Gặp lại Bùi Huệ

Thứ Sáu, 08/03/2019, 15:15
"Đời luôn ở phía trước" - Huệ nói với tôi như vậy, sau hơn một năm chúng tôi gặp lại, tất nhiên là ở đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đó chẳng phải là thứ triết lí gì, mà nó xuất phát từ bản thân anh, và anh đang thực hành nó. Tôi tin anh…


Non già một thập niên trước, cái tên Bùi Huệ đồng loạt xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn nhỏ khắp cả nước. Chưa cần đọc nội dung, chỉ cần nhìn tấm ảnh mà ở đó có một chàng trai bị liệt 2 chân, ngồi trên xe lăn, phía trước là 2 chú chó vàng, kéo chiếc xe đi về phía biển, là đủ để cảm xúc dâng lên trong trái tim mỗi người.

Ước mơ dang dở

Chiếc cano cập cảng đảo Bé, khi trời vừa kịp ươm nắng vàng. Tôi rút điện thoại gọi, Huệ cười, bảo đợi tí vì anh đang chở khách. Tôi đi bộ vào phía trong, ghé quán nước, kéo ghế ngồi. Đó là nơi tôi gặp anh lần đầu tiên, khi đó nó chưa là quán nước, và chúng tôi nói chuyện ở đó, chính xác hơn là tôi "moi" thông tin từ anh để viết bài. 

Tôi nhớ như in khuôn mặt của anh, thon gọn và mái tóc bồng bềnh, rất lãng tử. Nhưng cái vẻ đẹp trai ấy, khi trở thành bề nổi trên đôi chân tật nguyền, Huệ buồn lòng lơi đi. Tất nhiên, trong một chàng trai vùng biển, vốn được tích lũy những kỹ năng sống còn ở biển, thì chẳng có gì làm anh ngã quỵ. Nhiều lần, anh nhớ biển đến mức, nhờ anh em bè bạn cõng ra biển, để được dầm mình.

Huệ luôn nghĩ rằng, đời luôn ở phía trước.

Lần gặp đầu tiên ấy, là một câu chuyện buồn của Huệ. Anh kể về chuyến lặn biển đầu tiên của mình, chuyến lặn biển định mệnh đã cướp đi sự lành lặn của anh. 

Trước chuyến đi biển ấy, anh có hơn chục năm lênh đênh trên biển, thông thuộc từng ngõ ngách san hô ở Hoàng Sa - Trường Sa. Nhưng đó là những lúc anh "đi bạn" mà theo nghĩa của người đi biển thì cũng giống như người đi làm thuê ở trên bờ mà thôi. Làm thuê nên sức lao động được trả công rất... bèo. Muốn cải thiện thu nhập, Huệ đã tập lặn, chờ cơ hội xuống nước.

Và rồi cơ hội cũng đến. Trước chuyến đi Trường Sa định mệnh ấy, anh nói với mẹ sẽ về sắm một số tiện nghi cho bà. Vì anh nghĩ, mà thực tế là vậy, dân lặn ở Lý Sơn sau mỗi chuyến biển về, thu nhập bèo gì cũng ba bốn chục triệu trở lên. Suốt 200 hải lí từ bờ ra Trường Sa, anh thao thức mãi về những dự định của mình.

"Nhưng khi vừa xuống dưới nước, tôi thấy cổ nghẹt nghẹt, khó thở, được một lúc sau thì đờm tràn lên cổ và gần như là không thở được, nên tức tốc ngoi lên. Khi có cảm giác gần tới nơi, thì tôi bị bất tỉnh, lúc thức dậy thì cảm giác nửa phần thân bên dưới của mình bị tê, hai chân không cử động được" - tôi nhớ lời Huệ kể về phút bi kịch đời mình. 

Đến bây giờ, vẫn còn ám ảnh ánh nhìn đầy đăm chiêu của Huệ, khi anh nghĩ về ước mơ dang dở: sắm tiện nghi cho mẹ.

Những người bạn… 4 chân

Bi kịch ấy, một phần do Huệ chưa có kinh nghiệm lặn, vấp phải điều cấm kỵ của người lặn, đó là ngoi lên đột ngột dẫn đến cơ thể không kịp thích nghi với áp suất đang bị thay đổi theo. Tất nhiên, chuyến đi biển ấy kết thúc sớm. Và mặc cho gia đình tất tả, ngược xuôi Nam Bắc để chạy chữa cho anh, thì đôi chân anh vẫn không thể trở lại như xưa. 

Từ ấy, nỗi buồn cứ bủa vây anh, có lúc anh nghĩ mình sẽ tìm đến cái chết. Nhưng bản lĩnh của chàng trai vùng biển, đã sớm xua tan ý nghĩ dại dột ấy. Rồi một lần xem phim, nhìn cảnh các chú chó kéo xe trượt tuyết, anh thấy được lối thoát cuộc đời mình.

Cả khu vực nơi nhà anh sống, lúc nào người ta cũng thấy cảnh một người đàn ông tật nguyền trên xe lăn "vật lộn" với 2 chú chó màu vàng. Đó là những lúc anh huấn luyện 2 người bạn này để kéo xe cho mình. Đầu tiên, anh "lấy lòng" 2 chú chó này, rồi huấn luyện từng chú một, sau đó "ráp" 2 chú chó lại với nhau. 

