Mạng xã hội lên ngôi, quyền riêng tư thất trận
- Văn hóa tranh luận trên mạng xã hội
- Học sinh phải ứng xử văn hóa trên mạng xã hội và thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng
- Quyền riêng tư phải được tôn trọng
- Quyền riêng tư của trẻ em trên môi trường mạng và truyền thông chớ xem nhẹ
Kính gửi Toà soạn báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng!
Tôi thuộc lớp người đã ở tuổi "xế chiều", và phải nói là tôi chỉ tham gia đời sống facebook trong khoảng 1 năm trở lại đây. Lúc đầu, tôi kiên quyết nói không với facebook, sau được nhiều bạn bè động viên rằng, vào facebook có cơ may lớn để tìm lại những người bạn cũ hàng chục năm về trước, cũng có thể dễ dàng nắm bắt đời sống của nhau, trao đổi cùng nhau, nên tôi đã quyết định không đứng ngoài cuộc.
Trong suốt 1 năm trở thành một phần bé nhỏ của thế giới facebook, tôi quan sát được nhiều, chiêm nghiệm nhiều, và tôi nhận thấy một sự khác biệt rất lớn trong cách ứng xử của những bạn trẻ hôm nay so với thời chúng tôi còn trẻ ngày xưa: tôi cảm giác rằng hôm nay, có bất cứ vấn đề cá nhân nào, các bạn trẻ cũng nghĩ ngay đến nhu cầu công khai hoá trên facebook, còn ngày xưa chúng tôi lại gửi gắm những vấn đề đó trong những trang nhật ký viết tay.
Ở đây, tôi tuyệt đối không có ý định so sánh, chê bai người trẻ, vì tôi hiểu mỗi thời đại có đặc điểm riêng của nó, và mỗi thế hệ đều phải học cách chấp nhận sự khác biệt với những thế hệ đi trước hoặc đi sau mình.
Điều tôi muốn nói đơn giản chỉ là, xét ở góc độ tâm lý thế hệ thì giữa một thế hệ mà gần như cái gì cũng bí mật hoá với một thế hệ mà gần như cái gì cũng công khai hoá, liệu sẽ tạo nên những khác biệt căn cốt, với những ưu, nhược điểm riêng như thế nào?
Ngày xưa chúng tôi có rung cảm với ai chúng tôi cũng chia sẻ một cách bí mật với 1,2 người bạn thân hoặc trong cuốn nhật ký mà cứ phải cố giấu nó thật kỹ, sao cho không ai trong nhà tìm ra được. Có giận dỗi ai, bực tức ai, căm ghét ai cũng bí mật theo cách ấy.
Thời ấy, có một câu cửa miệng mà bây giờ nhớ lại tôi nghĩ rằng nó vừa đụng chạm tới mặt hay lẫn mặt dở của sự bí mật, đó là: "Cứ giấu như mèo giấu...".
Còn bây giờ trên facebook, trong rất trường hợp, các bạn trẻ công khai một cảm xúc, một mối quan hệ cá nhân, và nhờ chức năng "like" và "share”, sự công khai đó nhận được sự cộng hưởng ghê gớm. Thời tôi, một phần là chúng tôi không đủ dũng cảm để tạo ra những sự công khai, lan toả ấy, một phần cũng chẳng có công cụ hữu hiệu để giúp mình làm điều ấy.
Ảnh: L.G. |
Nghĩ lại nhiều lúc thấy buồn cười, cái gì cũng giấu, cái gì cũng sợ, và thường xuyên tự mình gặm nhắm những xúc cảm của mình. Nhưng cũng nhờ thế mà chúng tôi đã có những thế giới riêng tư. Và tôi thấy rất thấm thía một câu nói của người yêu tôi (giờ là ông chồng già của tôi), rằng ai biết xây dựng, chăm sóc thế giới riêng tư một cách đầy đặn, người ấy không bao giờ đau khổ.
Nghĩ như thế nên nhìn cái "triển lãm tâm trạng" ngồn ngộn của người trẻ trên facebook ngày nay, tôi tự hỏi: có phải mạng xã hội đã khiến các bạn trẻ không còn chú ý đến việc xây dựng những thế giới riêng tư của mình nữa? Và nếu những thế giới riêng tư ngày một mỏng thì đời sống nội tâm của người trẻ sẽ bị tác động ở cả hai chiều tích cực - tiêu cực như thế nào?
