Một câu chuyện khác

Thứ Năm, 19/05/2016, 14:07
Đây là một câu chuyện khác mà tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc, câu chuyện khác hẳn với những câu chuyện mà tôi đã từng viết ở chuyên mục này.

Tôi sẽ không bình luận gì cả, tôi chỉ nghĩ rằng nếu tất cả chúng ta đều im lặng thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

Hơn nữa, suy cho cùng thì bất cứ chuyện nào cũng phải diễn ra dưới ánh mặt trời và cho dẫu có nhọc nhằn vất vả, thì công lý vẫn sẽ chiến thắng dưới ánh mặt trời.

1. Bà Ngọc, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Ánh Ngọc, 34 tuổi. Bà cùng người thân ngụ cư trong căn chòi canh tôm ở khu vực rạch Ông Trúc (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).

Bà Ngọc được dư luận biết đến khi bà là nạn nhân của một vụ đánh, trói người và hủy hoại tài sản. Những cá nhân thực hiện hành vi ấy trực thuộc Ban Quản lý Bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành. Có câu nói của họ bị gia đình bà Ngọc ghi hình tôi nghe rất choáng váng: "Đánh luôn, đây là lệnh của cấp trên".

Trong hai ngày liên tiếp 26 và 27-2-2016, bà Ngọc cùng người thân bị nhân viên Ban Quản lý Bảo vệ rừng đánh, phá chòi giữ tôm. Để an toàn, bà vừa gọi điện thoại cầu cứu vừa phải tháo chạy. Trên youtube còn có những clip ấy, xem xong thật không khác những cảnh cường hào ác bá truy bức tá điền ngày xưa trong phim ảnh tuyên truyền.

Bà Ngọc kể rằng, mối quan hệ của bà với các nhân viên rừng phòng hộ rất hảo hữu, cho đến lúc bà phát hiện có một lực lượng mà bà nghi ngờ rằng khai thác cát lậu chuyên lén lút hút cát tại rạch Ông Trúc. Bà Ngọc âm thầm ghi hình, viết đơn tố cáo sự việc, không kèm theo nghi ngờ những nhân viên phòng hộ rừng làm việc kém trách nhiệm, làm ngơ cho gian thương khai thác cát. 

Có lẽ, chính vì vậy mà người ta được nghe câu nói từ một nhân viên phòng hộ rừng khi tiến hành tấn công và cưỡng chế căn chòi nuôi tôm của gia đình bà Ngọc, "Tui rất là hiền, mà kiểu đó là không được. Cao lắm là ở tù. Bà đánh đổ hết chén cơm manh áo của tụi tui".

Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc.

Bà Ngọc phản ánh câu chuyện gia đình bà bị đánh, bị trói, bị đạp đổ chòi giữ tôm đến báo giới, đó là một câu chuyện khiến dư luận phẫn nộ.  Cơ quan chức năng huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) cũng đã thụ lý đơn của bà Ngọc. Ngày 2-3, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành ra quyết định tạm đình chỉ công tác một số cán bộ và nhân viên để điều tra.

Thật bất ngờ vào ngày 19-4, bà Ngọc nhận được thư mời lên công an xã để làm việc về vụ nhân viên bảo vệ rừng đánh bà. Tuy nhiên tại xã, bà Ngọc bị Công an huyện Nhơn Trạch bắt tạm giam để điều tra về hành vi "Chống người thi hành công vụ" xảy ra từ ngày 5-9-2015.

Câu chuyện ngày 5-9-2015 cũng nhanh chóng được bạch hóa bằng hình ảnh, bà Ngọc yêu cầu cơ quan chức năng lập biên bản hành vi hút cát trộm của một phương tiện, không hiểu sao có rất nhiều dân "anh chị" xuất hiện hôm đó nhục mạ bà ngay trước mặt các nhân viên công quyền nhưng ngoài hành động năn nỉ ra, các nhân viên ấy hoàn toàn không có động thái nào. Và yêu cầu cơ quan chức năng lập biên bản được hiểu là hành vi "Chống người thi hành công vụ".

Bà Ngọc bị bắt tạm giam trở thành một quả bom thông tin, mà quả bom ấy không chỉ có sức công phá tại tỉnh Đồng Nai. Trưởng ban Nội chính của tỉnh này rồi đến cả bí thư tỉnh đều phải lên tiếng chấn chỉnh. Sau đó Viện kiểm sát nhân dân và Công an huyện Nhơn Trạch thả bà Ngọc, xin lỗi bà sau bốn ngày bà bị bắt tạm giam.

Chiều 26-4-2016, ông Nguyễn Chí Hà, Phó viện trưởng VKSND Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã trực tiếp công khai xin lỗi bà Ngọc. Ông Hà thừa nhận do có sai sót trong việc bắt giam bà Ngọc nên muốn gửi lời xin lỗi bà và gia đình. "Xem xét lại vụ việc, Viện kiểm sát thấy hành vi của bà Ngọc không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Chúng tôi thấy rằng nhận thức và am hiểu pháp luật chưa đảm bảo nên đã xảy ra sai sót nghiêm trọng này. Đây là kinh nghiệm sâu sắc để chúng tôi kiện toàn, chấn chỉnh công việc thời gian tới", ông Hà nói. 

Tuy nhiên, bà Ngọc đã từ chối thẳng thừng lời xin lỗi của viện kiểm sát vì cho rằng sau khi được đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bà vẫn bị công an huyện Nhơn Trạch xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng về hành vi "Cản trở kiểm tra, kiểm soát người thi hành công vụ".

