Lại chuyện gió mây

Chủ Nhật, 11/01/2015, 14:02
Người đàn ông không mảy may nghi ngờ vợ cho đến khi có người phụ nữ lạ mặt tìm đến nhà. Người phụ nữ lạ mặt tìm đến nhà thông báo, “Thưa anh, vợ anh đang cặp kè với chồng tôi”...

Đời sống bao giờ mà chẳng buồn, mấy lâu tôi có viết “Đời ai không trắc trở/ Người nào không nỗi buồn” đến giờ ngẫm lại thấy vẫn cứ đúng. Mà trong muôn vạn nỗi buồn đầy cũ kỹ và kém màu sắc ấy, người ta thường vướng phải nỗi buồn do ái tình mang lại.

Giai đoạn đẹp nhất là giai đoạn nào, ái tình ấy mà, chắc chắn là giai đoạn chớm yêu. Chớm yêu thôi, gặp nhau soạn bộ mặt tươi tỉnh nhất, hẹn nhau lựa cái áo đẹp nhất, đi chơi với nhau hành xử bằng cử chỉ hào hoa nhất, trò chuyện với nhau lựa lời mỹ miều nhất… Thậm chí, đến ái ân cũng đầy mới mẻ.

Nhưng rồi, hết chớm yêu thì sao? Có phải, hết chớm yêu lại nghêu ngao “Một lần ái ân, mình vui mấy lần?”... và rồi nghiễm nhiên nhận lại những bi kịch, mà khởi thủy tự mình mà ra.

1. Người đàn ông sinh năm 1982 ấy ở Tây Ninh. Lý lịch trích ngang không có gì ấn tượng, lành như những thanh niên quê khác. Điều lưu ý duy nhất chính là học đến lớp 6 thì người đàn ông thôi học, bảo là không đủ tiền đóng học phí. Tôi vẫn có những người bạn quê phải nghỉ học vì lý do tương tự. Bạn tôi nghỉ học, ở nhà thời gian đầu thì chơi bời lêu lổng, thời gian sau thì ai thuê gì làm nấy, tất cả đều an nhiên chấp nhận một tương lai không hứa hẹn. Có bạn bây giờ làm bốc vác ở bến xe, có bạn chiều đợi chờ may rủi vào những con số từ kết quả xổ số, có bạn ngập ngụa trong men rượu gạo… Rất buồn bã.

Người đàn ông sinh năm 1982 ấy may mắn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đa phần người quê thôi học sớm. Người đàn ông hiền như hòn đất khô ngoài ruộng, cuộc sống cứ bình yên trôi cho đến khi người đàn ông gặp người phụ nữ kém mình một tuổi. Thời điểm hai người gặp nhau là gần mười năm về trước, nên tôi sẽ gọi người phụ nữ ấy là cô gái sinh năm 1983, tuổi Quý Hợi, bằng tuổi tôi.

Cô gái sinh năm 1983 lấy chồng sớm, năm gặp người đàn ông sinh năm 1982 đã lỡ một lần đò, có con riêng. Người đàn ông lần đầu chạm mặt cô gái đã thấy thích thích, đến lần thứ hai đã yêu như say như ngây, yêu quên mất mình là ai.

Tất nhiên, gia đình chàng trai cấm đoán mối tình ấy, họ ngại “Trai tơ lấy gái nạ dòng…”. Người con gái có yêu chàng trai ở thời điểm này không, làm sao tôi biết được. Chỉ có điều như tôi hằng nghĩ, được yêu đương là đã may mắn rồi, nghĩ làm gì chuyện có được đền đáp ân tình hay không. Dẫu vẫn biết, yêu đơn phương cũng như chơi bài một mình vậy, thắng thua đều nhạt.

Duyên tình ấy biết kịp bén chưa, nghĩa tình ấy biết kịp sâu chưa… cô gái rời Việt Nam sang Đài Loan theo dạng xuất khẩu lao động. Có hai niềm hy vọng mà những chàng trai cô gái nước mình thường hướng đến, thứ nhất là những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh, thứ nhì là xuất khẩu lao động. Mấy năm trước, tôi có ông em tốt nghiệp đại học, còn một hai đòi đi xuất khẩu lao động. Nói mãi, thì mới chịu cầm mảnh bằng đại học ra xài, chứ không thì vứt đó rồi nộp một đống tiền cho công ty môi giới rồi tót sang nước ngoài làm lao động chân tay rồi.

