Những người làm việc chẳng ai muốn làm

Thứ Hai, 12/11/2018, 11:42
"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?", câu hát ấy cứ vang lên khi tôi tiếp xúc với những con người lặng lẽ làm đẹp cho cuộc đời bằng những công việc mà thực sự, không ai muốn nhận.


Đưa người từ cõi chết trở về

Gần 30 năm bà làm công tác khuyên nhủ, động viên, dìu dắt những người nghiện ma tuý để họ đoạn tuyệt với "cái chết trắng", trở thành những công dân có ích. Bà An Thị Hồng, năm nay vừa tròn 70 tuổi - đội trưởng Đội xã hội tình nguyện, phường Minh Khai, Hà Nội.

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ trước, Minh Khai là địa bàn phức tạp gần với khu Vĩnh Tuy, Thanh Lương, Thanh Nhàn, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai - những điểm nóng của người sử dụng và buôn bán ma tuý trong thành phố. Thỉnh thoảng trong khu phố người ta lại xì xầm bàn tán, "thằng nghiện" "con nghiện" ở nhà này, nhà nọ mang đồ của gia đình đi bán. 

Nhìn những con người đó, bà Hồng không kì thị, mà trào lên niềm thương cảm, xót xa, nên đã đăng kí tham gia hoạt động xã hội tại phường, để cố gắng kéo họ trở lại với đời sống bình thường. 

Làm công tác dân vận, bà hết đi ban ngày rồi lại đến tối, đến nhà của những người có tên trong cuốn số "đen" gõ cửa. Tiếng trong nhà vọng ra khô khốc: "Ai đấy?", bà Hồng nhẹ nhàng bảo: "Cô đây con, con mở cửa cho cô vào với". Vẫn tiếng trong nhà uể oải vọng ra: "Cô nào? làm gì có cô nào? Biết cô đến đây để làm gì rồi! Thôi cô về đi, cháu không mở cửa đâu". 

Bà Hồng vẫn từ tốn: "Con ơi, đừng hiểu lầm, cô rất muốn giúp con, cô muốn điều tốt đến với con". "Nhiễu chuyện, con bận rồi không gặp cô được đâu". Có buổi sáng bà đến nhà năm thanh niên, bị cả năm thanh niên từ chối thẳng thừng, nhưng bà chưa bao giờ nản, vì bà hiểu công việc này đòi hỏi sự kiên trì tột độ.

Bà An Thị Hồng.

Và chính nhờ sự kiên trì ấy, bà đã giúp không ít người hoàn lương, mà câu chuyện của anh Lê Duy Khánh là dẫn chứng điển hình. Hai bố mẹ bỏ nhau khi Khánh còn là đứa trẻ lên 3, mỗi người mỗi ngả, mẹ đi thêm bước nữa, đứa bé côi cút ở với bà nội. 

Trong căn nhà ẩm mốc, chỉ có hai bà cháu nương tựa vào nhau. Cuộc sống đói khổ nhưng êm đềm đó tưởng như thuận buồm xuôi gió thì bỗng dưng bão tố nổi lên. 16 tuổi, theo đám bạn, Khánh dùng thử "bột trắng" rồi đâm ra nghiện. 

Những cơn đói thuốc khiến người vật vã, không còn biết trời đất là gì. Bà nội tóc bạc, lưng còng, ngày bán gánh hàng rau ở chợ, tối về nhà được đồng nào cháu lột sạch. Bà đã già yếu lại thêm suy nghĩ nên càng héo hon.

Hiểu rõ hoàn cảnh đó, bà Hồng tới khuyên nhủ Khánh đi cai nghiện, nhưng vài lần đi trại trở về, Khánh lại tái nghiện. Bà Hồng nhớ mãi cái lần cùng bà nội Khánh lên trại, người ở trong ô kính, người ở ngoài ô kính.

Hai bà vội vã mở túi đồ ăn đã chuẩn bị từ nhà: "Con ăn đi, khổ thân thằng bé, lần này con phải quyết tâm lên nhé…!". Khánh quả quyết nói với hai bà: "Con sẽ cai được, hai bà cứ yên tâm…". 

