Đừng tưởng “ván” cứ “đóng thuyền” là xong!

Thứ Năm, 14/03/2019, 16:53
trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG), khiến nhà nước thất thoát tới 7.000 tỷ đồng thì trách nhiệm của hai ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn - khi ấy lần lượt là Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là rất lớn. 

Kính gửi Tòa soạn Báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng!

Vừa rồi, tôi đã theo dõi rất sát việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can với hai nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, gây hậu quả nghiêm trọng". 

Qua báo chí tôi biết rằng, trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG), khiến nhà nước thất thoát tới 7.000 tỷ đồng thì trách nhiệm của hai ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn - khi ấy lần lượt là Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là rất lớn. 

Là một người quan sát, chúng tôi thấy rất xót xa, đau đớn khi chính từ những sai sót của lãnh đạo Bộ thời điểm ấy mà 7.000 tỷ đồng của nhà nước - tiền thuế của người dân - mồ hôi nước mắt của người dân lại bị tiêu xài hoang phí như thế. Mà đấy là những sai sót rất khó chấp nhận vì có những sự vô lý mà ai cũng thấy, thế mà lãnh đạo Bộ lại không thấy. 

Ai dè, khi báo cáo đề xuất đầu tư, chuyển nhượng cổ phần AVG và lập dự án đầu tư trình Bộ Thông tin và Truyền thông, Mobifone đã không báo cáo đúng tình trạng tài chính rất xấu của AVG, thế mà những lãnh đạo Bộ thời điểm ấy cũng cho qua. 

Mobifone không khảo sát, không chọn những đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn kinh doanh cho mình, thế mà lãnh đạo Bộ thời điểm ấy cũng cho qua. Mobifone thậm chí lờ luôn 2 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG, thế mà lãnh đạo Bộ lại tiếp tục cho qua. 

Vậy thì trách nhiệm thẩm tra, đánh giá - cái điều cơ bản, bắt buộc phải có của lãnh đạo Bộ thực sự đã được thể hiện như thế nào? Tôi nghĩ sẽ không quá lời nếu bảo đấy là một biểu hiện vô trách nhiệm và như đã nói ở trên, từ sự vô trách nhiệm ấy mà 7.000 tỷ đồng nhà nước suýt chút nữa đã... mất trắng.

Thưa các anh chị trong tòa soạn, phân tích lại cụ thể vụ việc này tôi muốn đề cập tới một vấn đề mang tính bao quát hơn: Vậy thì còn bao nhiêu lượng vốn của nhà nước - bao nhiêu tiền thuế được làm nên từ mồ hôi nước mắt của người dân cũng đang đứng trước nguy cơ mất trắng, thông qua những dự án ảo - những báo cáo ảo - những sự đồng ý phê duyệt vô trách nhiệm như thế nữa? Nếu có thể mong quý báo cho tôi một câu trả lời.

Xin chân thành cảm ơn.

Nguyễn Hòa Hiệp (Hà Nội)

Minh họa: Hùng Dingo.

Kính gửi độc giả Nguyễn Hoà Hiệp!

Chúng tôi nghĩ rằng, câu hỏi mà độc giả đặt ra là rất nhức nhối và cần thiết. Và chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của độc giả bằng chính những tình tiết cần phải phân tích sâu hơn từ chính vụ việc mà độc giả nêu ra: Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, khiến nhà nước thất thoát 7.000 tỷ đồng.

Như độc giả đã biết, đây là một vụ mua bán đã được thực hiện, mà nói một cách hình ảnh là ván đã được đóng thành thuyền. Nhưng với sự vào cuộc có trách nhiệm của các cơ quan thanh tra nhà nước, rốt cuộc điều gì đã xảy ra? Xin thưa với độc giả, rốt cuộc là: "thuyền" lại bị tháo ra, trở về thành "ván". 

Tất cả chúng ta đều biết, các cổ đông AVG đã phải hoàn tất việc trả lại tiền cho Mobifone. Và Mobifone trả lại 95% cổ phần đã mua cho AVG. Từ đó mà 7.000 tỉ đồng "mất trắng" cuối cùng cũng đã được thu hồi lại. Việc thu hồi này, nói đến điều gì? 

Nó nói rằng, ngay cả khi "ván đã đóng thuyền", nhưng nếu quy trình "đóng thuyền" vi phạm pháp luật, khiến tài sản công của nhà nước đứng trước nguy cơ "mất trắng" thì sau đó cái thuyền cũng sẽ bị dỡ ra.

Mà chuyện "dỡ thuyền" không chỉ diễn ra trong riêng vụ Mobifone mua AVG như độc giả đề cập. Nó còn diễn ra ở một số sự vụ mua bán, cổ phần hoá cộm cán khác, mà điển hình nhất là vụ bán cảng Quy Nhơn. 

