Nhà báo điều tra vụ Hiệu trưởng xâm hại nhiều học sinh nam: “Tôi day dứt vì một lần nữa khơi lại nỗi đau…”

Thứ Sáu, 28/12/2018, 11:18
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn - Trung tâm Tin tức VTV24 Đài Truyền hình Việt Nam - người đã dày công thu thập tài liệu vụ ông Đinh Bằng My (Hiệu trưởng Trường THPT, THCS dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) có hành vi dâm ô với nhiều học sinh nam trong trường đã nói với chúng tôi như thế. 

Rằng, anh vô cùng day dứt nhưng không còn cách lựa chọn nào khác, nếu không muốn sự việc chìm trong im lặng.

- Phóng viên: Thưa nhà báo Anh Tuấn, anh đã tiếp cận vụ việc này thế nào và từ đâu?

+ Những ngày đầu tháng 11, đường dây nóng CĐ24h nhận được cuộc điện thoại của người dân, xin được giấu danh tính, tố cáo ngắn gọn về vụ việc. Họ cũng không hề nói rõ ràng, mà chỉ nói là nghe thấy và biết thông tin về một đường dây dâm ô trên địa bàn Thanh Sơn (Phú Thọ), có sự liên quan đến Hiệu trưởng Trường PTDTNT Thanh Sơn.

Ban đầu tôi hoài nghi về tính chân thực, nhưng ngay sau đó tôi gọi điện lại và nói chuyện với nguồn tin này. Lúc ấy tôi nghĩ đây là đường dây giống như ở Hà Giang, vụ của Sầm Đức Xương ngày xưa. Là thầy giáo thực hiện hành vi dâm ô và có thể là môi giới cả mại dâm cho các em học sinh nữ. Nhưng khi hỏi ra thì biết vụ này lại liên quan đến học sinh nam ở trường học. Và tôi nghĩ đây là việc nghiêm trọng, chạm tới giới hạn hành vi, đạo đức con người. 

Nhưng ngay lúc đó lại bận việc nên tôi chưa có thời gian tìm hiểu, phải khoảng nửa tháng sau tôi mới liên lạc lại với nguồn tin. Họ có nói là vẫn đang chờ tôi nên tôi quyết định bắt tay làm việc ngay, không thể chần chừ thêm được nữa.

- Và anh cùng êkíp của mình đã phát hiện ra những điều khó tin nhất?

+ Trong một tháng vừa qua  không biết bao nhiêu lần chúng tôi ngược xuôi lên địa bàn đó, tìm gặp các nạn nhân. Việc gặp các em đó, thuyết phục các em lên tiếng không phải dễ dàng bởi đây là câu chuyện các em muốn chôn giấu trong lòng không muốn kể với ai, vì ngại, xấu hổ và lo sợ đủ thứ.

Có khi tôi đi cả ngày chỉ gặp một em, có khi chẳng gặp em nào, đến gặp nhiều em từ chối chia sẻ. Chúng tôi kiên trì mãi và ngay từ đầu, xác định được là mình phải thu thập bằng chứng, gặp các em được cho là nạn nhân nhiều nhất có thể. Em nào lên tiếng, chúng tôi sẵn sàng gặp và lắng nghe câu chuyện của các em. Qua nhiều lần ngược xuôi, chúng tôi đã tìm gặp được khoảng 10 em. Chúng tôi biết trên thực tế, số lượng nhiều hơn như vậy. 

Bởi qua câu chuyện của những em chúng tôi tiếp xúc, các em còn biết các bạn khác, kể vanh vách và nhớ rất rõ. Có thể do các em cùng hoàn cảnh, dễ chia sẻ, dễ nói chuyện.

Trong điện thoại của một số em còn lưu tin nhắn ông My nhắn tin gọi lên phòng, nhắn tin chia sẻ nói chuyện hàng ngày. Tôi đọc các tin nhắn và không tin nổi đây là cuộc nói chuyện giữa một hiệu trưởng với các em học sinh. Những tin nhắn đó quá tục tĩu, bệnh hoạn. 

Trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ khác để tìm ra các bằng chứng chắc chắn khác, nhưng tôi xin phép giấu các thông tin này để đảm bảo bí mật nghiệp vụ của chúng tôi.

- Trong quá trình điều tra, anh có gặp áp lực gì không?

+ Áp lực của chúng tôi là áp lực làm sao thu thập được bằng chứng, chứng minh hành vi phạm tội, đưa vụ việc này ra ánh sáng trong thời gian nhanh nhất. Nếu để kéo dài, sẽ có những em phải tái diễn hành vi đó. Rất có thể sẽ có thêm học sinh mới, trở thành miếng mồi của ông này. 

Việc ông My là hiệu trưởng không phải áp lực với chúng tôi mà còn là động lực. Bởi một người thầy giáo bình thường, một con người bình thường có hành vi như vậy đã quá khủng khiếp. Với một người là hiệu trưởng thì tôi không dám tưởng tượng nữa.

Sau khi thu thập đầy đủ bằng chứng đưa vụ việc ra ánh sáng, áp lực mới của chúng tôi là khi phóng sự lên sóng. Trong đầu tôi quá nhiều suy nghĩ, cảm xúc dồn về khiến tôi quá tải.

