Đường sáng

Thứ Ba, 25/03/2014, 14:20
Ông quê ở xã Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An. Năm nay bước vào tuổi 90, chưa từng đi xa, chỉ một lần duy nhất rời lũy tre làng đi 13 cây số để tìm người vợ đã lặng lẽ bỏ ông mà đi. Bà tránh mặt ông lúc ấy mới 19 tuổi, nhưng nếu có gặp hẳn ông cũng không thể nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên đôi má bầu bĩnh của bà, lúc ấy ông đã bị mù lòa do bệnh đậu mùa thì phải. Rồi bà bỏ ông đi mãi, đi mãi theo tiếng bánh tàu hỏa lăn ken két trên đường ray, đến nay hơn 70 năm chưa một lần trở về.

Vậy mà người mù Đậu Sáng vẫn sống, vẫn tự mình chăm mình suốt 90 năm có lẻ.

1. Mẹ tôi kể rằng, thời trai trẻ, ông Sáng là người đẹp trai, lanh lợi nhất nhì làng Cung nằm sát con đường 1A đi qua. Bây giờ tôi nhìn mái tóc của ông tự cắt trên khuôn mặt da dẻ nhăn nheo nhưng dường như không bị cớm nắng, mới thấy hẳn là ngày xưa mẹ tôi nói quả là đúng. Thời cải cách, vốn con một người có nhiều ruộng, lại cần mẫn trong vùng, chuyện ông Sáng hỏi được người vợ đẹp người đẹp nết cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, những biến thiên của cuộc cải cách ruộng đất ào về làng tôi, nhà ông Sáng tất nhiên là chịu trận của một thời thật khó cắt nghĩa. Nhà ông sa sút, mất mát, của cải bị phân tán, số phận từng người bị méo mó đi sau những làn sóng dư luận quê mùa! Thôi, cái thời ấy nhắc lại làm gì, chỉ biết ông Sáng tự nhiên bị mù, mù một cách chậm chạp, từ từ cho đến lúc cả hai mắt không nhìn thấy gì nữa. Một chàng trai mắt sáng, khôi ngô, con nhà giàu có, có vợ vừa cưới xong, tự nhiên đôi mắt không nhìn thấy mặt trời và những người thân, đồ đạc và căn nhà gỗ rộng đẹp nữa, thì thật khó tưởng tượng lúc ấy tâm trạng thế nào? Sau bao biến cố thăng trầm, một lần về quê đến thăm ông, ông Sáng giải thích với tôi như một bác sỹ : “Do căn bệnh đậu mùa cháu ạ. Nếu khoa học bây giờ thì chữa được ngay, hồi ấy cái gì cũng thấp, thế là cậu bị mù cả đời…”. Ông không đổ lỗi cho oan miệng thế gian, hay đòn roi của ai cả như những người chẳng may số phận có liên quan đến những năm đầu năm mươi cải cách ruộng đất của thế kỷ trước ở vùng quê xứ Nghệ.

