Nhà May Mắn của Tim

Chủ Nhật, 03/09/2017, 08:24
25 năm trước, Aline Rebeaud ghé qua Việt Nam từ một chuyến đi. Cuộc gặp tình cờ với đứa trẻ bụi đời lấm lem nơi góc chợ Bến Thành đã níu chân cô gái Thụy Sĩ ở lại mảnh đất này, vượt biết bao khó khăn, trở ngại từ hiện thực đến lòng tin, khởi đầu hành trình kỳ diệu mang tên “Nhà May Mắn”.

Việc xuất bản cuốn sách “Nhà May Mắn” với Hoàng Nữ Ngọc Tim - tên tiếng Việt của Aline Rebeaud - cũng là một sự không dự trù như năm 20 tuổi, cô họa sĩ trẻ ấy đặt chân đến Việt Nam nào định trước sẽ gắn bó với mảnh đất này. Viết sách là điều Tim không bao giờ nghĩ đến bởi "đi kể những điều mình đã làm, kỳ lắm" và cũng bởi, Tim còn quá nhiều thứ ngổn ngang phải lo. 

Mãi đến khi ba của Tim qua đời, cô mới bắt tay thực hiện, như một lời hứa với ông và cũng vì "Bây giờ mình đã có tuổi rồi, cảm thấy sức khỏe không còn được như trước nữa. Nếu mình có chuyện gì thì ai sẽ tiếp tục lo cho từng ấy con người ở đây".

1. "Năm tôi 10 tuổi, mẹ dắt đến thư viện. Mẹ để con gái ở khu vực sách thiếu nhi rồi đi xem sách của người lớn. Khi bà quay về thì thấy con gái mình không còn ở đó. 

Bà phải đi kiếm khắp nơi, cuối cùng gặp tôi ở khu vực sách của người lớn, đang ngồi dưới đất, ôm một cuốn sách ảnh trắng đen. Đó là những hình ảnh về Việt Nam năm 1951. Mẹ tôi rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao con gái mình lại quan tâm một nơi xa xôi như vậy" - Tim kể về lần đầu tiên cô biết đến Việt Nam.

Tim thành thật viết trong quyển sách, 14 tuổi cô gặp và yêu một chàng trai người Ý, thế nhưng ngay sau đó anh gặp tai nạn giao thông, liệt nửa người. Suốt 1 năm trời cô chạy đi chạy lại chăm sóc anh. Tim có một cậu em trai bị điếc bẩm sinh, cô phải học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với em. Có lẽ, chính những điều đặc biệt đó đã thắp lên trong trái tim cô nguồn rung cảm đặc biệt trước những số phận không may. 

Ở tuổi hai mươi, Aline mang trong mình giấc mơ trở thành họa sĩ, cô và một họa sĩ Mông Cổ tổ chức triển lãm tranh chung và dùng khoản tiền bán tranh làm lộ phí cho chuyến du lịch kết hợp sáng tác từ Âu sang Á, đích đến là Mông Cổ. Phương tiện di chuyển chủ yếu là xe đò. 

Coi bản đồ châu Á, Aline thấy Việt Nam và nhớ lại những câu chuyện những người bạn Việt Nam ở Thụy Sĩ thường kể, trong đó có người yêu cô. Có những điều cô tin, có những điều còn hồ nghi, vậy là đi cho biết. Cuối năm 1992, Aline đến Hà Nội rồi vào Sài Gòn.

Hoàng Nữ Ngọc Tim trong ngày ra mắt sách "Nhà May Mắn". Ảnh: Nhã Linh.

Một đêm nọ, khi đang trên đường về chỗ trọ, Aline gặp cậu bé mồ côi nơi góc chợ Bến Thành. Hai người chưa gặp nhau lần nào trong đời, không biết ngôn ngữ của nhau, nhưng bàn tay họ chạm vào nhau và nảy sinh một sự gắn kết. Em bé cần Aline giúp đỡ, còn Aline lại không thể ngoảnh mặt với một trường hợp như thế. 

Những ngày tiếp theo, Aline gõ cửa nhiều nơi nhưng không ai nhận cưu mang cậu bé. Sau nhiều ngày rong ruổi, thị thực sắp hết, Aline gởi Dũng (tên cậu bé) vào một trung tâm xã hội còn cô trở sang Campuchia xin thêm thị thực ở lại Việt Nam. Lúc cô trở về, Dũng đã bỏ trốn.

