Những con quái vật của thời đại chúng ta

Thứ Hai, 20/05/2019, 18:11
Năm 1816 không có mùa hè. Một cơn phun trào của ngọn núi lửa thuộc vùng Đông Ấn Hà Lan khiến cho nền nhiệt thế giới giảm mạnh. 

Phía Bắc Bán cầu năm đó, mùa hè chỉ còn là những ngày dài ảm đạm. Và nơi căn biệt thự của ngôi làng nhỏ Cologny thuộc lãnh thổ Thụy Sĩ, mùa hè lạnh đến mức vào ban đêm còn phải đốt lửa. 

Một tối nọ, bên ngọn lửa trại, người sau này sẽ được nhớ tới như thi nhân vĩ đại bậc nhất của thế kỷ 19 là Lord Byron bày ra một "trò chơi" với những vị khách của mình, rằng "mỗi người chúng ta sẽ sáng tác một truyện ma".

Lời đề nghị đó, đâu ai ngờ, lại đưa đến không chỉ một tác phẩm vĩ đại bậc nhất của văn học thế giới, mà còn mở đường cho một cách nhận thức mới về con người, vai trò của con người trong tiến trình lịch sử, và hơn hết, lật tẩy một hiểm họa mà thời điểm ấy hẵng còn rất mơ hồ nhưng theo thời gian ngày càng sáng rõ hơn. 

Tác phẩm đã khai sinh từ lời đề nghị ấy là Frankenstein, được viết nên bởi người phụ nữ năm đó mới 18 tuổi, Mary Shelley.

Frankenstein là câu chuyện về một nhà khoa học điên chế tạo nên một con người từ những bộ phận trong xác người chết, để rồi chính ông khước từ con quái vật bởi sự gớm guốc của nó. 

Nam diễn viên trẻ Thanh Duy trên poster bộ phim Lời kết bạn chết chóc. Những chiếc smartphone tựa như những khẩu súng có khả năng kết liễu bất cứ ai.

Và cũng bởi thế, dòng đề tựa phụ của tác phẩm là: Prometheus thời hiện đại. Prometheus của thần thoại Hy Lạp đi ăn cắp lửa cho loài người - hay nói cách khác, khai minh cho giống người man rợ để tiến tới văn minh - và phải trả giá bằng sự trừng phạt vĩnh viễn của các vị thần trên đỉnh Olympus. Còn Frankenstein - Prometheus thời hiện đại tạo nên con người và phải trả giá cho chính những sáng chế đi ngược lại tự nhiên của mình.

Nhưng dù là thời Hy Lạp hay hiện đại, thì chúng cũng đều hàm ẩn một nghịch lí: càng tiến bộ, chúng ta càng tự đẩy mình vào những mối đe dọa khôn lường. 

Đến mức mà tiếp đầu ngữ Franken - thường được giới học giả phương Tây ghép vào bất cứ nỗi lo âu nào đến từ chính những cách mạng khoa học, từ bom nguyên tử tới tế bào gốc, thực phẩm biến đổi gene tới trí tuệ nhân tạo.

Nói một cách khác, Frankenstein cũng tiên phong cho một lối kể chuyện kinh dị hiện đại, không chỉ đơn thuần là dọa ma hay dấy lên nỗi sợ hãi từ cái-mà-ta-không-biết (như bóng tối, đêm đen chẳng hạn) trong thời tiền Prometheus chưa có lửa soi sáng, mà là dấy lên nỗi kinh khiếp từ cái-mà-ta-biết. Chúng ta không còn cúi mình trước những thế lực siêu nhiên, mà sự khủng hoảng đến từ trong chính xã hội mà ta gây dựng.

Và không khó hiểu tại sao trong một thế giới biến đổi quá nhanh như ngày nay, lối kể chuyện kinh dị kiểu Frankenstein lại có sự hồi sinh mạnh mẽ, không còn là qua những trang tiểu thuyết - thể thức giải trí đang dần "lỗi thời" - mà là phim ảnh, loại hình giải trí định hình phông nền văn hóa đại chúng thế kỷ 21.

Có người nói vui Hollywood có thể được gọi là Horrorwood (Horror nghĩa là kinh dị). Quả thế. Chưa bao giờ dòng phim kinh dị lại trở nên phong phú như những năm gần đây. 