Thưa độc giả, năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Cổ phần hoá cảng Quy Nhơn, giảm tỉ lệ vốn nhà nước xuống còn 49%, và không lâu sau đó lại đề nghị chuyển hết 49% cổ phần này cho Công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn. 

Đây là những đề nghị đi ngược lại chiến lược phát triển, tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó, với nội dung khi cổ phần hoá cảng, Nhà nước vẫn phải nắm 75% vốn điều lệ. Đấy là còn chưa nói khi đề xuất bán đi 49% cổ phần tại công ty cổ phần cảng Quy Nhơn cho một công ty tư nhân có tên Công ty Hợp Thành thì Bộ Giao thông vận tải đã bỏ qua những cảnh báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các vấn đề kinh tế, an ninh quốc phòng. 

Câu hỏi rất lớn được đặt ra: có những khuất tất nào phía sau hàng loạt những đề xuất, những quyết định thiếu trách nhiệm như thế này? Và với câu hỏi này, chúng ta hiểu rằng cũng giống hệt như vụ Mobifone mua AVG, chắc chắn những tổ chức, cá nhân liên quan trong vụ mua - bán, cổ phần hoá cảng Quy Nhơn sẽ bị kỷ luật trong thời gian tới.

Và cũng giống y như vụ Mobifone - AVG, mặc dù việc mua - bán cổ phần hoá ở cảng Quy Nhơn đã diễn ra xong xuôi, nhưng theo ông Bùi Ngọc Lam, Phó tổng Thanh tra Chính phủ thì Nhà nước sẽ thu hồi lại 75,01%, vì đấy là quá trình cổ phần hoá sai nguyên tắc. Đây lại là một ví dụ sinh động nữa cho chúng ta thấy rằng "ván đã đóng thuyền" nhưng sau đó "thuyền" lại phải quay về thành "ván".

Thưa độc giả, những ví dụ sinh động về việc "thuyền" quay về thành "ván" như thế này có hai ý nghĩa rất quan trọng: Thứ nhất, nó giúp cho nguồn vốn nhà nước không bị thất thoát. Và thứ hai, nó khiến cho tất cả những tổ chức, cá nhân nào tham gia quá trình đóng ván thành thuyền sai nguyên tắc sẽ bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. 

Nói theo ngôn ngữ bình dân là từ bây giờ trở đi, đừng có ai dễ dãi nghĩ rằng "ván đã đóng thuyền" là xong. Đừng có ai nghĩ rằng nhờ quá trình từ "ván" thành "thuyền" mà mình có thể ung dung trục lợi tài sản công. Như vậy, chúng ta lại nhận ra một ý nghĩa thứ ba, cũng rất quan trọng, đó là ý nghĩa cảnh báo cho tất cả những tổ chức, cá nhân nào vốn đang có ý định đóng "ván" thành "thuyền" sai nguyên tắc.

Chắc độc giả cũng theo dõi báo chí và biết thông tin rằng ở hàng loạt địa phương, những "khu đất vàng" vốn đã được chỉ định bán cho đối tác này, đối tác kia bây giờ cũng buộc phải dừng lại để xem xét, thanh tra toàn diện. Bởi thực tế là đã có những nơi, những chỗ bán đất "vàng" cho những doanh nghiệp sân sau hoặc doanh nghiệp quen biết với mình với mức giá thấp hơn hẳn mức giá thị trường để cùng nhau trục lợi. 

Lại có nơi, có chỗ lấy danh nghĩa "để phục vụ công tác tình báo" mà thâu tóm những "khu đất vàng" một cách thuận lợi. Chắc chắn là hiện nay, trong bối cảnh này, những đối tượng muốn tiếp tục thực hiện những phi vụ mua - bán, thâu tóm làm tổn hao tài sản công kiểu này đều đã nhìn thấy những bài học rất lớn cho mình.

Trước đây chúng ta vẫn hay nghe đến cụm từ mỉa mai một cách chua xót: "hạ cánh an toàn", nhưng bây giờ thì "hạ cánh" rồi mà vẫn chưa chắc an toàn. Trước đây chúng ta vẫn cứ nghĩ rằng "ván đã đóng thuyền" là xong thì bây giờ "ván đã đóng thuyền" cũng không xong.

Mà "ván đã đóng thuyền" cũng không xong thì chắc chắn không ai dại dột "đóng thuyền" một cách vô nguyên tắc nhằm phù phép tài sản công thành tài sản riêng, nằm gọn lỏn trong túi mình và những nhóm hội của mình.

Xin chân thành cảm ơn độc giả!

Nhà báo Vương Trọng Tín
.
.