Cuộc gặp gỡ chừng 20 phút là quản trại thông báo hết giờ, hai bà lủi thủi thu dọn đồ ra về, Khánh thẫn thờ quay lại phòng học viên, thấy cay cay khoé mắt. 

Lần thứ ba ở trại cai nghiện, Khánh viết thư cho bà Hồng: "…Bà ơi, chắc cháu làm bà thất vọng lắm. Cháu đã hứa với bà vậy mà không giữ được lời hứa, cháu làm bà vất vả mấy lần rồi. Cháu xin lỗi bà, bà có tha thứ cho cháu không…?".

Đến lần thứ tư, bà Hồng và bà nội Khánh đón Khánh từ cửa trung tâm cai nghiện số 4, Thị xã Sơn Tây. Khánh nhìn hai bà vừa mừng vừa tủi. Bà Hồng ân cần nói: "Thôi con ạ, con không phải lăn tăn, cứ về làm lại cuộc đời…". 

Chính lần này Khánh đoạn tuyệt hẳn với ma tuý. Bà Hồng xin cho Khánh làm việc ở một công ty cơ khí, từ đó đến nay đã 10 năm. Khánh giờ đã có hai con, một bé trai, một bé gái, bà Hồng vẫn yêu thương, coi Khánh như một thành viên trong gia đình.

Có rất nhiều trường hợp cai nghiện thành công như Khánh, nhưng cũng có không ít những người không may mắn để được sống sót trên cõi đời này. Bà Hồng bùi ngùi nhớ lại đã có nhiều trường hợp chết thương tâm do sốc thuốc, hoặc do lây nhiễm HIV từ việc dùng chung kim tiêm. 

Bà nhớ một buổi sáng đang ở nhà thì nghe tiếng chuông điện thoại đổ dồn dập. Bà được người nhà anh Nguyễn Thanh Lịch báo anh Lịch đi đâu từ tối qua đến giờ chưa về nhà. 

Đến khu vườn chuối bỏ hoang nằm sâu tít tắp trong làng, bà thấy anh Lịch chết cứng tự bao giờ. Đầu cắm xuống đất, cái kim tiêm vẫn cắm vào mông. Anh chết do bị sốc thuốc. Bà cùng vợ anh đưa anh về nhà, tự tay bà lau rửa cho anh. 

Thằng bé con anh mới chừng 3 tuổi thấy cha như vậy thì sợ sệt, khóc oà. Bà phải ở lại an ủi hai mẹ con mãi. Giờ cậu bé năm đó đang học lớp 10. Căn nhà cũ ngày nào cho tới giờ vẫn  lầm lũi hai mẹ con. Thỉnh thoảng người ta nghe thấy tiếng kinh từ trong căn nhà đó vọng ra.

Cái chết này chưa qua, cái chết khác lại ập đến. Cường là một thanh niên 25 tuổi nghiện ma tuý, do dùng chung kim tiêm nên nhiễm HIV. 

Nhà Cường có hai bố mẹ già và ba anh em trai. Người anh cả chết được hơn một năm thì Cường cũng vào giai đoạn cuối của căn bệnh thế kỉ. Bệnh tật đã phá đi nội tạng của cậu, người chỉ còn trơ bộ xương khô, da thịt lở loét, mắt sâu hoắm vô hồn. Bà Hồng ngày ngày sang nhà để vệ sinh cho Cường. 

Một ngày, khi bà đang đỡ Cường ở trên tay, lau mặt cho cậu, hơi thở cậu yếu dần, người cậu cũng lạnh dần, rồi cậu mất ngay trên tay bà... Những cái chết vốn đã buồn, nhưng cái chết của người nhiễm HIV còn thảm thương hơn, vì chẳng ai muốn tới. Chỉ có bà Hồng cùng hai vợ chồng ông bà già bất hạnh lo tang ma cho Cường. Sau này hai ông bà bán nhà cùng cậu con trai út dắt díu nhau về quê sinh sống.

Chú N.

