Ký vãng Điện Biên Phủ
- Cái nhìn của sĩ quan quân báo về “kéo pháo” và “ngày N” ở Chiến dịch Điện Biên Phủ
- Phá tan âm mưu của tình báo, gián điệp Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ
- Lực lượng CAND tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong hơi thở của mùa xuân rất khẽ, tôi lại có dịp được nghe nhà giáo Đỗ Ca Sơn nhắc lại những thời khắc và những con người không thể nào quên đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày ấy.
Ngày ấy, chàng trai Hà Nội Đỗ Ca Sơn trẻ măng mới 22 tuổi. Còn bây giờ, ông đang chầm chậm đến tuổi 90. Ông lặng lẽ cho tôi xem chiếc huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ. Câu chuyện về Điện Biên Phủ của người lính già dành cho tôi ở một cấp đặc biệt. Không phải cấp chiến lược, chẳng hề có cấp chiến thuật, đó là cấp… chiến hào.
Trong số những người làm nên lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Đỗ Ca Sơn bùi ngùi chia sẻ với tôi về hai vị Chủ nhiệm chiến dịch. Đó là ông Đặng Kim Giang và ông Lê Liêm.
Chủ nhiệm hậu cần: Đặng Kim Giang
Phương châm chiến dịch thay đổi, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng phải thay đổi toàn bộ kế hoạch tác chiến. Tất cả những sự chuẩn bị từ trước cho đến ngày 26-1-1954 đều trở lại vạch xuất phát.
Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai Chủ nhiệm Hậu cần chiến dịch Đặng Kim Giang. Ông phải chỉ đạo chuẩn bị hậu cần để nuôi khoảng 4 - 5 vạn quân và hàng vạn dân công thêm vài tháng.
Dự kiến ban đầu công tác chuẩn bị hậu cần chỉ từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, trên thực tế sau khi thay đổi phương châm tác chiến, hậu cần phải lo thêm ba tháng cho đến ngày chiến thắng 7- 5-1954.
Là Chủ nhiệm cung cấp, một trong bốn thành viên của Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận, chịu trách nhiệm đảm bảo quân lương, súng đạn cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đặng Kim Giang báo cáo Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc họp với Đảng ủy chiến dịch về khó khăn của công tác hậu cần: “Điện Biên Phủ mỗi ngày quân ăn 50 tấn gạo, dân công gánh gạo từ Thanh Hóa lên đến kho thì tính ra chỉ còn 1 đến 2 kilôgam mỗi người. Ta chỉ có 268 xe Liên Xô viện trợ, đường độc đạo bị địch đánh ghê gớm, nhất là ở đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi…”.
Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ trái qua phải): Đặng Kim Giang, Lê Liêm, Hoàng Văn Thái, Võ Nguyên Giáp (Tư liệu Kiều Mai Sơn). |
Đường sá xa xôi, phương tiện thô sơ, nếu chỉ chuyên chở bằng sức người, dọc đường dân công ăn phần lớn lương thực, khi tới mặt trận chỉ còn 8%. Chiến dịch ban đầu định giải quyết trong 3 ngày, sau kéo dài thành 56 ngày đêm.
Trong khi Bộ Chỉ huy mặt trận với các bộ phận tư lệnh, tham mưu, chính trị, quân báo,… đóng tại chỉ huy sở Mường Phăng, thì riêng bộ phận chỉ huy hậu cần chuyển ra ngoài, sát đường vận chuyển để tiện chỉ huy.
Đầu tháng 4-1954, trên tấm biểu đồ treo tại sở chỉ huy của Tổng tư lệnh ở Mường Phăng theo dõi tiến độ gạo nhập kho của mặt trận, mũi tên chỉ con số gạo nhập hàng ngày cứ chúc dần xuống, có ngày là con số không. Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch Đặng Kim Giang triệu tập cấp tốc cán bộ chỉ huy các tuyến về bàn các phương án khắc phục để đẩy nhanh gạo lên tiền tuyến.