Hôm rồi, ngồi cà phê với những người bạn cũ, chúng tôi cùng bàn đến chủ đề này, và tất cả đều thống nhất, nếu thế hệ chúng tôi điển hình cho một sự riêng tư, bí mật quá đà thì thế hệ trẻ hôm nay lại điển hình cho một sự công khai, phát tán quá đà.
Có nghĩa là từ thế hệ chúng tôi đến thế hệ của người trẻ - con cái chúng tôi hôm nay là một hành trình đi từ cực này đến cực kia của cảm xúc. Chúng tôi nói với nhau rằng, "cực này" là quá tả thì "cực kia" là quá hữu, và thực sự thì cả hai thế hệ đều chưa thể đạt được trạng thái ở giữa, trạng thái lẽ ra phải có: trạng thái cân bằng.
Tôi hiểu, tâm trạng của một thế hệ bị chi phối bởi rất nhiều các yếu tố phức tạp khác nhau, nên để tạo nên những thế hệ thực sự đứng ở trạng thái cân bằng là một hành trình rất dài phía trước. Nhưng theo tôi, bản thân mỗi con người trong một thế hệ cần phải ý thức, rồi đi đến nhận thức về việc phải làm gì để với cá nhân mình, con đường đi tới sự cân bằng là ngắn nhất?
Ví dụ với con cái tôi bây giờ, tôi luôn ủng hộ việc tham gia facebook của các cháu, nhưng luôn nhắc các cháu phải biết điều tiết thời gian, liều lượng, và cả chất lượng cảm xúc trên không gian ảo mà lại rất thật này. Phải điều tiết thế nào để vừa có thể giao tiếp, chia sẻ với bạn bè, vừa không đánh mất thế giới riêng tư nhất định phải có của mình.
Phải có ý thức về việc giữ gìn, xây dựng thế giới riêng tư, đấy có phải là một cẩm nang mà các bạn trẻ cần lưu ý khi dấn thân vào thế giới facebook hay không? Tất nhiên, đấy chỉ là suy nghĩ riêng của tôi, và tôi không chắc suy nghĩ của mình là đúng. Rất mong nhận được sự hồi âm của toà soạn. Xin chân thành cảm ơn!
Nguyễn Thanh Nga (TP HCM)
Kính thưa độc giả Nguyễn Thanh Nga!
Phải nói vấn đề chị đặt ra thật sâu sắc và thú vị. Chúng tôi rất đồng cảm với nhận xét của chị rằng hành trình tâm lý của những thế hệ 5X, 6X đến những thế hệ 8X, 9X... là một hành trình đi từ cực tả đến cực hữu.
Nếu thế hệ trước, tâm lý phổ quát là cái gì cũng ngại, cũng sợ, cũng muốn giấu kín cho mình thì thế hệ bây giờ cái gì cũng muốn viết lên facebook, chia sẻ và lan tỏa. Đúng là cả hai cực đều có những mặt ưu, mặt nhược của nó, nhưng câu chuyện của thế hệ trước là câu chuyện của quá khứ, mà chúng ta chỉ có thể rút ra những bài học từ quá khứ, chứ không thể làm lại quá khứ, nên sẽ không bàn bạc, mổ xẻ quá sâu.
Điều chúng tôi thực sự muốn bàn ở đây là câu hỏi mà chị đặt ra ở cuối bức thư, rằng khi tham gia đời sống facebook, người trẻ hôm nay có nên trang bị một ý thức thường trực về việc phải biết cách xây dựng, gìn giữ một thế giới riêng tư của mình hay không?
Theo quan điểm của chúng tôi, bất luận là thời đại nào thì những giá trị riêng tư cũng là những giá trị vĩnh cửu. Thế nên khi tham gia những hệ thống kết nối cộng đồng nói chung và mạng xã hội nói riêng, nếu một người không phân biệt được đâu là những điều có thể chia sẻ, đâu là những điều nên cất và phải cất vào cõi riêng tư thì chắc chắn sẽ dẫn đến những lầm lạc về nhận thức. Và những lầm lạc về nhận thức rất có thể sẽ dẫn đến những hậu quả về hành động.
