Những người trẻ vắt thanh xuân phơi mình phố thị

Thứ Năm, 27/12/2018, 11:00
Những người trẻ chọn con đường nhập cư và mưu sinh ở Sài Gòn mà tôi có dịp quen biết và trò chuyện, không ai đong đếm tháng ngày, không ai đong đếm mệt nhọc mà chỉ đong đếm số tiền kiếm được mỗi ngày. Những câu chuyện vui buồn xen lẫn nghẹn ngào nghe quặn thắt lòng…


Tôi sinh ra ở nông thôn

Tôi sinh ra ở nông thôn. Từ khi vào Sài Gòn học đại học, rồi ra trường đi làm, tôi quen biết với nhiều người ngoại tỉnh như mình. Tôi cũng như họ, cùng làm việc, cùng vui chơi, cùng tận hưởng cả niềm vui lẫn nỗi buồn mà phố thị cho phép. 

Nên khi gặp vợ chồng Linh và Kiệt tại gian nhà trọ lụp xụp sâu trong khu người ta quen gọi là “xóm nước đen” (hẻm đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, TP HCM) tôi có một tình cảm đặc biệt riêng với hai em và thân phận những người trẻ nhập cư.

Trông Linh và chồng rất trẻ con, nếu Linh không nói, tôi không tin được là vợ chồng em đã chung sống với nhau được 5 năm nay. Linh có bằng trung cấp may, đang làm tổ trưởng trong một công ty may áo gió tại Gò Vấp. 

Ảnh trong bài: Cường Trần.

Chồng Linh là Kiệt làm công nhân chung công ty với vợ. Hai vợ chồng em đã có một con trai cũng vừa lên 5, cũng bởi vì hoàn cảnh làm công nhân đi sớm về muộn không thể chăm sóc tốt cho con nên đã gửi con về quê sống với bà ngoại. 

Hỏi thăm đời sống và thu nhập hai vợ chồng có ổn định không, Linh thật thà chia sẻ: “Không ổn cũng phải ổn thôi chị à, lương em tính cả tăng ca khoảng 8 triệu, chồng em cũng tầm 6 triệu, tháng trả tiền nhà, ăn uống sinh hoạt tằn tiện của hai vợ chồng hết khoảng 5 triệu thôi, còn lại gửi về quê cho mẹ săn sóc cháu 5 triệu, cũng còn tàm tạm, tằn tiện thì chút dư”. Linh nói đến chữ “có chút dư” kèm theo nụ cười rất hiền, rất đáng yêu.

Linh học xong lớp 12 thì xếp quần áo vào balô rồi Sài Gòn thẳng tiến, em cũng từng ao ước mình đậu đại học, muốn thành sinh viên trường này trường nọ, rồi sẽ tốt nghiệp ra trường, sẽ làm việc tại các toà nhà cao vút ngoài trung tâm chứ không phải là khu trọ hiu hắt nơi này. 

Nhưng hoàn cảnh không cho phép. Một mình em phải tự làm việc, tự mưu sinh trang trải cuộc sống của em và gửi tiền về quê phụ cha mẹ, nên đành dang dở giấc mơ.

Những ngày đầu, Linh xin vào làm công việc cắt chỉ trong công ty may. Mỗi ngày em phải đứng 8 tiếng, hôm tăng ca có khi đứng đến 12 tiếng đồng hồ. Lúc còn mới mẻ, hai chân Linh sưng phù, đêm đến chuột rút đau đến khóc nghẹn, mà rồi mãi cũng quen. 

Nhiều lúc Linh nghĩ đến tương lai của mình không thể mãi làm công việc nhàm chán, thu nhập ít ỏi nên đã đăng ký học thêm hệ trung cấp của trường nghề vào buổi tối. 

Mấy lúc hàng về nhiều, quản lý làm khó dễ, những tưởng phải bỏ ngang việc học mà kiếm tiền hoặc bỏ ngang việc kiếm tiền để chuyên tâm học nghề. Nhưng rồi cố mãi, khó khăn cũng qua, 2 năm tích luỹ cả kinh nghiệm lẫn kiến thức ở trường, ở công ty, Linh đã có tay nghề may vững chắc, được tin tưởng, cân nhắc dần lên đến vai trò tổ trưởng chuyền may hiện tại.