Sau khi bố mẹ mất, các anh em lập gia đình ở riêng, ông Sáng ở một mình trong căn nhà nhỏ. Thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, quê tôi bốn bề bị bom Mỹ bắn phá, pháo kích Mỹ từ biển dội vào, năm 1966 làng tôi buộc phải dời cả làng rời Quốc lộ 1A lên cánh đồng Cồn Lau cách làng cũ 3 cây số. Căn nhà cũ của ông Sáng dỡ ra làm lại chỉ vẻn vẹn có 3 gian nhà tranh, vách đất, thấp lè tè giữa ruộng lúa xanh thì con gái. Căn nhà ông Sáng ở gần ngã tư của làng, gần con sông đào nước trong vắt chảy qua làng, trở thành điểm vui chơi của thanh thiếu niên. Ông Sáng bị mù, tự nấu ăn một mình, cho nên nhiều người qua lại, lúc thì giúp ông múc gầu nước từ giếng lên, lúc thì bốc hộ ông nắm rạ, nắm rơm đỏ lửa trong bếp nấu cơm. Nhà ông dường như không trưa nào, không buổi tối nào là vắng nam thanh, nữ tú đến chơi. Nhiều đôi yêu nhau, thành vợ thành chồng cũng bắt đầu từ ngôi nhà của người mù. Thuở ấy, nhiều anh chị thanh niên làng tôi xung phong ra tiền tuyến đánh giặc, đi thanh niên xung phong, nhà ông Sáng trở thành nơi gặp gỡ, liên hoan tiễn đưa bao chàng trai, cô gái xa làng đi đánh Mỹ. Những chiếc khăn tay thêu nét chữ chỉ hồng kỷ niệm, những chiếc phong bì tự cắt dán từ giấy học sinh với  những chiếc tem thư được các cô gái yêu thầm trộm nhớ trao tặng nhau trong bóng tối của ngôi nhà ông Sáng. Chỉ cần nghe tiếng người, ông Sáng đoán biết đó là ai. Ông giữ im lặng để các đôi trai gái nói lời tâm sự, rồi đến lượt ông chúc mọi người vào Nam chiến đấu và chiến thắng.  Nhiều lá thư của những người lính từ chiến trường gửi về làng, bao giờ phần tái bút cũng có vài dòng ngắn gửi lời thăm ông Sáng, khiến ông vui vô kể vì biết trai làng mình còn sống và chiến đấu. Có dạo làng tôi nhận nhiều giấy báo tử, nhà ông trở thành nơi khóc thầm của những cô gái thầm yêu những chàng trai đã hi sinh. Ông cũng đau đớn, tâm sự, sẻ chia với nỗi đau của các cô gái mới lớn. Đến bây giờ những mối tình như thế mãi mãi là điều bí mật còn nằm trong trái tim ông.

Lớp anh trước ra đi, lớp em sau lớn lên lại tiếp tục chọn nhà ông thành điểm vui chơi, gặp gỡ… Ông là một người mù trở thành chứng nhân của một thời binh lửa của làng tôi. Hồi đó, bom đạn bất ngờ, nhiều người đến nhà ông ai cũng biết, ở gian chính giữa có kê một chiếc giường đôi, nhưng ít người biết giường đó phần để ông ngủ, phần để dành những người thân, người giận gia đình, người bị ruột thịt hắt hủi bỏ nhà lang thang đến ngủ nhờ. Đêm đêm, những câu chuyện ăn ở sự đời từ sự trải nghiệm đau đớn nơi ông thủ thỉ với những vị khách không mời là tuổi con,  tuổi cháu, hóa giải những ẩn ức để hòa thuận trong cái thời mưa bom bão đạn cận kề. Còn nhớ đêm đêm những trận bom Mỹ bất thình lình dội xuống, trời lấy của ông Sáng đôi mắt, nhưng trời thương để lại đôi tai thính. Dưới gầm giường, ông tự đào một chiếc hầm tránh bom, chiều rộng, chiều dài tương đương chiếc giường đôi, sâu chừng 80 cm.  Chỉ cần tai ông nghe tiếng bom, tiếng pháo kích của Mỹ nổ gần, ông lăn ngay xuống chiếc hầm ấy. Dưới hầm ông lót một lớp rạ, rơm rất dày, phòng khi lăn xuống đột ngột thì đỡ bị đau. Nghe nói để đào chiếc hầm ấy, cả ông, cả cánh thanh niên hò nhau làm mất một ngày. Ông ngại nhờ vả, nhưng thấy ông hì hục đào, ai thấy mà chẳng xắn tay vào. Được giúp ông cũng là niềm vui của cánh thanh niên làng tôi.

Tác giả và ông Sáng (tháng 2/2014).