Quyết định xử phạt 2,5 triệu đồng này như giọt nước tràn ly, đến độ ngày 28-4, Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu phải tạm đình chỉ những cán bộ, chiến sĩ có liên quan trong việc bắt oan bà Ngọc gồm một Phó trưởng Công an Huyện Nhơn Trạch và một Đội phó Đội điều tra Tổng hợp. Lý do, "Đã làm sai còn chống chế". Công an huyện Nhơn Trạch cũng đã ký quyết định thu hồi quyết định xử phạt hành chính bà Ngọc do đồng chí Phó trưởng công an huyện vừa bị đình chỉ công tác ký.

Bà Ngọc (người cầm hoa) trong buổi xin lỗi của VKSND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Ngày 7-5-2016, VKSND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã phê chuẩn quyết định khởi tố ông Lê Văn Lang (Trưởng Trạm Rạch Tràm) cùng 4 nhân viên bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản của bà Ngọc. Các nhân viên này được cho tại ngoại, nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.

2. Điều đau lòng nhất mà chúng ta thường chứng kiến, chính là cách hành xử tùy tiện của người đứng đầu các đơn vị, cơ quan tại địa phương. Không biết tư duy họ ra sao, mà cách hành xử của họ là điều mà tôi không thể nào hiểu được.

Trong lối hành xử đó, liên quan rất nhiều đến việc khởi tố, bắt bớ. Bất cứ công dân nào, nghe đến chuyện khởi tố, bắt tạm giam thì phản ứng đầu tiên chính là hoảng loạn, thần hồn nát thần tính. Họ không đủ thời gian để suy xét xem họ bị khởi tố, bị bắt vì lý do gì. Tôi tin rằng, các cơ quan chức năng thừa hiểu điều này mỗi khi hăng hái hồn nhiên đưa ra quyết định.

Khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tạm dừng khởi tố vụ quán cà phê Xin Chào, khi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phản ứng mạnh mẽ "Cái được ít hơn cái mất và đó không phải là đích đến của nền tư pháp này", khi Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí yêu cầu đình chỉ chức vụ người trực tiếp ký vào lệnh khởi tố ấy, khi Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP HCM cho biết đã xem xét hướng xử lý lãnh đạo công an huyện Bình Chánh, sau là đình chỉ công tác của Trưởng Công an huyện… thì dư luận thật sự phấn khởi, hy vọng.

Phải phấn khởi, phải hy vọng vì lần đầu tiên người dân trông thấy sự quyết liệt của các lãnh đạo cao cấp trong việc bảo vệ quyền lợi, tháo gỡ sự hoang mang cho người dân trước thái độ lộng quyền, vua con của những lãnh đạo địa phương.

Người Trung Hoa có câu, "Sát nhất miêu cứu vạn thử", ý nghĩa của câu này chắc là đã rõ tôi không lạm bàn sâu. Thế nhưng, quan trọng nhất chính là sự cương quyết của các lãnh đạo cấp cao (Nếu so sánh vụ xảy ra ở huyện Bình Chánh (TP HCM) và huyện Nhơn Trạch (Tỉnh Đồng Nai)) rõ ràng đã có sức tác động theo hướng tích cực. Bởi suy cho cùng, muốn thượng tôn pháp luật, muốn xã hội văn minh thì phải bắt nguồn từ cả hai phía, phía người dân và phía người lãnh đạo. Đặc biệt, là lực lượng lãnh đạo địa phương.

Lâu nay, ở nhiều địa phương có vẻ như pháp luật chỉ dành cho dân. Và mong rằng, sự cương quyết của những lãnh đạo cao cấp sẽ luôn song hành cùng đời sống chứ không phải chỉ trong chớp mắt hân hoan.

Quan trọng hơn, với tinh thần xây dựng vì cái chung, tôi tin rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng, các lãnh đạo địa phương nhất định phải chấp nhận rằng đây là thời điểm của một thế giới phẳng, tức là sự giao thoa về thông tin diễn ra nhanh chóng hơn, thuận tiện hơn. Chúng ta đã từng chứng kiến một tài khoản facebook đã lan toản thông tin như thế nào, chúng ta cũng từng chứng kiến những thông tin từ facebook đã tác động đến đời sống thực như thế nào.

Vấn đề ở đây chính là có vẻ như nhiều quan chức địa phương vẫn chưa hình dung được sức mạnh của thông tin trong thời điểm này, và nếu có hình dung được thì cũng thường hay lo ngại. Kiểu như, các đồng chí cảnh sát giao thông vốn thường ngại ngùng khi người vi phạm giao thông sử dụng điện thoại di động để quay hình kèm vậy.

Việc đúng thì mạnh dạn làm, việc sai thì nên sửa, đó chính là cách mà các lãnh đạo địa phương nên lưu tâm ở thời điểm này.

Càng ngày chúng ta sẽ càng tiệm cận hơn với sự minh bạch, mọi thứ phải bắt đầu từ thấp cho đến cao, và hiện trạng đang là giai đoạn cơ sở. Hãy xem một vài cán bộ miền núi Nghệ An bị xử lý như thế nào khi chặn đường khám xét dân một cách hồ đồ rồi sau đó lại xảy ra lùng nhùng tiền bạc. Gần nhất là vụ mấy ông dân quân sử dụng gậy tấn công người vi phạm giao thông. Phải thật sự hiểu để thay đổi, để làm việc, chứ không chỉ hiểu để đề phòng, để tránh né.

 Câu chuyện của bà Ngọc là một điển hình để nhìn thẳng vào thực tế.

Kinh Hữu
.
.