Một chương trình - nhiều bộ sách: Đơn đặt hàng của thời đại

Thứ Tư, 26/09/2018, 15:39
Việc "nhiều hơn", "lạ hơn", "khác hơn" trong rất nhiều trường hợp lại khiến người ta hỗn loạn. Mà hỗn loạn trong giáo dục thì là đại họa. 


Kính gửi Toà soạn báo ANTG Giữa tháng - Cuối tháng!

Tôi nghe nói trong vài năm tới đây bậc giáo dục phổ thông ở nước ta sẽ áp dụng mô hình "một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa", một thay đổi mà theo quan sát của tôi là mang tính bước ngoặt, dù đó là bước ngoặt tốt hay chưa tốt thì còn phải bàn thêm. 

Vì, ai cũng biết là những nền giáo dục phát triển trên thế giới đã áp dụng điều này từ rất lâu rồi. Nhiều bộ sách hơn có nghĩa là người dạy và người học sẽ có nhiều sự chọn lựa hơn. Nhiều sự chọn lựa hơn có nghĩa là sẽ xuất hiện nhiều ý kiến đánh giá hơn.

Tuy nhiên đặt trong bối cảnh cụ thể của chúng ta thì việc "nhiều hơn", "lạ hơn", "khác hơn" trong rất nhiều trường hợp lại khiến người ta hỗn loạn. Mà hỗn loạn trong giáo dục thì tôi nghĩ là đại họa. 

Chắc toà soạn vẫn nhớ, năm ngoái một giáo sư có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục chỉ mới công bố những đề xuất cải cách tiếng Việt trong một hội thảo chuyên ngành thôi, ấy thế mà dư luận đã nổi sóng. Năm nay, lại có những cơn sóng tương tự xung quanh chương trình giáo dục thực nghiệm của một giáo sư giàu kinh nghiệm khác. 

Điều bi hài nằm ở chỗ có những người thoạt tiên hùa theo số đông chỉ trích giáo sư này, kể cả công trình khoa học lẫn con người cá nhân - một cách chỉ trích mà theo tôi là cực kỳ vội vã và thiếu căn cứ, nhưng rồi sau đó, khi được "nghe cho thông, cho thủng" thì vẫn những người đó lại quay sang ca ngợi, tung hô. 

Điều đó nói rằng chúng ta vẫn chưa có một tầm nhìn, một bản lĩnh thực sự để nhận diện những mô hình giáo dục khác nhau, từ đó tạo ra những hỗn độn, hoang mang không cần thiết.

Tới đây, khi cùng lúc xuất hiện nhiều bộ sách giáo khoa, điều gì đảm bảo là những hỗn độn, hoang mang kiểu này không lặp lại? Và nếu nó lặp lại thì các thầy cô giáo, các em học sinh sẽ bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực ra sao? 

Như đã nói ngay từ đầu, tôi vẫn cho rằng "một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa" là một thay đổi bước ngoặt trong ngành giáo dục, nhưng vì những lý do đã nêu mà tôi vẫn thấy có một cái gì đó lo ngại. Hay là tôi rơi vào trường hợp "con chim bị thương - sợ cành cây cong" mất rồi?

Thưa toà soạn, tôi nghĩ rằng đây cũng không chỉ là lo ngại của riêng tôi, mà còn là những lo ngại chung, những lo ngại khó tránh của rất nhiều bậc phụ huynh cùng rất nhiều thầy/cô giáo khác. Xin được chia sẻ tâm sự này với toà soạn, và rất hạnh phúc nếu được toà soạn phản hồi.

Nguyễn Thị Ngân (giáo viên về hưu tại Hà Nội)

Kính gửi bác Nguyễn Thị Ngân!

Chúng tôi rất hiểu tâm trạng của một giáo viên như bác, trước một thay đổi mà đúng như bác nói là "mang tính bước ngoặt" trong ngành giáo dục chúng ta. Những hoang mang hỗn độn mà dư luận xã hội thường tạo ra trước những "cái mới", "cái khác" mà bác đề cập cũng cực kỳ chính xác. 