2.Sau giải phóng miền Nam, làng tôi chia hai chuyển về gần nơi cũ, trên vùng đất xã mới quy hoạch. Nhà ông Sáng được bà con dỡ xuống, thu lại 3 gian nhà nhỏ hơn cách nhà tôi hơn 100m. Bây giờ ông không còn ở ngã tư, trung tâm của làng mà ở phía cuối dọc triền đê con sông Vách Bắc. Nhà ông thường vẫn có cánh thanh niên đến chơi mỗi tối, nhưng đó là khách cũ, số thanh niên mới lớn lên sau hòa bình ít qua lại nhà ông. Lúc này dường như mọi công việc trong nhà đều một tay ông lo lắng. Thật kinh ngạc, ông mượn xẻng về tự đào giếng lấy nước ăn. Cứ ngày này qua ngày khác, mỗi ngày đào một tí, chừng được gần chục mét, sau 10 ngày thì chạm đến mạch. Nước ngọt ùa về. Ông bắc thang leo lên miệng giếng đón cơn gió ban mai thổi mát rượi, tự thưởng cho mình một buổi sáng bình yên, hạnh phúc. Nhiều người láng giềng chạy đến chúc mừng thành công vĩ đại đáng kinh ngạc của ông. Người này mua tặng ông chiếc gầu làm bằng vỏ lốp xe ô tô, người kia mua tặng đoạn dây thừng. Người ta múc gầu nước sạch từ giếng lên, đổ vào thau cho ông rửa mặt, lau mồ hôi; người kia chôn hộ chiếc cọc tre làm chỗ đặt gầu. Mọi người đến rất đông cùng ông hoan hỉ, uống  nước chè xanh xứ Nghệ, rít điếu thuốc lào mừng chiến công mới của một người mù. Rồi ông tự làm mảnh vườn rộng chừng một sào Trung bộ, cuốc đất, rẫy cỏ, trồng chuối nơi giáp ranh hàng xóm. Vườn nhà ông gần Tết trồng su hào, bắp cải, hành tuơi; trồng thuốc lào xanh mởn; mùa khô lại trồng lạc, trồng vừng. Ông tự đan sọt nhờ người đi chợ bán, tự cắt tóc cho mình. Và ông vẫn tự nấu ăn như thuở  nào, vẫn biết cơm sôi nhỏ lửa, rạ rơm cháy đều suốt 3 bữa trong căn nhà neo đơn. Tối tối, ông nấu sẵn ấm nước chè xanh, thắp ngọn đèn dầu mở toang cửa chờ đón người tâm phúc; nhiều đêm chuyện vẫn nổ như ngô rang, tiếng cười nói oang oang vọng sang cả nhà hàng xóm, vui lây đến cả làng. Hẳn là trong tâm khảm, ông quan niệm đó là hạnh phúc.  

3.Lại nói về người vợ cũ bỏ ông đi năm nao. Một bận tôi về quê, đến thăm ông. Trong câu chuyện tôi hé mở chuyện xưa cốt để khai thác cho nhân vật văn học của mình. Nghe hỏi, ông lặng đi. Tôi phát hoảng chờ đón cơn thịnh nộ từ ông sẽ giáng xuống đầu kẻ hậu sinh dám gợi lại câu chuyện đau lòng một thuở, khiến vết thương lòng của ông thêm một lần rỉ máu… Nhưng lạ chưa, sau phút đỏ mặt như người bị bắt quả tang về câu chuyện tình từng chôn chặt, ông thảng thốt: “Bà ấy mới đây có gửi quà về cho cậu. Nghe nói sau lần trốn cậu vẫn làm ngành đường sắt, chuyển nhiều nơi, sau rồi chuyển dần ra Hà Nội. Các con bà ấy cũng thành đạt, có vợ có chồng. Mừng cho bà ấy lắm!”. Tôi thở phào! Chao ôi, số phận một con người, số phận một tình yêu dẫu là gán ghép thuở đầy biến cố không thể cưỡng lại, đã khiến trái tim một người mù vẫn thảng thốt và tha thứ thế này ư? Giờ này, người đàn bà ấy ở đâu? Nhiều năm tôi thử tìm kiếm, để làm gì ư? Để mong gặp lại người đàn bà làng tôi bao năm vật vã, vượt qua lời nguyền, vượt qua khốn khó thế nào để neo đậu lại đất  kinh kỳ, để nói lại với người ấy một câu mà ông Sáng dường như chỉ nói riêng với tôi: “Cháu ạ, giờ có tuổi, phải biết rộng lòng. Bà ấy bỏ cậu mà đi là đúng. Làm sao giận được người ta. Một thời đã qua, chẳng rõ thế nào. Số phận cậu như vậy, được sống đón các cháu tới thăm là vui rồi. Sống mà không chết được cũng chẳng sung sướng gì cháu ạ. Chỉ mong gia đình bà ấy khỏe mạnh là cậu thấy thỏa mãn…”. Nói rồi, ông lặng đi, tôi cũng lặng đi, chỉ nghe đâu đó tiếng gà gáy trưa bên nhà hàng xóm vọng sang chẳng rõ báo hiệu điều gì?

