Nhịp điệu, tiếng gọi quyến rũ của thơ Việt
Phải không, chúng thật tươi mát và lôi cuốn lạ kì, như cảm giác của tôi lúc này, khi ngẫu nhiên thầm đọc hai câu thơ của Thi Hoàng: “Nắng tần ngần trên nón trắng chênh chao/Nghe gót bước biết lòng biêng biếc lắm”. Tôi không nghĩ đấy là tuyệt phẩm, song âm điệu, nhịp điệu của nó, như một sức hút khó cưỡng, níu tôi đọc đi đọc lại bao lần.
1. Câu thơ của Thi Hoàng được chủ ý triển khai theo lối điệp phụ âm, điệp vần để tạo ra khuôn nhịp âm thanh hô ứng, khiến chúng thoắt nhạc tính. Thật ra, đây là thủ pháp quen thuộc và đắc địa trong thơ Việt nhờ sự đa thanh và giàu âm sắc rất đặc trưng của ngôn ngữ tiếng Việt.
Trong truyền thống, ở các sinh hoạt lễ hội bình dân, khi nam nữ hát đối đáp giao duyên, họ cũng hướng đến sự ứng đối linh hoạt, tài tình dựa trên các cấu trúc nhịp điệu có sẵn. Các lời ca vốn dĩ được tổ chức một cách khá tương đồng theo từng điệu hát.
Người tham gia cuộc hát đối, vì thế, chỉ cần tìm kiếm các từ ngữ và xây dựng chúng thành những câu thơ thể hiện cảm xúc, tình cảm của mình. Có thể nhìn thấy phần nào nguyên tắc trên trong các cách tổ chức, biến hóa nhịp điệu của câu thơ hiện đại. Với nhiều nhà thơ hiện đại, lựa chọn thể thơ cũng đồng thời lựa chọn cả cấu nhịp điệu của nó.
Nhịp điệu (rhythm) là một thành tố quan trọng, một yếu tính làm nên tính thơ, chức năng thơ, thậm chí, trong nhiều quan niệm, thơ đồng nghĩa với một thể loại có nhịp điệu (rhythmical form), một chuỗi từ có nhịp (rhythmic words).
Nhiều lí thuyết gia cho rằng, thơ trữ tình, về bản chất, là một quá trình tổ chức các đặc trưng phi ngữ nghĩa (âm thanh, nhịp, âm điệu,...) một cách “lảm nhảm” và khó hiểu, nhằm tạo ra một sự khác thường, lạ lẫm và mê hoặc.
Lý thuyết gia Jonathan Culler nhấn mạnh: “thơ ca có trật tự riêng, trật tự đó đem lại khoái cảm, do đó không cần phải hỏi về nghĩa; tổ chức nhịp điệu cho phép ngôn ngữ lách qua thành trì trí tuệ và ẩn mình vào trí nhớ cơ học”. Người đọc sở dĩ nhớ hoặc thuộc đoạn thơ/ bài thơ, đôi khi vì yếu tố nhịp điệu, trước khi lĩnh hội hay cảm nhận được ngữ nghĩa thực sự của chúng.
Thi học hiện đại, đặc biệt ở thời kì Chủ nghĩa Hình thức Nga, đã đặt nhịp điệu như một phạm trù trung tâm. Nhịp điệu xuất hiện khi có sự luân phiên đều đặn của những âm trong thời gian và chỉ phát ra khi ta đọc câu thơ lên. Một nhà thơ cổ điển đôi khi được đề cao ở kĩ thuật hiệp vần: “Sóng nước theo làn hơi gợn tí/ Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”. Nhưng đây chưa thể coi là nhịp điệu đích thực dù sự hiệp âm /eo/ và độ ngân vang của nó gợi ít nhiều thanh âm của khung cảnh và sự vật mùa thu.
Đến Tản Đà, vẫn diễn tả cảm xúc mùa thu nhanh tàn, song ông đã tạo ra một nhịp điệu tài tình, đủ cung bậc da diết, thảng thốt, kiêu bạc và ngậm ngùi. Cảm thu tiễn thu chính là nhịp điệu của Tản Đà trong giai đoạn đắc ý cuộc đời nhưng không giấu nổi cảm giác chông chênh trước thời gian trôi nhanh.