Còn có những lo ngại nữa về việc "một chương trình - nhiều bộ SGK" mà chúng tôi cũng đã nghĩ đến, xin được chia sẻ với bác, đó là nếu lãnh đạo một trường nào đó móc ngoặc với một đơn vị viết sách nào đó để chọn lựa bộ sách vì mục đích có lợi cho mình, chứ không phải có lợi cho sự nghiệp giáo dục của trường mình, thì sao? 

Những câu chuyện về lợi ích cá nhân rồi lợi ích nhóm từng xuất hiện trong nhiều lĩnh vực của đất nước ta, khiến chúng tôi không thể không nghĩ đến những tình huống này.

Nhưng rồi chúng tôi lại nghĩ: chẳng nhẽ vì tất cả những nguy cơ đó mà chúng ta vẫn giữ nguyên mô hình một chương trình - một bộ sách như đã có từ xưa đến nay chăng? 

Cái mô hình giáo dục mà ai cũng thấy là rất tụt hậu so với thế giới, và tụt hậu luôn so với nhiều mô hình vận động trong nhiều lĩnh vực khác trên chính đất nước của chúng ta hiện nay. 

Thế nên theo chúng tôi, vấn đề đáng bàn ở đây không phải là chuyện một chương trình một bộ sách hay nhiều bộ sách nữa, mà là chúng ta sẽ phải tìm cách khắc phục những nguy cơ tiêu cực mà mô hình mới có thể đem đến, theo cách nào?

Ví dụ như những lo ngại về những đánh giá khác nhau, từ đó có thể tạo ra một cơn sóng dư luận hỗn độn, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý học trò như bác đề cập, chúng tôi nghĩ rằng cần phải phân tích sâu hơn, để hiểu cho chính xác hơn mô hình này. 

"Một chương trình" có nghĩa là Bộ GD&ĐT vẫn đưa ra một khung chương trình giáo dục phổ thông mang tính chuẩn mực. 

"Nhiều bộ sách" có nghĩa là tất cả các bộ sách dù có được cấu tạo khác nhau, thể hiện khác nhau, nhưng về mặt nguyên lý, vẫn phải đáp ứng đúng những tiêu chí mà khung chương trình đưa ra. Vì vậy sự hỗn loạn về mặt nguyên lý chỉ xảy ra nếu chúng ta áp dụng mô hình "nhiều chương trình - nhiều bộ sách", chứ khó có thể xảy ra trong mô hình "một chương trình - nhiều bộ sách".

Hẳn nhiên, bộ sách này sẽ được đặt cạnh và đem ra so sánh với bộ sách kia. Những ý kiến khen - chê về bộ sách này, bộ sách kia là điều không thể tránh khỏi. Nhưng cùng với thời gian, và tuỳ từng đối tượng học sinh, chúng tôi nghĩ rằng các thầy cô giáo rốt cuộc sẽ biết rõ nhất bộ sách nào phù hợp với học sinh của mình, bộ sách nào thì không. 

Về giả thiết các thầy cô có thể chọn các bộ sách không dựa trên sự phù hợp này, mà dựa trên "lợi ích cá nhân" hay "lợi ích nhóm" thì chúng tôi nghĩ nó sẽ không thể diễn ra nếu sự chọn lựa của các trường và kết quả, hiệu quả học tập của học sinh được công khai minh bạch. 

Mà sự công khai, minh bạch này không hề khó, vì sau mỗi một học kỳ, kết quả học tập của tất cả các học sinh hẳn nhiên không phải là thứ để người ta... bảo mật.

Các thầy cô giáo sẽ biết rõ nhất bộ sách nào phù hợp với học sinh của mình, bộ sách nào thì không. Ảnh: L.G.

Chúng tôi đã từng trao đổi với thầy giáo Đào Tuấn Đạt, hiệu trưởng trường PTTH Anhxtanh (Hà Nội), và thấy rất rõ sự hồ hởi của thầy về mô hình "một chương trình - nhiều bộ sách".

