Khi nhân loại thừa đức tin, thiếu niềm tin

Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:32
“Nếu tôi đứng ở đây và nói rằng hãy trừng phạt ông ta, hãy cho ông ta rũ tù thì người ta sẽ đếm xỉa tới những gì tôi nghĩ”, Samantha Geimer nói qua một bài phỏng vấn. 


Thực tế, Samantha Geimer là một cái tên xa lạ. Người ta chỉ biết đến cô khi cô được báo chí gọi là “nạn nhân của Roman Polanski”. Polanski là một trong những nhà làm phim xuất sắc nhất của thế kỷ 20 và hẳn nhiên, một trong những nhà làm phim tai tiếng nhất. 41 năm trước, Polanski bị buộc tội hiếp dâm Samantha Geimer, khi đó mới là một cô bé 13 tuổi.

Vụ án chưa bao giờ khép lại. Mọi người đều muốn Polanski bị lôi ra vành vóng ngựa. Người duy nhất tin rằng những hành hạ từ phía dư luận suốt bốn mươi năm qua đã đủ cho một sự chuộc tội lại chính là nạn nhân năm nào. Nhưng bang California vẫn quyết đi tới cùng để trừng trị kẻ thủ ác.

Bài xã luận trên tờ Los Angeles Times ủng hộ sự cứng rắn của pháp luật: “Vụ án Polanski không được xử để làm thỏa mãn mong muốn công bằng của nạn nhân hoặc nhu cầu hòa giải của cô. Vụ án được xử bởi bang California thay mặt người dân California. Thậm chí, nếu Geimer không còn hận thù với Polanski, điều đó không có nghĩa rằng ông ta không còn gây nguy hiểm cho người khác”.

Luật pháp sinh ra khi niềm tin đã mất

Điều tưởng như rất tự nhiên, đó là nếu nạn nhân mong muốn tha thứ thì thủ phạm sẽ được pháp luật tha bổng nhưng hầu như không được áp dụng trong pháp luật của các nhà nước hiện đại. Có rất nhiều trường hợp cho dù người bị nạn không khởi kiện, người gây án vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Nhưng tại sao lại như vậy? Câu hỏi này thú vị ở chỗ, đã từng có những thời điểm trong lịch sử, loài người không đặt trọng tâm vào việc phải xử đúng người đúng tội mà chỉ cố gắng để hai bên hòa giải là xong xuôi ai về nhà nấy.

Để làm rõ hơn, hãy đưa ra một so sánh như thế này.

Một người điều khiển phương tiện giao thông vì uống rượu mà lái xe gây tai nạn, cướp đi tính mạng của một người tham gia giao thông khác. Cho dù người gây án đã bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân và nhận được sự thông cảm từ phía họ nhưng trong mắt pháp luật, anh ta vẫn là kẻ có tội.

Những bộ lạc ở New Guinea có quy tắc ứng xử khác xa với luật pháp của các nhà nước hiện đại.

Ngược lại, nếu cùng sự việc này xảy ra tại Papua New Guinea, một vùng đất mà cho đến nay vẫn còn vô số bí ẩn chờ được khai phá, mọi chuyện sẽ có diễn tiến khác hẳn. Chính trị ở đây vẫn còn sơ khai đến mức đa phần người New Guinea bản địa vẫn sống ngoài tầm kiểm soát của hệ thống tư pháp nhà nước và họ tự điều hòa các mối quan hệ  thông qua các quy tắc ứng xử  từ hàng ngàn năm nay.

Học giả Jared Diamond từng kể lại câu chuyện về một tài xế vô tình đâm chết một đứa trẻ tại Papua New Guinea. Thay vì dằng dai nhau tại tòa án, gia đình đứa trẻ chỉ đòi hỏi ở người tài xế sự nhận thức về nỗi đau họ đang nếm trải cùng một khoản bồi thường gọi là sori money. Đúng như tên gọi, số tiền đại diện cho sự xin lỗi và sự hối hận của kẻ gây ra tai nạn.

Ngay cả ở các xã hội phi nhà nước khác còn tồn tại tới ngày nay, như tộc người Nuer ở Sudan, quy trình bồi thường cũng diễn  ra tương tự. Từ tội giết người tới tội ngoại tình, ăn cắp, hầu như vấn đề nào người Nuer cũng có thể hòa giải chỉ bằng vài chục con bò. Khoản bồi thường đấy không nhằm để đánh giá ai đúng ai sai mà chỉ nhằm mục đích khôi phục lại các mối quan hệ giữa người với người.

Thoạt nhìn, tư pháp nhà nước và tư pháp truyền thống có nhiều điểm tương đồng. Đương nhiên, vì dù sao tư pháp nhà nước cũng tiến hóa từ tư pháp truyền thống. Nhưng vấn đề là, chúng có những mục tiêu khác nhau. Một bên nhằm duy trì trật tự trị an (tư pháp nhà nước), một bên hướng tới khôi phục những mối quan hệ sẵn có (tư pháp truyền thống).

Chánh án Robert Yazzie của Navajo, một cộng đồng thổ dân châu Mỹ nhận xét: "Xử án ở phương Tây là quá trình tìm kiếm những gì đã xảy ra và người đã gây ra. Quá trình gìn giữ hòa bình của người Navajo tập trung vào tác động của những gì đã xảy ra. Ai bị tổn thương? Họ cảm nhận được gì về điều đó? Có thể thực hiện được những gì để bù đắp thiệt hại?”.