Cung bậc tâm trạng rối bời, ngậm ngùi trước cảnh thu hưu tàn đã được chuyển hóa thành nhịp điệu của cái hữu hạn, một yếu tố hình thành nên nhân sinh quan mới. Có thể nói, chỉ đến Tản Đà thì mới có kiểu nhịp điệu đậm màu sắc hiện sinh trong thơ ca Việt Nam hiện đại:
Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Giăng thu bạch
Khói thu xây thành
…
Nào những ai
Kê vàng tỉnh mộng
Tóc bạc thương thân
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi
Mặc dù có những quan tâm về vần, nhịp điệu mới là yếu tố quyết định sự hình thành tư duy thơ hiện đại. Đấy là kiểu tư duy lấy nhịp điệu để bộc lộ các trạng thái nhận thức thực tại và đặc biệt, để tái hiện sự phức tạp của thế giới tinh thần.
Nguyễn Đình Thi, vào năm 1949, đã nêu ra nhận định rất chính xác về vấn đề này: “Nhịp điệu của thơ không những là nhịp điệu bằng bằng, trắc trắc, lên bổng xuống trầm như tiếng đàn êm tai, một người ngoại quốc không biết tiếng ta cũng có thể nghe thấy được […]. Thơ có một thứ nhạc nữa, một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh tình ý, nói chung là của tâm hồn”.
Nhận thức của Nguyễn Đình Thi cho thấy “nhịp điệu bên trong” mới là tín hiệu trung tâm thu phát các sự biến từ ngôn ngữ cho đến cảm xúc thơ. Không có nhịp điệu bên trong thì các dạng thức bộc lộ về vần điệu, âm luật chỉ mang tính kĩ thuật thuần túy. Trên thực tế, trong thơ Việt từ nửa sau thế kỉ XX, nhịp điệu cũng là hạt nhân thu hút nhiều bàn luận và thực hành đa dạng.
Khi Thanh Tâm Tuyền đề xướng thơ tự do, ông đã phê phán nhịp điệu trong thơ cũ là đơn giản, nghèo nàn, và đề xuất một thứ nhịp điệu phức tạp, thể hiện trình độ nghệ thuật cao hơn: “nhịp điệu ý thức”, “nhịp điệu ý tưởng”. Đặc trưng của nhịp điệu ý thức mà Thanh Tâm Tuyền đề xuất một phần gắn với bối cảnh thơ ca, nghệ thuật đô thị miền Nam đầu thập niên 1950, một giai đoạn chứng kiến nhiều chí hướng cách tân quyết liệt so với nghệ thuật tiền chiến.
Ca từ trong nhạc Rap của ca sĩ Đen Vâu có thể coi là một chuyển hóa nhịp điệu thơ. |
2. Nhìn chung, tất cả các ngôn ngữ đều có nhịp điệu. Nhưng các ngôn ngữ khác nhau sẽ có nhịp điệu tự nhiên (natural rhythms) khác nhau. Nhịp điệu tự nhiên diễn ra trong cách phát âm, thanh điệu, cách tổ chức và tạo ngữ điệu cho lời nói, khả năng thể hiện chất giọng với âm lượng khi phát ngôn.
Giữa nhịp điệu tự nhiên và nhịp điệu trong thơ thường có một khoảng cách, tùy thể tạng và ý hướng sáng tạo của mỗi nhà thơ, nhịp điệu tự nhiên sẽ được bộc lộ một cách cụ thể hoặc mơ hồ trong ngôn ngữ thơ.
Với một ngôn ngữ giàu nhạc điệu như tiếng Việt thì trong ngôn ngữ thường ngày, yếu tố nhịp điệu khi nói, phát âm đã tương đối rõ ràng, khi đi vào thơ ca, đặc điểm này càng được tận dụng triệt để.
Phần nhiều nhà thơ sẽ phân bố hợp lí chỗ ngừng ngắt, các thanh điệu trong câu thơ, và đôi khi, tùy thuộc “nhịp thở” trạng thái cảm xúc mà tạo thành chuỗi ngôn ngữ bất định đi theo một cấu trúc cụ thể, có khả năng thể hiện những cảm thức về cuộc sống.
