Khi trường Đại học không phải là Đại học

Thứ Sáu, 26/04/2019, 16:29
Ngày 25-3 vừa qua, một tờ báo trong nước đăng bài viết có tựa đề vừa gây tò mò, vừa gây khó hiểu: “Nguy cơ trường đại học uy tín không thể trở thành đại học”.


Tại sao trường đại học lại không thể trở thành đại học? Trường đại học sao lại khác đại học? Đây là những câu hỏi mà một người đọc thông thường có thể bật ra ngay sau khi đọc tiêu đề bài báo này.

Thực tế, bài báo này bắt nguồn từ một việc xảy ra trước đó là Luật Giáo dục đại học sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 19-11-2018.

Theo luật mới này, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có thêm một loại cơ sở giáo dục đại học mới có tên gọi là đại học bên cạnh các loại hình truyền thống như trường đại học hay học viện. Cụ thể, đại học là một thiết chế cao hơn trường đại học, tập hợp nhiều trường đại học thành viên.

Điều này nghĩa là, nếu có đồng thuận, một số trường đại học hiện có (ví dụ Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân hay Đại học Xây dựng) có thể sáp nhập vào với nhau dưới 1 “ô” chung, gọi là đại học. Hoặc thậm chí, một cách độc lập, một trường đại học muốn “nâng cấp” thành đại học thì cũng có thể, nếu một số yêu cầu về nguồn lực và điều kiện cho phép. 

Và vào đầu tháng 3-2019, khi Bộ GD&ĐT công bố bản dự thảo Nghị định Hướng dẫn Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 với nội dung liên quan đến việc nâng cấp/thành lập đại học trên cơ sở một hoặc một vài trường đại học sẵn có thì ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của xã hội. Và đó chính là căn nguyên của việc bài báo có “tiêu đề gây tò mò và khó hiểu” kể trên. 

Trong bài này, người viết xin được kiến giải câu chuyện theo một cách dễ hiểu nhất có thể.

Đã có tiền lệ tương tự

Với những người đã quen với hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam, thực ra câu chuyện kể trên không hề mới. Bởi từ những năm 1990, chúng ta đã có những mô hình tương tự như mô hình đại học được đưa ra lần này, đó là mô hình đại học quốc gia và đại học vùng.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 1993-1998, 2 đại học quốc gia (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và 3 đại học vùng (Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế) lần lượt ra đời trên cơ sở sáp nhập một số trường đại học đã có trên địa bàn khi đó.

Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ví dụ, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1993 được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 trường đại học trên địa bàn Hà Nội khi đó, bao gồm: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm ngoại ngữ và Đại học Sư phạm Hà Nội 1.

Mục tiêu của việc sáp nhập này là nhằm tạo ra các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực (trước đó, hầu hết các trường đại học ở Việt Nam chủ yếu là đơn ngành/đơn lĩnh vực theo mô hình Liên Xô trước đây), được ưu tiên đầu tư, không chỉ làm nhiệm vụ đào tạo mà còn cả nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và làm đầu tàu của hệ thống giáo dục đại học trong cả nước.

Nhìn ra thế giới

Để tìm được một mô hình cơ sở giáo dục đại học nào trên thế giới hoàn toàn giống mô hình đại học hiện nay, hay đại học quốc gia, đại học vùng trước kia thì quả là khó. Mặc dù vậy, ta cũng có thể tìm được một số mô hình tương tự. 

Xin liệt kê vài ví dụ tiêu biểu: Tại Mỹ, từ những năm 1960, bắt đầu từ bang California, người Mỹ đã sinh ra một mô hình đại học mới gọi là “Hệ thống đại học California” (The University of California System). Hệ thống này được phát triển dựa trên một số đại học công lập vốn đã rất mạnh về nghiên cứu tại địa bàn ở thời điểm đó là Đại học California tại Berkeley, Đại học California tại Los Angeles...

Trên cơ sở sáp nhập các đại học này trong một hệ thống chung, bang California đã thành lập thêm một số đại học California khác tại Ivrine, Davis... Đến nay, hệ thống này bao gồm 10 trường đại học, hằng năm đào tạo hơn 200,000 sinh viên trong và ngoài bang California và là các đại học nghiên cứu công lập hàng đầu của bang này.

Về mặt mô hình, hệ thống đại học bang California khác đại học, đại học quốc gia hay đại học vùng ở nước ta lớn nhất ở chỗ mỗi trường đại học thành viên thuộc hệ thống đại học bang California đều là đại học tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực thì tại Việt Nam, các trường đại học thành viên chủ yếu là đơn ngành/đơn lĩnh vực.

Tại Pháp, từ năm 2007, chính phủ nước này ban hành một chương trình mới, trong đó họ sáp nhập các trường đại học với các viện/trung tâm nghiên cứu vào chung một ô có tên tạm gọi là Trung tâm Nghiên cứu và giáo dục đại học (viết tắt tiếng Pháp là PRES).

Đến năm 2013, mô hình PRES được thay thế bởi mô hình tương tự, viết tắt là COMUE. PRES hay COMUE về cơ bản đều bao gồm một số trường đại học tổng hợp và một số viện/trung tâm nghiên cứu với mục tiêu trở thành các đơn vị có đủ sức mạnh cạnh tranh được với các đại học Anh, Mỹ. 

