Một chuyện rất buồn

Thứ Sáu, 04/03/2016, 16:47
Thú thật là mỗi lần viết về những vụ việc ở chuyên mục này, lòng tôi luôn vô cùng buồn bã, mỏi mệt. Như tôi vẫn thường nghĩ, tận cùng của con người là lương tri, là tính thiện. Chỉ đáng hận là, bẫy rập của thân phận vẫn chờ chực ở những biến cố của đời người. Mà có ai lại không từng gặp biến cố trong cõi đời phù phiếm này đâu.

1. Ngày 10-2-2016, tức mùng 3 Tết Nguyên đán, tại căn nhà 3 tầng trên đường Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh xảy ra một vụ trọng án.

Cháu gái 3 tuổi tử vong, bên cạnh là người mẹ bất tỉnh với những vết thương trên cơ thể. Sau khi phát hiện vụ việc, người thân của nạn nhân đã báo cơ quan chức năng đồng thời đưa người mẹ đi cấp cứu.

Sau một tuần được điều trị, người mẹ bị Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an thành phố Hồ Chí Minh tạm giữ để điều tra về hành vi giết con ruột. Tôi gọi người mẹ với cái tên giả định là Phương. Phương đang là nghi can của vụ trọng án ấy.

Khai nhận với Cơ quan Công an, Phương trình bày về mối mâu thuẫn giữa Phương và chồng.

Vợ chồng Phương là tiểu thương có quầy kinh doanh ngoài chợ, cuộc sống ấm êm. Mọi thứ chỉ thôi ấm êm khi chồng Phương nghi ngờ cô con gái (cháu đã tử vong) không phải là con ruột của anh. Rất âm thầm, anh đưa cháu đi xét nghiệm ADN. Thời điểm chồng Phương đưa con gái đi xét nghiệm là đầu tháng 1-2016.

Đáng tiếc là kết quả xét nghiệm lại cho thấy cháu gái không cùng huyết thống với chồng Phương. Hẳn nhiên theo dõi đến đây, bạn đọc cũng đã mường tượng được tình cảnh của Phương sau khi chồng có kết quả xét nghiệm.

Trích thông tin ban đầu: “Tối mùng 2 Tết (9-2-2016), vợ chồng Phương lại cãi nhau, Phương bỏ xuống tầng trệt ngủ. Phía trên lầu, chồng Phương nghe tiếng ầm ĩ nên xuống tầng trệt xem xét. Tại đây, chồng Phương phát hiện Phương có ý định treo cổ tự sát. Chồng Phương ngăn cản. Tiếp đến, Phương đòi dùng dao tự vẫn, chồng Phương vẫn ngăn cản. Vợ chồng trao đổi với nhau một chốc, Phương lên lầu ẵm cháu bé sang phòng ngủ. Sáng hôm sau, chồng Phương phát hiện ra vụ việc đau lòng”.

Phương khai báo: “Khi ẵm con lên lầu, tủi thân lẫn lo lắng vì sợ con sẽ bị chồng hắt hủi bởi không cùng huyết thống. Phương ôm chặt cháu vào lòng cho đến lúc không thấy cháu thở nữa. Tiếp đó, Phương dùng kéo cắt tay. Bố ruột của cháu bé không may vắn số ấy, là một người đàn ông cùng kinh doanh ở chợ”.

Xót xa quá, nhỉ?

2. Lâu trước, tôi có kể câu chuyện của một anh bạn, title bài là Giám định phận người, chuyện tương tự như chuyện của vợ chồng Phương. May mắn là hậu quả không nghiêm trọng ngoại trừ sự tổn thương mà anh bạn phải chịu đựng và tự mình tìm cách giải quyết.

Trích lại: “Rượu cạn, bảo thôi anh em mình về, trời khuya mà em còn nhiều việc. Anh gạt tay, mỏi mệt. Nghe anh kể hết câu chuyện này. Anh đang buồn.

