Mẹ già bạc phận

Thứ Hai, 06/06/2011, 14:48
Khi những người con của cụ gặp nhau ở tòa án, nhìn nhau như xa lạ, mặt lạnh như tiền, thậm chí thi thoảng ném về nhau ánh mắt của kẻ thù dành cho kẻ thù, thì cụ vẫn nằm trên cái ghế bố cũ kỹ, cáu bẩn, lặng im nhìn cuộc sống trôi qua kẽ tay… Sự hắt hiu đã án ngữ nơi này nhiều ngày tháng qua…

1. 93 tuổi, cái tuổi đã quá ngưỡng để trở về với đất. Hẳn cũng đã nếm đủ vị, hỉ nộ ái ố, sinh tử biệt ly, tai ương hoan lạc. Chỉ thoảng thêm chốc nữa là hóa cỏ xanh, vậy mà cụ vẫn nằm đó, trong khoảnh sân có mái vòm che, được người hàng xóm tốt bụng cho ở nhờ.

Cách nơi cụ nằm một bức tường gạch là căn nhà của cô con gái ruột của cụ … Tính từ hôm hai chị em họ lục đục với nhau, cụ được tiễn ra đường theo cô con gái út, cụ chưa gặp lại người con gái của mình thêm lần nào nữa dẫu nếu muốn giáp mặt thì chỉ cần xê xích vài bước chân.

Bà Xíu, người con gái út đang nuôi cụ bằng nghề bán chè dạo, cùng trú chung với cụ ở cái khoảng không bé tẹo mà hàng xóm cho ở nhờ trước sân, nói với tôi là từ hôm bà Xíu với bà Hợi đá thúng đụng nia đến giờ, mẹ bà không cất miệng nói điều gì nữa.

Trong suốt câu chuyện diễn ra giữa tôi với bà Xíu, tôi vẫn kịp dành nhiều thời giờ nhìn sang cái ghế bố cụ đang nằm, để quan sát xem cụ có nhìn về hướng chúng tôi nói chuyện không... Tuyệt nhiên không, cụ vẫn nằm như có ai đó đã mặc định sẵn một chương trình cho các thiết bị điện tử tự động…

Cụ Chung và người con gái út

Ngày chồng cụ còn sống, hai cụ dắt díu nhau mưu sinh bằng nghề bán tàu hủ dạo. Tàu hủ dạo là thứ thức ăn chơi của người miền Nam, tàu hủ được làm bằng đậu nành nấu đặc quánh, chan thêm nước đường thắng dẻo, rải thêm ít gừng tươi… Ăn vừa ngọt, thơm lại béo. Ở một số nơi, người ta gọi tàu hủ là tào phớ.

Người dân ở con hẻm lao động mang tên xóm Bắc trên đường Đoàn Văn Bơ, phường 16, quận 4, có ai không biết vợ chồng cụ. Từ ngày xa lắc, khi người già nằm xuống, người trẻ lớn lên, hai cụ vẫn ở trong căn nhà bé xíu đoạn gần giữa hẻm.

Năm người con có đủ trai lẫn gái của hai cụ cũng được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên trong căn nhà ấy. Bà Xíu kể: Sinh thời, bố mẹ bà chắt chiu có mua trả góp được mảnh đất con con đối diện căn nhà mà họ đã từng sống. Mẹ bà mua cho bố chỉ là để ông nuôi thêm con gà, con heo nhằm kiếm ít tiền ra tiền vào.

Những chị em bà Xíu lớn lên được dựng vợ gả chồng cũng bắt nguồn từ số tiền quy đổi bằng mồ hôi của đôi quang gánh trên vai hai cụ. Hơn hai mươi năm trước, cụ ông bỏ cụ bà mà đi. Cụ ông đi nhẹ tênh, đêm nằm ngủ, sáng khi mọi người thức giấc, cụ ông đã không bao giờ dậy nữa.

Cụ ông mất được ít lâu, người con trai và con gái của cụ bà, lập gia đình, ra riêng rồi có con… cũng đột ngột bỏ cụ bà lại cõi người để vội vã đi về miền xanh thẳm. Ba tin dữ đến dồn dập dẫu không liên tiếp nhau, nhưng cũng đủ khiến cụ bà ngã quị.

Cô con gái út của cụ bà quá thì, ở vậy nuôi mẹ.

Bà Xíu kể với tôi, mẹ bà trước đây khỏe lắm. Da trắng hồng, dáng người hoạt bát… chứ không phải chỉ còn da bọc xương, khuôn mặt sầu não như bây giờ đâu.

Ở cái nhà mà mẹ bà Xíu đang sở hữu, lại chịu cảnh cô con gái út khư khư giữ lấy, cô con gái lớn tiễn ra đường, ngủ ngoài vỉa hè, hít gió ngậm sương nhiều đêm liền mà vẫn còn đủ sức khỏe để chứng kiến trọn một cảnh "cành đậu đun hạt đậu/ hạt đậu khóc trong nồi"… thì cũng quá đủ để cho một bi kịch mà kiếp người mắc phải.