Ở đây thậm chí không chỉ là vấn đề bảo vệ sự riêng tư của mình, mà theo chúng tôi, đáng nói hơn còn là việc phải có ý thức tôn trọng, bảo vệ sự riêng tư của người khác.
Chị Nguyễn Thanh Nga kính mến, chị có nói rằng mới chỉ tham gia facebook khoảng 1 năm nay, và chúng tôi nghĩ rằng trong suốt 1 năm đó chắc chị cũng biết đến những câu chuyện như những hành động riêng tư của hai bạn trẻ trong một rạp chiếu phim nọ đã bị ghi hình lại rồi phát tán trên facebook, những sở thích riêng tư, quan điểm riêng tư (không vi phạm pháp luật) của một số người nổi tiếng bị cộng đồng mạng mang ra bàn tán, mổ xẻ, ném đá tơi bời.
Thậm chí câu chuyện riêng tư nhất là chuyện kết hôn giữa một cô dâu 62 tuổi với chú rể 26 tuổi ở một tỉnh miền núi nọ cũng bị chính một nhân viên trong hệ thống chính quyền địa phương phát tán một cách trái nguyên tắc.
Cụ thể, nhân viên hành chính này đã chụp lại bản đăng ký kết hôn của cô dâu 62 tuổi gửi cho một người bạn, và người bạn này lập tức tung lên mạng, tạo ra những màn "ném đá" hội đồng. Tất cả những hành động như thế rõ ràng là đã can thiệp thô bạo vào thế giới riêng tư của người khác.
Phải nhấn mạnh, quyền riêng tư là một thứ quyền con người, được quy định bởi tạo hoá, chứ không đơn thuần chỉ là quyền công dân, được quy định bởi từng nhà nước, từng nền pháp luật.
Thời phong kiến, nếu các nước quân chủ phương Đông vẫn tồn tại những suy nghĩ theo kiểu "đất nước này là đất nước của vua", "vua muốn làm gì cũng được" thì ở một số xã hội phương Tây đã nảy sinh những quan điểm cực kỳ tiến bộ, bảo vệ quyền riêng tư của con người.
Chẳng hạn như năm 1361, nghị sĩ William Pitt (Anh) từng viết: "Những người nghèo nhất có thể thách thức để buộc tất cả các quan chức phải tôn trọng. Mặc dù căn nhà của họ có thể xập xệ, mái của nó có thể lắc, gió có thể thổi, các cơn bão có thể vào, mưa có thể xâm nhập - nhưng vua nước Anh không thể vào nhà được".
Ở Việt Nam chúng ta hiện nay, điều 21, Hiến pháp năm 2013 có quy định rất rõ ràng về việc: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư".
Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã có những điều khoản rất cụ thế, chế tài tất cả những ai vi phạm đến quyền riêng tư của người khác. Dẫu vậy, chưa bao giờ chúng ta thấy quyền riêng tư lại bị xâm phạm nhiều và những thế giới riêng tư lại được bày ra đến mức bội thực như lúc này.
Chúng ta đổ tại cho công nghệ, với sự xuất hiện của các mạng xã hội (điển hình là facebook) mới chỉ là một phần, một phần quan trọng khác là từng nhà trường, từng gia đình, từng bậc cha mẹ đã thực sự giúp con em mình hiểu rõ những điều hết sức quan trọng này hay chưa?
Chính vì vậy chúng tôi thấy vấn đề độc giả Nguyễn Thanh Nga đặt ra là rất cần thiết. Đúng là phải luôn nhắc nhở những người trẻ trong gia đình mình, ở bên cạnh mình về việc phải có ý thức xây dựng những giá trị riêng tư của chính mình, và quan trọng hơn: phải luôn luôn tôn trọng quyền riêng tư của những người/ những đối tượng khác mình.
Mất đi ý thức quan trọng ấy chúng ta sẽ mất đi năng lực kiến tạo những giá trị văn minh, trong quan hệ ứng xử giữa người và người với nhau.