Những câu chuyện đau lòng tôi đã thấy

Thứ Bảy, 25/03/2017, 10:42
Một buổi sáng đầu tháng 6 năm 2015, vừa đến cơ quan tôi nhận được cuộc điện thoại từ đồng nghiệp thuộc xã nghèo của tỉnh, cô cho biết vừa xảy ra vụ xâm hại tình dục trẻ em tại địa phương. Hậu quả của vụ việc được nhận định là rất nghiêm trọng.

Nạn nhân là một bé gái sinh năm 2004 rất xinh xắn. Người gây ra nỗi đau xé lòng này là một đối tượng 27 tuổi sống cùng thôn, đã có gia đình. Khi được người dân phát hiện, bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sang chấn tâm lý và tổn thương sức khỏe nặng nề. 

Điều đặc biệt là, khi biết mình không thể chống cự vì đối tượng mang theo hung khí, trong lúc đau đớn, bé đã ghi nhớ lại chi tiết hiện trường, số xe máy, màu áo và hướng bỏ chạy của đối tượng để cung cấp cho Cơ quan công an. Đối tượng bị bắt ngay sau đó vài tiếng.

Có mặt tại xã, chúng tôi đã lặng người đi bởi khác với những gì hình dung, chúng tôi đã chứng kiến bi kịch của cả gia đình. Bởi sau giây phút bình tĩnh phối hợp với cơ quan điều tra, sự ám ảnh, sợ hãi, mộng mị và cả xấu hổ đã khiến bé thu mình lại và hoàn toàn im lặng. Ngoài sự đau đớn kiệt cùng của con trẻ, thì cha mẹ bé, lúc đó rất cần sự mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con mình, lại gần như không gượng dậy nổi. 

Vì không chịu nổi cú sốc quá lớn, những xầm xì to nhỏ và cả những dằn vặt không bảo vệ được con mình. Cảm giác như cả gia đình đang bị tấn công, họ đóng cửa tự bảo vệ mình trong sự yếu thế của một gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, chỉ có một đứa con là tài sản quý giá, là niềm tự hào lớn nhất.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Phú Yên đã tích cực hỗ trợ tâm lý cho bé và gia đình, tư vấn nhóm bạn để tạo sự đồng cảm; truyền thông theo nhóm tại cộng đồng để dập tắt sự bàn tán của dư luận và kết nối hỗ trợ giúp trẻ có thêm kinh phí để phục hồi sức khỏe. Dù hiện nay bé đã hòa nhập cộng đồng, tiếp tục đến trường nhưng sự ám ảnh về hành vi của đối tượng vẫn chưa phai mờ.

Đây là một trường hợp trợ giúp cho trẻ và gia đình trẻ ở cấp độ cao nhất mà Trung tâm Công tác xã hội của tỉnh Phú Yên từng làm. Và đây cũng chỉ là một trong số những vụ liên quan đến xâm hại, bạo hành, ngược đãi trẻ em trên địa bàn tỉnh mà chúng tôi vẫn thường tiếp nhận bất kể ngày hay đêm, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về trẻ em, công tác xã hội về trẻ em... 

Cũng trong quá trình ấy, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được Chính phủ quy định về lĩnh vực trẻ em đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đôi khi chúng tôi gặp nhiều bế tắc, bởi không thể hoàn thành một trong số các nhiệm vụ được giao là bảo vệ trẻ em, trước tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành, ngược đãi...

Những ngày qua, câu chuyện về công tác bảo vệ trẻ em, những vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo hành, ngược đãi xảy ra ở mức báo động, những vụ án xâm hạ tình dục trẻ em có dấu hiệu chìm xuồng... đã trở thành một cơn sóng cuồng nộ, giận dữ trong xã hội.

Không nổi giận sao được, không căm phẫn sao được khi mà ngày càng nhiều những đứa trẻ hồn nhiên, đáng yêu trở thành nạn nhân của những vụ xâm hại phi nhân tính, của những kẻ biến chứng về tâm lý, tình dục, hành vi bệnh hoạn...! 

Điều đáng nói là, lâu nay người dân vẫn luôn nghĩ mình có một công cụ vững chắc trong tay để bảo vệ con trẻ từ xa, đó chính là pháp luật. Thế nhưng trên thực tế lại không thể làm được gì để chống lại, để trừng trị thích đáng những kẻ gây ra tội ác ấy. Tất nhiên, đã có những vụ án được đưa ra ánh sáng, tội phạm được định danh và phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật. 

Nhưng đâu phải, vụ án nào, sự thật của tội ác nào cũng được ánh sáng pháp luật soi chiếu đến tận nơi nếu không có những người cha, người mẹ mạnh mẽ và kiên trì ngày đêm đi tìm công lý cho con mình, bình an cho gia đình mình?

Tôi nhớ đến những ánh mắt sợ hãi, những tiếng khóc đớn đau và cả gương mặt điếng ngắt của những đứa trẻ không may rơi vào tình cảnh này. Một bé gái 5 tuổi bị xâm hại bởi một đối tượng mắc bệnh tâm thần nên không thể xử lý hình sự, để rồi cái xóm nhỏ nơi bé sống chẳng thể nào yên bình được nữa, chỉ toàn nỗi ám ảnh đầy bất an của những gia đình có con nhỏ. Một em bé chưa đầy 30 tháng tuổi bị một gã đàn ông hàng xóm xâm hại gây tổn thương vùng kín nhưng vì không đủ bằng chứng nên thoát tội. 

Kết quả giám định pháp y không phát hiện tinh trùng đủ sức thuyết phục hơn những lời kể bập bẹ trong đau đớn của một đứa trẻ, dù ai cũng biết rằng ở độ tuổi này, bé còn chưa nhận biết được sự thật ghê gớm kia đã làm hại cuộc đời mình thì nói dối là một điều không thể.