Chính xác hơn là, dòng phim kinh dị vốn thường bị coi là những bộ phim bạo lực, hù dọa, giật gân, và theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, rẻ tiền, chưa bao giờ lại nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt một cách công khai như thế từ giới hàn lâm. Get Out của Jordan Peele được đề cử hạng mục Phim truyện xuất sắc tại Oscar năm 2017. 

Tác phẩm thứ hai của Peele là Us ra mắt vào đầu năm 2019 trở thành một hiện tượng văn hóa và có khả năng sẽ tiếp tục được Viện Hàn lâm ưu ái trong năm 2020. Cũng phải nói tới thành công của những tác phẩm kinh phí thấp nhưng gây tiếng vang rộng khắp như It, Hereditary hay A Quiet Place.

Thậm chí đến cả một nền điện ảnh giàu chất thơ như điện ảnh Iran những năm gần đây cũng khai thác phim kinh dị, mà trong đó đáng kể nhất phải là tác phẩm Under the shadow của đạo diễn Babak Anvari. 

Còn ở Việt Nam, chỉ tính riêng trong năm 2018, giữa bối cảnh phim ảnh Việt còn nhiều nhố nhăng, vậy mà dòng phim kinh dị lại có một số tác phẩm rất có gu như Lời kết bạn chết chóc hay Ống kính sát nhân.

Trong tác phẩm "Văn hóa quái vật thế kỷ 21", hai chủ biên Marina Levina và Diem-My T.Bui cho rằng quái vật tính "đã chuyển thể vị trí trở thành một ẩn dụ". 

Theo họ, những tác phẩm kinh dị thế kỷ 21 là "lời đáp trả tới những biến đổi chóng mặt về văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế và khung cảnh đạo đức", "đại diện cho nỗi sợ hãi tập thể về việc kháng cự và chấp nhận những thay đổi". Hay nói đơn giản như đạo diễn Andrés Muschietti: "Tình thế thật tệ hại. Nhưng ít nhất chúng tôi sẽ làm phim".

Đằng sau những nỗi sợ, là nỗi bất an về một xã hội nhiều bất ổn. A Quiet Place (Vùng đất câm lặng), tác phẩm được Viện Điện Ảnh Hoa Kỳ xếp vào danh sách 10 phim hay nhất năm 2018, đâu chỉ đơn thuần là câu chuyện về vùng đất của những con quái vật với đôi tai thính nhạy, nơi người ta không được phát ra bất cứ âm thanh nào nếu không muốn bị lũ quái thú xé xác, nơi mọi người bị buộc phải sống trong câm lặng hoàn toàn. 

Còn hơn thế, nó ẩn dụ cho một thể chế nơi con người không có tiếng nói, hoặc đúng hơn, không được quyền cất tiếng nói. Họ sống lùi lũi, nín thở mà sống, mà chịu đựng mọi sự khủng bố, đàn áp, không được kêu, không được tỏ bày, nếu không muốn chết. 

"Nếu chúng nghe thấy bạn, chúng sẽ săn lùng bạn", câu đề từ cho tác phẩm dù tách ra khỏi bối cảnh hậu tận thế của phim thì vẫn còn giá trị trong bất cứ một xã hội thiếu minh bạch nào.

Còn Us (Chúng ta), bộ phim được gọi là "thành tựu khổng lồ" của dòng phim kinh dị, thậm chí đã gần như vượt thoát khỏi thể loại, theo cách mà Bố già đã vượt thoát khỏi dòng phim gangster hay 2001: A Space Odyssey vượt thoát khỏi dòng phim viễn tưởng. Ngay từ cái tên, Us đã là một ẩn dụ. Là Us (Chúng ta) hay là U.S (nước Mỹ)? Bạn hiểu theo cách nào cũng được. 

Từ một câu chuyện về một gia đình người da đen trung lưu vướng phải một tình huống kinh dị  khi gặp những phiên bản giống hệt mình và tìm cách sát hại mình, tác phẩm giăng ra một hệ thống ẩn dụ tinh vi để trở thành một dụ ngôn chính trị trong thời đại Trump về sự báo thù của những kẻ sống dưới cống ngầm xã hội, những kẻ sống thân phận cái "bóng" nhưng đã đủ lông đủ cánh để lật đổ "hình".

