Những cô bóng ẩn mình nương mẫu

Thứ Sáu, 03/05/2019, 17:21
Những đêm rằm, đặc biệt là rằm tháng 3 và tháng 4 âm lịch, nếu có dịp đi qua các đền, miếu hay những gia đình có thờ Mẫu, may mắn bạn sẽ được chứng kiến những tiết mục múa bóng rỗi do các nghệ nhân (thường gọi là cô bóng) biểu diễn. 


Loại hình nghệ thuật dân gian múa bóng rỗi này có từ thời khai hoang lập ấp cách đây hơn 300 năm, gắn với tục thờ Mẫu của người dân Nam Bộ. Nếu ở Bắc Bộ, thờ Mẫu thường gắn với nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn thì ở vùng đất Nam Bộ, nơi nào có tục thờ nữ thần nơi ấy thường có diễn xướng múa bóng.

Trong múa bóng rỗi, cô bóng là người đại diện cho bổn hội và người dân để dâng lễ vật, cầu xin, tạ ơn thần linh. Hầu như các dịp lễ cúng Bà đều có múa bóng rỗi. Do đó, cô bóng rất được người dân kính nể.

27 năm - Đời cô bóng nỗi niềm

“Trên phần hương, lễ vọng các cung/ Thánh thần tọa giáng đồng chung ngự về/ Giữa trời dựng bảng Tam quan/ Kế Linh Tiêu điện thỉnh vua Ngọa Hoàng/ Ngọc Hoàng, Ngọc Đế nghe khuyên/ Thỉnh ông Nam Tào, Bắc Đẩu hội yến diên ngự về…”.

Các cô bóng được mời đi diễn tư gia vào các dịp rằm là nhiều

Đoạn trích dẫn trên là lời mở đầu bài rỗi “Chầu Bà” mà cô bóng Hậu Ngọc hát cho tôi nghe khi tình cờ trò chuyện. Những cung điệu ư…a lúc ngân nga, khi trầm bổng và những câu chuyện nghề, chuyện đời của nghệ nhân múa bóng rỗi khiến người đối diện say sưa và cả vui sướng khi hiểu thêm một môn nghệ thuật dân gian đã có tự lâu đời.

Cô bóng Hậu Ngọc sinh ra đã mồ côi mẹ, bỏ học từ rất sớm, tự bươn chải đủ nghề để nuôi thân và nuôi người cha nghiện rượu. Từ khi bắt đầu nhận thức về giới tính của mình cũng là khi cô chết mê chết mệt những đoàn hát bội, những buổi biểu diễn múa bóng rỗi của các đoàn nghệ nhân về diễn ở khu miếu cạnh nhà. 

Cô phát hiện ra mình có thể uốn éo theo từng động tác múa dù chưa thật khéo léo, cô cũng có thể nhớ được các câu hát trong “hát sắc bùa”, “hát Chầu mời  thỉnh Tổ”, “Mời tiên ra tuồng”…

Trốn gia đình theo hai vợ chồng thầy dạy hát bóng rỗi đầu tiên, 4 năm ròng cô bóng Hậu Ngọc chỉ là người đi theo phụ dọn dẹp, bưng bê và sai vặt, tự học lỏm được miếng nào thì học, tuyệt nhiên chưa bao giờ được truyền dạy nghề thực thụ. Cứ mỗi ngày học lỏm một ít rồi tự biên tự diễn lại theo ý thích của mình, vậy mà thành nghề. 

Trước đêm diễn.
Sau tự đi riêng cũng tồn tại được cùng nghề. Nghệ nhân Hậu Ngọc chia sẻ, những ngày tự mình lén lút học nghề, không biết quy tắc, không theo bài bản nên không ít lần tự làm mình bị thương. Khi tập luyện, môi bị rách, trán chảy máu và sưng vù lên là chuyện hết sức bình thường. Lâu dần tự nhiên quen, những tổn thương ngoài da không còn khiến mình bận tâm mấy.

Nghề này phải có năng khiếu bẩm sinh và cả quá trình tập luyện thật sự nghiêm túc mới có thể trở thành cô bóng khéo léo điệu nghệ được, bởi đã được tiếng gọi là cô bóng thì phải là người biết đủ các điệu: biết rỗi, biết múa hoa huệ, biết múa mâm vàng, biết múa tạp kỹ, không phải hời hợt cho có mà bắt buộc thật xuất sắc để phục vụ người ta bỏ công đến xem. 