Đi tìm Dũng khắp nơi, Aline ghé đến trung tâm điều dưỡng tâm thần Thủ Đức và gặp Thành, 12 tuổi đang cận kề cái chết. Không thể bỏ mặc, Aline xin đưa Thành đi viện. Cô ôm Thành đi khắp các viện như một bà mẹ nuôi những hy vọng dù là le lói cứu sống đứa con mình. 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhận chữa với điều kiện Aline phải ở lại nuôi vì Thành không có người thân. 3 tháng trôi qua, như có phép màu, Thành khỏi bệnh và trong thời gian đó mọi người đều trìu mến gọi Aline Rebeaud là Tim - vì Thành nằm ở Khoa Tim mạch và vì Aline có một "trái tim" thật đẹp. 

Sau khi xuất viện, Thành về sống với Tim trong một căn nhà trọ ở khu Bà Quẹo, quận Tân Bình. Thời gian ở đó, Tim vét tiền túi và bán tranh, gom thêm những trẻ em lang thang, mồ côi... về nuôi. 

Ngoài trẻ em cơ nhỡ, Nhà May Mắn còn cưu mang thêm người khuyết tật nặng, thậm chí nằm liệt giường. Không ít người làm việc cùng Tim trong những ngày đầu kể lại rằng họ vô cùng xúc động khi đến thăm và chứng kiến cảnh Tim lăn xả vào tắm rửa, lau chùi những vết mủ, lở loét của những người nằm một chỗ mà đôi khi chính người thân cũng khó chu tất được đến vậy. 

"Mang lại niềm vui cho người khác thật khó khăn, với những người khuyết tật thì điều đó còn nhọc nhằn hơn rất nhiều" - Tim chia sẻ.

2. Rồi số tiền dành dụm từ bán tranh cũng cạn dần mà người cần giúp thì thêm nhiều. Tim viết thư nhờ gia đình và bạn bè hỗ trợ. Thấy không thể xoay mãi trong chỗ trũng, Tim về Thụy Sĩ thành lập hội Maison Chance để vận động sự đóng góp của “Mạnh Thường Quân” khắp thế giới. 

Cuối năm 1994, Tim mua được mảnh đất ở Bình Hưng Hòa. Nhà May Mắn dần thành hình và cứ thế phát triển nhờ sự tận tâm, cách tổ chức khoa học của Tim. Có nhà ở rồi, Tim lại tính tới chuyện phải dạy chúng nên người, Tim lại mở nhà trẻ, mở lớp học rồi thuê thầy cô giáo về dạy. 

Không chỉ giúp những người khuyết tật vượt qua bệnh tật, tạo việc làm, xây nhà, Tim còn mở rộng tấm lòng cho những công nhân lao động nghèo gửi con nhỏ vào nhà trẻ và trường học miễn phí, để họ yên tâm đi làm kiếm tiền nuôi con.

Năm 2005, Trung tâm Chắp cánh ra đời nhằm giúp bệnh nhân sau khi hồi phục phần nào sức khỏe học nghề để họ tự lao động kiếm sống. Trung tâm có những lớp học cho người ngồi xe lăn như may, vẽ, vi tính, làm đồ mỹ nghệ. Rồi chứng kiến nhiều thành viên làm việc ở trung tâm nảy sinh tình cảm, Tim đứng ra dựng vợ gả chồng cho họ và nghĩ tiếp tục tìm cách giúp đỡ. 

"Đã giúp thì phải giúp đến cùng, chứ không giúp được nửa đường rồi bỏ, tội nghiệp họ" - Tim tâm niệm.

Từ năm 2007, Tim vận động tiền bạc mua được miếng đất 3.500m² rồi tiến hành xây dựng. Năm 2011, một cơ sở mới có tên là Nhà May Mắn ra đời. Nơi đây, ngoài 40 căn hộ được thiết kế đặc biệt cho người dùng xe lăn sinh sống còn có những phòng học dành cho trẻ không thể đến trường bình thường vì nhiều lý do khác nhau (mất hết giấy tờ cá nhân, lao động sớm nên quá tuổi đi học, nhà nghèo không có tiền đóng học phí), một phòng dạy làm bánh tây cho trẻ khỏe mạnh lớn lên ở Nhà May Mắn và một quán ăn phục vụ cho khách bên ngoài.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà May Mắn có 3 cơ sở nằm trong phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, với hơn 300 con người chung sống với nhau như một đại gia đình, gồm trẻ mồ côi, trẻ đường phố từ 10 tuổi trở lên, và người lao động nghèo trong khi làm việc hay sinh hoạt bị tai nạn gãy cột sống dẫn đến bại liệt. 

"Những người khuyết tật khi gia nhập Nhà May Mắn sẽ trở thành cô chú, anh chị của những em nhỏ mồ côi. Ngược lại, các em nhỏ cũng phụ chúng tôi chăm sóc cho mấy chú, mấy anh. Sự khiếm khuyết của người này là chỗ dựa của người kia. Những mảnh vỡ của số phận ghép lại sẽ tạo ra một gia đình mới, cùng dìu nhau bước qua tật nguyền. Được chăm sóc, được san sẻ yêu thương sẽ tiếp thêm khát vọng sống cho những người khuyết tật". 