Kiệt nhỏ hơn Linh 2 tuổi, em có một tuổi thiếu niên đượm buồn trong gia đình. Không chịu nổi đòn roi của cha dượng, với tính ương bướng của mình, Kiệt rời bỏ phố núi Gia Lai tìm vào Sài Gòn để “sống cuộc đời khác”. 

Kiệt thuê phòng trọ cạnh bên phòng Linh. Ngày em ngủ, đêm giữ xe cho một câu lạc bộ khuya. Thu nhập không ổn định nên chẳng đủ sống, bữa đói bữa no, có hôm phải xin cơm nguội chủ nhà trọ qua bữa. Hỏi Linh, em kể tôi nghe những chuyện này rồi có ngại khi tôi viết ra hay không? 

Linh cười vô tư: “Không sao đâu chị à, chồng em giờ làm việc giỏi mà sống cũng tốt lắm, nhờ em đó!”.

Câu chuyện nên duyên cho vợ chồng hai em cũng rất thương, như là duyên số đã an bài. Là lần Kiệt bị sốt xuất huyết khá nguy hiểm, không có tiền, không ai săn sóc, chủ nhà trọ nhờ Linh phụ đưa Kiệt đến bệnh viện. Linh thấy xót xa mà chăm lo. 

Mỗi sáng trước khi đi làm Linh tranh thủ nấu cháo mang vào bệnh viện cho Kiệt, tối tan ca lại mang thức ăn vào, tình cảm nảy sinh từ những chia sẻ. Hai em đến với nhau như lẽ tự nhiên. Không cưới, không hỏi, chỉ đơn thuần là dọn về sống cùng nhau. 

Như Linh nói thì gia đình, cha mẹ em ai cũng thương Kiệt, còn em đến giờ vẫn chưa biết mặt mũi gia đình chồng ra sao. Nhưng với em điều đó cũng không quan trọng lắm, vợ chồng em đã có thứ quan trọng và quý giá nhất là đứa con trai kháu khỉnh, khoẻ mạnh.

“Tụi em cố gắng làm lụng để dành một ít vốn rồi buôn bán gì đó, đưa con vào sống chung và chăm lo cho con thật tốt. Nhất định không để con của em thiếu thốn tình thương như ba nó”. Linh nhắc đến con trong ngập ngừng, xúc động, có cả những giọt nước mắt của cậu chồng trẻ đang xúc động kề bên.

Trước khi ra về, tôi hỏi thêm hai em có định về quê cho dễ sống hơn không? Vợ chồng Linh và Kiệt đều lắc đầu “nói dễ sống thì Sài Gòn dễ sống hơn nhiều, chị ạ! Ít nhất là Sài Gòn cho chúng em một công việc làm ổn định. Em không quê còn vợ em gia đình có ít đất ruộng, anh em lại đông, về quê biết làm gì để có tiền nuôi con và nuôi cả gia đình?”.

Xưởng may nơi Linh và chồng làm việc.

Những mẩu chuyện ở xóm nước đen

Cùng khu trọ “xóm nước đen” có 2 thanh niên vừa tròn hai mươi, hai mốt tuổi tên là Nam và Tân. Nam và Tân là bạn cùng xóm từ thuở nhỏ, quê ở Quảng Bình vào Sài Gòn lập nghiệp. Và cùng đang là công nhân bốc vác ở Tân Cảng.

Đôi bạn đều có vẻ ái ngại lẫn mắc cỡ khi tôi bắt chuyện hỏi thăm. Chắc có lẽ thanh niên nào ở độ tuổi này cũng vậy, vừa ngại ngùng trong trang phục nhếch nhác sau một ngày mệt nhọc từ cảng về, vừa không muốn nói đến đời tư không mấy vui. 

Phải nói mãi, Tân mới cởi mở quá trình em từ quê nhà vào, gắn bó với mảnh đất Sài Gòn. Học hết lớp 10, vì gia đình khó khăn Tân nhường cho các em được tiếp tục cắp sách đến trường, Tân nghỉ học phụ mẹ làm thuê trong xã. Hết vụ mùa, chẳng còn biết làm gì, Tân xin phép mẹ rồi rủ Nam cùng vào Sài Gòn “lập nghiệp”. 