2. Hôm gặp tôi ở Tòa án Nhân dân quận 4, người hàng xóm của cụ bà nói với tôi là, nhà báo cố giúp cô Xíu, chứ tui thấy cô Hợi đối xử với mẹ như vậy là không được.

Tôi cười xòa thay lời đáp, bởi không biết phải giải thích cho người hàng xóm nhiệt tình ấy hiểu cái cảm nhận của tôi về toàn bộ câu chuyện này như thế nào. Dĩ nhiên, cái cảm nhận ấy dựa trên những chi tiết mà người trong cuộc đã kể lại cộng với trực giác của một tay nhật trình.

Bà Xíu nói, bà thương cha mẹ nghèo nên cứ ở vậy phụ bố mẹ nên không lấy chồng. Tôi nghe vậy biết vậy, vì người ta có thể không lập gia đình bởi nhiều lý do khác nhau. Có khi, nghèo cũng là một nguyên nhân hợp lý(?!). Bà Xíu kiếm sống suốt thời con gái cho đến khi lỡ thì bằng những nghề lặt vặt khác nhau, bán chè, bán tàu hủ dạo, rồi phụ quán cơm, lắm khi còn làm phụ hồ trong các công trường ở thành phố.

Cái chuyện bà làm phụ hồ xảy ra sau khi bà bị… phá sản. Tôi đã tính hỏi bà Xíu nhiều lần rằng, cô làm nghề buôn thúng bán bưng, mà phá sản là phá sản làm sao, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, hỏi không tiện. Nên thôi.

Phá sản nghĩa là mắc nợ tiền của thiên hạ, oan có đầu nợ có chủ, thiếu tiền phải trả bằng tiền thôi. Dĩ nhiên luôn là như vậy, thế nên khi không có tiền, người ta có thể xoay tiền bằng những thứ mình có trong tay, như: căn nhà của bố mẹ mình để lại chẳng hạn.

Bà Xíu bán căn nhà mà bà và mẹ bà đang ở được 4 cây vàng. Sau khi đã dứt nợ, đã bắt đầu hành trình phiêu bạt giang hồ đúng 8 năm trời, trước khi gặp lại mẹ mình trong căn nhà mà chị bà, tức bà Hợi, đã từ lâu bà Hợi tưởng rằng căn nhà thuộc về chính mình.

Bà Hợi, ngày lấy chồng rồi theo chồng lên Tây Ninh trong đợt lên vùng kinh tế mới. Vài năm trôi qua, bà trở về lại Sài Gòn với chồng và những đứa con thiếu thốn. Bà nói với mẹ bà là, con khổ, má thương vợ chồng con, thương mấy cháu.

Ừ, thì thương! Mảnh đất con con trước đây chồng cụ bà mua dùng để nuôi gà, nuôi heo nay san lấp lại, bà Hợi dựng cái nhà nhỏ làm nơi chui ra chui vào. Nhiều năm sau, khi cuộc sống đã ổn định hơn, bà Hợi cùng chồng con sửa lại căn nhà cũ ít nhiều.

Cụ bà về ở với bà Hợi trong hoàn cảnh ấy.

Bà Xíu nói thêm là dẫu cho phiêu bạt giang hồ, bà vẫn về thăm mẹ mình đều đặn. Mỗi lần bà về thăm, là thêm lần nghe hàng xóm xì xầm rằng, bà Hợi đối với mẹ ruột mình cũng tệ. Bà nghe vậy biết vậy, rồi lại đi.

Mãi hơn năm trước, bà Hợi đột ngột đề nghị bà Xíu về ở chung. Bà bảo, hai chị em cũng có tuổi cả rồi, mà mẹ ngày càng yếu, thôi thì em về ở chung với chị, có gì chị em nương tựa nhau, mà mẹ cũng có người coi sóc.

Thời điểm ấy, cụ bà gần như trở thành người bị liệt hai chân bởi di chứng sau lần vấp bậc tam cấp té đến vỡ đầu. Tuổi già thường đi kèm tai ương… Những lần trái gió trở trời, những lúc huyết áp lên xuống đột ngột, phút chốc biến cụ bà thành gánh nặng cho con cái.

Bà Xíu không thể tự ăn, cũng chẳng thể tự làm vệ sinh cá nhân. Bà Xíu về ở chung với bà Hợi để đảm trách việc ấy.

Ngày vui qua mau, ở được dăm bữa nửa tháng thì rạn nứt trong tình chị em giữa bà Hợi và bà Xíu xuất hiện.

