Một nền giáo dục "diễn" là một nền giáo dục "chết"

Thứ Tư, 26/12/2018, 09:28
Trong suốt 5 năm học mà được 100% điểm 10 ở cả hai môn học chính thức thì có thể tin nổi không? Đấy là sự thật hay là một sản phẩm của một quá trình giáo dục mà cả người dạy lẫn người học đều diễn với nhau? 

Thưa các anh chị ở Toà soạn Báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng.

Cách đây ít tuần thôi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu một câu mà không riêng gì cá nhân tôi, mà nhiều bậc phụ huynh, nhiều thầy cô giáo đều thấy rất tâm đắc, rằng: "Thi giáo viên giỏi chỉ là diễn, tôi không đồng ý". 

Trong rất nhiều những cuộc thi như thế này, người ta thường xuyên chứng kiến rất nhiều cánh tay giơ lên sau mỗi câu hỏi của thầy/cô giáo, nhưng trong đó có cả những cánh tay "ảo", những "cánh tay không thực chất". 

Tôi đã nghe một giáo viên kể về việc từng chỉ đạo các em giơ tay để "nhìn cho đẹp" nhưng ở trên bục giảng, giáo viên thừa hiểu là sẽ chỉ định cánh tay nào, và không chỉ định cánh tay nào.  

Đấy là còn chưa nói đến chuyện, trước khi diễn ra những cuộc thi thố như vậy, không loại trừ khả năng giáo viên đã chủ động "đẩy" những học sinh yếu kém ra ngoài, để tất cả những em ngồi trong lớp đều "coi được". Những giám khảo - những người dự giờ có biết không? Tôi tin phần nhiều là biết, nhưng rồi tất cả cũng coi như không biết, để rồi cũng im lặng diễn với nhau.

Thưa các anh chị, nhưng nếu việc "diễn" chỉ xảy ra trong các cuộc thi giáo viên giỏi không thôi thì cũng chưa đến mức báo động, dù ai cũng hiểu đấy là một biểu hiện phản giáo dục. Điều mà rất nhiều các thầy cô, các bậc phụ huynh đều cảm nhận rõ là cái hành vi "diễn" đáng sợ kia xảy ra ở nhiều phương diện khác. 

Việc đánh giá học lực của học sinh chẳng hạn, đừng bất ngờ nếu 80% số học sinh trong lớp có học lực khá giỏi, cũng đừng bất ngờ nếu 100% học sinh trong lớp, không em nào bị đánh giá học lực trung bình - yếu, vì phải như thế thì nhà trường mới đạt "chuẩn thành tích", mới được "tuyên dương". 

Chắc các anh chị cũng nhớ là hồi còn sống, Phó Giáo sư Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường PTTH Lương Thế Vinh (Hà Nội) từng nhiều lần bày tỏ sự kinh ngạc về những cơn mưa điểm 10 trong những bộ hồ sơ học sinh mà trường Lương Thế Vinh nhận được.

Ông Văn Như Cương từng kể rằng trong 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 mà nhà trường nhận được trong 2 năm 2016, 2017 thì có khoảng 1.000 hồ sơ được điểm 10 cả Toán lẫn Văn, từ lớp 1 đến lớp 5. 

Trời đất ơi, trong suốt 5 năm học mà được 100% điểm 10 ở cả hai môn học chính thức thì có thể tin nổi không? Đấy là sự thật hay là một sản phẩm của một quá trình giáo dục mà cả người dạy lẫn người học đều diễn với nhau? 

Trong bối cảnh xã hội hôm nay nhà trường cần thay đổi, nhưng bản thân mỗi chúng ta, mỗi gia đình cũng cần nhìn lại chính mình và thay đổi! Ảnh minh họa: L.G.

Vì bệnh thành tích, mà thầy/cô giáo phải diễn. Vì sĩ diện với những người xung quanh mà chính các bậc phụ huynh đôi khi cũng diễn. Và hậu quả của tất cả những biểu hiện diễn xuất này nguy hiểm như thế nào thì khỏi nói, tất cả đều có thể tưởng tượng ra.