Nếu không may múa hỏng một lần, ngoài bị khán giả chê cười, bị chủ thất vọng thì trong nghề sẽ luôn bị truyền tai, bị cười chê suốt nhiều năm liền không quên được. “Giới của chị, mấy chuyện truyền tai nhau khủng khiếp lắm” – chị cười nói thêm.

Cô bóng Hậu Ngọc.

Lúc mới học nghề rất khó, ban đầu là tập giữ thăng bằng bằng cây huệ, nhưng vẫn chưa là gì so với múa dao, bởi múa dao cực kỳ nguy hiểm. Số lượng dao mỗi ngày phải tăng dần lên, từ 2 dao, sau lên 4, rồi 6 con dao, tất cả đều là dao thật rất sắc bén để thăng bằng trên đầu cây trúc mỏng manh, ai nhìn cũng khiếp sợ, nhưng càng sợ họ lại càng kích thích muốn xem. 

Nên mình phải tập luyện sao cho đạt thì mới dám ra biểu diễn. Lúc đầu cũng sợ lắm, nhưng vì đam mê nên mình quyết tâm theo nghề".

Ngày cô bóng Hậu Ngọc vào nghề, ai cũng nghèo khổ, rất ít có nơi trả tiền múa hát mà chỉ là trái cây cúng, xôi chè hay hương hoa, người có gì cho nấy, cho gì thì mình nhận nấy. Người ta sống dựa vào niềm tin, tín ngưỡng dân gian là chính.

Học nghề hát bóng rỗi thì cũng không khó, kiên trì sẽ được nhưng cốt yếu đến với nghề là phải giữ được hồn cốt của môn nghệ thuật này. Bởi ngày nay, có không ít cô bóng trẻ, mới vào nghề nhưng không gìn giữ được nguyên bản các giá trị truyền thống, lời văn chúc, họ đọc không đúng nhịp phách, không có ý nghĩa, cốt dùng tiếng nhạc và điệu ngân nga làm mất âm, qua chữ, không thể hiện được nội dung. 

Điều đó làm mất đi ý nghĩa vốn có của múa bóng rỗi. Đấy là nỗi trăn trở của cô bóng Hậu Ngọc cũng như nhiều cô bóng yêu nghề khác.

Diễn cầu gia tại nhà.

“Múa bóng rỗi tưởng chừng đơn giản mà phức tạp, phức tạp trong từng nghi thức. Mỗi mâm cúng, bài trí, câu hát, điệu múa luôn phải được tỉ mỉ chuẩn bị. Cúng bái có nghi thức của cúng bái hẳn hoi chứ không phải muốn múa hát gì cũng được. Phải theo đúng phong tục, bài bản, hát phải có vần có điệu thì người ta mới thích. Làm nghề phải có cái tâm mới được, phải từng ngày học hỏi, nâng cao thì mới sống bền với nghề”.

27 năm theo nghề, cô bóng Hậu Ngọc chỉ biết miệt mài với hát múa bóng rỗi, dẫu cuộc sống mỗi ngày mỗi khó khăn, chật vật. Những ngày không đi diễn, sáng sớm cô bóng Hậu Ngọc dọn hàng trái cây ra chợ bán. Vừa bán vừa tranh thủ tập luyện những bài hát, điệu múa cơ bản. Ban đầu người ta nhìn cô như người lập dị. Cô không màng tới,  mà nghĩ “ừ, thì mình vốn lập dị mà!”. 

Về sau quen dần, mọi người vui vẻ với cô. Hậu Ngọc bảo rằng mình có làm gì xấu xa đâu. Mình là bóng, mình thừa nhận điều đó, mình làm cô bóng hát miếu hát đền, mình cũng tự hào vì điều đó. Ai thương mình là phúc đức của Mẫu, mình sống là mình chỉ nên nghĩ về người mình thương thôi. 

Nghĩ về người ghét mình thì làm sao mà sống chứ, bởi cuộc đời muôn màu muôn vẻ, không thể nào quan sát nét mặt người ta mà sống hạnh phúc được đâu.