Tại thời điểm đó, mọi thứ chỉ dừng lại ở bằng chứng chúng tôi đưa ra, các em chia sẻ câu chuyện của chính mình, còn ông My thì phủ nhận. Nên tôi rất lo không biết vụ việc đi về đâu, có được xử lý triệt để hay không? Rất may mắn Công an Phú Thọ đã vào cuộc kịp thời. Trong khoảng 2 ngày sau khi chúng tôi phát sóng, Công an huyện Thanh Sơn đã quyết định khởi tố vụ án.

Chúng tôi cũng lo lắng rất nhiều khi có một nguồn tin cho biết rằng bên phía trường học, các thầy cô còn lại trong trường cũng nói với các em học sinh rằng khi làm việc với Công an hãy nói giảm nhẹ tội cho ông My đi. Tôi lo những đứa trẻ khi gặp sự tác động như vậy, tính chất vụ việc sẽ giảm đi. Rất may những đứa trẻ tôi tiếp xúc chúng rất trưởng thành, không ngại khó khăn, các em rất thành thật và dũng cảm.

- Được nghe câu chuyện của nạn nhân với tư cách là một người trưởng thành, anh thấy như thế nào?

+ Ban đầu tôi bị sốc, và để đảm bảo tính khách quan, tôi  buộc phải đặt ra nhiều nghi vấn nhưng khi trực tiếp gặp và lắng nghe các em thì tôi không nghi ngờ gì nữa. Tôi thấy câu chuyện này vượt qua trí tưởng tượng của tôi, không nghĩ nó diễn ra ngoài đời thực. Tôi đau xót và cảm thấy thương các em, vì tôi cũng có con nhỏ và cũng là một người cha. Lúc ấy tôi nghĩ, con mình mà rơi vào hoàn cảnh đó, thì mình có chịu đựng nổi không?

- Với tư cách là một nhà báo, tôi nghĩ anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng chắc chắn còn những góc khuất nào đó chưa "lên sóng", anh có thể chia sẻ được không?

+ Trong bất kể một vụ việc nào mà chúng tôi quyết định đưa sự thật ra ánh sáng thì có thể còn đâu đó một vài góc khuất giữ lại cho riêng mình. Góc khuất đó là những bằng chứng chúng tôi giữ lại để bảo vệ bản thân mình, bảo vệ các em và người tố cáo.

Còn trong quá trình điều tra vụ việc này, thứ mà tôi cảm thấy bức xúc nhất là thái độ của người trong cuộc. Một vài em nói với tôi rằng, trong trường có một vài thầy cô được ông My chuyên nhờ để gọi các em lên. 

Có em học sinh nói với tôi rằng, sau khi lên gặp ông My, thầy cô còn hỏi trêu là: “Hôm nay có được cho ăn kẹo mút không?”. Khi nói với tôi câu nói đó, các em nói rất chậm, từ tốn. 

Chứng tỏ các em nhớ vào đầu rất sâu chi tiết đó, các em kể bằng sự tủi thân vô cùng. Tôi hỏi: “Em trả lời thế nào?” thì em bảo không trả lời gì cả. Tôi đề nghị ngoài việc điều tra hành vi phạm tội của ông My, cơ quan điều tra cũng cần phải điều tra xem có hay không việc không tố giác tội phạm của các thầy cô trong trường.

- Vụ việc này có thể mãi mãi chìm trong im lặng nếu không có sự vào cuộc của cơ quan báo chí. Điều gì khiến những đứa trẻ sợ hãi đến vậy, điều gì khiến chúng không dám phản kháng?

+ Gần như các em bị ép buộc. Trong số tất cả các em được gọi lên, chỉ số ít các em dám phản kháng bằng cách bỏ chạy. Chỉ số ít dám bỏ chạy, số khác nói rằng quá sợ vì bị doạ dẫm. 

Ở đây, các em bị chính thầy của mình đe dọa nên rất sợ. Điều sợ nữa là do tâm lý tuổi mới lớn, chưa trải qua những sự việc tương tự trong cuộc đời. Các em không biết bấu víu vào đâu, nói với cha mẹ thì vừa sợ vừa xấu hổ, chỉ còn cách bỏ học thì lại sợ bố mẹ đánh mắng. 

Sau mỗi lần, ông My còn dọa nói với ai là chết đấy. Có em nhỏ nói rằng, ông ta doạ, nếu nói với người khác sẽ đuổi học. Chính vì vậy những đứa trẻ thường chọn cách chôn giấu trong im lặng hoặc chia sẻ với bạn thân.

- Có dư luận cho rằng việc bắt ông My, cái lợi ít hơn cái hại, vì nó dễ gây tâm lý hoang mang đối với học sinh, gây ra cái nhìn xấu với ngành giáo dục, cho nên tôi muốn hỏi anh: nếu được chọn lựa lại, anh có chọn theo đuổi đề tài này không?

+ Tôi là nhà báo, trách nhiệm của chúng tôi là phản ánh sự thật! Chỉ có điều khi chúng ta thực hiện nên cân nhắc làm sao, đưa thông tin ở góc độ nào, để có thể hạn chế tối đa việc khơi dậy nỗi đau và tâm lý hoang mang đối với nạn nhân. 

Không phải bây giờ mà cả sau này, với những đề tài khác, tôi vẫn sẽ điều tra để đưa sự thật ra ánh sáng. Trong vụ này, tôi chỉ tiếc mình phát hiện quá muộn, khiến nhiều em nhỏ phải chịu tổn thương dài ngày.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Chúc anh có nhiều sức khoẻ, thực hiện được nhiều phóng sự điều tra bổ ích.

Đinh Hiền (thực hiện)
.
.