Hãy vững tâm và tin tưởng

Thứ Năm, 16/03/2017, 11:41
Việc các cô giáo mầm non bạo hành trẻ chỉ là "con sâu làm rầu" nồi canh. Ngoài kia, hàng nghìn cô giáo mầm non vẫn đang ngày đêm cống hiến vì tình yêu trẻ. Xin hãy vững tâm và tin tưởng.

Anh Nguyễn Văn Ba, Quận Bình Thạnh, TP HCM: Thưa nhà báo, sau vụ ở trường Nam Trung Yên xôn xao dư luận, hôm qua tôi đọc báo lại thấy có đơn tố cáo một Hiệu trưởng trường THCS vì những sai phạm từ thu chi cho đến nhận người thân, bao che cho vây cánh. 

Tôi thật sự hoang mang vì từ lâu tôi vẫn nghĩ trong bất kỳ sự suy vi nào thì môi trường giáo dục vẫn phải là môi trường không ô nhiễm, bởi có quốc gia nào mà giáo dục lại không là rường cột. Nay thì hết chuyện này đến chuyện khác liên quan đến giáo dục lại xảy ra.

Ngay cả hai cháu nội của tôi đi học mầm non cũng có nhiều vấn đề mà tôi không tiện kể. Rồi còn bạo hành trẻ trong nhà giữ trẻ, nhiều chuyện lắm thưa nhà báo. Kính mong nhà báo kiến giải giúp tôi khôi phục lại niềm tin, nhất là ở những ngôi trường mầm non nơi trẻ em là búp trên cành, là trang giấy trắng. Cảm ơn nhà báo, cảm ơn toà soạn.

Nhà báo Lê Huyền: Sau mỗi vụ bạo hành được đưa ra ánh sáng, những câu chuyện về nghề, về đời của nhiều giáo viên mầm non lại được đề cập. Tôi biết, nhiều giáo viên mầm non vì không chịu được ánh mắt soi xét của dư luận đã xin nghỉ việc. Câu chuyện bỏ tiền mua an toàn cho con càng được phụ huynh quan tâm.

Thưa với bác, tôi có cô bạn làm nghề giáo viên mầm non. Sở dĩ, gọi làm nghề vì nhà giáo cũng là một nghề như bao nghề khác. Ngày ra trường, bạn háo hức với nghề lắm. Sáu giờ sáng có mặt ở trường đón các cháu. Cho các cháu ăn, uống, ngủ, nghỉ, tắm, giặt. Là cô giáo nhưng bạn làm công việc như một người mẹ chăm con.

Bạn cũng nói, nghe các con gọi mình bằng "mẹ" xúc động lắm. Nhìn các bé cười đùa dù mệt mỏi cũng tan biến. Thậm chí nhiều đêm bạn còn nằm mơ thấy học sinh mình. Bạn tôi, thực sự là người quan tâm học trò, đến với nghề dạy mầm non bằng tình yêu thương trẻ. Bạn là một nhà giáo chân chính.

Vậy mà, cách đây không lâu bạn lại nói, rất muốn bỏ nghề. Bạn kể, mấy hôm trước, một vị phụ huynh khi đón con đã dúi cho bạn một phong bao với một khoản tiền kha khá, cùng với lời nhắn, nhờ cô quan tâm con. Nếu bực tức, cô cũng đừng đánh con. Phụ huynh còn bảo xem trên mạng thấy các cháu mầm non bị cô bạo hành mà sợ quá. Chiếc phong bì này, nếu rơi vào những ngày lễ, tết có lẽ không sao. 

Vì bạn cũng từng nhận phong bì. Tất nhiên, đó là là những món quà phụ huynh gửi trong ngày lễ, tết, hay dịp 20-11. Nhưng hôm nay, bạn thấy như một sự xúc phạm. "Tôi làm nghề vì yêu trẻ, vì nghề và vì cuộc sống. Đúng là thu nhập ít ỏi, nhưng đó là công việc chúng tôi lựa chọn. Tôi cũng biết sau các vụ bạo hành trẻ, thì nhiều phụ huynh "quan tâm" cô giáo hơn. Nhưng sự quan tâm như vậy nhìn chúng tôi rẻ rúng và đau đớn lắm. Có khác nào phụ huynh mua sự quan tâm từ chúng tôi".

