Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 – 7-4-2017)

Xây dựng hôm nay, nhìn thấy ngày mai

Thứ Hai, 10/04/2017, 10:12
Trong hồi ký của bà Vũ Thị Thanh (quả phụ nhà thơ Tố Hữu) kể lại rằng, trong nhà, những chỗ trang trọng nhất, Tố Hữu đều treo ảnh Bác (trên tường phòng khách, phòng làm việc, cả dưới mặt kính bàn giấy).

Hình ảnh Bác ngồi đọc báo ngoài vườn, Bác ra mặt trận, Bác tiếp văn nghệ sỹ và anh hùng chiến sỹ… đâu đâu cũng như thấy được ở bên Bác. Dưới ảnh Bác là ảnh đồng chí Lê Duẩn cũng được trang trọng treo trong phòng làm việc của anh.

Bà kể: “Anh Tố Hữu thường nói với tôi, đồng chí Lê Duẩn là người đầu tiên đưa anh vào con đường cách mạng. Anh là một cán bộ lão thành từng trải từ lúc mới thành lập Đảng. Anh am hiểu phong trào và cán bộ của cả ba miền đất nước. Không những thế, Anh là một nhà chiến lược thông tuệ và tài năng của Đảng. Nhân cách cao đẹp của người cộng sản kiên trung như Anh đáng cho ta học tập noi theo”...

Sau khi đồng chí Lê Duẩn mất, Tố Hữu đã viết tặng bài thơ dài nhan đề Nhớ về Anh. Đó cũng là thời điểm kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh đồng chí Lê Duẩn (7-4-1987):

Đồng bào đồng chí nhớ Anh
Người con của làng nghèo chợ Sãi
Xác xơ mấy túp lều tranh
Nóng bỏng cát đồi Triệu Hải
Bữa cháo bữa rau, đùm bọc nhau lá rách, lá lành
Lòng vẫn đậm
Tình thương và lẽ phải
Từ đó, Anh đi
Vượt gian nguy
Hái cho đời
Những mùa hoa trái.
Âm thầm
Ra Bắc vào Nam
Xóm thợ Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội
Miền quê sông Cái, sông Lam
Nhen nhóm lửa
Giữa trời mưa bão... 

Trong bài thơ, Tố Hữu nhắc lại những hình ảnh giản dị, thân thuộc của làng quê nghèo chợ Sãi, về ngọn núi, con sông nơi chôn nhau cắt rốn đến những nẻo đường cách mạng của đồng chí Lê Duẩn. Làng nghèo chợ Sãi, với Vĩnh Linh, Quảng Trị, mảnh đất oằn lưng gánh bom đạn Mỹ giờ đây còn lưu lại nhiều câu chuyện đậm sâu về người con cách mạng.

Đồng chí Lê Duẩn thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân Vĩnh Linh, Quảng Trị chiều 30 tết Quý Sửu (2-2-1973).

Chiều 30 tết Quý Sửu (1973), đồng chí Lê Duẩn về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân Vĩnh Linh. Đồng chí tâm tình: “Khi người ta cảm động nhất thì người ta không nói được nữa, khi mà người ta cảm động hơn hết thì làm thinh là đúng hơn cả. Nhưng bây giờ thì khác. Sáng hôm nay, tôi gặp tất cả các đồng chí, gặp anh em, người xóm, người làng, tôi nói một số ý kiến nhé!”.

Nhìn toàn thể mọi người, đồng chí hỏi: “Các đồng chí có hay đọc lịch sử Việt Nam không?”.

Chưa có ai trả lời, đồng chí nói tiếp: “Tôi bây giờ đây tuy đã học lịch sử nhiều lần nhưng vẫn thường giở lịch sử Việt Nam ra đọc. Tôi đọc để biết nước Việt Nam như thế nào, cha ông ta là ai. Các đồng chí đọc lịch sử có hiểu chúng mình đây này, không phải tự nhiên mà có. Lúc chúng ta sống những năm tháng chiến đấu đây, lúc giữa hai miền của nước nhà cọ xát với cái sống, chết thì những tinh thần kết tinh của hàng nghìn năm còn ở trong chúng ta đây, sống lại, bùng lên... Chúng ta không có xương đồng, da sắt vì da sắt, xương đồng cũng tan nát dưới bom đạn Mỹ. Mà vì chúng ta là con người, con người thật sự...”. 