Anh nói, anh mới bí mật gửi mẫu máu của con trai mình đến Bệnh viện Truyền máu và Huyết học để xem cậu nhóc có phải là huyết thống của anh không. Kết quả, đúng như anh dự tính và sợ hãi bấy lâu, cậu nhóc không phải là con ruột của anh. Anh suy sụp hoàn toàn. Bỏ vợ, thì anh không nỡ. Vì anh còn thương. Chối con, anh lại càng không làm được. Vì nhiều năm nay, đó là niềm vui sống của anh.

Tôi hỏi, mắc mớ gì đâu mà anh lại đi làm hành động dại dột ấy. Anh hắt hiu, người ta cứ xầm xì hoài. Nhiều lúc, anh ẵm con trai vào phòng tắm, hai cha con áp mặt nhìn nhau soi vào gương, anh không thấy con trai anh có điểm tương đồng nào với anh. Tôi lặng im, anh thở dài. Anh là trí thức, chị cũng trí thức. Anh thân với tôi ngày tôi còn là sinh viên, bông phèng bạt mạng.

Anh chị yêu nhau hơn sáu năm thì thành chồng thành vợ. Anh làm lắm tiền, đủ để chị muốn gì có đó. Lấy nhau được hơn năm, thì chị mang thai. Anh mừng, còn hơn sắp phá sản lại trúng số độc đắc cặp nguyên. Nghe ai mách, phụ nữ có thai ăn cái này cái kia sẽ tốt cho thai nhi, anh đều làm theo. Anh mua yến về, tỉ mỉ ngồi nhặt lông tơ, chưng cất rồi bưng bê đút từng muỗng nhỏ cho chị. Anh đặt mua trứng đà điểu tận Nam Phi để chị tẩm bổ. Anh tự đi chợ, lựa cá chép tươi về nấu cháo cho chị ăn để an thai.

Con trai chào đời, anh cười tít mắt. Ngồi đâu anh cũng nói về con trai, tưởng tượng về cái ngày mà anh được ngồi sui với người ta. Rồi anh sẽ về hưu, ở nhà chăm cháu nội.

Anh em ngồi với nhau, có điện thoại, thấy anh vội vã gọi tính tiền, đứng bật dậy. Hiểu là chị ở nhà, bấm số điện thoại của anh, cho con trai nói chuyện. Con trai hắt hơi, sổ mũi hay nổi mẩn đỏ, anh đưa vào Bệnh viện Nhi. Nhấc máy điện thoại, gọi hết chỗ này đến chỗ kia để nhờ vả. Gặp bác sĩ nào cũng khúm núm, dạ dạ vâng vâng, nhìn thảm không có lời nào tả xiết.

Thoắt cái, mọi sự đã khác.

Tôi nói với anh, có lần anh em mình tếu táo với nhau, hành động ngu xuẩn nhất của mỗi ông bố là mang con đi xét nghiệm ADN để khẳng định đó có thật là con của mình hay không, anh nhớ không. Anh trả lời, có nhớ. Nhớ thì sao anh lại làm. Thêm lần nữa, lặng im.

Anh hỏi: “Giờ anh phải làm sao hả em”. “Quên được không?”. “Không quên được”. “Ám ảnh rồi phải không?”. “Ừ. Nhưng kết quả xét nghiệm khoa học, chưa bao giờ là chuẩn xác 100%”. “Biết là vậy, nhưng kết quả xác tín sự hồ nghi của anh là chính xác”. “Nói với chị điều này chưa?”. “Chưa, đau lòng quá. Không biết nói làm sao”. “Ừ, thôi thì đừng nói nữa. Cố mà xem như không có chuyện gì xảy ra”. “Anh không thể”.

“Không thể thì cũng phải có thể”. “Thằng nhóc không có lỗi gì”. “Không được phép để nhóc có mặc cảm”. “Anh hiểu”. “Hiểu là được”.

Hôm ấy, thời khắc nặng nề trôi qua. Anh ngồi yên ắng như tượng đá, khói thuốc trắng một góc đường. Không biết khuyên nhủ nhau làm sao, cũng không biết trách móc nhau làm sao. Rượu rót đều tay, uống tàn rồi mà vẫn tỉnh”.