Hành trang mang theo 4 năm trước chỉ là vài bộ đồ cũ, nửa bao gạo vừa xay sau một mùa gặt thất thu do bão. Nam được mẹ cho 300 ngàn đồng dằn túi, còn Tân thì được 500 ngàn đồng.

Sài Gòn đón tuổi 16 của đôi bạn thân bằng trạm xe buýt gió lùa ngủ tạm qua đêm trước chợ đầu mối Thủ Đức. Sài Gòn trong trí tưởng tượng của các em bấy giờ hoàn toàn xa lạ.

Chỉ vài hôm đầu số tiền dằn túi đã hết sạch với ăn uống, chi tiêu, Tân phải bán hết số gạo quê nhà mang theo để đổi cơm ăn. May sao mấy tiểu thương trong chợ đầu mối thấy hai em thật thà chất phác đã nhận vào khuân vác lặt vặt trong chợ, cũng có được những đồng tiền đầu tiên. 

Lại được bác xe ôm thương mà chỉ cho thuê căn phòng của khu nhà trọ hiện tại. Căn phòng có giá 1,2 triệu, mấy năm nay vẫn không hề thay đổi. Hai em thuê nhà rất đặc biệt, trả tiền trọ theo ngày vì lo lắng dồn lại một tháng thì không trả nổi. 

Mỗi ngày hai em chỉ cần đóng số tiền 40 ngàn đồng, tức là mỗi em 20 ngàn đồng là đủ. Hôm nào có tiền muốn đóng luôn cho 2, 3 ngày hay cho cả tuần đều được. Đó cũng là cách mà chủ nhà trọ khu này tạo điều kiện cho những lao động nhập cư nghèo có thể trang trải tiền phòng nhẹ nhàng hơn.

“Tụi em đi là nhiều, về ngủ được vài tiếng lại đi, ở cũng không bao nhiêu, chỗ này rẻ, bà chủ lại dễ chịu nên em gắn bó. Vậy mà gắn bó cũng được 6 năm chị à, chưa từng thay đổi chỗ ở”, Tân cười cười nói như một kỳ tích trong đời.

Khu nhà trọ xóm nước đen.

Khi đã quen với Sài Gòn, cũng có kinh nghiệm bốc vác nhiều hơn. Tân và Nam xin vào khu Tân Cảng để làm việc. Nơi đây không giống khu chợ đầu mối, làm việc có bài bản hơn và hàng hoá để bốc vác thì không thiếu, chỉ lo thiếu sức khoẻ. 

Mỗi ngày, khi tàu cập cảng, khi các container đã xếp thẳng lối ra vào, cũng là khi các anh em bốc vác gom hết sức lực của mình để bốc xếp hàng. Thu nhập tốt hơn cũng đồng nghĩa với sức lực bỏ ra nhiều hơn. Nam “khoe” vai mình giờ không còn cảm giác. Một mảng chai sần, nếu dùng tay có thể cậy được những mảng da bong tróc, hệt như vẩy cá thiếu nước. 

“Em bốc vác hàng hết sức, mệt quá thì em tạm nghỉ, chứ chẳng còn cảm giác đau hay rát như những người mới vào nghề nữa đâu chị” - Nam hiền lành kể.

“Sài Gòn trong mắt tụi em thế nào?”, tôi hỏi. Nam mắt đăm chiêu nhìn lên những tán cây rợp bóng, chậm chạp nói: “Sài Gòn mà chăm làm lụng sẽ không bị đói chị à!”, Tân nói thêm: “Sài Gòn có buồn có vui, phải chấp nhận thôi”.

Từ ngày đi làm, Nam và Tân vẫn đều đặn gửi tiền về quê phụ bố mẹ, có nhiều gửi nhiều, có ít gửi ít. Riêng Nam còn gửi thêm ra Hà Nội cho cô em gái đang là sinh viên Đại học Sư phạm. 

Cũng nhẹ nhõm khi hai em chia sẻ, tụi em thân với nhau, đứa này lỡ có đau ốm thì còn đứa kia lo. Chứ còn biết dựa vào ai. Tụi em còn biết khuyên nhau nên làm gì, không nên làm gì để không sa ngã, không làm buồn lòng ba mẹ ở quê. 

