đoàn thể nào đó tổ chức.

Cuộc sống với họ đầy những lo toan. Sự lo toan ấy khiến họ không đủ sức phòng vệ trước những cơn vui bồng bột ngắn ngủi. Khi phát hiện ra, cơn vui bồng bột ấy để lại mầm sống trong cơ thể mình, họ sẽ may mắn nếu người tạo nên mầm sống kia có trách nhiệm với họ. Trách nhiệm gắn liền vời điều kiện đầy đủ hoặc tạm đầy đủ. Còn ngược lại, họ không biết giải quyết ra sao.

Họ không thể mang đứa trẻ về quê, họ cũng không thể bước đến những trung tâm y tế, bệnh viện để nhờ sự can thiệp của các bác sĩ. Họ cũng hoàn toàn không biết được rằng họ sẽ lo cho con như thế nào mai sau. Họ lẳng lặng chịu đựng, như chính họ là nạn nhân của một trò chơi không may nào đó.

Họ đang cô đơn đến mức cùng cực. Thế nhưng, điều đau lòng chính ở chỗ, thay vì chìa tay cưu mang họ, thì đám đông vội vã lên án họ.

Có ai bỏ rơi con mình mà không khóc? Có ai không đứt từng đoạn ruột khi quẳng đi cốt nhục của chính mình?

Nhưng họ biết là làm sao, quê nhà thì xa tít tắp, đầy nghèo khó. Họ ở nơi này, lạc lõng trước bi kịch của chính mình. Ý niệm duy nhất của họ, có lẽ chỉ là, làm sao để khuất mặt, để mọi sự được giải quyết nhanh, để họ được đến nhà xưởng, đến công ty đúng lịch. Để kịp giờ tăng ca, để tiền lương không bị trừ, để khoản tiền để dành gửi về quê hằng tháng, hằng năm không suy giảm…

Vậy đó, họ chấp nhận để sự dằn vặt đeo bám họ cho đến cuối đời. Như người lạc rừng không lối ra, người rơi sông không phao cứu… Họ phó mặc thân phận mình cho thời gian. Ngoài sự phó mặc ra, họ còn biết làm gì khác nữa?

Nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh họ, chúng ta sẽ giải quyết ra sao? Hẳn là, chúng ta cũng không biết phải làm thế nào cho trọn vẹn.

Thế nên, thay vì ngồi oán trách họ, thì cứ rộng lòng bao dung mà nhìn nhận rằng, họ là những cá nhân đang cần được giúp đỡ, giúp đỡ ngay lúc này, giúp đỡ từ những kỹ năng sống, kỹ năng yêu và cả kỹ năng đủ sức để đừng tự biến đời mình thành hố sâu vô vọng!

Nguyệt Lãng
.
.