Không biết có võ đoán quá không, nhưng tôi nghĩ khi tư lệnh ngành giáo dục đã nói thẳng đến hành vi "diễn" thì có nghĩa là ông đã có những báo cáo và những nghiên cứu xác thực từ cả một quả trình đủ dài trước đó. Và tôi cũng tin rằng, trong phát ngôn của mình, mặc dù chỉ giới hạn hành vi "diễn" trong các cuộc thi giáo viên giỏi, nhưng Bộ trưởng cũng sẽ có những cái nhìn trên diện rộng, mang tính phổ quát hơn.

Điều mà tôi chờ đợi bây giờ là sau một phát ngôn rất thẳng, rất thật, liệu Bộ trưởng có thể đưa ra những chỉ đạo đủ mạnh mẽ tiếp theo để xoá bỏ tình trạng "diễn", và lấy lại khí quyển trung thực cho nền giáo dục được không? Bởi trong quan điểm của tôi, một nền giáo dục "diễn" là một nền giáo dục "chết".

Xin chân thành cảm ơn các anh chị trong toà soạn!

Thái Thị Nga (Hà Nội)

Kính thưa độc giả Thái Thị Nga!

Chúng tôi đồng tình với nhận định của độc giả, rằng việc "diễn" không chỉ xảy ra ở những cuộc thi giáo viên giỏi, mà còn xảy ra ở nhiều phương diện, thuộc nhiều cấp độ giáo dục khác nhau trong đời sống giáo dục hiện nay của chúng ta. 

Nếu độc giả kể về những điểm 10 kinh ngạc mà nhiều em học sinh đạt được từ lớp 1 đến lớp 5, ở cả hai môn Văn, Toán thì chúng tôi lại đang nghĩ đến những sự kinh ngạc khác, ở cấp độ đỉnh chóp của một hình tháp giáo dục: cấp độ đào tạo thạc sĩ/tiến sĩ. 

Chỉ cách đây chừng 4 tháng thôi, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra hàng loạt những sai số không thể nào tin nổi trong việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội. Chính ở đây, từng xuất hiện những đề tài tiến sĩ như thế này:

- Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch xã.

- Hành vi nịnh trong tiếng Việt.

- Câu bị động trong tiếng Anh và các phương thức dịch sang tiếng Việt...

Không cần phải là những nhà hàn lâm cao siêu, bất cứ người bình thường nào cũng đủ trình độ "ngửi" ra những điều bất thường ở những đề tài tiến sĩ này. Bất thường như thế mà vẫn được thông qua, vậy thì sự thông qua ấy là thực chất hay cũng chỉ là để diễn với nhau? 

Sở dĩ chúng tôi đặt ra câu hỏi này vì trong một lần trò chuyện mang tính trà dư tửu hậu, một nhà khoa học xã hội đã và đang tham gia rất nhiều hội đồng khoa học đã chia sẻ rất thực rằng: khi đã ra đến hội đồng, số lượng những đề tài thạc sĩ/ tiến sĩ bị phản biện triệt để và đánh trượt là rất thấp. 

Vẫn có những môi trường học thật - thi thật. Ảnh minh họa: L.G.

Còn nếu phải lấy những dẫn chứng mang tính định lượng về sự kỳ quặc của một bộ phận những hội đồng nào đó thì chính kết luận của Thanh tra Bộ về quá trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội sẽ nói lên tất cả. Kết luận này chỉ ra:

- Có nhà khoa học là tiến sĩ ngành Kinh tế nhưng lại được giao hướng dẫn nghiên cứu sinh chuyên ngành Quản lý giáo dục. Lại có vị tiến sĩ ngành Nhân học lại cùng lúc hướng dẫn tới 7 nghiên cứu sinh ngành Dân tộc học...