Với cô bóng Hậu Ngọc, giờ đây điều mong mỏi lớn nhất là làm sao gìn giữ được bộ môn múa bóng rỗi đúng với những giá trị cổ truyền tốt đẹp của nó mà không bị “biến dạng” hay mai một theo thời gian. 

Cũng chính vì vậy mà nghệ nhân Hậu Ngọc sẵn sàng truyền nghề miễn phí, đến nay đã có hơn chục học viên, các học viên của cô ngoài việc được truyền nghề còn được truyền cả  cái tâm yêu nghề, trân trọng nghề và biết ơn Tổ nghiệp.

Cô bóng truân chuyên

Nhiều năm rồi, cuộc đời cô bóng Hà Phi chỉ gắn liền với việc “chạy show” múa hát mua vui cho bà con đến cầu an tại các miếu bà dọc miền Đông Nam Bộ. 

Trên mỗi bước chân làm nghề của cô là cả một nỗi gian truân khó kể thành lời. Ai cũng nhìn thấy những bộ trang phục diễn hoa hoè, gấm nhung óng ánh, những tà áo dài tha thướt mềm mại và những điệu múa uyển chuyển khéo léo. Nhưng với cô bóng Hà Phi ẩn trong tất cả những bề nổi ấy ngoài niềm vui còn có cả nỗi buồn và sự trăn trở về cuộc đời mà chỉ những người từng trải mới có thể cảm nhận hết.

Diễn tạp kỹ tại gia.

Những đứa trẻ con hét lên thất thanh “bà bóng đến rồi!”, những tiếng kỳ thị, xì xào bảo nhau “con đó là bóng, là bê-đê, là người chuyển giới”… là những câu nói cô bóng Hà Phi thường nghe. Mới đầu còn xấu hổ, còn ngượng ngùng. Về sau lại quen dẫu cũng có chút chạnh lòng.

“Những nghề gắn liền với ca xướng hay những môn có chung tên gọi nghệ thuật dân gian thường thì bạc bẽo lắm, vui thì họ xem, buồn thì họ lờ đi hoặc họ cười nhạo. Nghệ nhân hát rỗi chúng tôi luôn hiểu rằng nghề của mình không ai công nhận mà cũng không ai phản đối, cứ lẳng lặng ngày qua ngày. Chị em trong nghề đều biết rõ đã theo nghề là phải thật đam mê, cho nên dù có bạc bẽo thế nào chăng nữa chúng tôi vẫn tôn trọng cái nghề mà chúng tôi đã chọn lựa. Nếu như được chọn lựa lại một lần nữa, có lẽ ai trong chúng tôi cũng đều chọn múa bóng rỗi mà thôi. Tất cả cô bóng đều biết mình đang làm gì, miễn là không hổ thẹn với lương tâm, không trái với Tổ nghiệp”, cô bóng Hà Phi rưng rưng chia sẻ.

Có tận mắt theo dõi người múa bóng rỗi biểu diễn ta mới thật sự cảm nhận hết tâm huyết của họ dành cho nghề. Giọng nói họ dường như khàn đi vì hát liên tục, ngân liên tục suốt mấy giờ đồng hồ, những giọt mồ hôi thấm áo, chân mày cũng rịn mồ hôi, chảy nước mắt vì cố sức tập trung khi diễn. 

Họ cũng trang điểm phấn son đó, cũng quần áo lộng lẫy, sặc sỡ đó nhưng người múa bóng rỗi không phải như một nghệ sĩ được ủng hộ bằng nhiều tiếng vỗ tay của khán giả hay được hát dưới ánh đèn sân khấu, được tung hô ngưỡng mộ, được yêu mến hay có người hâm mộ. 

Người múa bóng rỗi chỉ là những “cô bóng” đúng nghĩa ca hát, nhảy múa dưới khói hương, nhang đèn và hoa quả mà thôi.

Múa lu.