“Ngày trước ở nhà buồn buồn tụi em còn lén lút ba mẹ hút thuốc, uống rượu. Vào đây tự nhiên nghĩ kiếm tiền cực quá, hút thuốc giống như đốt tiền, em bỏ luôn”, Tân tâm sự. “Nếu buồn hay mệt khi gặp chuyện gì đó, hai đứa em sẽ uống vài lon bia, cho dễ ngủ thôi chứ không say xỉn. Em có hứa với mẹ em rồi, dù thế nào cũng sẽ không để mẹ lo lắng vì em”.

“Người yêu à? Tụi em chưa có đâu”/ “không có cô gái nào chịu ưa thằng bốc vác cả đâu chị. Không phải ai cũng như chị Linh thương anh Kiệt ở cạnh bên đâu chị!”

Tân và Nam vừa nói vừa nhắc đến vợ chồng Linh và Kiệt nhà trọ bên, lại cười. Giọng cười nửa ngại ngùng, nửa trêu ghẹo nhau khiến tôi lẫn lộn cảm xúc mãi đến lúc ra về. Các em hãy còn trẻ, còn cả một khoảng trời rộng lớn phía trước. Chỉ mong sao tháng ngày sẽ ưu ái mang đến cho các em nhiều cơ hội tốt đẹp hơn, hay chí ít cũng sẽ có cuộc sống tốt hơn.

Tân và Nam nằm ngủ ngon lành sau một ngày bốc vác vất vả.

Cơn gió thổi nhớ quê nhà

Năm ngoái, khi thời điểm cuối năm cận kề, Tết Nguyên đán ngập ngừng trước ngõ, ngắm nhìn người ta tất bật sắm sửa chuẩn bị về quê thì Vân Anh lại lặng lẽ đăng ký tăng giờ trực cho đến khuya, và đăng ký trực hết cả những ngày nghỉ Tết để được nhân 3 lần tiền công.

Vân Anh năm nay 26 tuổi, làm vệ sĩ cho công ty bảo vệ, em được cắt cử trực ở cơ quan tôi. Tôi thích Vân Anh ngay cái nhìn đầu tiên khi em đến nhận công tác. 

Một cô gái có vóc người nhỏ bé, chỉnh tề trong trang phục bảo vệ với khuôn mặt thanh tú, nước da sạm nắng và giọng nói Hà Tĩnh đặc sệt. Em rất hay bắt chuyện với mọi người bằng chất giọng quê nhà đặc sệt: “Em thấy chị đi sớm mà về trễ dữ hầy? Bữa ni nhiều việc lắm hạ chị?”. 

Hoặc “Hôm qua không thấy chị đi làm, chị bị đau hạ?”, đại loại vậy. Mỗi lần em thân thiện, chúng tôi đều cười thân thiện lại với em. Về sau có dịp ăn trưa chung, tôi mới biết hoàn cảnh của em. Càng thương hơn.

Vân Anh mồ côi cha mẹ, sống cùng với bà ngoại và em trai. 3 năm trước em trai của em không may bị tai nạn giao thông qua đời khi đang học dở dang lớp 11. 

Bây giờ chỉ còn bà ngoại ngoài 70 tuổi sống một mình với tiền lương hàng tháng em gửi về. “Em không dám mua áo quần đẹp để mặc mô, mặc sơ sơ cũng được rồi vì em đi làm miết, mặc đồng phục thôi”. “Làm gì làm, 3 ngày Tết cũng ráng về quê chứ em” – tôi khuyên. 

Vân Anh cười buồn: “Tết mà về quê tiền vé xe cao dữ lắm, mà mua còn không ra. Em đi làm miết chả có thời gian xếp hàng mua vé. 2 năm rồi, thêm năm ni nữa là 3, em toàn về tháng 10, đó là ngày giỗ em trai em. Rồi chơi với ngoại ít hôm lại quay vô Sài Gòn. Coi như đã nghỉ ngơi luôn phần ngày Tết”.

Có hôm vui, Vân Anh rủ tôi khi nào có dịp sang nhà trọ em nấu ăn, em khoe em biết nấu nhiều món lắm. Rồi cũng chính Vân Anh lại ngần ngừ khất lại “chỗ em ở chật chội lắm, bừa bộn nữa. Thôi, khi nào em đổi chỗ gọn gàng tí, em mời chị qua ăn tân gia, hỉ?”.