Bạn cũng thừa nhận, vì đã nhiều lần gặp phụ huynh như vậy nên không còn lý tưởng tốt như ngày nào nữa. Những áp lực cuộc sống, sự chỉ trích từ xã hội, sự khắt khe trong mỗi gia đình đã dần lấy đi sự nhiệt huyết thuở mới vào nghề. Bạn không chắc sẽ giữ được cái tâm, đạo đức trong bao lâu, khi nhiều đồng nghiệp đã bỏ nghề hoặc rẽ sang hướng khác. Sau mỗi vụ bạo hành, giáo viên mầm non trở thành đối tượng bị xã hội chỉ trích, bè bỉu.

"Mình thừa nhận, có không ít giáo viên gợi ý phụ huynh đi tiền để có thêm nguồn thu nhập. Điều này tạo cho phụ huynh tâm lý phải tặng quà cho cô để đảm bảo con họ không bị đánh. Cũng có giáo viên, vì cái món quà ấy mà xởi lởi với các em hơn, nhưng đó chỉ là số ít, những con sâu trong ngành giáo dục. Chúng tôi mong phụ huynh hãy tôn trọng chúng tôi, như chúng tôi tôn trọng phụ huynh và các em" - bạn nói.

Tôi vào một diễn đàn dành cho các giáo viên mầm non, nhiều tâm sự của các giáo viên mầm non nghe thật nhói lòng. Một cô giáo viết rằng, "sáng nay, em vừa thức dậy đã nghĩ ngay đến việc đi chợ mua thứ gì ngon ngon để nấu cơm cho cả nhà vì cả tuần đi dạy gia đình đã phải ăn đồ chợ chiều.

Vậy mà, vừa bước được mấy bước thì em nghe mấy cô bán hàng ngồi bàn tán về giáo viên mầm non. Họ dùng từ rất chất chợ búa nghe rất đau xót làm sao. Nào là mấy con mẹ giữ trẻ, mấy con quỷ cái, mấy mụ giáo viên. Nghe xong rồi, em chẳng muốn nhấc chân bước nữa, đành mua nhanh để về. 

Một lần khác, em đang mua đồ ăn sáng thì có hai chị phụ huynh bàn với nhau về việc tặng quà cho cô ngày 20/11. Một chị nói đi mỗi cô 100.000 đồng và kẹp trong bông hoa cho nhanh. Còn một chị thì bảo, đi gì mà lắm thế, đi 50.000 đồng là nhiều rồi, người ta đi 20.000 đồng chứ mấy. "Đi" cho lắm rồi "nó" cũng đánh cho bầm dập chứ chả tha đâu. Nghe xong hôm sau, em nhận quà 20-11 của học trò với một tâm trạng khó tả.

Lại một lần khác, em nghe một chị kể lại rằng chị ấy nghe phụ huynh khoe tháng nào cũng cho cô giáo 100.000 đồng. Cô giáo thấy tiền là sáng mắt, cầm liền không từ chối. Nghe xong em nghĩ bụng, chắc 100.000 đồng này cô giáo cứu được cả thế giới. 

Thêm một lần nữa, em lại nghe hai chị phụ huynh vừa đón con ra khỏi cửa lớp đã nói với nhau rằng, chả biết cô kiểu gì mà con tao sáng đi học thì khóc đòi về, chiều về thì chả muốn chào cô đã lao ra ôm mẹ.

Tôi hỏi bạn, việc phụ huynh biếu phong bì có cải thiện tình trạng bạo hành mầm non hiện nay không? Bạn bảo, nếu cô giáo đó coi trọng vật chất và làm nghề vì tiền. Nhưng là không, nếu giáo viên có lòng tự trọng. 

Vì chẳng có lòng tốt nào lại được mua bằng tiền. Tiền không thể mua nổi lương tâm và đạo đức nhà giáo. Những nhà giáo chân chính sẽ luôn chăm lo học sinh chu đáo bằng chính tình yêu thương. Còn những nhà giáo không có tâm, thì dù có bao nhiêu tiền đi nữa vẫn sẽ đánh trẻ.

Lại nữa, chị đồng nghiệp có con đang học lớp mầm 3 tuổi kể với tôi rằng, bí quyết để con chị được bé ngoan là tuần nào cũng bỏ vài trăm ngàn dúi cho cô giáo. Mấy tuần đầu con chị không được bé ngoan, còn bị cô nói rất nghịch. 

Nhưng cuối tuần qua, chị biếu cô vài trăm thì tuần này con đã được bé ngoan. Có thể vài trăm ngàn với chị không là bao, nhưng với cô giáo mầm non lương 3 triệu/tháng là cả ngày thu nhập, nhưng một lá phiếu bé ngoan chỉ có giá vài trăm thì quá rẻ.