Cô bóng Hà Phi thủ thỉ thêm: “Tôi đã từng quá chán nản nên bỏ nghề để đi hát lô tô. Mỗi nghề mỗi nghiệp, không nghề nào sang hèn hơn nghề nào nhưng mỗi lần quay lồng cầu, cầm những con số trên tay tôi lại nghĩ về những bông hoa huệ, những chiếc trống, những lời thỉnh Bà về trong từng câu hát rỗi. Đoàn lô tô nay đây mai đó, thu nhập cũng tàm tạm nhưng rồi không chịu đựng được nên chưa tròn năm, cuối cùng cũng trở về nghề múa bóng rỗi. Nghiệp múa bóng rỗi, có lẽ tất cả cũng vì một chữ duyên mình gieo nên. Nó không phải mê tín dị đoan, mà ai vào nghề múa bóng rỗi là được Bà thương, được Ngọc Hoàng chọn, có đi đâu cũng phải về với các Bà, các Ngài mà thôi”.

Làm nghề ắt phải giữ một chữ tâm để cái nghề của mình luôn trong sáng để được mọi người công nhận. Và nghề múa bóng rỗi, đối với cô bóng Hà Phi cũng như những nghệ nhân múa bóng khác, họ luôn nỗ lực, bền bỉ vượt qua mọi trở ngại để đâu đó người ta vẫn còn nhớ, còn kể và mong ngóng những nhân vật múa may bóng bẩy, những điệu múa chập chờn khi tham gia các ngày lễ vía Bà.

Tuy nhiên, không phải ai chọn con đường này cũng bằng phẳng, để có sự chấp nhận của gia đình, Hà Phi từng dùng dao tự rạch tay mình để làm áp lực với cha mẹ, cô đã trải qua quá trình dài đối diện với rất nhiều rào cản, những lời miệt thị gây tổn thương. Có lần bị người khác xúc phạm đến mức cô phải khóc và mất ngủ, buồn mấy ngày. 

Có lần múa đĩa, đang giữ chiếc đĩa trên cây, có người xem cố tình nắm thắt lưng cô kéo, cô phải giữ lại, mất thăng bằng đĩa rơi xuống. Hà Phi vừa xấu hổ, vừa uất ức nên chạy vào trong khóc. Nhưng rồi lỡ nhận diễn phải diễn cho trọn kẻo lại bất kính với Tổ nên lau nước mắt mà ra múa tiếp cho đến hết.

Bây giờ thì thoải mái rồi, tuy vậy cũng còn một số người rất kì thị và coi thường người thuộc LGBT (viết tắt của cộng đồng đồng tính luyến ái), cho nên quan trọng nhất vẫn là bản thân luôn phải tự vượt ra khỏi rào cản của chính mình để hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống – Hà Phi nói thêm.

Nghiệt ngã mưu sinh

Dường như phần đông các cô bóng theo nghề hát múa bóng rỗi đều bước ra sân khấu từ lúc còn rất nhỏ, đời sống gắn liền với đền, miếu, khói hương. Những điệu khai tràng, hát rỗi hay hát lễ an vị đã thấm đẫm vào máu thịt. 

Và dù hát múa ở bất kỳ nơi đâu, không thể thiếu được chính là bàn thờ Tổ, lớn hay nhỏ gì cũng phải có, và dẫu cho có lớn hay nhỏ nhưng phải luôn đầy đủ đèn hương, hoa trái. Trước khi ra sân khấu biểu diễn, mỗi cô bóng đều thắp hương khấn vái Tổ phù hộ cho buổi diễn tốt đẹp. Lòng thành tâm được Tổ đãi, cô bóng sẽ có buổi biểu diễn thành công, được khán giả nồng nhiệt tán thưởng.

Đã có một giai đoạn vàng son, múa bóng rỗi rất được yêu thích và trọng thị, một ngày các cô bóng phải chạy tới chạy lui diễn 3-4 nơi từ miếu, đình cho đến diễn tại gia đáp ứng nhu cầu về tâm linh và giải trí của người dân.

Nhưng rồi cũng qua thời vàng son ấy, nếu không vào các dịp rằm, cúng cầu an hay các ngày lễ, các cô bóng phải làm thêm rất nhiều việc để mưu sinh. Nhiều nhất là họ nhận những buổi diễn mừng tân gia, mừng thọ, đám cưới và cả hát đám ma chay... 

Múa dù.