Bà Xíu trách bà Hợi là con cùng một mẹ, vậy mà mỗi lúc mẹ đi tiểu là bà Hợi lại sai con cháu trong nhà, chạy lên chợ, nơi bà Xíu đang bán chè, để gọi bà về tắm giặt cho mẹ. Rồi bà ức, bà bảo sao bà Hợi có thể vệ sinh cho cháu nội mình, còn mẹ là không… Bà Xíu uất cả chuyện, bà Hợi cứ suốt ngày càm ràm việc mẹ ở không vệ sinh, e rằng sẽ lây bệnh cho cháu nội bà, tức là cháu cố của người phụ nữ mà bà Hợi gọi là mẹ.

Đỉnh điểm của câu chuyện đá thúng đụng nia ấy là ngày bà Xíu xưng mày tao với bà Hợi, chồng bà Hợi nhào vào đánh bà Xíu đến tím tái chân tay. Đồ đạc bà Xíu bị quẳng ra giữa con hẻm nhỏ, bà Hợi chỉ tay lên trời, thề độc, từ nay tao không có người em là mày nữa.

Bà Xíu trước khi đi, cũng kịp thương lượng mang mẹ mình theo…

3. Bà Xíu kể rằng, khi bà đỡ mẹ bà lên xe lăn đẩy ra khỏi nhà bà Hợi, bà Hợi tuyên bố, có hàng xóm chứng kiến rằng, mẹ bà chết không cho quàn ở nhà bà, không cho cả chuyện mang vào nhà thờ. Bà Xíu khóc rưng rức, trả lời, không cho thờ thì sẽ bỏ di ảnh mẹ lên cái xe đẩy bán chè, cho có mẹ có con. Ông hàng xóm nhào vào ra tay trượng nghĩa, nó không cho cô quàn bà cụ trong nhà thì cô cứ mang sang sân nhà tôi mà làm đám tang cho cụ…

Mọi thứ cứ nháo nhào cả lên, không ai kịp để ý đến mẹ của cả bà Hợi lẫn bà Xíu đang ngồi lau nước mắt. Từ đó, cụ bà không nói gì nữa.

Tôi hỏi bà Xíu là sao bà không để mẹ bà ở với bà Hợi, cụ bà già rồi, đã ở ngoài đường mấy ngày liền, giờ lại ở ké trong sân nhà người khác, đâu có tiện. Bà Xíu trả lời, vì chỉ có bà quen chăm sóc mẹ, để mẹ ở với bà Hợi, chuyện vệ sinh cơm nước ai lo…

Rồi bà bảo tiếp, bà còn hồ sơ thể hiện căn nhà của bà Hợi, phần diện tích đất đã được bố bà để lại cho anh trai bà. Người anh từ ngày lấy vợ, ở luôn bên nhà vợ. Mà nhà vợ cũng nghèo xác xơ, ông kiếm bạc lẻ từ những cái đĩa CD sang chép lậu đủ thể loại từ đĩa ca nhạc, phim hài, đĩa nhảm…

Hai anh em bà tính với nhau rồi, đợt này sẽ kiện bà Hợi ra Tòa… Hôm gặp nhau ở Tòa án quận, người anh trai bà Xíu kể với tôi nhiều chuyện khác. Tôi nghe câu được câu mất, bởi đó là những chuyện không hay ho gì.

Chiều qua, bà Xíu mượn máy của cô cháu gái gọi điện thoại cho tôi. Thông báo rằng, hôm người ở tòa tiếp xúc từng người trước khi đưa vụ việc ra hòa giải hoặc xét xử, người có chức trách hỏi bà là, giờ bà Hợi đưa cho bà một số tiền, bà có đồng ý không? Bà Xíu trả lời là không, bà muốn lấy lại căn nhà đó để bà và mẹ bà cùng ở.

Rồi bà nói tiếp là trưa, mấy ông ở phường kết hợp với người trên quận mời bà ra làm việc, yêu cầu hạn chót là ngày 31/5, bà phải mướn được nhà cho mẹ bà ở. Nếu không, bà buộc phải giao mẹ bà lại cho bà Hợi.

Tôi hỏi bà, người ta yêu cầu vậy, rồi bà tính sao. Bà nói, bà sẽ vay mượn tiền để mướn nhà trọ ngay tại xóm Bắc này để nuôi mẹ.

Bà phải ở cạnh mẹ để chăm sóc cho cụ bà mỗi khi nắng sớm mưa chiều.

Tôi vẫn còn một cảm giác khác xung quanh toàn bộ vụ việc này mà không tiện nói ra. Bởi tôi vẫn còn ám ảnh bởi khuôn mặt buồn đến đau đớn của cụ bà khi tôi nhìn cụ bà vào một trưa giữa tháng năm này.

Cụ bà tên Nguyễn Thị Chung, sinh năm 1918, là mẹ ruột của 5 người con. Mất 2 còn 3, và 3 người con ấy đang dắt díu nhau ra Tòa.

Những đứa con, thứ tài sản lớn nhất của đời người mà cụ bà có được, đã rệu rã chuẩn bị tan nhanh như bong bóng xà phòng...

Ngô Kinh Luân
.
.