Tôi bận rộn việc cơ quan, đi sớm về trễ quên để ý việc đội bảo vệ đã thay đổi người mới, theo lịch 6 tháng sẽ thay đội bảo vệ mới một lần. Vân Anh được điều chuyển đi nơi khác khi mà tôi vẫn chưa kịp đến chỗ của em để ăn “tân gia”. Tôi chợt nhận ra mình vô tình quá đỗi, đến số điện thoại của em tôi cũng không có. 

Vân Anh có kết bạn với tôi trên facebook, nhưng có lẽ vì em bận rộn hoặc em cũng không mấy thích mạng xã hội này, nên lâu lắm từ lúc tôi nhắn tin hỏi thăm em đôi điều, không thấy em trả lời.

Khi tôi viết bài viết này, thật lòng tôi nghĩ đến Vân Anh nhiều lắm. Bởi khi thời điểm cuối năm lại đang dần đến, tôi mường tượng đến phương ấy bà ngoại em hiu hắt trong ngôi nhà nhỏ, phương này em cặm cụi tăng ca ngồi trong một chốt bảo vệ nào đó, trông dòng người qua lại. Em có buồn lắm không?!

Có lẽ số tôi kém may mắn, và cũng bởi tôi chưa chịu tìm hiểu trước, nên khi tôi đến khu nhà trọ cho người nhập cư thuê của cô Hồng (hẻm nhỏ trong đường Lương Định Của, quận 2) định rằng sẽ gặp gỡ và ghi chép thêm vài câu chuyện vui buồn đời sống nhập cư. 

Nhưng đến nơi, dường như khung cảnh im lìm suốt cả từ chiều đến tối mịt, dường như phòng nào cũng đóng cửa, tĩnh mịch đến độ nghe rõ cả bước chân của chú mèo rình chuột sau bụi cây. 

Hỏi thăm cô Hồng, cô cho hay: “Gần Tết rồi, làm ca ngày cảm thấy chưa đủ, nhiều người lại xin làm thêm ca đêm, ăn vội vàng, ngủ ít hơn và tiết kiệm triệt để. Gần tới Tết, không ai dám xài gì hết vì ai cũng mong có chút tiền kha khá, nào mua vé xe, nào sắm sửa này nọ để không phải mang tiếng đi làm ăn xa mà về tay không”.

Đọc một số bài viết về người nhập cư ở thành phố tôi đang sống, thấy độ tuổi trung bình trẻ nhất là 24 tuổi đối với nam và 23 đối với nữ. Tôi đoán chắc phần lớn trong số này đều đã có một hành trình hao hao như tôi và như nhiều bạn trẻ khác đã từng. Đó là những người học xong phổ thông, thi vào đại học hay cao đẳng dẫu đậu hay hỏng thì họ vẫn chọn ở lại thành phố sinh sống, làm việc. 

Cũng như chịu đựng những áp lực lớn của việc sống nhập cư. Những niềm vui mới và bao lo toan của cuộc sống khiến người ta phải tập làm quen với vùng đất lạ. Nhưng dẫu thân quen thế nào thì nơi đó đâu thể trở thành nhà, đâu có tiếng gọi về nhà ăn cơm của mẹ mỗi chiều, cũng đâu có tiếng húng hắng ho của cha trong đêm.

Những người trẻ nhập cư, tưởng là mạnh mẽ đó, tưởng như là đầy quyết tâm đó, hoá ra vẫn rất yếu mềm, và đầy rẫy những lo toan thường nhật, những sớm tối không bình yên. 

Và những thân phận nhập cư ấy vẫn cứ điềm nhiên với cuộc đời đã chọn, sáng đi làm vội vã với bánh mì, xôi đậu. Trưa ăn vội vội cơm tại chỗ làm và nếu tối có tranh thủ được chút thì giờ thì đó là khoảng thời gian dành cho hẹn hò, cà phê, quán cóc. Cho những giây phút bình yên riêng mình hay cho những khởi đầu về một tình yêu.

Tấm ảnh Linh khoe ngày sinh nhật.