Hãy khoan nói đến cát-sê trong những buổi biểu diễn này, mà trong khi các cô bóng đang rút ruột rút gan để hát, thì bên dưới là cảnh người ăn kẻ uống, người cười nói đủ thứ chuyện, có người mời rượu, có người ép uống, có người còn lịch sự nhưng cũng không thiếu người khiếm nhã khiến các cô tủi đến phát khóc.

Và mức cát-sê mà những nơi tổ chức, hay các cá nhân mời các cô bóng đến diễn lại là một câu chuyện buồn khác. Cùng một sự kiện ấy, nhìn những nghệ sĩ có tiếng được họ mời đến ngân vài câu hát tân cổ hay ca vài bài nhạc trẻ liền nhận vài chục triệu đồng, trong khi các cô bóng bị cắt xén, bị ép giá đôi lúc chỉ còn từ 1 đến 2 triệu, có người hứa một đằng, khi diễn xong trả một nẻo, vì lý do này lý do khác họ chỉ trả cho cô bóng 500-700 nghìn đồng/ một buổi biểu diễn kéo dài từ 3 đến 5 tiếng đồng hồ.

Ngoài tháng hai âm lịch là tháng cầu an, đình, miếu vào mùa lễ hội, còn lại thì các ngày trong tháng khác gọi là “lai rai”, có cô bóng qua một mùa cầu an, thời gian còn lại không ai kêu hát đành đi dũa móng tay, móng chân dạo suốt cả năm ròng.

Một cô bóng khác sau khi tẩy trang thay quần áo, không nán lại đợi bữa ăn khuya chung với đoàn do miễu đãi mà dắt chiếc xe gắn máy cũ kỹ, rất khó khăn để nổ máy rồi vội vã chạy đi để kịp chuẩn bị áo quần ngồi ở góc chợ bán vào phiên chợ ngày mai. Bởi vì tuy múa bóng rỗi là nghiệp của mình, nhưng cô tâm sự nghề này không nuôi được bản thân. 

Những ngày lễ cầu an lớn, hát chung cả đoàn có thể được trả vài chục triệu, chị em chia nhau thì người còn có chút đỉnh gọi là, nhưng những năm gần đây, chùa chiền, miếu, đình hay mời ca sĩ trẻ hay những nghệ sĩ cải lương tên tuổi hơn, họ ít nhớ đến các cô bóng. 

Những nơi miễu nhỏ thì quỹ lại eo hẹp, một suất diễn như vậy chỉ được trả ba triệu. Số tiền ấy chia cho từ 7 đến 10 người đâu còn bao nhiêu. Có đêm lãnh được hai trăm ngàn nhưng có đêm hát hết hơi, một người chỉ được trả khoảng tám chục ngàn. Nếu không nặng nghiệp thì ai có thể theo đuổi nghề múa bóng rỗi?

Chật vật vậy nên mỗi cô bóng có một nghề riêng qua ngày đoạn tháng, cô bóng Kiều Anh và chồng đang bán trầu cau, nhang đèn, vàng mã ở chợ. Cô bóng Thanh Thu thì phụ người chị bán quán cơm bình dân. Cô bóng Mỹ Lệ Huyền là gương mặt quen thuộc chuyên bán quần áo cũ các chợ trời. Buôn bán lần hồi nhưng hễ có ai kêu hát ở đâu là ngay lập tức các cô bóng này nghỉ bán hàng đi hát ngay.

Trong vô vàn khó khăn ấy, điều đáng mừng là lòng yêu nghề của các cô bóng không bị lung lay mai một. Họ vẫn dành tình yêu nghề, chung thuỷ với nghề, họ vẫn âm thầm gìn giữ và phát triển múa bóng rỗi bằng chính nội lực của mình. Họ vẫn đều đặn cho ra đời các bài hát, điệu múa chất lượng và đặc trưng không lẫn lộn với môn nghệ thuật nào.

Thắc thỏm hạnh phúc

Những cô bóng cũng yêu, cũng xưng vợ gọi chồng như bao cặp đôi khác. Cô Hậu Ngọc gặp và yêu người đàn ông tên Trường nhỏ hơn mình 7 tuổi trong một lần biểu diễn. Chồng cô ban đầu chỉ đến xem, rồi mến mộ, và họ dọn về sống chung, hiện tại cô cũng “cầm tay chỉ việc” và truyền nghề từ những bài đơn giản cho chồng.

