"Niềm vui sinh ra từ sự cho đi..."

Thứ Ba, 15/01/2019, 16:58
Trong cuốn sách “Bí quyết trường thọ của người Nhật”, vị bác sĩ Shigeaki Hinokara, người được xem là huyền thoại y học của Nhật Bản chia sẻ niềm vui sống của ông: “Hãy để niềm vui sinh ra từ sự cho đi hơn là ngồi sợ mất mát”. 


Ông đã làm việc thiện mỗi ngày cho đến lúc qua đời vào năm 106 tuổi mà không nghỉ hưu ngày nào. Câu chuyện về cuộc đời và những cống hiến của vị bác sĩ người Nhật này khiến tôi nghĩ đến những nhân vật truyền cảm hứng đặc biệt nhưng rất bình dị trong đời sống hằng ngày.

1. Tôi luôn bị hấp dẫn bởi những người có một nguồn năng lượng mạnh mẽ và luôn nồng nhiệt với cuộc sống, với công việc hay niềm đam mê của họ. Hơn một lần tôi từng thừa nhận mình mắc hội chứng... “ái lão”, nghĩa là luôn yêu thích những lão già gân và không bao giờ dừng lại cho đến khi họ từ giã cõi đời này. 

Bởi đơn giản, mỗi lúc hơi chán nghề hay nản lòng vì một chuyện vặt vãnh nào đó, nhìn vào các cụ lại có động lực sống, động lực làm việc và bớt ta thán cuộc đời như những người rỗi việc hay bi quan thế sự.

Bác sĩ huyền thoại người Nhật Shigeaki Hinohara làm việc tới khi qua đời năm 106 tuổi. Câu nói truyền cảm hứng của ông là: "Hãy để niềm vui sinh ra từ sự cho đi".

Thần tượng của tôi là cụ ông David Attenborough, một nhà tự nhiên học và nhà làm phim tài liệu huyền thoại của BBC về thế giới động, thực vật hoang dã. Năm nay đã 92 tuổi, David Attenborough vẫn trên từng cây số khắp thế giới, bay trên khinh khí cầu ở dãy núi Alps, lặn xuống đại dương để dẫn những loạt phim truyền hình mê hoặc trên BBC One.

Tôi cũng rất mê Clint Eastwood, Woody Allen, Martin Scorsese..., những lão già gân U80, 90 vẫn miệt mài mỗi năm một phim, thậm chí như cụ Clint Eastwood, năm nay 89 tuổi, vẫn làm 2 phim/năm; trong đó phim mới ra, The Mule, cụ vừa biên kịch, đạo diễn, sản xuất và đóng luôn vai chính.

Mới đây nhất, tôi đọc cuốn Bí quyết trường thọ của người Nhật (First New & NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) và phát hiện thêm một cụ già gân tuyệt vời khác. Đó là bác sĩ Shigeaki Hinokara, người được xem là huyền thoại y học của Nhật Bản.

Ông sinh năm 1911 và làm việc đến tận giây phút cuối đời mà không nghỉ hưu ngày nào, hưởng thọ 106 tuổi (ông qua đời ngày 18-7-2017). 

Tập sách Bí quyết trường thọ của người Nhật được ông viết năm 90 tuổi. Ở tuổi 100, ông vẫn giữ chức Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Sei Luca, một bệnh viện hoạt động tình nguyện, có cống hiến rất lớn cho y tế dự phòng và chăm sóc y tế cho bệnh nhân giai đoạn cuối.

Được viết ra bởi một người sống cả thế kỷ, dĩ nhiên cuốn sách khá mỏng này có rất nhiều điều bổ ích và những giá trị minh triết cho chúng ta để sống hạnh phúc và trường thọ, nhất là tác giả của nó là một người đam mê sách văn chương và triết học. Tuy nhiên, điều cuốn sách chinh phục tôi hơn cả là cách để sống một cuộc đời có ý nghĩa và biết sử dụng được thời gian/sinh mệnh của mình.

David Attenborough - nhà nghiên cứu tự nhiên và nhà làm phim tài liệu nổi tiếng của BBC - vẫn bay trên kinh khí cầu ở tuổi 92 để dẫn chương trình cho loạt phim “Planet Earth 2”.

Ông viết: “Sinh mệnh là thời gian được trao ban cho mỗi người. Nếu mỗi người chúng ta không chỉ sống cho riêng mình trong quỹ thời gian giới hạn đó mà còn sử dụng thời gian ấy để giúp ích cho người khác, cho dù chỉ là một giờ đồng hồ, thì một giờ đồng hồ ấy cũng có ý nghĩa cực kỳ sâu sắc. Chỉ cần có thêm một người biết sống như thế thì thế giới này sẽ tươi đẹp hơn, cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn. Tự đáy lòng, tôi ước mong thế giới của chúng ta sẽ đẹp hơn, ý nghĩa hơn”.