Vĩ thanh cho mình

Cuốn sách Đi ở nhớ về của nhà báo Ngô Kinh Luân có tản văn ngắn mang tên Sài Gòn có gì vui không?! tôi đã đọc nhiều lần và tự tìm cho mình câu trả lời Sài Gòn có gì vui buồn với riêng tôi?

Chắc hẳn là ở đâu cũng vậy. Là tôi hay là những cậu bé, cô bé nhà quê đã từng mang niềm hy vọng đổi đời hay đơn giản hơn là sống một đời sống khác, để rồi khi hoà vào cuộc sống nơi đây sẽ phải quanh quẩn với những niềm vui, nỗi buồn xen kẽ như một lẽ tất yếu của cuộc sống, khó mà diễn tả hết được.

Như tôi, hơn mươi năm trước, khi một mình khăn gói lên Sài Gòn cũng đã từng mơ mộng, từng ao ước về một cuộc sống dễ chịu toàn màu hồng. Những đứa học trò tỉnh lẻ chúng tôi hay say sưa nói về hoài bão lớn lao và háo hức cho thoả một lần mộng tưởng. 

Đi ra khỏi thôn xóm, qua hết luỹ tre làng, nhìn thấy dòng người tấp nập, có cầu vượt, có đèn xanh đèn đỏ là tưởng như đã chạm vào Sài Gòn, chạm vào mơ ước. 

Khát khao cập bến Sài Gòn mạnh mẽ trong người trẻ chúng tôi nhiều lắm. Nó là sức hút của những gì sáng sủa nhất, đẹp nhất, sôi động nhất. Hấp lực ấy không thể lý giải nổi, không thể cưỡng nổi, vừa vô thức vừa chủ đích. Và dường như các em bây giờ cũng vậy, ai cũng có một giai đoạn như tôi, đã từng rất háo hức trước mỗi chuyến đi xa, muốn rời quê nhà để tự do tung cánh ở miền đất lạ. 

Để rồi khi chúng tôi đã bước về phía nó, khi trải qua thật nhiều tháng ngày với đủ cay đắng, ngọt ngào mới thấm thía cái cô đơn của phận người tha phương, mới thấy nhập cư là cả một quá trình đấu tranh, trăn trở, chịu đựng, có hạnh phúc lẫn tủi hờn, mà đôi khi có người còn đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. 

Có một điều tôi nhận thấy các bạn trẻ nhập cư nơi đây khi trò chuyện là không ai quan tâm đong đếm tháng ngày, không ai đong đếm mệt nhọc mà chỉ đong đếm số tiền kiếm được mỗi ngày. Để có được số tiền ấy, đã có những câu chuyện vui buồn xen lẫn, nghẹn ngào trong nước mắt sao nghe quặn thắt lòng…

Vẫn còn biết bao phận người nhỏ bé, vì gánh nặng mưu sinh nên không thể hưởng trọn bình yên chốn quê nhà. Đó là anh thanh niên vẫn đứng phát tờ rơi mỗi sáng trên ngã tư Đại lộ Phạm Văn Đồng mà tôi vẫn đi làm ngang qua. Đó là em gái bán đọt rau lang ven đường, em lót dép ngồi bệt, ống quần nhớt nhát bụi đường vẫn cố chào bán thêm mấy trái khổ qua và vài ba mớ hành. 

Hay chị gái đứng bán bánh mì ở vỉa hè Nơ Trang Long dưới cái nắng như thiêu như đốt mà mỗi ngày tôi vẫn dừng xe ghé mua. Chắc hẳn rằng, đằng sau nét mệt nhọc của mỗi người là những câu chuyện với nỗi niềm buồn vui khác nhau của cuộc đời nhập cư.

Ngày mới ở chốn thị thành bắt đầu với muôn nẻo mưu sinh của những bạn trẻ xa xứ. Mỗi người một nỗi niềm, một hoàn cảnh riêng, các bạn lầm lũi lao động giữa thành phố nhộn nhịp, sôi động này một cách cần mẫn, cố gắng. 

Mong sao các bạn sẽ luôn sống một đời sống lạc quan, vui vẻ như ánh mắt chứa chan niềm tha thiết và cả mến thương hôm cùng tôi trò chuyện về phận đời mình.

Bùi Kiều Trang
.
.