Như vậy, việc thành viên của PRES/COMUE cũng có các đại học tổng hợp cũng có thể xem là điểm khác biệt cơ bản với mô hình đại học, đại học quốc gia, đại học vùng ở nước ta.

Trở lại với mô hình đại học ở nước ta

Quan sát của tôi thấy rằng có 2 luồng ý kiến thắc mắc về mô hình đại học kể từ khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Nghị định hồi tháng 3.

Thứ nhất, đó là việc tại sao lại có mô hình rối rắm: (trường) đại học trong đại học. Ở nước ngoài làm gì có university trong university như vậy đâu. Thắc mắc này về cơ bản được hóa giải khi nhìn sang mô hình đại học bang California tại Mỹ (và nếu nhìn rộng hơn thì tại Anh, Ireland thì cũng có một số mô hình university trong university như vậy).

Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận trường đại học trong đại học hay university trong university quả là làm chúng ta rất dễ nhầm lẫn. Theo quan điểm cá nhân người viết, chúng ta nên gọi đại học là hệ thống đại học, trong tiếng Anh là University System (tương tự mô hình tại California). 

Cách khác, ta có thể dành cho mô hình đại học một biệt danh (nickname) kiểu như PRES hay COMUE ở Pháp. Điều này sẽ giảm bớt được sự nhầm lẫn, cả trong giao tiếp tiếng Việt và tiếng Anh.

Thứ hai, có một số người thắc mắc, tại sao cứ phải sáp nhập các trường đại học bằng cách “đẻ ra” một hệ thống phía trên (đại học) quản lý để làm gì? Liệu ta có thể có cách khác, ví dụ như biến một trường đại học này trở thành phân hiệu của trường đại học kia hoặc nhập các khoa vào với nhau có được hay không? 

Thực tế, đây cũng là câu hỏi của bản thân người viết tới một số người có liên quan về mô hình đại học quốc gia (cũng bao gồm nhiều trường đại học thành viên) cách đây chừng 10 năm.

Câu trả lời hợp lý được cho là vì: Thứ nhất, trong hệ thống hành chính ở nước ta, trường đại học được xem như tương đương cấp vụ, cục, viện và vì vậy, nếu vẫn giữ mô hình trường đại học thì không thể phát huy được quyền tự chủ, tự quyết và vị thế của một cơ sở giáo dục đại học có sứ mệnh riêng như đại học quốc gia (hoặc tương tự là đại học vùng hay đại học hiện nay). Thứ hai, việc sáp nhập nguyên trạng các trường đại học và nằm trong một đại học lớn sẽ đảm bảo không tạo ra xáo trộn quá lớn và quá nhanh, tiềm ẩn những hiệu quả ngược.

Đại học California tại Berkeley. Ảnh: L.G.

Cần một hệ thống giáo dục đại học hiệu quả hơn

Trong khoảng hơn 10 năm qua, giáo dục đại học Việt Nam đã mở rộng khá nhanh, đặc biệt trong khu vực giáo dục đại học công lập. Năm 2006, 139 cơ sở giáo dục đại học (trong đó 109 công, 30 tư) thì đến năm 2019, con số này tăng lên tương ứng là 235 (170 công, 65 tư).

Việc này đang tạo ra một sức ép ghê gớm cho Chính phủ trong việc đảm bảo nguồn lực đầu tư thích đáng cho giáo dục đại học. Chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học công này với mức đầu tư tương đối thấp (trên từng trường hoặc trên đầu sinh viên) hay cần thu hẹp lại, chỉ đầu tư cho một số cơ sở giáo dục đại học công nhất định.

Người viết cho rằng chính sách sáp nhập trường đại học thành đại học mà nhà nước đang triển khai là nằm trong lộ trình “giảm đầu mối cơ sở giáo dục đại học công”, với kỳ vọng nâng cao hiệu quả đầu tư cho khu vực này. 

Trong bối cảnh đó, về trước mắt, người viết cho rằng chính sách này là khả dĩ xét trong điều kiện hiện tại, với điều kiện một số vấn đề về tên gọi dễ nhầm lẫn như trường đại học hay đại học được hóa giải như phân tích ở trên.

Mặc dù vậy, về dài hạn, có lẽ ta cần phải có những giải pháp căn cơ hơn và ít phụ thuộc vào mô hình, tên gọi hay cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học hơn. 

Ví dụ, người viết cho rằng, trong tương lại, để đơn giản, chúng ta chỉ cần một mô hình cơ sở giáo dục đại học duy nhất là trường đại học (kể cả các trường đại học đang giữ tên là học viện như hiện nay cũng nên đổi về thành trường đại học). Điều này sẽ đảm bảo không có hiểu nhầm về mặt thuật ngữ, và không còn tình trạng university trong university như hiện nay.

Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cũng không nên thôi nhìn nhận trường đại học như một đơn vị cấp vụ/cục/viện như hiện nay mà xem như là các thực thể hoạt động độc lập theo các hành lang pháp lý (tương tự như các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp hiện nay). 

Nếu là trường đại học công thì sẽ được nhận kinh phí từ nhà nước thông qua hiệu quả hoạt động; nếu là trường đại học tư thì sẽ nhận được ưu đãi của nhà nước thông qua các hình thức phi trực tiếp như: giảm/miễn thuế hay cho mượn đất với giá ưu đãi. 

Phạm Hiệp
.
.