Tôi lại nghĩ đến lời kể rất chân thật của bé trai hàng xóm trong vụ án xâm hại trẻ em ở quận Hoàng Mai, Hà Nội vừa qua, 4 đứa trẻ cùng phát hiện nghĩa là 4 đôi mắt trẻ thơ đã nhìn thấy điều kinh khủng này, trong sự yếu ớt về thể chất chúng vẫn có ý thức hành động bảo vệ, lên tiếng cho bạn mình. 

Còn rất nhiều, rất nhiều em bé khác lớn lên với sự chôn chặt trong lòng nỗi oán hận bởi trò đồi bại tàn nhẫn của những người cha, chú, bác cùng huyết thống, nhưng vì cái nghĩa ruột thịt, vì thanh danh gia đình, dòng họ mà đành câm nín chịu đựng... 

Và, tôi nghĩ đến những đứa trẻ vô tội là con, là cháu của những bị can, tội phạm gây ra tội ác này. Chúng cần phải được bảo vệ bằng sự cảm thông, chia sẻ, bao dung trước lối hành xử mất kiểm soát, vượt quá giới hạn cho phép của búa rìu dư luận đang nhắm thẳng vào gia đình mình. Tất cả trẻ em trên trái đất này, dù ở hoàn cảnh nào thì một tâm hồn thơ trẻ non nớt, trước những cơn bão đều yếu ớt như nhau.

Việt Nam vẫn luôn khẳng định là một quốc gia có nền tảng pháp lý dành cho trẻ em từ rất sớm. Là quốc gia thành viên của Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Cùng với đó là những cam kết tích cực hành động thực hiện các Tuyên bố quốc tế về trẻ em. 

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 một lần nữa chế định quyền của trẻ em và trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Nhà nước, gia đình và xã hội. Luật Trẻ em 2016 cũng trên quan điểm quy định đầy đủ, hài hòa tất cả các quyền của trẻ em...

Nhưng rồi, trước khi bùng nổ những thông tin khủng khiếp về các vụ xâm hại trẻ em trên truyền thông và mạng xã hội, đã có lúc chúng ta chứng kiến sự thờ ơ im lặng thật đáng sợ của cộng đồng, của các cơ quan có chức năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trước vấn nạn này trong bối cảnh Chính phủ đang tiếp tục thực hiện chương trình Hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2012-2020, chương trình Bảo vệ trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ... 

Sự im lặng này, tôi hiểu rằng đó có thể là sự âm thầm thực hiện chức trách đã được phân công (mà sự phân công ấy thì vô cùng chồng chéo và rối rắm), có thể là sự bất lực, là sự lựa chọn an toàn hay là những khuất tất nào đó. Dù có thế nào, vì lý do gì thì điều này về bản chất cũng là đồng nghĩa với hành vi vô trách nhiệm. Vô tình hay hữu ý, quyền trẻ em đã bị xâm hại một cách nghiêm trọng!

Một sự thật là, quyền và bổn phận trẻ em không chỉ quy định trong Luật Trẻ em mà được điều chỉnh ở hàng chục luật chuyên ngành khác nữa. Nếu rà soát lại chúng ta sẽ thấy có nhiều xung đột, mâu thuẫn với nhau giữa các khái niệm, thậm chí cách diễn đạt không rõ nghĩa về mặt học thuật đã dẫn đến hiểu sai, vận dụng sai. 

Những chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em chủ yếu tập trung ưu tiên an sinh xã hội vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Luật còn nhiều kẽ hở, chính sách an sinh xã hội dành cho trẻ còn nhiều khoảng trống thì làm sao đủ vững chắc để chạm ngõ tới đời sống thực tiễn của trẻ em.

Chỉ khi nào, chúng ta có những nhận thức đúng đắn và đầy đủ về các tội danh liên quan đến xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục trẻ em (ấu dâm), về mức độ gây nguy hại lâu dài đối với sự phát triển toàn diện của con người, của cộng đồng (nếu đó là loại hành vi mang tính bệnh lý không thể điều trị được) thì mới có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với loại tội phạm này. 

Ví dụ, để định danh “tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” (trẻ em), cần có sự thống nhất trong cách hiểu và phân loại cụ thể trong từng hành vi, mức độ xâm hại trực tiếp, mức độ xâm hại gián tiếp không thể định lượng bằng chứng cứ pháp y (cho trẻ xem phim ảnh, gợi ý, gạ gẫm khiêu dâm hay tiếp xúc với cơ thể, cơ quan sinh dục của trẻ mà không cần xâm hại trực tiếp với mục đích thỏa mãn xu hướng tình dục lệch lạc của cá nhân, gây thương tổn về tinh thần, tâm lý, tình cảm của trẻ).

Từ đó quy định một cách thống nhất yếu tố cấu thành tội phạm, nếu thấy cần thiết đề nghị sử dụng nghiệp vụ điều tra bằng hình thức tạo tình huống nhằm củng cố chứng cứ, hoàn thiện thủ tục tố tụng hình sự phù hợp, kịp thời đối với loại tội phạm nguy hiểm này, nâng mức hình phạt hoặc bổ sung các biện pháp tư pháp nhằm thực thi mạnh mẽ, thậm chí không nhân nhượng vì môi trường sống an toàn, lành mạnh dành cho trẻ.

Về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận, không chỉ người lớn mà chúng ta cần phải quan tâm đến việc giáo dục cho trẻ kiến thức và pháp luật liên quan đến bản thân mình, trang bị kỹ năng phòng chống nguy cơ gây hại và rèn luyện khả năng tự vệ bản thân bằng chương trình đạo chính khóa ở cấp tiểu học, điều đó không hề quá sớm.

Phạm Thị Minh Hiền
.
.