Một giáo viên nói với tôi rằng, họ được phụ huynh tặng quà cáp và rất nhiều thứ. Nhưng nhiều phụ huynh tặng quà không phải thay lời cảm ơn người đã chăm sóc con họ mà để đảm bảo giáo viên không đánh các bé. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn đưa phong bì với lời dặn các cô quan tâm đến cháu nhiều hơn. Tất nhiên có giáo viên sẽ nhận. Và ngày càng nhiều vụ giáo viên đánh học sinh thì suy nghĩ bỏ tiền mua an toàn cho con càng được phụ huynh quan tâm.

Không ít phụ huynh tâm sự, bần cùng mới gửi con tại nhà trẻ. Bản thân họ luôn lo sợ và thấp thỏm khi con đến lớp. Thậm chí nhiều người còn tưởng tượng việc con mình bị bạo hành. Một chiếc phong bì vài trăm, biếu cô giáo thay cho lời cảm ơn thì không sai. Nhưng để mua lòng tốt, mua sự quan tâm thì sai.

Rất tiếc, ngày càng nhiều phụ huynh có suy nghĩ này và không nghĩ rằng làm như vậy là đang tiếp tay cho sự băng hoại về đạo đức nhà giáo. Chắc chắn, không ai trong chúng ta nghĩ rằng, bỏ tiền sẽ mua được lòng tốt. Vì lòng tốt- là cái bên trong, chắc chắn sẽ không mua được bằng tiền - cái bên ngoài.

Nhưng, lại trớ trêu, có lòng tốt mua được bằng tiền. Vậy thì, lòng tốt sẽ hết khi hết tiền hoặc khi gặp số tiền lớn hơn. Với giáo viên có lòng tự trọng, sẽ xem đó là vi phạm đạo đức. Nhất là khi mà hiện nay đang có nhiều câu chuyện buồn về giáo viên mầm non. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ rằng, cũng vẫn là hy hữu, lâu lâu mới có.

Còn rất nhiều giáo viên rất tận tuỵ với nghề, tận tâm với trò. Lâu trước, đọc lời tâm tình của một cô giáo mầm non khi gửi tới phụ huynh của mình, "chúng ta, quý phụ huynh luôn đòi hỏi ở giáo viên rằng con mình phải ngoan, phải giỏi, phải lên cân, việc mà ngay cả bản thân chúng ta chưa chắc đã làm được điều đó. Chúng ta ở nhà cả ngày với một vài đứa trẻ đã đủ mệt rồi, huống chi các cô giáo ở trường với 30, 40 trẻ.

Một thực tế là ngày nay, trẻ con được cưng chiều quá mức hơn chúng ta ngày xưa. Chính vì vậy mà trẻ con ngày nay thường có tính ỷ lại, ích kỷ và thích đổ lỗi cho người khác. 

Nên nhớ rằng, ở các nước có nền giáo dục phát triển như Nhật Bản, Singapore... học sinh muốn vào trường học phụ huynh phải cam kết xử phạt bằng đòn roi. Tôi không đồng tình với phương pháp dạy dỗ bằng bạo lực nhưng cần nghiêm khắc với trẻ để hình thành cho trẻ một nền tảng nhân cách đúng đắn.

Nhưng đã gọi là dạy thì phải có phương pháp. Tôi cũng không phủ nhận, ngành giáo dục cần khẩn trương xem lại cách quản lý của mình. Không để các nhóm giữ trẻ tự phát tự do hoạt động gây những mất mát và tổn thương nghiêm trọng cho gia đình cũng như ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người giáo viên nói chung.

Tôi tha thiết mong mọi người hãy có cái nhìn công bằng hơn đối với người giáo viên mầm non. Bởi vẫn còn đó những con người ngày đêm miệt mài chăm lo cho con em của chúng ta. Họ sẽ yêu nghề hơn, có động lực và làm việc tốt hơn khi được chúng ta tôn trọng và tôn vinh".

Xin thưa, nghề nào cũng có mặt trái. Tôi tin việc các cô giáo mầm non bạo hành trẻ chỉ là "con sâu làm rầu" nồi canh. Ngoài kia, hàng nghìn cô giáo mầm non vẫn đang ngày đêm cống hiến vì tình yêu trẻ. Vì lòng tốt của họ thực sự phát từ tâm của họ chứ không phải vì tiền. Tôi mong bác vững tâm và tin tưởng.

Lê Huyền
.
.