Thầy Đào Tuấn Đạt phân tích: "Bản chất của SGK là gì? Bản chất của SGK chỉ là sự tham khảo. Giáo viên dùng các bộ SGK để tham khảo, từ đó truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho người học, chứ không phải lấy nó như "Thánh kinh" để dạy dỗ các con chiên". 

Từ đây, thầy Đào Tuấn Đạt thậm chí đã tính đến tình huống có thể đề nghị các giáo viên căn cứ trên các bộ sách để soạn ra một giáo án riêng phù hợp với năng lực của học sinh từng lớp, chứ cũng không chọn cụ thể một bộ sách nào.

Tới đây, có một vấn đề nảy sinh: Khi các trường chọn lựa các bộ sách khác nhau thì những kỳ thi chung ở cấp tỉnh, cấp thành phố, cấp quốc gia sẽ diễn ra như thế nào? 

Câu trả lời là khi đó những kỳ thi này sẽ hướng vào việc kiểm tra kỹ năng, đánh giá phương pháp tư duy của học sinh, mà đoạn tuyệt hẳn với kiểu kiểm tra kiến thức đơn thuần. Khi ấy rõ ràng là mọi thứ sẽ theo đổi theo chiều hướng sáng sủa hơn rất nhiều.

Kính thưa độc giả Nguyễn Thị Ngân, sử dụng SGK như thế nào, giáo dục con người như thế nào xét cho cùng phải phụ thuộc vào đơn đặt hàng của từng thời đại. Trong những xã hội phương Đông cổ điển ngày xưa, với vận động của những thời đại phong kiến tập quyền ngày xưa thì kiểu giáo dục - giáo huấn có lý do tồn tại của nó. 

Nhưng với thời đại 4.0 với sự bùng nổ thông tin ngày hôm nay, hẳn nhiên kiểu giáo dục giáo huấn, hay cấp độ nhẹ hơn là giáo dục - áp đặt, không còn đất tồn tại nữa. 

Bởi ở một thời đại mà một cái nhấp chuột có thể đưa một đứa trẻ tiếp cận những chân trời thông tin mà có thể là chính bố/mẹ, thầy/cô chúng cũng chưa từng chạm đến, thì có muốn áp đặt cũng không được. 

Thời đại này là thời đại của chọn lựa, nên phải trang bị cho những học sinh những kỹ năng để chọn lựa. Thời đại này là thời đại cùng xuất hiện của nhiều luồng ý kiến khác nhau, nên phải trang bị cho học sinh những phương pháp để có thể "nhận chân" các luồng ý kiến khác nhau. Mô hình "một chương trình - nhiều bộ SGK" đáp ứng rõ những yêu cầu thời đại ấy.

Tất nhiên, không có bất cứ mô hình, bất cứ thay đổi nào vừa thực hiện đã phát huy tối đa giá trị của nó. Ở giai đoạn chuyển giao từ "một bộ sách" sang "nhiều bộ sách", chúng tôi nghĩ rằng cũng sẽ nảy sinh những vấn đề thực tiễn buộc chúng ta còn phải điều chỉnh và thay đổi. 

Ví dụ như trước mắt, Bộ GD&ĐT cũng tham gia biên soạn một bộ sách giống như các tổ chức/cá nhân khác, để đề phòng việc xã hội hoá SGK không được thực hiện đầy đủ ở tất cả các môn học, các cấp học. 

Nhưng về lâu dài, nếu việc xã hội hoá SGK đã đảm bảo đầy đủ, trên diện rộng thì Bộ chủ quản có nhất thiết phải biên soạn, để rồi rất dễ bị hiểu nhầm là "vừa đá bóng vừa thổi còi" nữa không?

Thưa độc giả, chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề như thế buộc chúng ta phải giải quyết. Nhưng có một điều chắc chắn rằng phá thế độc quyền SGK, giúp cho người dạy và người học có được cơ hội chọn lựa là một thay đổi rất đáng hoan nghênh, hợp lòng thời đại. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn độc giả!

Nhà báo Vương Trọng Tín
.
.