Cậu bạn thời đại học của tôi, làm trợ lý cho lãnh đạo của tập đoàn Đài Loan có chi nhánh ở Việt Nam, hội sở tại Đài Bắc. Bạn đi Đài Loan liên tục, có nói, phụ nữ nước mình bên đó chỉ thiếu mỗi tình cảm thôi. Còn lại, đều có thể gọi là ổn thỏa.

Đỗ Văn Hậu tại tòa.

2. Cô gái trở về sau thời gian dài lao động tại Đài Loan, có hay đâu người đàn ông vẫn chờ. Ai lại nỡ từ chối một tình cảm như vậy. Cô gái trở thành người đàn bà của người đàn ông ấy. Duy có điều, gia đình chàng trai vẫn cứ cấm ngăn.

Người Trung Hoa có câu, “Thù cha không bằng ngăn duyên”. Ý nói, thù cha thì có thể quên được chứ ai ngăn cản tình yêu đôi lứa thì hận sâu tựa biển Đông. Đang yêu mà, cái chết chưa chắc đã chia lìa được huống hồ là lời cấm cản của gia đình.

Người đàn ông lẳng lặng đưa cô gái đi đăng ký kết hôn, họ chính thức cùng sống dưới một mái nhà. Hai người con lần lượt ra đời, như là minh chứng cho mối tình trọn vẹn. Gia đình người đàn ông cũng nguôi, bắt đầu cưng cháu thương dâu, gia đình cô gái trọng rể còn hơn con gái ruột.

Mà không trọng sao được khi người đàn ông sinh năm 1982 ấy chính là kiểu mẫu người đàn ông của gia đình. Người đàn ông vẫn yêu thương vợ như những ngày đầu, người đàn ông chăm bẵm cho hai con, người đàn ông làm công việc nhà, người đàn ông không rượu chè cờ bạc, người đàn ông không đong đưa mắt khi ra đường… Người đàn ông của cô gái trở thành niềm khao khát của biết bao người phụ nữ xung quanh, người đàn ông lại trở thành nỗi khó chịu của những người đàn ông khác.

Vậy nhưng, đời sống đúng là thật bất trắc. Cô gái đi làm công nhân ở một xưởng hạt điều, công việc nhà lẫn chăm con đã có chồng lo hết, cô gái cảm thấy nhàm chán với quãng thời gian thừa thãi, Và, câu chuyện phía sau một mái ấm có cơ hội hiện hữu. Cô gái, có bạn trai.

Bạn trai cô gái là đồng nghiệp trong xưởng chế biến hạt điều. Đồng nghiệp đã có vợ. Thói thường, người ta vẫn hay lâm vào những tình huống vậy. Có mấy lúc tôi nghĩ, ngoại tình cũng như chạy xe vào đường ngược chiều vậy, có thể bị phạt vì lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ bất cứ lúc nào. Nhưng, lại có sự kích thích khác, sự kích thích của người phạm luật nhưng không bị phát hiện.

Hay là do đời sống vợ chồng đã thành lối mòn, đã nhịp nhàng như một chuyển động đều, họ muốn có sóng gió, họ cần có biến động. Để khi lâm vào sự biến động, họ lại khao khát sự an yên như trước đây. Thật sự, con người vô cùng phức tạp.

Chuyện ngoại tình như ngọn lửa ủ trong đám lá khô, ban đầu chỉ là khói về sau thành đám cháy. Ban đầu, người đàn ông gạt toàn bộ mọi lời ong tiếng ve về mối quan hệ của vợ và đồng nghiệp. Người đàn ông phản ứng với tin đồn, “Vợ tui, thì tui tin tưởng chứ. Tui không ghen thì thôi, mắc mớ gì mấy người lại ghen giúp”.

Người đàn ông không mảy may nghi ngờ vợ cho đến khi có người phụ nữ lạ mặt tìm đến nhà. Người phụ nữ lạ mặt tìm đến nhà thông báo, “Thưa anh, vợ anh đang cặp kè với chồng tôi”.

Người đàn ông, bắt đầu theo dõi vợ mình từ đó.

