Giải quyết khủng hoảng bằng lệnh cấm: Ngành giáo dục nghĩ gì?

Thứ Bảy, 11/05/2019, 10:02
Thông tư 06 nhấn mạnh đến việc học sinh không được lên mạng lan truyền những thông tin, hình ảnh làm... ảnh hưởng xấu đến ngành giáo dục nhưng lại không nói rõ thế nào là "ảnh hưởng xấu"? 


Thưa Báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng!

Tôi là phụ huynh của hai học sinh, một lớp 7, một lớp 11. Vì cùng lúc phải nuôi dạy, chăm sóc hai con đang đến trường đi học mỗi ngày nên tôi luôn đặc biệt quan tâm đến các chính sách, luật lệ ảnh hưởng trực tiếp đến con cái mình mà ngành giáo dục đưa ra. 

Những ngày gần đây, qua một số tờ báo, tôi được biết Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Thông tư 06, về "Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên", trong đó Mục 7, Điều 4 đã đề cập tới việc: giáo viên và học sinh không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh làm... ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.

Thật lòng, là một phụ huynh, tôi thấy rất vui với quy định này. Bởi từng ngày, từng giờ, từng phút, những phụ huynh chúng tôi luôn phân vân trăn trở về việc phải quản lý con cái mình trên mạng xã hội như thế nào đây. Quản lý trong đời sống thực đã khó, quản lý trên mạng ảo càng khó hơn. 

Trước đây, con tôi đã từng lên Facebook viết xấu về một cô giáo dạy toán và sau đó không ít bạn bè cùng lớp với cháu vào comment tung hô, ca ngợi hành động này. Đọc dòng status của con mình, đọc những comment tung hô, ca ngợi con mình theo cách này, tôi thấy sợ hãi ghê gớm. 

Bởi tôi biết chắc, cô giáo dạy toán của cháu là một cô giáo vừa tốt về chuyên môn, vừa tận tâm, nhiệt huyết trong việc dạy dỗ học trò, chỉ có điều cô là người cực kỳ nghiêm khắc. 

Tất cả các phụ huynh ở lớp đều hiểu rõ sự nghiêm khắc này và chúng tôi đã đề nghị cô nhất định phải nghiêm với các cháu vì chúng tôi hiểu nếu không nghiêm thì các cháu khó có thể học hành hiệu quả. Nhưng chính vì sự nghiêm khắc của cô mà rất nhiều cháu không thích và đấy chính là lý do để các cháu nói xấu cô trên mạng xã hội.

Sau đó, hội phụ huynh của lớp đã họp, đề nghị các cháu phải gỡ toàn bộ status và các comment với nội dung nói xấu, nói sai, nói không đúng sự thật về cô. Chúng tôi cũng đã đề nghị các cháu phải xin lỗi cô và cam kết từ giờ không viết lên Facebook những điều như vậy nữa. 

Tuy nhiên, không lâu sau đó chúng tôi lại thấy những nội dung tương tự như vậy, chỉ có điều, lần này nó không còn xuất hiện trên Facebook của con tôi, cũng không xuất hiện trên Facebook của bất cứ cháu nào trong lớp mà lại xuất hiện trên những nickname Facebook mới tinh, lạ hoắc. 

Ban phụ huynh ngồi lại với nhau phân tích, mổ xẻ vấn đề rồi đi tới một kết luận: có thể các cháu đã lập ra những nick ảo để vừa lách khỏi tầm quan sát của bố mẹ, vừa có thể tiếp tục thực hiện ý muốn của mình. Đấy là điều khiến chúng tôi vô cùng đau đầu.

Và đấy cũng là điều duy nhất mà tôi thắc mắc khi đọc nội dung của Thông tư 06 nói trên. Xin được nhắc lại, là một người trong cuộc, luôn đau đầu (và nhiều lúc là bất lực nữa) trong việc quản lý hành vi của con cái mình trên mạng xã hội, tôi hoàn toàn ủng hộ việc phải cấm học sinh lên mạng nói xấu thầy cô, nói xấu trường lớp, khiến hình ảnh của ngành giáo dục bị ảnh hưởng. 

