Nỗi đau màu da cam

Thứ Tư, 03/08/2011, 15:33
Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã chấm dứt 36 năm, nhưng di chứng chất độc da cam của Mỹ vẫn còn là nỗi đau của không chỉ của đất nước Việt Nam mà đã thành nỗi đau của nhân loại.

Tôi đã từng chứng kiến nỗi đau của Trung tướng Cao Văn Khánh cùng với con trai út của ông là Cao Quý Anh bị ung thư gan đột phát do nhiễm chất độc da cam, hay của Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự khi đứa con bị di chứng da cam, suốt đời dị tật đau đớn quằn quại. Nhưng có những người lính mang nỗi đau da cam khủng khiếp mà kể ra, tôi tin nhân loại sẽ bàng hoàng... Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau còn lại, tội ác chiến tranh còn đó, nhức nhối lương tri con người.

15 lần sinh, 12 lần khóc thầm lặng lẽ

Thiếu tá Đỗ Đức Địu trở về đời thường ngỡ sẽ được hưởng những ngày hạnh phúc trong hòa bình, ông đâu biết chất độc da cam của Mỹ đã ngấm vào máu để lại di chứng nặng nề nơi 15 đứa con ông khiến nỗi đau kiếp người lên đến tột cùng. 15 lần vợ ông sinh nở là 15 lần ông khóc thương những đứa con và đến hôm nay, ông một mình lặng lẽ chôn cất 12 đứa con bất hạnh của mình...

Tôi biết đến ông từng một thời là bộ đội trên mảnh đất Trị Thiên ấy thật tình cờ. Ấy là lần đến làng Hữu Nghị ở Hà Nội thăm những đứa trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam. Hình ảnh bé Đỗ Thị Hằng, vốn là một học sinh xinh gái, hát hay học giỏi đang vật lộn với những cơn đau đầu, chân tay co quắp, ai cũng đau lòng. Hằng là đứa con thứ 14 của vợ chồng ông Địu. Nhìn vợ chồng ông ôm trong tay đứa con vật vã kêu than đau đớn, chúng tôi đã liên hệ để đưa cháu vào Bệnh viện Nhi Trung ương những mong cháu được cứu chữa, may ra...

Nhưng gia đình bất hạnh của ông không chỉ có cháu Hằng... Lội qua những cồn cát ven sông Nhật Lệ, về làng Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tìm nhà Đỗ Đức Địu, hỏi nhà ông ai ai cũng biết. Ông nổi tiếng bởi nỗi đau da cam tàn khốc. Nỗi đau ấy như kiếp nạn đè lên cuộc đời vợ chồng ông Địu.

Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Địu cùng lúc vẳng lại cả tiếng la hét khóc van cùng tiếng cười khanh khách của hai đứa con gái tội nghiệp năm này qua tháng khác quằn quại trong nỗi đau đớn tuyệt vọng. Đỗ Thị Hằng, cô bé hôm nào ở làng Hữu Nghị nay trông vóc dáng bé nhỏ co quắp đến thảm thương. Bao nhiêu mơ ước, khát vọng về nghệ thuật, hội họa ngày nào em đành bỏ lại sau những cơn đau hành hạ.

Vợ chồng ông Địu đau đớn bên hai người con tật nguyền.

Hằng kể vừa tham gia đóng bộ phim nói về gia đình cháu có tên là Em là tình yêu của anh nhưng mới vào TP HCMược ba hôm thì lên cơn co giật đành bỏ dở. Trong căn nhà cuối thôn, mâm cơm lạnh lẽo tự bao giờ bởi vợ chồng ông Địu mải đè cổ hai đứa con gái ra mà bón từng thìa cơm.

Những cô gái 18, 20 tuổi ấy quắt queo và dặt dẹo trên giường. Mọi sinh hoạt phải cậy đến sự có mặt của bố mẹ. Ông Địu và bà Nức sọm đi vì đau khổ. Đau đớn về tinh thần vì thương con, khổ sở vì phải làm lụng kiếm sống nuôi con và quần quật với việc chăm con.

Ông Địu kể: Năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, như những người bạn cùng trang lứa, ông lên đường nhập ngũ. Từng hoạt động trên những vùng bị ảnh hưởng chất độc da cam của Mỹ, ông đâu ngờ di chứng cuộc chiến nặng nề và tàn khốc đến không còn tin nổi. Ngày hòa bình thống nhất, Đỗ Đức Địu về lập gia đình với Phạm Thị Nức, người bạn gái quen biết từ thời chị đi TNXP những tưởng sẽ bắt đầu cuộc sống hạnh phúc trong hòa bình.