3. Người đàn ông phát hiện tin nhắn yêu đương trong điện thoại của vợ, tất nhiên đó là tin nhắn giữa vợ của người đàn ông và anh đồng nghiệp. Người đàn ông cáu, rất cáu. Người hiền thường cộc tích. Thế nhưng, người đàn ông vẫn kiềm được cơn nóng giận và nói chuyện với vợ theo kiểu, “Anh bỏ qua hết, mình suy nghĩ lại đi. Còn hai con, còn tình cảm của vợ chồng”. Cô gái trả lời, “Anh đừng hồ đồ nữa, khi nào bắt được quả tang rồi muốn ghen thì ghen, còn cái này chúng tôi chỉ giỡn với nhau thôi”. Người đàn ông im lặng.

Lần khác, người đàn ông bất ngờ gặp vợ mình và đồng nghiệp ngay tại chốn hẹn hò. Người đàn ông có đánh đồng nghiệp của vợ. Về đến nhà, vợ nộp đơn ra Tòa xin ly hôn.

Ngày Tòa xử, người đàn ông khóc, xin Tòa suy xét mà hòa giải. Sau khi nghe hết câu chuyện, Tòa không đồng ý cho vợ chồng họ ly hôn. Chuyện cứ như phim, vợ đồng ý về ở với người đàn ông, xí xóa như chưa có chuyện gì xảy ra.

Để giữ vợ, người đàn ông yêu cầu vợ ở nhà. Còn người đàn ông, đi làm bốc vác ăn lương ở một cơ sở sản xuất. Cực mấy cũng được, miễn sao vợ chồng còn thấy mặt nhau. Hai tháng trôi qua trong bình yên, cho đến tháng thứ 3 thì vợ lại nhắn tin cho đồng nghiệp cũ.

Uất hận, người đàn ông tìm đến tận nhà người đồng nghiệp, yêu cầu người này phải chấm dứt mối quan hệ với vợ mình. Người đồng nghiệp hoảng hốt đồng ý. Nhưng, đồng ý là một chuyện, còn thực hiện hay không lại là chuyện khác. Họ vẫn hẹn hò.

Lại bị phát hiện, cô gái bỏ con lại cho người đàn ông, gói ghém đồ đạc về nhà cha mẹ ruột. Cha mẹ ruột không chấp nhận con gái lạc lòng, từ chối cho lưu trú. Như kẻ yêu đến lúc đắm say, cô gái đến nhà người quen xin tá túc. Cô gái và người đồng nghiệp vẫn thậm thụt với nhau.

Một tối, người đàn ông nhận được tin cô gái và đồng nghiệp hẹn hò trong nhà người quen. Người đàn ông quyết tâm “làm ra nhẽ lần sau cuối”, với rựa, dây điện và nỗi uất ức tột đỉnh.

Đến nhà người quen, người đàn ông rình nơi hàng rào, nghe vợ và đồng nghiệp nói toàn chuyện luyến ái. Cố lắm, thì người đàn ông mới có thể gọi điện thoại cho chị vợ, nhờ chị vợ “Chị đến để đòi lại công bằng cho em”. Tiếc rằng, hơn một tiếng trôi qua mà chị vợ vẫn không đến.

Không còn đủ kiên nhẫn, người đàn ông đạp cửa xông vào… bắt ghen. Trong trạng thái bị kích động mạnh ấy, không ai đủ khả năng để điều khiển hành động của mình. Cái rựa được sử dụng, cánh tay nhiều lần vung lên… Đồng nghiệp của vợ bị người đàn ông chém chết tại chỗ, bản thân người vợ bị người đàn ông gây thương tật vĩnh viễn 43%. Người đàn ông bị bắt ngay sau đó.

Trong phiên sơ thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh tuyên phạt người đàn ông mức án chung thân tội “Giết người”.

Hàng trăm người dân đồng thuận ký tên xin giảm án cho người đàn ông, nhưng tuần rồi, ở phiên phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP HCM vẫn giữ nguyên mức án ấy. Vì, người đàn ông đã cố tình hạ sát nhiều người.

Người đàn bà không đến tòa, ngoài lá đơn xin giảm án cho chồng. Đã muộn  màng quá, chỉ còn lại toàn những nỗi buồn thôi.

Người đàn ông sinh năm 1982 ấy có tên là Đỗ Văn Hậu.

Kinh Hữu
.
.