Trong khi đó, dưới ánh lửa bập bùng bên dòng sông Nậm Rốm, Đại tướng Navarre nói với binh sĩ: “Việt Minh muốn đưa quân lên đây, nhưng họ phải lo việc cung cấp quá lớn, trên một chặng đường quá dài, qua những vùng hiểm trở, nghèo xác xơ mà đường giao thông gần như chưa có. Vận tải của Việt Minh chỉ toàn bằng “cu li” gánh bộ, nếu có bằng ôtô chăng nữa thì phải đi trên những chặng đường rất xấu, luôn luôn bị không quân Pháp cắt đứt” (H. Navarre: Đông Dương hấp hối (Hồi kí), Nhà xuất bản Plon, Paris, 1956).
“Nhìn lại việc đảm bảo hậu cần trong chiến dịch, anh em cựu chiến binh chúng tôi biết ơn sự đóng góp công lao rất lớn và quan trọng của anh Đặng Kim Giang - Nhà giáo Đỗ Ca Sơn tâm sự - Anh là người đã lo từng hạt cơm, viên đạn để làm nên tiếng sấm Điện Biên Phủ, chiến thắng rung chuyển địa cầu. Có thiếu thốn về hậu cần chứ anh không để bộ đội đói. Anh đã đôn đốc đảm bảo đủ gạo ăn cho đến ngày chiến dịch thắng lợi”.
Chủ nhiệm chính trị: Lê Liêm
Sau khi thay đổi phương châm tác chiến, các đơn vị bắt đầu phải đào hào. Điều ấy làm cho tư tưởng của bộ đội không thông. Một cuộc đấu tranh tư tưởng rất lớn diễn ra trong chiến dịch. Công tác chính trị ở Điện Biên gặp khó khăn. Hệ thống chính ủy, chính trị viên rất vất vả trong việc bảo đảm tinh thần binh sĩ.
“Tôi và những chiến sĩ Điện Biên ghi nhớ công lao của cả ban tham mưu, hệ thống cung cấp hậu cần và hệ thống chính trị. Đặc biệt, trên mặt trận chính trị, chúng tôi ghi nhớ công lao đóng góp xuất sắc của Chủ nhiệm chính trị mặt trận Điện Biên Phủ: anh Lê Liêm”, cựu chiến binh Đỗ Ca Sơn chia sẻ.
Từng phụ trách Cục trưởng Cục Dân quân, Chủ nhiệm Chính trị tại các chiến dịch Biên giới, Hòa Bình, Tây Bắc..., ông Lê Liêm hiểu rất rõ tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ ngoài mặt trận. Ông đã thảo một bức thư, để Tổng tư lệnh gửi ra mặt trận cho binh sĩ.
Không phải ra mệnh lệnh cho anh em phải đào giao thông hào, bức thư mang nội dung nhắn nhủ, khuyên bảo của người anh cả đối với các em đang cùng nhau chiến đấu chung chiến hào: “Tôi kêu gọi các đồng chí, hãy nghe tôi, chúng ta phải đào giao thông hào để bảo đảm chiến thắng...”.
Lá thư như lời tâm tình ấy đã làm dịu đi cái nóng sục sôi trong bụng người lính. Họ vui vẻ làm tiếp nhiệm vụ.
Buồn ơi chào nhé!
Đã sang đầu tháng 5-1954, vòng vây dưới chân đồi A1 siết dần. Những đợt thả dù của không quân Pháp không còn chính xác. Nhiều đợt, dù rơi xuống trận địa của các chiến sĩ quân đội Việt Nam.
Như mọi lần khác, anh em bộ binh lại tiến đến thu lượm chiến lợi phẩm. Đỗ Ca Sơn đến chiếc dù gần nhất. Khác với mọi lần, không phải dù lương thực hay đồ hộp, cam tươi, thuốc lá thơm “con lạc đà” (Camel), mà toàn thư và báo. Ông Đỗ Ca Sơn nhớ lại:
“Tôi mở ra xem thì toàn báo chí với thư từ. Những lá thư bình thường, tôi chỉ xem lướt qua tên ngoài phong bì. Nhưng có một lá thư đặc biệt, hơi cộm lên ở bên trong. Tôi mở ra xem. Ngoài lá thư, còn có một lọn tóc phụ nữ cắt để trong phong bì. Đọc thư, tôi đoán là thư của vợ hay người yêu gửi từ Pháp sang cho một trung úy là người yêu hay chồng của cô ấy, đang chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Tôi để lại lọn tóc ấy rồi gấp lại lá thư. Tôi báo cáo với Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi : “Thưa anh, có một dù Tây thả xuống nhiều thư từ lắm”.