4.Mới đây, ngoài Tết Giáp Ngọ, tôi về quê dự lễ mừng thọ do xã tổ chức cho các cụ cao tuổi. Mẹ tôi sắp tròn 90 cũng được xã mời lên. Trên đường đi, tôi gặp hàng trăm con cháu đưa ông, bà, cha mẹ họ, mặc những bộ quần áo thật đẹp rình rang trên khắp đường làng, ngõ xóm. Sau buổi lễ trọng đại ấy, tôi rủ người bạn đến thăm ông Sáng như nhiều lần về quê. Nhà vắng lặng, gọi mãi, gọi mãi, mới thấy ông ra mở cửa. Nhà ông vẫn như xưa, sạch tinh tươm. Ông lần từng bước đi đến góc nhà, bật công tắc điện, ngôi nhà sáng hẳn lên. Thì ra, lâu tôi không về làng, tai ông bị điếc từ lúc nào không biết, tôi phải ghé sát tai ông nói to từng tiếng một. Và dường như ông cũng loáng thoáng hiểu rằng, có chuyện mừng thọ ở xã

 Ông nói, vừa tròn 90 tuổi, không thấy ai mời đi, nếu có mời thì cũng khó tìm người dắt lên. Ông không quên cám ơn tôi trước Tết có gửi quà mừng tuổi ông qua mẹ tôi, rồi ông nhắc: “Các cháu lương thấp, ở thành phố đắt đỏ, tiết kiệm mà nuôi con, nuôi mẹ, cậu sống thế này là đủ. Sống thọ thế này cũng xấu hổ lắm cháu ạ…”. Nói xong, ông cười xòa. Ông nói với tôi là rất cám ơn xã, cám ơn Nhà nước đã cấp cho ông 360 ngàn đồng hỗ trợ người cao tuổi. Có người khuyên ông, sống được mấy nỗi nữa, bán mảnh đất này đi, bán ngôi nhà này đi gửi tiết kiệm. Ông nói với chúng tôi: “Cháu ơi, nhà của xã làm cho cậu theo tiêu chuẩn người neo đơn. Đất cũng của xã, của Nhà nước, mình đâu tự tiện mà bán được. Nếu có bán, ăn hết rồi, lấy gì mà ăn. Cậu chịu khổ quen rồi, đừng làm cái gì trái đạo, đến lúc mình chết đi, để tiếng xấu cho đời”. Thì ra ông sống và giữ gìn phẩm hạnh, “cọp chết để da, người ta chết để tiếng…” là như vậy chăng?

Lại nhớ, cách đây hơn 30 năm, quãng năm 1981 thì phải, trong một lần về quê, đêm đó tôi được hai người dì ruột rủ đến thăm ông Sáng. (Hôm đó mẹ tôi dẫn đường cùng đi, mẹ tôi thương hai người em gái  này lắm, số là hồi con gái thời cải cách, do những biến cố trong gia đình ông ngoại Kiểm Vĩnh của tôi, buộc hai dì bí mật bỏ làng trốn đi một huyện miền núi xa xôi của tỉnh). Đêm đó, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi được nghe lỏm ông Sáng cùng mẹ tôi và hai người dì kể lại câu chuyện buồn của hai gia đình hồi cải cách ruộng đất. Tôi thảng thốt và suy tư về những hồi ức không vui của những người ruột thịt, thấy xa xót cho số phận đời người và tự hỏi, không hiểu vì sao bây giờ mẹ tôi mới cho tôi biết câu chuyện này. Thấy tôi im lặng quá lâu, trước khi ra về trời đã gần sáng, ông Sáng dặn: “Lần đầu tiên cháu nghe chuyện này phải không? Bây giờ cháu đã trưởng thành, là người có học thì mẹ cháu và dì mới kể. Nhưng cậu dặn cháu điều này, chuyện biết đâu để đấy, không nói với người khác. Bởi những chuyện hệ trọng như thế này mà rơi vào tai người đoản trí thì tai hại lắm cháu ơi…”.

Lời một người mù đêm ấy với dòng đời trải 90 năm có lẻ khiến mỗi lần tôi nhớ lại, cứ thấy rưng rưng!

H.T.
.
.