Những kẻ "hoàn lương rực rỡ"

Thứ Tư, 19/09/2018, 11:05
Trong tiếng Việt, “hoàn lương” là động từ chỉ tình huống một người trở lại cuộc sống bình thường làm ăn lương thiện sau một thời gian lầm lỡ và phải trả giá (ví dụ như đi tù). 

Trong bài này, tôi muốn nói đến một mức độ cao hơn của từ “hoàn lương” mà tôi không thể tìm được từ nào phù hợp, đó là trường hợp một người trở lại sau một thời gian lầm lỡ, không những “hoàn lương” (tức là làm việc bình thường) mà lại còn thành công và gặt hái được thành tựu trong công việc mới. Tôi tạm gọi đó là những kẻ “hoàn lương rực rỡ”.

Henry Blodget: từ chuyên gia phân tích tài chính bị cấm hành nghề cho đến tổng biên tập tạp chí triệu đô

Sinh năm 1966, tốt nghiệp trường cấp 3 danh tiếng Phillips Exiter (cùng trường với Mark Zurkeberg, ông chủ Facebook và Loyld Shapley, chủ nhân giải Nobel kinh tế 2012) và Đại học Yale (chuyên ngành lịch sử), tham gia ngành tài chính thông qua chương trình đào tạo của Prudential, Henry Blodget trở thành một chuyên gia phân tích tài chính và bảo hiểm, làm việc cho các công ty, tổ chức uy tín như Oppenheimer & Co, Merrill Lynch...

Năm 1998, Henry Blodget bắt đầu nổi tiếng với việc dự đoán cổ phiếu của Amazon (khi đó chưa phải là một công ty lớn như hiện nay) sẽ vượt ngưỡng 400 USD. Dự đoán này khi đó không nhận được sự chia sẻ của nhiều đồng nghiệp, nhưng lại thành sự thực. 

Henry Blodget.

Điều này khiến Blodget kiếm được một hợp đồng với đài CNBC và thường xuyên xuất hiện trên đài này bình luận về các vấn đề nóng của thị trường tài chính. Blodget không thể ngờ rằng, những kinh nghiệm làm việc với giới truyền thông lúc này lại là tiền đề cho thành công sau này trong nền công nghiệp báo chí.

Năm 2002, Blodget mắc một lỗi tai hại về bảo mật thông tin khi hành nghề. Anh bị Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Liên bang ban hành lệnh phát cấm vĩnh viễn hành nghề chứng khoán, đồng thời nộp phạt 2 triệu USD. Đây chính là sự kiện bước ngoặt của cuộc đời Blodget, tưởng như sẽ dìm anh xuống “bùn”, nhưng thực tế lại đưa anh đến thành công rực rỡ.

Không còn cơ hội làm việc trong ngành chứng khoán, Blodget thử sức mình với vai trò biên tập viên, nhà bình luận về các vấn đề kinh tế, tài chính, kinh doanh trên các tạp chí Slate, New York Times... 

Năm 2007, cùng một vài đồng nghiệp, Blodget sáng lập Tạp chí Business Insider và làm luôn công việc tổng biên tập tạp chí này. 

Với cách làm tin, bài sáng tạo, cập nhật các kiến thức, tình hình hoạt động kinh doanh toàn cầu, thích ứng tốt với các xu hướng công nghệ, Business Insider nhanh chóng trở thành một tạp chí uy tín, xếp thứ 332 các website trên toàn thế giới theo xếp hạng của Alexa và được định giá hàng trăm triệu USD.

Woo Suk Hwang: từ nỗi nhục khó gột rửa đến kỹ sư hàng đầu

Đầu những năm 2000, Woo Suk Hwang, giáo sư Đại học Quốc gia Seoul, được coi là ngôi sao trong giới học thuật tại Hàn Quốc, là nhà khoa học hàng đầu về một chủ đề rất nóng: tế bào gốc. 