Nhà giáo Đỗ Ca Sơn – cựu chiến binh Điện Biên Phủ (1954) (Ảnh: Kiều Mai Sơn). |
Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi liền lấy bộ đàm gọi cho bên kia, đề nghị họ cử một người theo đường hào đi về phía đã định, để nhận lại thư từ. Theo đúng giờ hẹn, phía binh sĩ Pháp cho người lính ngụy cầm cờ trắng đến. Bên ta trao toàn bộ dù đựng thư cho anh ta.
Trong số các chiến lợi phẩm thu được, Đỗ Ca Sơn giữ riêng một cuốn sách với nhan đề mà ông chú ý: Bonjour Tristesse (Buồn ơi chào nhé), tác giả Francoise Sagan. Cuốn sách ấy vừa xuất bản ở Paris đầu năm 1954, khi tác giả mới 19 tuổi, được gửi sang cho binh lính Pháp.
Bên trong chiến hào Điện Biên Phủ, chỉ cách đối phương 100m, khi tiếng đạn pháo vừa ngưng, Đỗ Ca Sơn, người lính Việt Minh, lật giở trang đầu tiên, đọc những dòng đầu tiên đầy cảm xúc:
“Cảm giác lạ lẫm ấy, mà sự chán chường và dịu ngọt của nó luôn ám ảnh tôi, tôi lưỡng lự mãi không dám đặt cho nó một cái tên đẹp và nghiêm túc: nỗi buồn. Đó là một cảm giác trọn vẹn và ích kỉ đến mức tôi gần như xấu hổ vì nó, trong khi tôi thấy nỗi buồn bao giờ cũng có vẻ đáng kính. Tôi chưa biết nó, nỗi buồn ấy, nhưng sự chán chường, sự luyến tiếc, và hiếm hoi hơn, sự ân hận, thì tôi đã từng biết. Giờ đây, một cái gì đó buông trùm lên tôi như một dải lụa vừa khó chịu lại vừa mềm mại, ngăn cách tôi với những người khác”.
Ngay từ thời đi học, Đỗ Ca Sơn đã được tiếp xúc với văn học cổ điển Pháp với các nhà văn Daudet, Hugo, Balzac... mà tác phẩm của họ đều mang những cái tên rất hiện thực. Còn với tác phẩm của văn học Pháp hiện đại, ông đã không được tiếp xúc.
Nguyên nhân là vì suốt từ năm 1945 đến năm 1954, chiến tranh ở Đông Dương xảy ra, việc trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Pháp ngừng trệ. Trên thực tế mọi việc đã dừng lại từ Chiến tranh thế giới thứ hai, văn học Pháp đã không sang Việt Nam.
“Trong chiến hào, những phút lặng giữa hai trận đánh, tôi lại mang Buồn ơi chào nhé ra đọc. Chỉ vài lần như vậy, tôi đã đọc xong cuốn sách bán chạy nhất nước Pháp mà tôi mới được biết”.
Một kỉ niệm, một khoảnh khắc lãng mạn tới bất ngờ.
Thiếu tướng Đặng Kim Giang (1910 – 1983) quê xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1945 ông lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Tướng Đặng Kim Giang từng được cử giữ các chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Thứ trưởng Bộ Nông trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ông Lê Liêm (1922 – 1985) tên khai sinh là Trịnh Đình Huấn, quê tại làng Tía (Tử Dương), huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Trước Cách mạng Tháng 8-1945, ông là ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội; ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), Bí thư Đảng đoàn – Thứ trưởng Bộ Văn hóa; Bí thư Đảng đoàn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục; Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương)… |