Đồng chí Lê Duẩn không quên nhắc lại bao nỗi khổ đau mà nhân dân Vĩnh Linh cũng như cả nước phải chịu đựng để có thắng lợi vinh quang này. Đồng chí căn dặn: “Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng ta phải làm cho những người ở phía bên kia hiểu được tấm lòng bao dung của Đảng và Nhà nước cũng như của tất cả mọi người đã chiến đấu không nề hy sinh gian khổ cho hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Hãy xóa hết tội lỗi cho họ, động viên họ chuộc lại lỗi lầm bằng sự đóng góp cho công cuộc xây dựng hôm nay”.

Nhắc lại điều này để thấy, vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, được chính Tổng Bí thư Lê Duẩn khi đó khẳng định và bằng các giải pháp, hành động cụ thể chứ không phải “văn suông”.

Sau này, nhiều ý kiến nói rằng, họ lo ngại cộng sản “tắm máu” nên tháo chạy, cho rằng những người ở “phe kia” sau giải phóng bị đối xử thậm tệ, bị đày ải, con cái của họ bị phân biệt đối xử khi học hành, làm việc... 

Những ý kiến, quan điểm đó rõ ràng mang tính quy chụp, trái thực tế. Là người đứng đầu Đảng ta khi đó, đồng chí Lê Duẩn luôn trăn trở vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc và đồng chí đã khẳng định điều đó ngay từ năm 1973, khi Mỹ rút khỏi Việt Nam nhưng ngụy chưa “nhào”. 

Ông Lê Văn Hoan, Bí thư Huyện ủy Triệu Hải, Quảng Trị giai đoạn 1977-1983 cho biết, ngay sau khi đất nước hòa bình, ngày 23-3-1976, đồng chí Lê Duẩn trở về thăm quê hương. 

Vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh vệ quốc, lúc này quê hương gặp vô vàn khó khăn. Làng mạc tan hoang do bom cày đạn xới. Đồng ruộng khô cằn đến nỗi không còn tìm được lùm cây, bụi cỏ để con chim làm tổ. Giấu niềm xúc động, nghẹn ngào vào trong, đồng chí Lê Duẩn đến từng nhà, bắt tay từng người để thăm hỏi, động viên và căn dặn, hướng dẫn cách làm ăn xây dựng lại quê hương, nước nhà.

Rồi đồng chí căn dặn các đồng chí cán bộ địa phương: “Các đồng chí còn bộn bề lo toan nhiều công việc, nhưng trước hết phải lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, con em phải được đến trường, phải lo cho tất cả mọi người không phân biệt “bên này bên kia” vì ai cũng là công dân của nước Việt Nam”.

Việc xây dựng con người mới sau ngày giải phóng cũng là mối quan tâm lớn của đồng chí Lê Duẩn. Khi nói chuyện với bà con Vĩnh Linh, đồng chí nói, trước kia ở Vĩnh Linh, Gio Linh, trẻ con mười tuổi trở xuống, ông bà già sáu mươi tuổi trở lên mỗi bữa ăn mới có một bát cơm nhỏ, số người còn lại trong gia đình đều phải ăn toàn sắn không thôi, sắn ngâm không có gì cả. Lúc đó, gia đình đủ ăn là như vậy nên đất đai trồng toàn sắn.

Đồng chí Lê Duẩn với bộ đội Quân khu 9, năm 1980. Ảnh tư liệu.

“Bây giờ Vĩnh Linh phải trồng cây công nghiệp, đắt tiền hơn, phát triển công nghiệp và có phát triển mạnh công nghiệp, đất nước ta mới giàu, Vĩnh Linh mới giàu” - đồng chí chỉ rõ.

Theo đồng chí, để làm được điều đó, phải phát huy tinh thần chiến thắng nhưng cũng phải thấy được khó khăn để vượt qua. Việc xây dựng cuộc sống hôm nay phải nhìn thấy tương lai của ngày mai. Chúng ta phải luôn chú trọng việc xây dựng con người mới, đó là con người có độc lập, tự do và biết thương người để xây dựng một nước Việt Nam không chỉ đẹp trong chiến đấu mà còn đẹp trong cuộc sống nữa.