Liên tiếp 2 năm 2004, 2005, Hwang có bài được đăng trên tạp chí danh tiếng Science, trong đó ông công bố mình đã tạo ra được tế bào gốc của người bằng phương pháp nhân bản. 2 bài báo đó là bậc thang giúp Hwang bước chân lên đỉnh vinh quang, được giới truyền thông ca tụng là “niềm tự hào của Hàn Quốc”; tạp chí Times xếp Hwang vào nhóm “những người có ảnh hưởng nhất” năm 2004. 

Woo Suk Hwang.

Mặc dù vậy, một loạt các sai phạm trong nghiên cứu của Hwang được phát hiện: ngụy tạo dữ liệu, gây sức ép để học trò nữ buộc phải cho trứng để làm nghiên cứu... 

Hwang bị mất danh hiệu giáo sư và đi tù 2 năm. Ra tù, Hwang không thể trở lại trường đại học để làm giáo sư nữa nhưng ông vẫn sinh hoạt trong giới chuyên môn. Thay vì hoạt động trong giới hàn lâm. 

Lần này Hwang tham gia vào thị trường tư nhân. Ông mở công ty có tên gọi Sooam Biotech chuyên về nhân bản động vật và tế bào gốc, tạo ra các công nghệ chữa bệnh hiểm nghèo như Parkinson, đột quỵ, tiểu đường... và được cho là kiếm được hàng chục triệu USD từ các hợp đồng công nghệ của mình.

Nguyên tắc “không dung thứ” (zero-tolerance)

“Không dung thứ” là một khái niệm phổ biến trong quản trị, chính sách và pháp luật. Nó hàm chỉ một nguyên tắc trừng phạt (không dung thứ) đối với các hành động vi phạm đạo đức/luật pháp. 

Ví dụ, một số quỹ tài trợ luôn nhấn mạnh nguyên tắc này đối với các nội dung chi sai nguyên tắc để người nhận kinh phí ý thức rõ về việc họ sẽ phải chịu hậu quả nếu cố tình vi phạm. 

Trong trường hợp của Blodget kể trên, anh cũng đã không được dung thứ với cộng đồng nghề chứng khoán. Không có văn bản chính thức, nhưng với giáo sư Hwang, ông cũng không thể nào trở lại trường đại học làm giáo sư như trước. Mặc dù vậy, cả Blodget và Hwang đều tìm được “chốn dung thứ” ở ngành khác. Nhờ tài năng và nghị lực, họ đã có thể “hoàn lương rực rỡ”.

Trong những năm gần đây, tôi rất hay quan sát các trường hợp người tài năng/nổi tiếng chẳng may sa cơ lỡ bước, khi “hoàn lương” rồi thì mức độ thành công đến đâu. 

Những trường hợp nổi bật như Nguyễn Văn Mười Hai (doanh nhân), Văn Quyến (cầu thủ bóng đá), Hiệp "gà" (diễn viên hài)... may lắm là có được cuộc sống bình thường, ít ai có thể “rực rỡ” được như xưa.

Tôi tạm quy nạp thành kết luận người Việt rất khó “hoàn lương rực rỡ”. Tại sao? Bỏ qua yếu tố cá nhân, tôi nghĩ phần nhiều là bởi chúng ta chưa có một môi trường văn hóa, pháp luật phù hợp dựa trên khái niệm “dung thứ” (tolerance) và “không dung thứ” (zero-tolerance) như trình bày ở trên? 

Cụ thể, trong mọi trường hợp, chúng ta không có một đơn vị/tổ chức đủ thẩm quyền và uy tín để đưa đến phán quyết khi nào, bối cảnh nào thì “không dung thứ” và ngược lại. Điều này, vô hình trung đẩy người lầm lỡ vào những bối cảnh bùng nhùng, mắc kẹt trong phán xử của người đời.

Xin lấy ví dụ về một biên tập viên (BTV) nổi tiếng trong lĩnh vực truyền hình. Nổi lên từ các chương trình chuyên về văn hóa cách đây gần 20 năm, con đường sự nghiệp của BTV này rất rộng mở nhưng chị đã không thể phát triển được do mắc “kỳ án” trộm đồ tại một siêu thị ở nước ngoài. 