Mà không chỉ ngành giáo dục, làm như thế, chính sự phát triển nhân cách của học sinh cũng bị ảnh hưởng. Vấn đề là: nếu học sinh "lách luật" bằng cách dùng nickname Facebook ảo thì sao? 

Theo suy luận của tôi, nếu học sinh làm như vậy thì toàn bộ tinh thần tích cực của Thông tư 06 sẽ bị vô hiệu hóa. Vậy thì chúng ta có thể bổ sung những điều khoản nào để những quy định này chặt chẽ, hiệu quả hơn, từ đó giúp học sinh có thể sử dụng mạng xã hội một cách văn hóa hơn không?

Tôi nghe nói, ngày 28-5 tới đây, thông tư này chính thức có hiệu lực, vậy từ nay đến 28-5 chúng ta có kịp bổ sung, hoàn thiện điều này không?

Xin quý báo phản hồi. Chân thành cảm ơn!

Nguyễn Hòa An (Hà Nội)

Độc giả kính mến!

Chúng tôi hiểu và hiểu rất rõ sự lo lắng của các bậc phụ huynh trong việc quản lý con cái trên không gian mạng hiện nay. Chúng tôi biết rất nhiều bậc phụ huynh từng cấm con cái mình không được viết cái này viết cái kia trên mạng xã hội nhưng thực tế là chuyện cấm đoán này rất khó. 

Bởi đúng như độc giả đề cập, có những em học sinh sử dụng cùng lúc nhiều nickname Facebook, cả nick thật lẫn nick ảo và các bậc phụ huynh cũng chỉ có thể cấm đoán - theo dõi - kiểm soát được nickname thật của con cái mình mà thôi. 

Thế nên chúng tôi cũng đồng cảm với lo ngại của độc giả, rằng cũng chính vì điều này mà những nội dung cấm đoán trong Thông tư 06 của Bộ Giáo dục - Đào tạo khó đem lại hiệu quả như mong muốn.

Nhưng chúng tôi muốn lật ngược vấn đề để độc giả suy nghĩ thêm ở một góc độ khác của vấn đề: liệu chúng ta có thể thành công trong việc nghĩ ra hết lệnh cấm này đến lệnh cấm khác hay không? 

Giáo dục, ở cả cấp độ gia đình lẫn cấp độ nhà trường, việc cấm đoán ở một mức độ nhất định nào đó là cần thiết. Nhưng nếu chú trọng việc cấm đoán tới mức đưa nó thành một "mệnh lệnh cứng" và coi nó như một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để giải quyết những vấn đề nan giải mà mình đối diện thì có thể tạo ra những hiệu ứng ngược cũng chưa biết chừng. 

Ví dụ như Thông tư 06 nhấn mạnh đến việc học sinh không được lên mạng lan truyền những thông tin, hình ảnh làm... ảnh hưởng xấu đến ngành giáo dục nhưng lại không nói rõ thế nào là "ảnh hưởng xấu"? Mà đã không nói rõ thì rất có thể nó lại khiến các em học sinh nảy ra suy nghĩ đấy là một trong những cách ngăn chặn "quyền được nói" của mình. 

Theo nhận định của chúng tôi, "hình ảnh xấu" là một cách định dạng khá mơ hồ, chung chung. Trong câu chuyện mà độc giả chia sẻ với chúng tôi, rằng con cái mình đã lên mạng nói xấu một cô giáo dạy toán (dù thực tế cô giáo không xấu) thì việc nói xấu rõ ràng là cần phải chấn chỉnh. 

Nhưng giả dụ (xin nhấn mạnh chỉ là giả dụ) một thầy/cô giáo nào đó có những biểu hiện xấu thật sự nào đó và các em học sinh phản ánh những biểu hiện đó lên mạng thì sao? Khi ấy các em có vi phạm tinh thần của Thông tư 06 và có bị xử lý hay không?