Trước cán bộ, bà con Vĩnh Linh, Tổng Bí thư căn dặn: “Ta là người chiến thắng nhưng không được kiêu ngạo, phải đoàn kết yêu thương nhau để cùng cả nước tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn”.

Thắng không kiêu, ngược lại phải thấy rõ trách nhiệm, bổn phận để ra sức xây dựng nước nhà trong thời hậu chiến. Điều ấy đã được Tổng Bí thư Lê Duẩn căn dặn cán bộ, nhân dân ngay từ trước giải phóng. Đó là nhận thức khoa học, thực tiễn khi xác định rõ hai nhiệm vụ chiến đấu và kiến quốc không phải lúc nào cũng tương thuận với nhau. Không có nghĩa đánh giặc giỏi, mưu trí thì lao động sản xuất tất cũng giỏi, mưu trí. Hai nhiệm vụ ấy biện chứng nhưng thực hiện ra sao lại rất khác.

Tổng Bí thư Lê Duẩn đã lường trước những căn bệnh mà cán bộ, người dân dễ mắc phải sau khi kháng chiến thành công, đó là lòng tự mãn, đắc chí. Bởi vì đánh thắng kẻ thù hùng mạnh thì dễ sinh tư tưởng kiêu ngạo, cho rằng giặc mạnh thế còn thắng thì cày cuốc, sản xuất, nuôi trồng (là những nhiệm vụ lao động sản xuất thường ngày) có khó gì. 

Ruộng ta ta làm, trâu ta ta nuôi, rồi thì hợp tác xã là lao động tập thể, sở hữu tư liệu sản xuất tập thể, tất sẽ phát huy sức mạnh cộng hưởng tập thể, chẳng hà cớ gì không “tiến nhanh, tiến kịp lên CNXH được”.

Tổng Bí thư Lê Duẩn đã lường trước điều này để căn dặn, cảnh báo. Đáng tiếc, trong khoảng 10 năm sau giải phóng, chúng ta đã không nhận thức đầy đủ điều này khiến tư tưởng chủ quan, duy ý chí, sự trì trệ, bảo thủ, kiêu ngạo... bám rễ trong tư tưởng của xã hội lúc đó, là nguyên nhân căn bản dẫn tới kinh tế rơi vào khủng hoảng, khó khăn chất chồng.

Lối sống giản dị, đạm bạc vốn là phong cách của đồng chí Lê Duẩn. Năm 1981, trong một lần về thăm quê, đồng chí Lê Duẩn đã lên công trình thủy điện để thăm hỏi, động viên những người lao động là cán bộ, chiến sĩ, công nhân, nông dân đang ngày đêm miệt mài đào núi gánh cõng đất đá để xây dựng công trình. Đồng chí vào từng lán trại của người lao động ở để kiểm tra cuộc sống ăn, ngủ, sinh hoạt của họ.

Khi nước từ công trình thủy nông Nam Thạch Hãn về đến ruộng vườn, đồng chí Lê Duẩn đứng lại thật lâu trên kênh mương ở xã Triệu Long, chỗ đường rẽ về xã Triệu Đông mừng vui đến chảy nước mắt. Về thăm quê tại làng Hậu Kiên, bà con trong thôn đến vây quanh để được nghe đồng chí kể chuyện, ân cần hỏi thăm.

Đồng chí xúc động nói: “Ngày xưa làng mình nghèo lắm nhưng đồng bào rất thương nhau. Một gia đình có việc là cả xóm xúm vào giúp. Do nghèo và tình nghĩa đồng bào mà tôi ra đi làm cách mạng. Bây giờ hòa bình, độc lập rồi bà con cần phải thương yêu, đùm bọc nhau, tổ chức tốt các ngành nghề sản xuất để ai cũng có công ăn việc làm, đời sống ngày càng được nâng cao”. 

Ông Lê Khắc Định, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Hậu Kiên nhớ mãi lời căn dặn của Tổng Bí thư: “Đừng nghĩ mình là con, là cháu của Tổng Bí thư mà “cậy thế”, làm những điều không đúng. Phải biết bảo ban nhau mà học hành, sản xuất để không ngừng nâng cao đời sống”.

An Nhi
.
.