Ta thấy trong thơ Hồ Xuân Hương, nhịp điệu thường rất khỏe khoắn, sôi nổi, cách ngắt 4/3 tuy mang tính quy phạm nhưng các thanh điệu lại thiên về thanh trắc, âm điệu trúc trắc nhờ mật độ từ láy khá dày, điệp âm với nhau: “Lắt lẻo cành thông con gió thốc/ Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo”; “Hai chân đạp xuống năng năng nhắc/ Một suốt đâm ngang thích thích mau”; “Trai đu gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”;…
Chúng ta bắt gặp ở từng câu thơ một tốc độ nhanh, dứt khoát của hình ảnh, một âm vực cao, vang của các thanh điệu, một chuỗi âm có khả năng tạo thành nhạc điệu của các từ láy,… tất cả, tiết lộ chủ thể là một người mạnh mẽ, thích thú phát hiện những điều kì khu ẩn giấu trong cuộc sống, một cá tính bướng bỉnh, “gây sự” với khuôn phép, chừng mực.
Đấy là nhịp điệu của khí chất sống táo bạo, tự tin, không ngần ngại thể hiện khao khát hạnh phúc hôn nhân, nhịp điệu của thẩm mĩ vẻ đẹp tự nhiên, phồn thực và lấy đó làm tiêu cự soi chiếu vào đời sống con người. Như vậy, nhịp điệu, nhạc điệu trong thơ không giản đơn là kĩ thuật mà là thể tạng, khí chất của mỗi nhà thơ.
3. Theo Octavio Paz, “nhịp điệu là ẩn dụ nguyên thủy, nó bao chứa tất cả ẩn dụ khác. Nó nói: sự tiếp nối là sự lặp lại, thời gian là phi thời gian”. Điều này có nghĩa là nếu không tổ chức nhịp điệu như một ẩn dụ nghệ thuật, ít nhất là ẩn dụ cho nhịp điệu cảm xúc và cái nhìn, thì đó chưa phải là nhịp điệu đích thực.
Trong thơ, nhịp điệu gắn chặt với các khổ/ đoạn, các chương/ khúc hoặc ở cấp độ nhỏ hơn là các cặp câu. Đặc điểm này khiến cho nhịp điệu thơ là một cấu trúc tổng thể được phân chia thành các kiểu nhịp điệu khác nhau, tương ứng với mục đích tạo dựng của nhà thơ. Hơn nữa, mở rộng ra, nhịp điệu trong thơ là sự chuyển hóa cái nhìn, cảm nhận sự vật hiện tượng; nhịp điệu trong văn xuôi tùy thuộc vào diễn biến của các sự kiện, tình huống câu chuyện.
Người làm thơ nhìn thấy sự kiện và biến nó thành nhịp điệu của cảm xúc riêng. Bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, ngay ở khổ đầu và khổ thứ hai, nhịp điệu đã biến đổi, đi từ nhanh, gấp gáp để diễn tả không khí chiến trận ác liệt, “máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão”, đến nhẹ nhàng, tâm tình, tươi vui, “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”.Cấu trúc nhịp điệu này, nhìn rộng ra, khá tương đồng với nhịp điệu trong các ca khúc cách mạng thời đầu kháng chiến chống Pháp. Điều này xuất phát từ nền nhịp điệu thể loại (thơ và nhạc) có mức độ song hành khăng khít. Đó cũng là nhịp điệu ngợi ca người anh hùng, kể cả anh hùng ngã xuống, ngợi ca lý tưởng và sức mạnh con người.
Cấu trúc nhịp điệu chung của loại thơ giàu tính sử thi như vậy, có lẽ, đã được phát triển từ gốc các anh hùng ca, sử thi cổ đại, và tiếp tục gợi mở cho thể loại trường ca rất sôi nổi từ thập niên 1980 trở lại đây.
Cho nên, trong quá trình sáng tạo nhịp điệu thơ, nhà thơ có thể tham chiếu các cấu trúc nhịp điệu thuộc thể loại thơ yêu thích nhằm tái dụng, làm mới những nhịp điệu mà bản thân yêu thích. Tiếng gọi nhịp điệu, hóa ra, có độ dư vang bền lâu vượt qua sự chờ đợi, hình dung của nhà thơ đã sáng tạo ra nó.