Thưa độc giả, chúng tôi hiểu trong ngành giáo dục hiện nay số lượng những thầy/cô giáo tử tế, nghiêm túc là rất lớn nhưng thời gian gần đây chúng ta đã nghe đâu đó về việc một thầy giáo ở một trường nội trú từng nhiều năm liền sàm sỡ, quấy rối học sinh, một cô giáo từng vào nhà nghỉ với học sinh, một cô giáo khác bắt học sinh liếm ghế, một cô giáo khác nữa lại bắt học sinh uống nước từ giẻ lau bảng... 

Chắc chắn độc giả cũng đồng tình với chúng tôi rằng, với những hình ảnh "xấu thật - xấu không thể chối cãi" như thế này, các em học sinh mà cố giữ im lặng mới là chuyện bất thường. Và nếu đúng là các em học sinh im lặng trước cái xấu, trước cái tiêu cực, trước cái phải lên tiếng và đấu tranh thì thật lòng, chúng tôi nghĩ nền giáo dục đã thất bại thảm hại mất rồi.

Ngay sau khi xuất hiện Thông tư 06, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) đã phân tích trên báo điện tử VOV.VN rằng: "Cần định nghĩa rõ như thế nào thì gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, chứ nếu chỉ ghi chung chung thì dư luận sẽ đặt vấn đề về việc Bộ muốn hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân đã được hiến định. Những điều quy định trong hiến pháp nếu bị hạn chế phải bằng luật, chứ không thể hạn chế bằng thông tư".

Thưa độc giả, như đã nói ngay từ đầu, chúng tôi rất đồng cảm với những lo lắng của độc giả và có thể cũng là những lo lắng chung, những lo lắng nhức nhối của ngành giáo dục về việc quản lý học sinh trên không gian mạng hiện nay. 

Nhưng ở thời buổi hiện nay, nếu ngành giáo dục vẫn nghĩ rằng có thể giải quyết lo lắng bằng việc ban hành hết lệnh cấm này đến lệnh cấm khác thì chúng tôi cho rằng đấy chắc chắn không phải là giải pháp hữu hiệu, có khả năng chữa trị nỗi lo từ gốc.

Vậy giải pháp hữu hiệu, gốc rễ nằm ở đâu?

Một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất của đa số con cái chúng ta chính là khủng hoảng về nhận thức. Con cái chúng ta dùng mạng xã hội từng ngày, từng giờ, từng phút nhưng hiểu rất ít về bản chất thật của mạng xã hội. Con cái chúng ta gần như không được dạy rằng mạng xã hội ra đời thoạt tiên với mục đích tăng tính kết nối giữa người với người nhưng sau nó lại phát triển thành một mạng lưới làm tin và truyền tin. 

Là một mạng lưới làm tin và truyền tin nhưng mạng xã hội lại không tuân theo bất cứ nguyên tắc làm tin và truyền tin nào - vốn là những nguyên tắc riêng của ngành báo chí nên thông tin trên mạng xã hội là thông tin hỗn loạn. Con cái chúng ta chưa được dạy những kỹ năng phải cố gắng tìm ra cái thật trong cái loạn và phải có trách nhiệm viết ra cái thật, tăng cường cái thật để hạn chế cái loạn, cái giả, cái sai.

Muốn giải quyết hiệu quả và gốc rễ vấn đề này, ngành giáo dục nhất thiết phải xây dựng một môn học giúp cho người học ở tất cả các cấp độ khác nhau, với từng nấc thang trình độ khác nhau, dần dần nhận thức được bản chất của mạng xã hội, từ đó dần dần nhận ra trách nhiệm của mình trong việc sử dụng mạng xã hội.

Thưa độc giả, chúng tôi nghĩ rằng nền giáo dục chỉ có thể chữa tận gốc cuộc khủng hoảng này bằng việc xây dựng ngay một bộ môn như vậy. Còn nếu vẫn cứ hy vọng có thể chữa cuộc khủng hoảng bằng những lệnh cấm (vốn có rất ít tính khả thi) thì nó vừa là cách "chữa ngọn" vừa rất dễ tạo ra những "tác dụng ngược" trong giáo dục.

Xin chân thành cảm ơn độc giả!

Vương Trọng Tín
.
.