Tuy nhiên, số người mà Tim đã giúp như chia sẻ của những người làm việc cùng Tim, có thể lên đến con số 10 ngàn. Thành, bây giờ đã trở thành một thanh niên khỏe mạnh, định cư tại Thụy Sĩ và có gia đình hạnh phúc. Tim kể, lần nào chị trở về Thụy Sĩ, Thành cũng đưa đón và buộc "mẹ Tim" đến ở nhà của cậu.

3. Ngày khởi đầu hành trình đến Việt Nam, có lẽ, Tim chẳng thể ngờ rằng chuyến đi đó đã neo cô lại đất nước này dài đến thế. 25 năm qua, tuổi trẻ của Tim trôi qua trên mảnh đất này, những giọt mồ hôi và cả những dòng nước mắt của cô đã rơi. 

Người ta không thể lý giải, tại sao cô gái trẻ sinh ra ở một đất nước có tỷ số hạnh phúc cao nhất thế giới, là ao ước của bao người, với tương lai rạng rỡ lại chọn Việt Nam, đau nỗi đau của những phận đời nghiệt ngã, lo lắng tương lai cho họ và trở thành một phần gia đình họ. 

Một gia đình lớn như Tim viết: "Là nơi không ai có cùng quan hệ máu mủ với ai nhưng lại có một điểm chung trước khi về đây, tất cả đều có một số phận khắc nghiệt, số phận lẽ ra đã nhấn chìm họ, để họ mãi biến mất trong cuộc đời này... nhưng số phận rốt cục lại đã cho họ một lối đi khác. Nếu tình yêu là một căn bệnh truyền nhiễm, xin hãy để nó lan tỏa". 

Tim nói: "Là vì tôi cảm thấy tình thương của mình được đặt đúng chỗ. Tôi nghĩ những gì mình đã và đang làm là việc đúng đối với tôi, đối với đời tôi. Và tôi hạnh phúc khi làm điều đó".

Và cũng có lẽ, ngày khởi dựng Nhà May Mắn, bằng cái tâm trong sáng của một cô gái trẻ với trái tim bao la và lòng dũng cảm, không ngại khó, ngại khổ, Tim chẳng lường trước được những nhiêu khê, phiền phức cô gặp phải. Từ việc bị các thủ tục hành chính làm khó dễ, cứ mỗi 6 tháng phải đi xin thị thực, bị nghi ngờ, suýt phải dẹp nhà cho đến bị lừa, suýt mất miếng đất đầu tiên mua được để xây nhà. 

Vậy mà, khi hỏi đến những điều đó, Tim chỉ cười nhẹ nhàng: "Chuyện cũng đã qua rồi mà. Cuộc đời vẫn còn rất nhiều người tốt!". 15 năm sau khi Tim sống và làm việc tại Việt Nam, cha của cô - một nhà báo - đã sang thăm và ở lại đón tết Dương lịch cùng con gái tại Nhà May Mắn. 

Khi được yêu cầu phát biểu vài câu trong bữa tiệc đầu năm, ông nói: "Khi nghe con gái tôi nói muốn ở lại Việt Nam để làm công tác thiện nguyện, giúp người khổ, tôi nghĩ rằng con gái mình bị "khùng". Nhưng khi đến đây, chứng kiến những gì con đã làm, thấy mọi người sống chan hòa với nhau như một gia đình, thì tôi biết con gái tôi đã chọn đúng!".

Hỏi Tim về tuổi thanh xuân đã qua, Tim cười: "Một người tất bật suốt ngày lo cho mọi người thì còn thời gian đâu để lo cho một cá nhân riêng nào nữa. Vả lại, tôi có nhiều đứa con ở Nhà May Mắn, chúng đều gọi tôi là Mẹ Tim". 

Bây giờ trước mắt Tim là dự án Nhà May Mắn ở Đắk Nông, đã được chính quyền cấp gần 3 ha đất và cô đang tìm kiếm vốn để thực hiện. Tim bảo, đó là tỉnh duy nhất của Việt Nam chưa có cơ sở bảo trợ xã hội. 

Trong mô hình này, Tim xây dựng một khu du lịch kết hợp nuôi dưỡng động vật, vừa bảo tồn chúng vừa giúp trị liệu cho người. Nhưng Tim đã không còn nhiều sức lực nữa, cô cần sự chung tay của rất nhiều tấm lòng và cả những đôi vai cùng cô điều hành, gánh vác.

Hoàng Hoài Hương
.
.