- Tại cùng một thời điểm có người được giao hướng dẫn từ 18 - 20 học viên, một con số rất khó đảm bảo chất lượng. Nhưng vẫn chưa hết, có người cùng lúc hướng dẫn tới 44 học viên, trong đó có những học viên thuộc những ngành khác nhau như ngành Chính sách công, ngành Công tác xã hội, hay ngành luật...

Thưa độc giả Thái Thị Nga, nhắc lại câu chuyện này, chúng tôi muốn nói rằng nếu không nhờ năng lực diễn xuất của những đối tượng cùng tham gia một quy trình đào tạo thì chắc chắn hàng loạt những dấu hiệu bất thường không thể trở thành bình thường như vậy được. 

Và cũng nhờ cái quy trình "cùng nhau diễn" này mà trong xã hội, người ta mới không ngừng xôn xao bàn tán về những ông/ bà tiến sĩ “rởm” - những người mà cảm giác như sinh hoạt học thuật của họ nằm ở trên facebook, hay những bài báo vụn vặt, chứ không nằm ở những công trình nghiên cứu có ích cho xã hội. 

Cá nhân người viết thậm chí còn tận mắt chứng kiến một thạc sĩ báo chí nọ hì hà hì hục viết một bài báo 500 chữ theo yêu cầu của toà soạn cũng không xong! 

Hẳn nhiên, chúng ta đủ tỉnh táo để không từ một bộ phận những ông/bà thạc sĩ/ tiến sĩ “rởm” kiểu này mà vơ đũa cả nắm, rồi qui kết đấy là bộ mặt chung của giới học thuật hiện nay. Bởi trong bất cứ lĩnh vực khoa học nào hiện nay, chúng ta cũng có thể tìm thấy những công trình nghiên cứu đích thực của những nhà khoa học có năng lực và phẩm cách khoa học đích thực.

Cũng như thế, không thể vì những em học sinh đạt tối đa 100% điểm 10 trong 5 năm học, ở hai môn học Văn/ Toán mà độc giả nêu ra để vội vã qui kết rằng quá trình học "diễn", thi "diễn", cho điểm "diễn" là bộ mặt chủ đạo của ngành giáo dục. 

Bởi thực tế là vẫn có những môi trường học thật - thi thật, để rồi từ đó đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam vẫn không ngừng mang về những tấm huy chương danh giá mỗi năm. 

Điều chúng ta chỉ nên kết luận ở đây là biểu hiện "diễn" trong giáo dục quả nhiên đã và đang xảy ra ở nhiều cấp độ và nhiều phương diện, chứ không riêng gì trong những cuộc thi giáo viên giỏi như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra.

Vậy thì chúng ta phải giải quyết gốc gác vấn đề này như thế nào?

Chúng tôi đồng ý với độc giả là bản thân ngành giáo dục cần phải có những chuyển biến mạnh mẽ, từ việc thay đổi các mô hình đánh giá người dạy và người học, xoá bỏ dần những cuộc thi không thực chất đến việc có những biện pháp để cụ thể hoá triết lý giáo dục chủ động, sáng tạo, khai phóng vốn đã được nói đến rất nhiều.

Nhưng nhìn rộng ra, chúng tôi nghĩ rằng đây có lẽ không chỉ là câu chuyện riêng của ngành giáo dục. Bởi ở một góc độ nào đó thì chúng ta cũng nên và cần hỏi lại chính chúng ta, rằng trong mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, chúng ta liệu có thể tự tin trả lời rằng mình cũng không hề "diễn" hay không? 

Khi những ông bố bà mẹ trong một gia đình vẫn luôn diễn với người khác và diễn với nhau thì cũng đừng mong chỉ nhờ một nền giáo dục "không diễn xuất" mà con cái mình có thể trở thành những công dân trung thực.

Trong bối cảnh xã hội với đầy rẫy những thứ giá trị thực - ảo hôm nay, chúng tôi nghĩ rằng nhà trường cần thay đổi, nhưng bản thân mỗi chúng ta, mỗi gia đình cũng cần nhìn lại chính mình và thay đổi!

Vương Trọng Tín
.
.