Nhưng sự phơi nhiễm chất độc da cam đã thấm vào máu thịt mất rồi. Mỗi lần vợ ông sinh con là một lần ông thót tim chờ đợi đứa con lành lặn ra đời. Nhưng nghiệt ngã thay các con ông vừa sinh ra, có đứa thì vài tháng tuổi đã bị bệnh hiểm nghèo và lần lượt bỏ đi.

Người con mà họ hy vọng nhất là Đỗ Thị Bình. Bình lớn lên xinh đẹp ngoan hiền, được đi học bình thường như bao đứa bạn, là niềm an ủi duy nhất của vợ chồng ông. Nhưng sau khi lấy chồng sinh con, bây giờ tự nhiên Bình phát bệnh. Vậy là 15 lần sinh không có lấy một niềm vui trọn vẹn.

Gia đình ông Địu hiện còn ba người con gái là Đỗ Thị Bình, Đỗ Thị Hằng và Đỗ Thị Nga. Ngoài Đỗ Thị Bình, là hơi bình thường, chỉ đôi lúc lên cơn đau đầu ngất lịm, còn Đỗ Thị Hằng quanh năm gào thét, co quắp chân tay do não úng thủy, Đỗ Thị Nga thì gần như liệt giường từ lúc sơ sinh.

Ông Địu cầm bó nhang to dẫn khách lên đồi cát sau nhà. Nơi đây là nghĩa địa của những đứa con tội nghiệp của ông. 12 nấm mộ trên đó có những tấm bia nhỏ không kịp đặt tên, chỉ có số thứ tự. Những sinh linh nằm rải rác trên đồi cát hôm nào giờ được ông Địu đưa về trong nghĩa địa nhỏ bằng tiền giúp đỡ của một công ty thức ăn chăn nuôi.

Nơi đây ông dành sẵn chỗ cho những đứa con đang giãy giụa trong đau đớn và cả cho mình. Hy vọng của người đàn ông bản lĩnh này là mong sao ông đừng bỏ đi trước, để còn chăm sóc các con và hương khói cho đàn con dưới đất. Ông Địu tâm sự, không còn cách nào khác là phải chịu đựng nỗi đau của số phận.

Phải vượt lên nỗi đau trọn kiếp để mà tiếp tục đóng góp sức mình cho xã hội. Hai vợ chồng ông đã không còn nước mắt để khóc thương những đứa con. Thử hỏi trên cõi đời này có còn ai có nỗi đau buồn lớn hơn vợ chồng ông? Một năm 12 đám giỗ con.

Ngồi trong ngôi nhà 30 năm chứa quá nhiều bất hạnh, nhìn vợ chồng ông nhẫn nại chăm con, tôi không hiểu ông bà lấy đâu sức lực để đứng vững sau bao nhiêu đau khổ và cực nhọc như vậy? 36 năm sau chiến tranh, nhưng trong ngôi nhà ấy chưa có lấy khoảnh khắc yên bình. Tôi nghiệp cháu Hằng lúc tỉnh táo tươi tắn thế, nhưng cơn đau có thể ập đến bất ngờ. Bỗng cháu hỏi tôi: "Khi mô thì cháu chết?".

Chao ôi. Câu hỏi xoáy vào lòng, tôi biết trả lời cháu thế nào… 10 năm nay, hầu như năm nào ông cũng đưa con ra Hà Nội nhập làng Hữu Nghị và các bệnh viện để chữa chạy, nhưng bệnh tình cháu Hằng ngày một nặng thêm. Cuộc sống của gia đình ông khốn khó vậy nhưng tôi khâm phục ông ở nghị lực phi thường vượt lên nỗi đau để sống và an ủi vợ con.

Đỗ Thị Bình dẫu đã lấy chồng làng bên, như hiểu nỗi lòng ba mẹ, nên ngày ngày cô qua lại thăm nhà. Cô lại ra nghĩa trang sau nhà thắp hương cho anh, cho chị, cho em. 12 nấm mộ nhỏ nhoi với Bình giờ như những người anh em bất hạnh. Bình cất tiếng hát ru: "À ơi! Cái quán giữa đàng. Bạn hàng trước ngõ. Cây hương bên tàu, nhỏ nhụy thơm xa. Chớ anh có đi mô lâu, cũng nhớ ghé vô thăm chén ngọc ve ngà, dù gần cũng nghĩa, dù xa cũng tình...".