Từ bao giờ chúng ta đặt công lý lên trên những cảm xúc thực sự của con người? Câu trả lời là từ khi quy mô dân số của loài người trở nên lớn đến mức không thể kiểm soát được. Trong những cộng đồng truyền thống chỉ vài ngàn người, mọi người đều liên quan đến nhau một cách mật thiết. Không có ai là kẻ xa lạ. Những mối nối quá chặt chẽ khiến người ta không dại gì đánh mất một mối quan hệ về lâu về dài.

Nhà nước chỉ xuất hiện khi chúng ta có một quần thể dân số nhất định. Đó là lúc xung quanh ta đều là những người lạ. Chúng ta sẵn sàng vứt bỏ một mối quan hệ vì có cả ngàn những quan hệ khả thể khác. Luật pháp ra đời để điều chỉnh một xã hội của những người xa lạ. Bởi vì lúc này, chúng ta không thể đặt niềm tin vào nhân tính hay công lý tự thân.

Cũng tại bang California, từng có vụ án về một tài xế cố tình đâm chết một người đàn ông đang đạp xe trên phố. Hắn bị kết tội 14 năm tù. Nhưng trong khoảng thời gian đó, một chương trình tư pháp phục hồi (restorative justice) đã sắp xếp buổi gặp gỡ giữa vợ của nạn nhân và kẻ gây án để họ đối thoại trực tiếp và bày tỏ cảm xúc của mình. Sau 4 giờ trò chuyện, người vợ của nạn nhân trở về và nói: "Tha thứ là việc làm khó khăn nhưng không tha thứ còn khó khăn hơn nhiều". 

Câu chuyện khiến người ta suy nghĩ nhiều hơn về cách  mình đang tổ chức một xã hội hiện đại với luật pháp rất ngay ngắn nhưng tỉ lệ tội phạm vẫn tăng cao và con người thì ngày càng mất niềm tin vào những người khác.

Mất niềm tin nhưng thừa đức tin

Như đã nói, một xã hội đông đúc khiến con người đánh mất niềm tin vào nhau và để cùng sống an ổn, họ cần viện đến những hệ thống nguyên tắc chung, như pháp luật chẳng hạn. Nhưng, trong cuộc sống thường nhật, pháp luật cứng nhắc không phải lúc nào cũng hiệu quả. Để lèn vào những ngóc ngách nhỏ nhất của đời sống, cần một thứ linh hoạt và gần gũi. Và con người gán nhiệm vụ đó cho tôn giáo.

Sự tiến hóa của tôn giáo từ một phương pháp để giải thích thiên nhiên đến một tập hợp các giáo lí để xét nét, điều chỉnh con người không chỉ ghi dấu ấn tư tưởng của các triết gia vĩ đại mà còn xoay quanh  mưu toan chính trị của những bộ óc khôn ngoan.

Trong các xã hội truyền thống như New Guinea, tôn giáo còn rất ngây thơ vì chưa có sự gặp gỡ với chính trị. Người nắm quyền hành về tôn giáo là thầy pháp cũng không có nhiều lợi thế so với các cư dân khác, bởi khả năng sản xuất kém hiệu quả khiến ai cũng phải tay làm hàm nhai. 

Chỉ khi xã hội giàu có hơn, sự phân công lao động mới đủ sâu sắc để cho ra đời những linh mục, thầy tế toàn thời gian. Hay nói cách khác, sự sùng tín được tiếp sức nhờ văn minh và được vỗ béo nhờ sự dư thừa của cải vật chất.

Dù nhận được sự tha thứ từ nạn nhân của mình, đạo diễn Roman Polanski vẫn hứng chịu sự nguyền rủa từ dư luận và chắc chắn sẽ không được pháp luật Mỹ tha bổng.

Nó đánh dấu một giai đoạn mà kể từ đây, tôn giáo trở thành người giúp việc tin cẩn của bộ máy nhà nước. Tôn giáo được o bế bởi nếu không đắp lên mặt nạ tôn giáo, các nhà nước sơ khai như Ai Cập cổ đại, Mesopotamia,  đế chế Inca làm sao tiếm đoạt được của cải của nhân dân? Mục đích phục thiện của tôn giáo cuối cùng lại biến nó thành át chủ bài để nhiều nhà lãnh đạo dễ bề cai trị và đôi khi, phát động những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử thế giới.

Còn cư dân bộ lạc, tuy chiến tranh liên miên nhưng ít ra, họ không bao giờ biện hộ cho những cuộc tương tàn bằng lí tưởng cao cả.  Một người lính của New Guinea không được khuyến khích hy sinh mạng sống, càng không biết tới những khái niệm cực đoan như “tử vì đạo”.

Chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng xã hội văn minh có quá nhiều điều tốt đẹp. Công dân xã hội văn minh được sống trong nhà cao cửa rộng, được hưởng sự chăm sóc y tế, được đi học, họ lại sở hữu nhiều của cải vật chất và hàng tá những tiện nghi hiện đại khác. Ta có tuổi thọ cao hơn, tỉ lệ tử vong thấp hơn. Nhờ pháp luật, ta có một cuộc sống ổn định. Nhờ đức tin, ta có đời sống tinh thần phong phú.

Nhưng, khi nhìn vào những cộng đồng thổ dân vẫn còn đang sống rải rác trên khắp thế giới này, người ta bất ngờ nhận ra cái mà chúng ta đang mỏi mắt tìm kiếm trong xã hội hiện đại lại tồn tại dễ dàng trong những xã hội truyền thống, như sự san sẻ hay sự gắn bó giữa con người và tập thể.

Và có lẽ, một xã hội hiện đại tới mấy cũng vẫn còn nhiều điều phải học từ chính những kẻ họ cho là man tộc?

Hiền Trang
.
.