Ông cũng không ngần ngại phê phán cách làm tình nguyện “thực dụng” của người Nhật Bản qua lời chia sẻ của vị Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Halfdan Mahler: “Cho đến nay, cách Nhật Bản làm trên thế giới không phải cho và nhận mà là lấy và cho. Quả thực, đóng góp cho quốc tế của Nhật Bản trước hết là chiếm lĩnh thị trường ở nước ngoài, sau đó trích một phần tiền từ lợi nhuận thu được để góp phần. Trước hết là phải nhận rồi sau đó mới cho. Thái độ ẩn sau cách hành xử này hàm ý rằng nếu không nhận được gì thì đừng bàn đến chuyện cho”.

Và ông kết luận rằng: “Cho đi không phải là mất đi. Nó làm cho tâm hồn cảm thấy sung mãn hơn trước đó. Cũng như món ngon khi ăn quá nhiều khiến cho bụng ấm ách, khối tài sản phình quá to sẽ làm phát sinh mối lo nhưng tâm hồn sung mãn sẽ khiến người ta luôn cảm thấy thoải mái, sảng khoái, giúp họ trực nhận được niềm vui sống”.

Bí quyết ông làm việc đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời mà không cảm thấy mệt mỏi hay nhàm chán? - “Bao nhiêu tuổi vẫn không quên khởi đầu”.

Bí quyết để ông làm từ thiện và chăm sóc bệnh nhân đến tận cuối đời: “Hãy để niềm vui sinh ra từ sự cho đi hơn là ngồi sợ mất mát”. Hay, “Chỉ với thiện chí thôi vẫn chưa đủ để tham gia hoạt động tình nguyện”.

2. Gần đây, tôi được mời vào nhóm sứ giả truyền cảm hứng của We Choice Awards năm 2018. Quả thật, tôi chỉ mới quan tâm đến giải thưởng này từ năm 2017 khi xem chương trình trực tiếp lễ trao giải. 

Có một điều tôi thấy không hài lòng lắm khi xem buổi lễ trực tiếp trên truyền hình đó là cách ban tổ chức sắp xếp trao giải cho những nhân vật giản dị, đời thường, những con người lặng lẽ truyền cảm hứng tích cực, nhân văn đến cộng đồng, xã hội - đứng chung sân khấu với những nhân vật giải trí mà do đòi hỏi hay kỹ năng mà họ luôn xuất hiện lộng lẫy nhất có thể. 

Cách sắp xếp thiếu tinh tế đó khiến cho giải thưởng mà tôi đánh giá khá cao này hơi mất điểm. Hi vọng điều đó sẽ được khắc phục trong năm nay.

Trong mùa giải thưởng năm nay, một lần nữa tôi lại bị thuyết phục bởi những nhân vật truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng, xã hội. Họ là những con người nhỏ bé, giản dị, bình thường như bao người khác, nhưng tâm hồn và nhân cách của họ lại lặng lẽ tỏa sáng với những điều mà họ cho đi không toan tính. Họ thực sự là những “Mặt trời ẩn trong tim” - như tên giải thưởng của năm nay.

Một trong những câu chuyện “cổ tích giữa đời thường” là câu chuyện của anh Nghĩa Phạm và bé Thành Đạt, cậu bé xếp dép ở nhà thờ Đức Bà. 

Bức hình tình cờ chụp bé Thành Đạt xếp dép cho những bạn nhỏ bên ngoài nhà thờ đã gây “bão” trên mạng xã hội. Đó là một vẻ đẹp bình dị trong vô vàn vẻ đẹp của cuộc sống vô tình được phát hiện. Và nó trở thành một câu chuyện truyền cảm hứng đẹp đẽ và lan tỏa trong cộng đồng.

Trở thành người cha bảo trợ cho cậu bé nghèo có hành động đẹp, cách hành xử của anh Nghĩa cũng rất đáng trân trọng khi tìm mọi cách để cuộc sống của hai mẹ con cậu bé xếp giày không bị ảnh hưởng bởi truyền thông, như anh chia sẻ: “Tôi thật tâm muốn nói, nếu làm từ thiện hãy làm một cách thiết thực và có sự tìm hiểu nhu cầu thực sự. Đôi khi vì những đồng tiền bạn quyên góp không đúng cách mà làm cuộc sống của người được giúp trở nên xáo trộn".

Và anh cũng lặng lẽ làm một người cha vô hình luôn đứng phía xa và từ chối chụp ảnh chung với cậu bé, bởi như anh nói: “Tôi không muốn Đạt khi lớn lên cứ cảm nhận có một người nào đó luôn đứng sau giúp đỡ, khiến cậu bé mất đi khả năng phát triển cuộc sống của mình”.