“Có lần vợ chồng tôi xin một đứa con nuôi của một gia đình người quen nhưng nghèo khổ về nuôi, chúng tôi dự định sẽ chăm sóc và truyền nghề cho con, cũng nghĩ về chuyện hương hoả cho hai vợ chồng tôi sau này. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại mãi rồi thôi, phần vì trời cho sao sống vậy, cố thay đổi làm gì lại thêm tội cho đứa trẻ, nó lớn lên không may bị người đời kỳ thị có cha có mẹ là cặp đôi bóng, biết nó có muốn không mà mình cố. Nên nuôi con được 2 tuần chúng tôi mang đến gia đình họ trả lại, làm bố làm mẹ được vỏn vẹn 14 ngày” – cô bóng Hậu Ngọc cười gượng, kể lại.

Vợ chồng cô bóng Hà Phi đều có tiếng trong nghề, họ cùng công việc, cùng đam mê cũng cùng số phận nên rất dễ hiểu và cảm thông cho nhau.

Cũng có những ghen tuông, giận hờn như những cặp đôi khác rồi lại vui vẻ san sẻ cho nhau những niềm vui bé mọn của cuộc sống và nghề nghiệp. Cặp đôi này chia sẻ tình yêu của mình là do Tổ, do Mẫu tác hợp. Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, chuyện do bề trên an bài mình cứ vậy sống theo mới tròn đạo nghĩa.

Đấy là những người may mắn tìm được “một nửa” của đời mình. Nhiều cô bóng khác khi tuổi xế chiều vắt qua vai, mấy lớp phấn son đã không che được dấu thời gian trên vầng trán, trên mi mắt, họ vẫn lặng lẽ, lủi thủi đi về một mình. Các cô bóng ít khi nói về tương lai, họ không nghĩ nhiều như vậy. Được hát múa, được sống với đam mê ngày nào là hay ngày nấy. 

Ai còn được gia đình thương yêu, đón nhận thì có nơi trở về khi lòng cô quạnh, ai trót không được cảm thông chỉ biết làm việc rồi tụ tập ca hát quên sầu, thi thoảng họ chìm trong cơn say, trong khói thuốc để quên đi những mối lo nghĩ thường ngày. Rồi lại tiếp tục lạc quan mà sống, mà hát.

Những cô bóng rất tự hào với nghề của mình. Đã trót theo nghiệp múa bóng rỗi một ngày là sẽ theo đến cuối đời, rất nhiều cô bóng đã chia sẻ sau một buổi biểu diễn như vậy.

Có một đoạn lời rỗi trong lễ cúng Bà Ngũ hành các cô bóng hay hát nhất: “Cúng Bà rồi Bà ban chữ/ Bà bán chữ tử mua chữ sanh/ Bán chữ đau, Bà mua chữ mạnh/ Thủy cúc đồng bình con mời/ Bà nào có dám mời không, trầu têm, rượu rót là tiếp nghênh lệnh Bà, trên lệnh Bà”... Để thấy rằng, múa bóng rỗi không phải là điệu múa câu hát đơn thuần, mà nó đã được cha ông quan tâm từ thời xa xưa, dùng để nguyện cầu một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. 

Và họ, những nghệ nhân, những cô bóng múa bóng rỗi xứng đáng được yêu thương, được cảm thông và cả sự biết ơn vì giữ cho quê hương một môn nghệ thuật đặc sắc đầy tính dân tộc. Và dẫu cho đường đời, đường nghề còn lắm khó khăn, tôi vẫn tin rằng với tinh thần và ý chí của các cô bóng, họ sẽ vượt qua tất cả mà sống trọn vẹn với nghề.

Ấy vậy mà khi một cô bóng bùi ngùi đọc đoạn ca dao, sao nghe vẫn cứ thấy chạnh lòng:

“Ai về Xóm Bóng thăm nhà,
Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn chăng?
Thế thường tre lụn còn măng,
Phải đâu tham đó bỏ đăng cho đành...”.

Bùi Kiều Trang
.
.