Xã hội càng dị dạng, phim kinh dị càng nở rộ. Xã hội có vấn nạn gì, phim kinh dị sẽ lật tẩy nỗi sợ từ chính vấn nạn đó. Chúng hệt như biên niên xã hội, chỉ là kể theo một cách phóng đại và hình tượng hơn. Iran chìm trong khói lửa chiến tranh và xung đột, vậy nên bóng ma của Under the shadow là bóng ma của một cuộc chiến tương tàn. Nước Mỹ chia rẽ vì sự phân biệt chủng tộc thâm căn cố đế, vậy thì kẻ sát nhân của Get Out cũng trồi lên từ chính vết rạn nứt đó. 

Còn Việt Nam, một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ nhưng mặt bằng dân trí phát triển chưa xứng tầm, đặc biệt là giới trẻ u mê trong mê cung mạng xã hội của tin giả hay sự nổi tiếng ảo, thì gã "Dream Man" của Lời kết bạn chết chóc cũng đến từ Facebook.

Và cũng như Prometheus hay Frankenstein trả giá vì chính những gì mình đã làm, chúng ta trả giá vì chính những thứ chúng ta đã phát minh: là mạng xã hội, là vũ khí hủy diệt, là đẳng cấp xã hội, là đô thị hóa, là tham nhũng, là tư bản…

Chúng ta là tác giả của tất cả những tiện nghi trên thế giới này, và rồi chúng ta bị chính chúng dắt mũi và phản bội. Không phải ngẫu nhiên ngay từ buổi ban sơ của loài người, trí tuệ đã là một tội lỗi khiến Adam và Eva bị đẩy khỏi Thiên Đường còn hậu duệ của họ thì phải chịu tội Tổ Tông.  

Và những con quái vật thế kỷ 21 đáng sợ bởi nó đến từ sự hỏng hóc bên trong của hệ thống xã hội trí tuệ bậc cao mà ta đang sống chứ không phải những thế lực ở trên ta hay ở ngoài ta như trong xã hội tiền văn minh.

Bộ phim Us (Chúng ta) là một tác phẩm kinh dị với dụ ngôn chính trị độc đáo được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện tại Oscar năm 2020.

Hãy nhìn vào sự phát triển của hình tượng zombie (xác sống). Vài thế kỷ trước, zombie chỉ đơn giản là một truyền thuyết dân gian của người Haiti, và theo nhiều nhà nghiên cứu, zombie được sinh ra để hăm dọa những người nô lệ đừng có hòng tự sát. Nghĩa là nó là một ý tưởng sinh ra từ phần hư vô trong trí óc con người và được cấy vào đời sống xã hội. 

Còn zombie của serie phim The Walking Dead, của Ga Seoul, của Chuyến tàu tới Busan - những tác phẩm tiêu biểu của dòng phim xác sống thế kỷ 21 - lại vạch trần sự độc tài kiểu mới: sự độc tài của những đám đông.

Đó là những đám đông vô tri bị chi phối bởi vật chất, chúng bị ăn thịt bởi chủ nghĩa tiêu dùng (nhìn xem, chúng lúc nào cũng khát máu, ăn không bao giờ biết no), và rồi chúng luôn muốn đồng hóa tất cả những kẻ khác, không chấp nhận sự khác biệt. 

Bọn zombie ấy, chúng đi theo đàn và đi đến đâu, chúng cũng như một cơn lũ cuốn lao vào cấu xé những con người tỉnh táo. Bạn có thấy quen không? Hàng ngày, trên mạng xã hội, bạn có thể thấy đầy rẫy những con zombie mạng như thế. Nghĩa là, zombie giờ đây không sinh ra từ hư vô, nó là một phần thuộc về bản chất xã hội con người.

Và thực ra thì, những bộ phim kinh dị cũng chẳng có gì là kinh dị, bởi ít ra thì chúng cũng chỉ là phim mà thôi. Nếu như ta nhìn kỹ hơn vào chính thế giới mà ta đang đối mặt hàng ngày, với những trò đấu tố trên mạng, những xì-căng-đan kinh hoàng về thức ăn bẩn, thuốc giả, những vụ chém giết, lạm dụng tình dục phi nhân, ta sẽ thấy, ừ, chính cái thế giới này mới thực là một đại cảnh kinh hoàng.

Hiền Trang
.
.