Giọng hát Bình nghẹn lại giữa chừng. Cái giọng Quảng Bình nghe da diết quá khiến chúng tôi ai cũng sụt sùi… Có lẽ hy vọng về đứa con xinh đẹp ngoan hiền của ngày hòa bình ba mẹ em đã đặt cho em cái tên Bình đầy ngụ ý. Bình bảo: "Mẹ yếu rồi, không còn đủ sức hát ru, thì em hát rứa để ru các anh, các chị, các em trong cát bớt buồn khổ".

Và một chuyện tình đẹp lên phim

Lần này ông Địu về Hà Nội dự Hội nghị Điển hình tiên tiến nạn nhân chất độc da cam. Căn phòng số 114 KS La Thành sang trọng nhưng không giữ được sự yên ổn lòng người. Ông sốt ruột vì ở nhà bà Nức đau yếu phải vật lộn với việc chăm hai chị em Hằng và Nga để ông đi họp. Câu chuyện đời của người lính chống Mỹ này quá nhiều nỗi buồn.

Ông kể: "Buồn nhất là mơ ước có một cuộc sống yên lành mà nỏ (không) có được. Thanh bình cho ai nhưng mình thì nỏ chộ (không thấy)". Khát vọng bình thường nhất là có những đứa con lành lặn để lo cho chúng ăn học nên người mà không trọn vẹn.

Niềm hy vọng vợ chồng ông gửi hết vào cháu Bình. "Tôi đã giấu đi chuyện nhiễm chất độc da cam gần 30 năm - Ông Địu kể - Sau mỗi lần vợ sinh con không nuôi được nỗi đau chỉ một mình chịu đựng và nghĩ đó là số phận mình rứa để mà cam chịu, chỉ mong sao cháu Bình lớn lên lấy được tấm chồng và có được một hạnh phúc bình thường, nhưng không được. Đến một ngày gần đây, tôi phải khai hồ sơ bị nhiễm chất độc da cam để có được chút chế độ chính sách. Giấu làng nước, giấu thông gia về di chứng da cam, tôi đâu phải là tội phạm!? Tôi chỉ muốn cho cháu Bình được hạnh phúc" - Ông Địu nói mà như muốn nấc lên. Tôi hiểu nỗi đau nơi ông. Đó là nỗi đau của người làm cha không có lấy một ngày thanh thản khi nhìn lại đàn con mình.

Ông kể: "Cháu Bình lớn lên, đến tuổi yêu đương có người trai làng bên ngỏ lời, nhưng nghĩ thân phận mình, hoàn cảnh gia đình mình, cháu ngại ngùng chưa dám nhận. Gia đình bên ấy cũng là nhà giáo nghỉ hưu, Hải lại là con trai duy nhất nên tâm lý chung ai cũng muốn con trai mình có được người vợ như ý...".

Bố mẹ Hoàng Trọng Hải ngăn cản nhưng trong tim chàng trai ấy chỉ có Đỗ Thị Bình. Khi ông Địu làm chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam, gia đình thông gia giận dữ khi biết được sự thật. Nhưng Hải là người có tấm lòng nhân hậu. Hải yêu Bình và hai đứa quyết tâm lấy nhau. "Chừ cháu đã có hai đứa con bình thường đặt tên là Đô và Ri. Tui mừng hơn được của. Từ ngày Bình phát bệnh, vợ chồng nó thương yêu đùm bọc nhau, tôi cũng được an ủi một phần…".

 Câu chuyện của họ thành chuyện tình đẹp khiến ai nghe cũng cảm động. Chuyện ấy vang xa đến tận TP HCMĐể làm một bộ phim về gia đình ông Địu và mối tình cảm động ấy, đạo diễn Nguyễn Minh Tuân đã về Quảng Bình nhiều lần để chứng kiến nỗi đau tột cùng của kiếp người như ông Địu và cả một chuyện tình có thật của Đỗ Thị Bình và người trai đất Quán Hàu.

Diễn viên Văn Hiệp, người vào vai ông Địu trong phim kể lại rằng, vào đến Võ Ninh làm phim, thú thực khi vào vai, không cần diễn thì đã quá nhiều nước mắt. Ông Địu và Đỗ Thị Hằng được vào TP HCM để thực hiện tiếp bộ phim. Nhưng vừa vào vai được mấy hôm thì Hằng lên cơn co giật phải bỏ nửa chừng.

Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau còn lại, nỗi đau ấy còn tiếp diễn không chỉ một hai thế hệ. Bên tai tôi lúc này vẫn vẳng lại tiếng kêu rên của những đứa con ông.

Tôi cúi đầu trước người lính cũ, người mang nghị lực phi thường có tên Đỗ Đức Địu.

Hà Nội, cuối tháng 7/2011

Tân Linh
.
.