Câu chuyện và cách hành xử của anh Nghĩa khiến tôi nhớ đến câu nói của vị bác sĩ Nhật Bản đã nói ở trên: “Chỉ với thiện chí thôi, vẫn chưa đủ để tham gia hoạt động tình nguyện”.

Một câu chuyện về “mặt trời ẩn trong tim khác” là kiến trúc sư Phạm Đình Quý, người trong 5 năm qua đã đi khắp vùng sâu vùng xa của đất nước để xây 105 điểm trường vùng cao và vẫn tiếp tục công việc của mình, vì như anh nói: “Cứ thấy các cháu khổ mình lại tiếp tục cố gắng, mục tiêu của mình là bao giờ mình yếu thì thôi”.

Hành trình của kiến trúc sư Phạm Đình Quý trong 5 năm qua là vượt hơn 365.000 km dọc khắp đất nước, tương đương khoảng 9 vòng trái đất - như tác giả bài báo này cho biết - để đến bao miền đất xa xôi hẻo lánh nơi địa đầu Tổ quốc. Với tôi, câu chuyện của anh đẹp đẽ và truyền cảm hứng tích cực hơn bất cứ một phượt thủ hay một tác giả sách du ký đặt chân lên hàng trăm quốc gia nào khác, nếu anh/chị ta không mang lại một giá trị nào ngoài việc thỏa mãn bản thân.

Kiến trúc sư Phạm Đình Quý, người đã bỏ ra 5 năm, đi hàng trăm nghìn cây số để xây 105 ngôi trường cho học sinh nghèo ở những vùng xa xôi hẻo lánh của Việt Nam.

Câu chuyện của thầy giáo Đặng Văn Cương và em Đinh Văn K'rể trong câu chuyện này, lại khiến ta tin vào một điều giản dị: “Chẳng có phép nhiệm màu nào tồn tại trên trái đất, có chăng đó là sự tử tế của những trái tim luôn ấm nồng vì nhau”.

Và cuối cùng, là câu chuyện đẹp của những người bạn trẻ, những người luôn cho chúng ta thấy rằng “thanh xuân không chỉ như một cơn mưa rào” mơ mộng, lãng mạn; mà còn muốn làm một điều gì đó đẹp đẽ cho xã hội, đặc biệt là cho những người khiếm khuyết.

“Nhà của thời thanh xuân" hay “Quán của thời thanh xuân" đều là dự án xã hội giúp đỡ những bạn trẻ bị điếc được khởi xướng bởi Võ Thành Luân (sinh năm 1987, quê ở Bảo Lộc, Lâm Đồng), người đã bỏ dở việc học ở nước ngoài để về Đà Lạt khởi xướng dự án dành cho người điếc.

Luân không coi các bạn điếc quanh mình là người khuyết tật, họ chỉ đang nói một thứ ngôn ngữ khác mà thôi. Và điều cậu làm, đơn giản là: “Chúng tôi không sống vì cộng đồng mà chúng tôi tạo ra một cộng đồng để sống”.

*

Để sống một cuộc đời hạnh phúc và làm chủ sinh mệnh của mình đến tận cuối đời, bác sĩ Shigeaki Hinokara nói rằng: “Hãy để niềm vui sinh ra từ sự cho đi hơn là ngồi sợ mất mát”.

Và lý giải tại sao con người hiện đại luôn đau khổ, phiền não hay mắc bệnh trầm cảm quá nhiều, cho dù đời sống vật chất tăng lên, ông cho rằng bởi vì con người thường “quá nhạy cảm với bất hạnh, quá lãnh cảm với hạnh phúc”.

Đó là điều mà tôi cũng nhận thấy trong xã hội hay truyền thông Việt Nam hiện đại. Chúng ta có xu hướng thổi phồng những điều tiêu cực của xã hội thông qua một vài câu chuyện xấu xa nào đó nhưng lại thường rất lãnh cảm với những điều đẹp đẽ, những điều tích cực mà rất nhiều người vẫn lặng lẽ cống hiến sức mình cho cộng đồng.

Vậy thì tại sao không lan tỏa những điều tích cực đẹp đẽ đó thay vì thổi phồng những câu chuyện tiêu cực để rồi bi quan, chán nản về cuộc sống? 

Nhà báo Lê Hồng Lâm, sinh năm 1977, tốt nghiệp Khoa Báo chí, Đại học Quốc gia Hà Nội (1999), đã có gần 20 năm làm báo với vai trò phóng viên, biên tập viên và thư ký tòa soạn báo. Hiện là nhà báo tự do và nhà nghiên cứu điện ảnh độc lập, tác giả của những cuốn sách đã xuất bản như Xem chữ đọc hình, Chơi cùng cấu trúc, 101 bộ phim Việt Nam hay nhất...
Lê Hồng Lâm
.
.