Và tiễn người về cõi chết

Nhà chú ở gần nhà tang lễ 125 Phùng Hưng (Hà Nội). Gia đình cha mẹ chú có mấy người con nhưng chỉ có chú và người anh cả là làm việc có duyên nghiệp với người đã mất. Thuở trai trẻ chú N. làm nghề bốc mộ, sau này chuyển sang nghề tắm rửa, trang điểm cho người đã khuất. Chú năm nay 61 tuổi, đã gần 30 năm làm công việc tâm linh đặc biệt này. 

Từ những người chết vì bệnh tật, người không may bị tai nạn xe cộ, người chết tức tưởi vì đâm chém đến những người đuối nước, người uống thuốc độc  hay thắt cổ tự tử, chú đều lặng lẽ đối diện, lặng lẽ thực hiện công việc của mình với suy nghĩ: "Nghĩa tử là nghĩa tận".

Chú bảo, nghề này không phân biệt giàu nghèo, không phải ai trả giá cao hơn, tiền nhiều hơn là nhiệt tình hơn, mà với ai cũng phải như ai. Lắm khi gặp người nghèo quá chú làm không công. 

Có cụ già lang thang vất vưởng, không nhà không cửa, ra Hà Nội xin ăn, gia tài chỉ độc có hai bộ quần áo cũ, cái chết đến một cách đột ngột, không người thân thích, chú nghĩ lúc sống cụ đã quá khổ, đến khi chết rồi vẫn khổ. Thế là tự tay chú lại bỏ công, bỏ của tắm rửa cho cụ. 

Rồi chú kể, có những em bé vừa cất tiếng khóc chào đời, sống được vài giờ ngắn ngủi đã...ra đi. Bế trên tay những sinh linh bé nhỏ, chú thấy thương cảm vô cùng. Chú lau mặt rồi tắm rửa cho em. Xong xuôi, chú mặc cho em bộ quần áo vẫn thơm mùi vải mới - bộ quần áo mà các em chỉ mặc duy nhất một lần trong cuộc đời mình. 

Với những trường hợp đó, chú luôn dặn người nhà mua cho em bé hai cái xúc xắc để bỏ vào tiểu sành đất nung. Nhiều gia đình nghĩ bé mất rồi, sao có thể chơi được nên không muốn mua. Nhưng nhìn đứa trẻ thiêm thiếp trong giấc ngủ dài, chú không khỏi cầm lòng, thế là chú lại  bỏ vào tặng cho em hai xúc xắc xanh đỏ cùng một quyển kinh... Chú bảo rằng, có "của nả" này mang theo, em bé sẽ tốt hơn khi ở thế giới bên kia.

Có một câu chuyện đã qua cả chục năm rồi mà ám ảnh đến tận bây giờ. Ở nhà tang lễ Bệnh viện 354 hôm ấy, tiếng khóc vang trời. Cả ba đứa trẻ 11 tuổi mất vì đuối nước khi nhà trường tổ chức đi thăm quan Ao Vua. 

Một cảnh trong Hội thi tiểu phẩm Người cao tuổi và HIV/AIDS

Đầu tiên chỉ có một em không may sảy chân ngã xuống suối, hai em còn lại cứu bạn nên nhảy xuống dòng nước đang chảy xiết rồi đuối nước. Sáng ngày thấy con còn vui cười nhí nhảnh, đến chiều thì hay tin con mất, những ông bố bà mẹ đau đớn tận tâm can, ngất lên ngất xuống, không tin đó là sự thật.

Chú nhớ rõ, trong ba em bé đó, có một em là con của một ca sĩ trưởng đoàn nghệ thuật, một em bé là con của một anh công an, một em là con của cha mẹ dân sự. Cả ba em bé này đều đang theo học ngành múa. 

Chú nhìn những gương mặt mất rồi nhưng vẫn hồng hào rực rỡ. Tắm rửa cho 3 em xong, mặc cho mỗi em một bộ váy xoè trắng, chú lặng lẽ đặt trong mỗi quan tài một bông hoa nhựa, một chiếc quạt, cùng các vật dụng để các em bé lên sân khấu biểu diễn ở thế giới bên kia...

Mỵ Trân
.
.