Điều khá hay, là anh không dùng roi, mà chỉ cần giật bên nào, là chú chó bên ấy tự biết nhiệm vụ của mình. Để rồi khi thấy anh thong dong trên các con đường ở đảo Bé, với sự giúp sức của 2 chú chó, hàng xóm đều trầm trồ kinh ngạc.

Hai chú chó, không đơn thuần nhiệm vụ kéo xe, mà chúng như người bạn, đã kéo anh khỏi trầm lặng cuộc đời. Tôi nhớ hôm ấy, khi ghé nhà chào tạm biệt, mẹ anh, bà Nguyễn Thị Tề hồ hởi rằng: "Nhờ có 2 con chó, mà Huệ nó thay đổi hẳn, không còn ngồi ở góc nhà trầm ngâm nữa". 

Và Huệ, cũng "tự thú" với tôi rằng, nếu không có 2 chú chó này, thì anh sẽ không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Xen kẽ những tháng năm ấy, có lần gia đình đưa anh chữa bệnh, ở nhà 2 chú chó ủ rũ, bỏ ăn, nằm yên dưới gốc cây hồi anh huấn luyện chúng. Để rồi khi anh trở về, chúng vui mừng đón, rồi quấn quýt anh mãi.

"Đời luôn ở phía trước"

Khoảng 15 phút sau, Huệ đến, anh vẫn vậy, vẫn mái tóc lãng tử và khuôn mặt thon gọn, có điều, những vết di trầm mặc hầu như đã không còn. 

Và… có điều, lần này anh không xuất hiện cùng 2 chú chó, mà trên một chiếc xe điện, loại dùng trong các khu du lịch. Đó là chiếc xe loại nhỏ, chỉ chở được 2 khách mỗi lần, nó được một công ty tặng anh, vì cảm phục nghị lực vươn lên của anh. 

Hồi trước khi đảo Bé trở mình đón khách du lịch, anh tự nuôi cua đá - một loài cua đặc sản ở Lý Sơn, để kiếm ít tiền giúp mẹ trang trải. Còn bây giờ, nhờ chiếc xe này, anh có thêm điều kiện phụ giúp mẹ già hơn.

Đó là những thông-tin-nhanh mà anh "khoe" với tôi khi gặp mặt. Tôi lên xe, chúng tôi đi dạo đảo Bé. Lần trước, tôi đi bộ còn anh ngồi xe lăn, có 2 chú chó kéo. 

Còn bây giờ, tôi ngồi phía sau, chính anh là người cầm lái. Xe chạy ngang nhà anh, 2 chú chó vẫy đuôi mừng. Anh kể, từ ngày có chiếc xe này, mỗi ngày anh kiếm tầm khoảng bảy, tám chục ngàn trở lên. Như thế là đủ để anh và mẹ sống qua ngày. 

Sau một hồi rong ruổi, anh chở tôi qua Bãi Sau, nơi có bãi tắm mà bất kỳ du khách nào đến, đều không muốn mình bỏ lỡ cơ hội ngâm mình dưới làn nước trong xanh vắt.

Bãi Sau bây giờ, một số hàng quán mọc lên, gần như tạm bợ. Chị Hộ - vợ người em họ của Huệ, cười như thanh minh: "Chính quyền chỉ cho thuê năm một, nên không dám làm kiên cố được". 

Anh Huệ chở khách tham quan đảo Bé.

Thì ra, khi đảo Bé trở mình thành điểm du lịch hút khách, người dân ở đây cũng thay đổi theo, gọi nôm na là dịch vụ phục vụ du khách. Nhưng còn đơn sơ và tất nhiên, không thể đòi hỏi sự chuyên nghiệp được. Huệ bảo, thời gian đầu, chỉ một vài người căng lều cho thuê áo phao, gương lặn và tắm nước ngọt. 

"Cả áo phao và gương lặn, chỉ 15 nghìn đồng cho một lần thuê, không giới hạn thời gian, miễn là trong một ngày. Còn tắm nước ngọt, 20 nghìn đồng mỗi người cho một lần tắm" - Huệ giải thích. 

Ai cũng biết, đảo Bé thiếu nước ngọt, nên các chủ quán ở đây, phải mua nước từ đảo lớn sang. Nên mới có chuyện, Huệ cùng em dâu họ mình… năn nỉ khách tắm tiết kiệm!

Một tuổi trẻ chất chứa đầy hoài bão, một tai nạn ập xuống, trở thành tàn tật, ắt hẳn Huệ phải bước qua biết bao khó khăn để có ngày hôm nay. Bước qua tật nguyền, anh nuôi cua đá, giờ là chạy xe điện chở khách du lịch, và cùng các anh chị em của mình mở hàng quán để phục vụ du lịch. 

Tôi hỏi, thế anh có nghĩ đến chuyện lập gia đình hay không? Anh chỉ cười, nhìn sang nơi khác, bỏ ngỏ câu trả lời. Tôi biết, chắc lòng anh đang ngổn ngang, và cũng không thể nào bỏ qua "nghi vấn", là có thể anh vẫn còn mặc cảm. Đó là tôi nghĩ vậy.

Bởi trước mặt tôi, là một người đàn ông vùng biển đầy bản lĩnh. Anh đã bước qua những sóng gió cuộc đời, để đi về phía trước, như anh nói, đời luôn ở phía trước mà… 

Xuân Thọ
.
.