Bây giờ, ly dị rồi. Cũng đỡ vướng víu, cũng không biết bố ruột cậu bé ấy là ai, Không hỏi, hoàn toàn không có nhu cầu hỏi, chỉ thương cháu, thương anh, thương luôn cả chị.

Gió sớm mưa chiều, một lần nông nổi, một lần yếu mềm, một lần buông lơi, một lần bản năng, một lần cảm xúc, một lần dư âm, một lần tình cũ… hóa dang dở cả đời. Mà có phải mỗi mình mình chịu đâu, còn những người khác chịu.

Anh có gia đình mới, chị ở vậy nuôi con. Tôi cũng tránh gặp, chẳng vì sao cả. Vì không muốn gợi về chuyện tôi không muốn nhớ thôi. Thi thoảng vô tình thấy nhau, ngồi một lát, vội vã kiếm cớ chia tay.

3. Tếu táo đùa: “Chỉ có bà ngoại và mẹ không bao giờ nghi ngờ về nguồn gốc của con cháu. Còn lại, đều chưa chắc”. Đùa vui thôi, chứ đứa trẻ sinh ra là cả một thân phận đang chờ, một tương lai đang hy vọng. Ngày vợ hoài thai, ngày con bé bỏng chào đời, chăm sóc bú mớm, tập đi tập nói, bi bô gọi ba, thương làm sao kể xiết.

Lúc nào cũng mong đời con an lành, cầu cho con đỡ nhọc nhằn mai sau, chứ nỡ nào đâu lại để ý rồi sinh ra ý niệm hoài nghi con có phải cốt nhục không, con có phải huyết  thống không? Thật ra, nói phiên phiến cho qua chuyện vậy thôi, chứ làm sao mà an lòng khi con là con mình mà nhìn lạ hoắc. Có điều, con không giống mình thì có thể giống họ hàng nội ngoại, chuỗi gen di truyền là điều vẫn thường biến ảo khôn lường. Tôi không ngụy biện, chỉ là tôi thường tin vào chữ duyên trong đời sống này, nợ nần nhau phải trả cho hết kiếp này, nhân quả phải gieo gặt cho xong. Thế nên, đừng đặt ra nghi vấn thì sẽ không thôi thúc một hành động cố tìm câu trả lời.

Tuy nhiên, sòng phẳng mà thừa nhận thì trót làm cái chuyện gió trăng yếu mềm, phù phiếm ảo mộng ấy thì cũng cố đừng để lại hậu quả. Tôi biết một vài câu chuyện buồn xung quanh chi tiết này, câu chuyện nào cũng từa tựa nhau.

Mấy hồi, có viết câu chuyện của anh chàng ca sĩ làm cho cô nàng ca sĩ khác có con. Anh chối bỏ, bảo đó là một tai nạn chứ anh không yêu cô ta. Tôi lạm bàn với đại ý, thì đồng ý là không yêu, nhưng tạo ra một đứa trẻ bắt buộc phải có trách nhiệm. Vì đứa trẻ còn có cả một cuộc đời.

Người bạn tôi email, bảo tôi nệ cổ. Và cái chuyện có thai vì quan hệ ngẫu hứng không yêu đương chỉ là sự cố thôi.

Tôi không có thói quen tranh luận về quan điểm, bạn đọc đọc tôi nhiều sẽ biết tôi luôn đề cao cá nhân tự tu dưỡng.

Nhưng dẫu có tự tu dưỡng ra sao đi chăng nữa thì hãy tin rằng, tạo ra một đứa bé không đơn giản như một lời hứa hẹn, một tương lai mơ hồ hay một cảm xúc trong lúc hoan ca.

Bất cứ đứa bé nào có mặt trên đời này đều xứng đáng được nhận những yêu thương, được thụ hưởng sự hạnh phúc, ấm áp và đủ đầy.

Hãy cẩn trọng với một cuộc đời của người khác, dẫu đó là cá nhân do bạn tạo ra. Vì một đứa bé chào đời, chưa bao giờ là chuyện đơn giản nếu như đó là một vụng trộm.

Tôi không sử dụng ảnh nghi can Phương cho bài viết này, lý do là tôi không muốn

Kinh Hữu
.
.