Một số quỹ tài trợ luôn nhấn mạnh nguyên tắc zero-tolerance đối với các nội dung chi sai nguyên tắc.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn không biết thực sự chị có ăn trộm thật hay không nhưng chỉ biết, mỗi lần chị xuất hiện trên truyền thông, làm một chương trình nào đó thì y như rằng, trên mạng xã hội lại có những lời chỉ trích. Việc lặp đi lặp lại những chỉ trích như vậy theo tôi là quá “cay nghiệt”, kể cả trong trường hợp chị có ăn trộm thật. 

Bởi đã không hề có một nguyên lý zero-tolerance được áp dụng dứt khoát: với BTV truyền hình, khi mắc lỗi lớn như ăn trộm thì sau đó sẽ phải chịu hình phạt như thế nào về mặt nghề nghiệp? (cấm hoạt động một số năm, cấm hoạt động ở một số chương trình nhất định...).

Kết quả là, cái án ăn trộm vẫn cứ treo lơ lửng trên đầu chị gần 20 năm nay khiến chị có muốn làm nghề bình thường cũng khó, chứ chưa nói là có thể trở lại “rực rỡ”.

Học viện “hoàn lương”

Không phải ai cũng có tố chất phi thường như Henry Blodget hay Woo Suk Hwang. Nhiều người “sa cơ” ở phương Tây một lần cũng mãi không thể trở lại được như xưa. 

Trường hợp của Tiger Wood (golf) hay Lance Amstrong (đua xe đạp) là ví dụ. Trong giới hàn lâm, đã có hẳn một sáng kiến  của giáo sư James DuBois  từ Đại học Washington St Louis, Missouri được Quỹ US ORI hỗ trợ giúp tái hòa nhập 61 nhà khoa học đã từng mắc lỗi đạo đức có thể trở lại trong giai đoạn 2013-2017.

Mới đây nhất, Viện Francis Crick của giáo sư từng đạt giải Nobel Y học (2001) được giới chuyên môn tặng cho cái tên “học viện hoàn lương” khi giáo sư Nurse quyết định dang tay đón nhận cậu học trò cũ là “kẻ sa cơ” giáo sư Yoshinori Watanabe từ Đại học Tokyo Nhật Bản. 

Do sức ép của công việc, rất nhiều nhà khoa học tại châu Á gần đây mắc phải sai lầm tương tự như giáo sư Woo Suk Hwang là ngụy tạo dữ liệu, nhiều người trong số đó đã phải tìm đến cái chết sau khi bị phát giác. Wanatabe thì may mắn hơn vì có được thầy cũ là giáo sư Nurse giúp đỡ để hoàn lương. 

Nurse nhận Wanatabe về làm việc với hợp đồng 1 năm, bên cạnh đó, có nhiều hoạt động hỗ trợ trong việc “tái hòa nhập cộng đồng”. Nurse hy vọng Wanatabe sẽ tự kiếm được việc mới trong thời gian sắp tới. Quyết định của Nurse đã được nhiều nhà khoa học ủng hộ. 

Julia Cooper (Viện Nghiên cứu Ung thư quốc gia Mỹ, Bethesda, Maryland) cũng cho rằng mặc dù phạm lỗi nặng nhưng sự trừng phạt lên Watanabe cũng hơi quá nghiệt ngã và cho rằng: “Wanatabe hoàn toàn xứng đáng có cơ hội thứ hai”. 

Giáo sư Silke Hauf (Đại học Virginia Tech, Blacksburg) thì bổ sung: “...Cho phép con người sửa chữa sai lầm cần phải là một phần của văn hóa khoa học”.

Tác giả chân thành cảm ơn TS. Vương Quân Hoàng đã trao đổi,
thảo luận để hoàn thành bài viết này.

Phạm Hiệp
.
.